Hạn hán khốc liệt, lô cốt quân sự lộ thiên sau 8 năm chìm dưới lòng hồ thủy điện
Nắng hạn kéo dài khiến mực nước hồ thủy điện ở Nghệ An xuống thấp kỷ lục, lô cốt quân sự cao gần 2m và nhiều cây cối lộ thiên hoàn toàn sau 8 năm chìm dưới đáy hồ.
Video: Hạn hán kéo dài, hồ thủy điện ở Nghệ An cạn trơ đáy
Hồ thuỷ điện Hủa Na (huyện Quế Phong, Nghệ An) có diện tích mặt nước 21km2; dung tích 569 triệu m3 (khi cao trình hồ đạt 240m so với mực nước biển).
Những ngày cuối tháng 7, sau đợt nắng hạn kéo dài hơn 2 tháng, mực nước trong hồ thủy điện Hủa Na đoạn dưới chân cầu Nậm Piệt, quốc lộ 48 khô cạn kỷ lục, chỉ cao chưa đầy 30cm, dòng chảy rộng 10m. Có thời điểm cao trình hồ chỉ còn 0,5m nữa là đến mực nước chết.
Tại bản Lốc (cũ), xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, lòng hồ khô cạn, nứt toác.
Để xây dựng thủy điện Hủa Na, trước tháng 7/2012, 1.363 hộ dân ở hai xã Thông Thụ và Đồng Văn phải di dời đến khu tái định cư, trong đó có 166 hộ của bản Lốc.
Một lô cốt quân sự rộng hàng chục m2, cao gần 2m lộ lên sau 8 năm chìm dưới lòng hồ thủy điện Hủa Na.
Lô cốt quân sự này nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng lòng hồ thủy điện Hủa Na, tuy nhiên công ty thủy điện không đập phá lô cốt mà để cho nước dâng cao khi tích trữ nước.
Nhiều gốc cây cổ thụ của bản Lốc trước đây cũng lần đầu hiện lên sau nhiều năm bị nhấn chìm khi nhà máy thủy điện đi vào hoạt động.
Những gốc cọ của người dân bản Lốc trước đây lộ lên trơ trọi, cỏ cũng bắt đầu mọc lên.
Thuyền bè của người dân xã Thông Thụ nằm bờ sau nhiều tháng nắng hạn kéo dài
Lưới đánh cá mắc vào ngọn cây cổ thụ chìm dưới đáy hồ suốt nhiều năm.
Theo người dân xã Thông Thụ, đây là lần đầu tiên sau 8 năm kể từ khi hồ thủy điện Hủa Na tích nước để vận hành, mực nước xuống thấp đến vậy.
Do nước khô cạn nên gỗ mục xuất hiện khắp lòng hồ.
Thủ tướng yêu cầu tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn
Ngày 21/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có công điện hỏa tốc gửi UBND các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên yêu cầu tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn.
Theo Công điện, từ đầu năm 2020 đến nay, lượng mưa tại một số vùng thuộc Nam Trung bộ bị thiếu hụt từ 20-90% so với cùng kỳ nhiều năm, khiến dung tích các hồ thủy điện, thủy lợi chỉ còn khoảng 20-60% dung tích thiết kế.
Cá biệt tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận hầu như không có mưa nên hiện hồ thủy điện, thủy lợi chỉ còn khoảng 13-17% dung tích thiết kế. Nhiều hồ chứa nhỏ đã cạn nước.
Trong khi đó, dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết tình trạng hạn hán này sẽ còn tiếp tục đến tháng 8-2020, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt khu vực này.
Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh khu vực Nam Trung bộ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22-1 về triển khai các giải pháp cấp bách trong phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn để điều chỉnh và bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước để tiếp tục điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng. Cùng với đó, chủ động thực hiện các giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi.
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT phân công một lãnh đạo bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện các phương án phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Bộ NN&PTNT theo dõi chặt diễn biến thời tiết, nguồn nước để điều tiết, đánh giá, điều chỉnh cân đối nguồn nước để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.
Bộ này cũng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các địa phương, các nhà máy thủy điện thống nhất kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở từng lưu vực sông để bổ sung nước cho vùng hạ du.
Đồng thời Bộ NN&PTNT tổ chức hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tưới tiết kiệm nước, sử dụng nước tiết kiệm để các địa phương, doanh nghiệp và người dân áp dụng. Tổng hợp tình hình hạn mặn, thiếu nước ở các địa phương; phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Thủ tướng xem xét, hỗ trợ cho các địa phương thực hiện giải pháp phòng chống hạn mặn theo quy định.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường theo sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo về tình hình mưa, dòng chảy để kịp thời cung cấp thông tin.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất xuất, sinh hoạt của nhân dân; đồng thời ưu tiên dành nước của các hồ chứa thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước.
Các bộ ngành khác như Y tế, Lao động - Thương binh và xã hội, Tài chính, Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan chủ động chỉ đạo, phối hợp hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn theo chức năng, nhiệm vụ quản lý.
15 năm sống giữa lòng hồ thủy điện Hơn chục năm qua, ông Mai Văn Hào sống trên ốc đảo giữa lòng hồ thủy điện Khe Diên, kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá và giúp bảo vệ rừng. Ốc đảo rộng hơn 1,5 ha nằm giữa hồ thủy điện Khe Diên, xã Quế Ninh, (huyện Nông Sơn) hình thành năm 2006, khi con sông chạy qua khu vực này được...