Hạn hán khốc liệt nhất trong nhiều năm ở Tây Nguyên
Mùa khô năm nay, Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang đối mặt với cơn đại hạn khốc liệt nhất trong nhiều năm qua. Ao hồ trơ đáy, ruộng đồng nứt nẻ, hàng nghìn ha cây trồng đứng trước nguy cơ chết khát.
Hồ Ea H’Rar 1 (xã Ea Tul, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) cạn trơ đáy chưa từng thấy khiến người dân lao đao không biết lấy nước ở đâu để tưới cà phê.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, tính đến giữa tháng 3, trên địa bàn tỉnh này đã có gần 150 hồ chứa nước cạn kiệt 23 đập dâng trên suối nhỏ không hoạt động được do suối không còn dòng chảy 46 trạm bơm hoạt động hạn chế do mực nước sông, suối xuống quá thấp, lưu lượng dòng chảy nhỏ.
Ao hồ chứa nước tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung nứt nẻ kinh hoàng như thế này là hình ảnh khủng khiếp nhất nhiều năm qua. Bức ảnh chụp cảnh hồ Hồ Ea H’Rar 1 (xã Ea Tul, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) nứt nẻ trên toàn mặt hồ.
Video đang HOT
Ông Ama En ở xã Ea Tul, huyện Cư M’gar khóc ròng vì hạn hán quá khắc nghiệt. Ama En cho biết, trong đời ông chưa bao giờ thấy hạn hán nghiêm trọng như năm nay. Cả hecta cà phê của gia đình ông thiếu nước tưới, có nguy cơ chết héo.
Thiếu nước tưới cho cây trồng, người dân ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã hì hục chọn một nơi có mặt đất thấp nhất rồi cùng nhau dùng cuốc, xẻng, xà beng, búa… hợp lực đào những giếng sâu hàng chục mét nhưng vẫn chưa tìm thấy nước. Những xô đất đỏ ba-zan cứng ngắc được từ từ đưa lên khỏi mặt đất, cứ như vậy người dân nơi đây cứ kiên trì theo kiểu “chiến đấu” với trời giữa cái nắng đứng bóng đổ lửa.
Quy trình đào giếng lấy nước tưới “giải cứu” cây trồng đại hạn của người dân tỉnh Đắk Lắk.
Không kể già hay trẻ, họ cần mẫn đứng từ sáng đến chập tối bên miệng giếng để kéo những xô đất mà những người đào ở bên dưới lên.
Những xô đất được đổ ra ngoài chất thành đống cao đồ sộ nhưng… nước thì vẫn chưa tìm thấy.
Hai người đàn ông này đang chuẩn bị khoan mũi khoan sâu đến 80-100 mét để lấy nước tưới cho đám cà phê héo hắt ở bên cạnh. Chi phí dùng khoan máy để lấy nước, theo người dân cho biết, vô cùng tốn kém.
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tính đến giữa tháng 3, tổng diện tích cây trồng bị hạn là hơn 25.000 ha, trong đó hơn 7.000 ha lúa, hơn 17.000 ha cà phê. Đã có hơn 2.000 ha cây trồng mất trắng. Còn theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, khu vực Tây Nguyên gồm các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai đã có trên 50.000 ha cây trồng bị thiếu nước và hạn hán (trong đó diện tích lúa hơn 14.000 ha, cà phê hơn 34.000 ha, cây trồng khác hơn 2.000 ha). Trong đó số diện tích bị hạn nặng, bị mất trắng hơn 4.000 ha (cụ thể: lúa hơn 1.700 ha, cây trồng khác hơn 2.200 ha).
Mặc dù tỉnh Đắk Lắk đã đón nhận 2 “cơn mưa vàng” trong mấy ngày gần đây nhưng với tình trạng khô khát như hiện nay, người dân vẫn luôn “cầu trời” cho nhiều mưa hơn…
Theo Dantri
Hạn hán khốc liệt - Chuyện cũ nhưng vẫn... giật mình
Mùa khô năm nay, Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đang đối mặt với cơn đại hạn khốc liệt nhất trong nhiều năm gần đây.
ảnh minh họa
Tuy nhiên, tình trạng hạn hán gây mất mùa không phải là chuyện mới, mà đã liên tục xảy ra trong các mùa khô ở Tây Nguyên. Xét một cách khách quan, hạn hán ở Đắk Lắk không chỉ do thời tiết, mà chính con người đã góp một phần rất lớn để tự gây thiệt hại và làm cho hạn hán ngày càng trầm trọng hơn. Để đối phó với hạn hán, Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung cần có giải pháp căn cơ để biết cách "sống chung với hạn" chứ không phải chỉ biết đổ lỗi do trời.
