Hàn Đức Long – Vụ “Nguyễn Thanh Chấn thứ 2″ ở Bắc Giang?
Trong bài “Không đủ chứng cứ buộc tội, tử tù Hàn Đức Long có thể được trả tự do” (ngày 25/6/2016), chúng tôi đã phân tích những khả năng khiến tử tù Hàn Đức Long có thể được trả lại tự do. Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin lược lại ý kiến của LS Phạm Văn Cương về những điểm đáng chú ý trong vụ án này.
Một số tài liệu liên quan đến vụ án do LS Phạm Văn Cương cung cấp.
Yếu tố ngoại phạm của Hàn Đức Long
LS Phạm Văn Cương (Cty Luật T.H, đoàn LS Hà Nội) – người tham gia bào chữa miễn phí cho ông Hàn Đức Long từ phiên tòa sơ thẩm lần 2 cho đến nay. Nguyên là Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa, ông phân tích sâu sắc những bút lục, tranh tụng tại tòa và chốt những điểm… cần chốt. Những đơn từ kêu oan cho Hàn Đức Long của ông đã góp phần không nhỏ dẫn đến bản kháng nghị của TAND TC và sau đó là bản án Giám đốc thẩm lần 2: Hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm lần 2; chuyển hồ sơ cho VKSND TC để điều tra lại theo thủ tục chung.
Thứ nhất, các cơ quan tố tụng cho rằng cháu Yến mất tích vào lúc 19h. Nhưng tổng hợp đầy đủ, khách quan các bút lục trong hồ sơ thì cho thấy, cháu Yến phải mất tích ít nhất vào lúc 19h30. Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng để xác định Long có yếu tố ngoại phạm hay không.
Cụ thể, trong bút lục, chị Doãn Ngân khai: “Tôi đi cấy về, xem đồng hồ để trên đỉnh tủ, lúc đó là 18h45. Anh Giang đang ngồi xem tivi, tôi vào tắm thì anh Giang lấy xe máy đi.”. Còn anh Giang khai, đi xe máy đến quán nhà chị Liễu (mẹ cháu Yến) mua coca và nằm ngay nhà chị Liễu để uống coca, sau đó ông Lục đến còn mượn xe máy của anh Giang. Mà ông Lục khai, đến nhà chị Liễu lúc đó khoảng 19h hoặc hơn một chút, sau đó mượn xe của anh Giang để đi mua đá với thời gian khoảng 10 phút. Lúc về, vẫn thấy anh Giang và cháu Yến ở đấy. Như vậy đến thời điểm này, ít nhất đã phải là 19h15.
Còn bản thân mẹ của cháu Yến là chị Liễu khai rất rõ: “Lúc này trời đã tối hẳn, tôi đoán khoảng 19h20, lúc đó ông Giang vẫn còn ở trước quán”. Sau đó, hai chị em cháu Tân ra mua mì chính và ở lại chơi với cháu Yến khoảng 10 phút. Lúc chị em cháu Tân về ông Giang vẫn còn ở bên cháu Yến. Như vậy, thời gian mất tích của cháu Yến sớm nhất là khoảng 19h30. Theo thời gian, đây là một yếu tố ngoại phạm của Hàn Đức Long.
Thứ hai, trong kháng nghị của TAND Tối cao ngày 3/3/2009 nêu rõ: “Nếu căn cứ vào lời khai của chị Sổ, chị Yên thì chưa xác định được Hàn Đức Long vắng mặt ở quán xát gạo vào thời điểm nào. Cơ quan điều tra cũng chưa làm rõ những mâu thuẫn này”.
Trả lời câu hỏi này, cơ quan CSĐT khẳng định: “Long vắng mặt ở quán xát gạo trong khoảng thời gian chị Yên, chị Sổ đang xát gạo”.
Nhưng các bút lục ghi các lời khai của nhân chứng lại cho thấy điều ngược lại. Ngày 16/3/2011, ông Soạn khai: “Tôi thấy Xuân khênh hộ chị Yên thóc lên bệ máy, cũng là lúc tôi ra về. Tôi về được khoảng 200 – 300m thì gặp Long, tôi nói: Đi nhanh mà xát anh Long, đang vắng người…”. Lời khai này hoàn toàn phù hợp với lời khai của chị Sổ tại phiên tòa sơ thẩm ngày 16.5.2006: “… khi chị Yên đang chà gạo sắp song thì tôi hỏi anh Long nhường cho tôi xát trước…”. Hai lời khai này hoàn toàn phù hợp với nhau về thời gian, điều này cho thấy, ít nhất Long vẫn ở nơi xát gạo cho đến khi chị Sổ xát gần xong. Những lời khai này chứng minh ngược hẳn với kết luận trên của cơ quan CSĐT. Vậy vì sao cơ quan CSĐT vẫn khẳng định ngược với những gì các bút lục thể hiện?