Ngay khi mùa khô chưa đến, cơ quan Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên đã đưa ra dự báo năm nay sẽ xảy ra hạn hán khốc liệt do lượng mưa trong mùa mưa thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ nhiều năm và dự báo các cơn mưa trái mùa trong mùa khô cũng sẽ rất ít xảy ra. Dựa trên những dự báo đó, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp, không gieo trồng trên những diện tích nước tưới bấp bênh. Tuy nhiên, trên thực tế cả cơ quan chức năng và người dân ở Đắk Lắk vẫn "trở tay không kịp" khi hạn đến.
Là tỉnh trọng điểm về chuyên canh cây cà phê của cả nước, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có nghị quyết chỉ khống chế diện tích cà phê khoảng 150.000 - 160.000 ha để phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện tại diện tích cà phê của tỉnh đã tăng "phi mã" lên hơn 202.000 ha. Vụ đông xuân 2012 - 2013, ngành nông nghiệp Đắk Lắk "chốt" kế hoạch gieo trồng khoảng 37.000 - 38.000 ha, nhưng đến nay toàn tỉnh đã gieo trồng được gần 43.000 ha, vượt gần 10% so với kế hoạch; riêng lúa nước đạt gần 31.500 ha, vượt kế hoạch hơn 6.000 ha. Diện tích gieo trồng vượt cao so với kế hoạch là một trong những nguyên nhân khiến khoảng 42.000 ha cây trồng ở Đắk Lắk đang bị khô hạn; trong đó cây ngắn ngày có gần 25.000 ha (riêng lúa nước hơn 6.000 ha, tương ứng với diện tích lúa đông xuân vượt kế hoạch), diện tích còn lại là cà phê. Trong đó, diện tích cây trồng bị mất trắng đã lên đến hàng chục ngàn ha. Riêng những diện tích cà phê bị hạn nặng sẽ còn di hại đến nhiều năm do cần thời gian để phục hồi. Ngoài ra, hạn hán còn làm cho hàng chục ngàn hộ dân trên địa bàn các huyện, thành phố như: Krông Ana, Krông Bông, Krông Pách, Cư M'gar, Buôn Ma Thuột... thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Chắc chắn, thiệt hại do hạn hán vẫn chưa dừng lại ở những con số trên.
Rừng bị tàn phá nghiêm trọng; tình trạng khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm bừa bãi; các đập thủy điện được xây dựng ken dày trên các hệ thống sông suối chính, khiến việc điều tiết nước tưới trở nên khó khăn; những tác động của con người làm cho biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu... cũng là những nguyên nhân do con người tạo ra (nói gọn là "nhân tai"), khiến hạn hán ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung ngày càng khốc liệt.
Hạn hán ngày một gay gắt, khó lường, trong khi biện pháp chống hạn năm này qua năm khác vẫn chủ yếu là một mẫu số chung: khuyến cáo; sửa chữa, nạo vét kênh mương; thống kê diện tích cây trồng bị hạn, xin hỗ trợ kinh phí chống hạn; hỗ trợ nhiên liệu, tập trung bơm nước từ sông, hồ (đã dưới mực nước chết) để cứu cây trồng... Tuy nhiên, các giải pháp này sẽ trở nên vô nghĩa khi nguồn nước bị cạn kiệt. Và biện pháp sau cũng vẫn là xin kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng bị mất mùa, có khả năng thiếu đói do hạn hán gây nên.
Hạn hán sẽ thường trực trong đời sống, sản xuất của người dân Tây Nguyên qua mỗi năm. Vậy nên, Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung cần có giải pháp bền vững để "sống chung với hạn" chứ không phải dù chuyện cũ nhưng vẫn giật mình như hiện nay. Muốn vậy, việc sản xuất nông nghiệp cần được thực hiện theo đúng kế hoạch, đúng định hướng. Chẳng hạn như khống chế diện tích cà phê ở mức quy hoạch (Đắk Lắk là từ 150.000 - 160.000 ha) để phát triển bền vững, qua đó kiên quyết không phát triển cà phê ở những diện tích không phù hợp, hay áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường... Đó là những giải pháp không mới, nhưng sẽ là căn bản và bền vững để hạn chế hạn hán./.
Theo Dantri
Đà Nẵng "nắn gân" thủy điện để đòi nước Ngày 31/3, tại Đà Nẵng đã diễn ra cuộc họp khẩn cấp giữa Tổng cục thủy lợi, Tập đoàn điện lực Việt Nam và lãnh đạo hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam trước tình trạng hạn hán đang diễn ra khốc liệt. Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi Việt Nam chủ trì buổi làm...