Video đang HOT
Thứ ba, còn không ít chứng cứ ngoại phạm của Long không được cơ quan CSĐT làm rõ. Ví dụ, tại phiên tòa Phúc thẩm, Long khai trong thời gian chị Yên, chị Sổ xát gạo, Long vẫn ngồi và đi lại trong khu vực quán xát gạo và mô tả những ai đến quán nhà anh Nam xát gạo. Nếu ngay từ đầu, cơ quan điều tra xác minh các khách hàng đến quán nhà anh Nam lúc đó phù hợp với lời khai của Long hay không thì có cơ sở chứng minh là Long có mặt ở quán hay không. Điều đó cho thấy, từ cơ quan CSĐT đến VKS và tòa phúc thẩm đã không xác minh, làm rõ những yếu tố ngoại phạm của Long.
Hàn Đức Long trong các phiên tòa xét xử trước đó (Ảnh: Việt Đức – Pháp luật plus)
Thiếu khách quan của cơ quan CSĐT
Nếu diễn biến như lời khai của Long với cơ quan điều tra, Long phải bế cháu Yến chạy trên cả những quãng có nước, có đoạn ngập trên đầu gối. Vậy lẽ nào quần áo của Long không ướt, dù có mặc quần cộc đi nữa? Nhưng tất cả các lời khai của các nhân chứng đều cho rằng, không thấy gì bất thường bộ quần áo của Long. Điều đó cho thấy, nếu quần áo của Long bị ướt, nó sẽ khác thường và mọi người sẽ thấy. Do đó, lời khai lẫn việc tự vẽ sơ đồ của Long không phải do ý chí mình thực hiện, mà bị các điều viên bức cung, mớm cung như Long tố cáo. Đây cũng chính là một trong những nội dung mà Quyết định Giám đốc thẩm lần 2 (năm 2014) đưa ra với cơ quan điều tra.
Điều đáng lưu ý là, điểm rất phi lý này trở thành một nút gỡ tội cho Long đã không được các cơ quan tố tụng lưu tâm.
Mặt khác, quãng đường và thời gian gây án có quan hệ mật thiết với nhau khi thực nghiệm điều tra. Khoảng chênh lệch thời gian vắng mặt của Long tại chỗ sát thóc và thời gian gây án càng lớn thì khả năng Long gây án càng cao. Khi làm thực nghiệm năm 2006, với quãng đường cả đi và về tổng cộng hơn 1.756m, làm rất nhiều động tác gây án, nhưng chỉ hết tổng cộng có 20 phút 54 giây! Nhưng đến tháng 7/2015, việc thực nghiệm có mặt của luật sư thì quãng đường đã là hơn 1.857m. Sự sai lệch về quãng đường gây án lên tới hơn 101m đã cho thấy thiếu sự khách quan của cơ quan điều tra. Do đó, theo thực nghiệm, thời gian vắng mặt ở chỗ xay xát gạo là 35 phút nên dẫn đến kết luận: Thời gian đó Long thừa khả năng hại đời cháu Yến (?!).
Một nội dung khác, kháng nghị của TANDTC ngày 3/3/2009 nêu rõ: “Thực nghiệm điều tra này chưa đảm bảo sự chính xác vì Long là người thấp bé còn anh Diêm Đăng Vang (người đóng thế bị cáo) là người to hơn bị cáo và vật thực nghiệm chỉ nặng 10 kg trong khi cháu Yến nặng khoảng 14 – 15kg”.
Thậm chí, cơ quan CSĐT phải làm thực nghiệm đến lần thứ 5 mới có người đóng thế tương đương thể trạng ông Long và vật đóng thế cháu Yến có cân nặng, chiều dài tương đương với cháu Yến. Tuy nhiên, một trong những nội dung Quyết định Giám đốc thẩm lần 2 năm 2014 cho rằng: 3 lần thực nghiệm hiện trường xác định thời gian đều khác nhau; hình nộm là vật bất động, còn cháu Yến khi bị hại phải có động tác cử động nên cần thực nghiệm điều tra lại.
Có hay không bức cung, nhục hình?
Ngay trong phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất, Long đã tố cáo các điều tra viên bức cung nhục hình khiến Long phải nhận bừa tội. Và trong lần phúc cung chuẩn bị cho phiên tòa phúc thẩm (lần 2) với sự có mặt của LS Phạm Văn Cương, Long đã chỉ thẳng vào mặt điều tra viên tố cáo: “Các anh không chỉ đấm đá mà còn để hai chân ghế lên hai ngón chân cái của tôi, thỉnh thoảng lại dằn một cái thì tôi chịu sao nổi. Chính vậy tôi đã phải nhận tội”.
Chú thích: Sau bản án phúc thẩm lần 2 vẫn tuyên y án tử hình với Hàn Đức Long, LS Cương liên tục làm đơn Kháng nghị Giám đốc thẩm gửi các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cơ quan chức năng.
Vương Hà
Theo Dantri
Người 4 lần bị tuyên tử hình bị truy tố oan tội Hiếp dâm?
Lật lại những trang hồ sơ kỳ án Hàn Đức Long (Bắc Giang) mới thấy người đàn ông này bị Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quy kết tội "Hiếp dâm", nhưng có những căn cứ cho thấy bị cáo bị truy tố oan...
Chủ động nhận tội (?!)
Cách đây 11 năm, vào tối 26.6.2005, vợ chồng anh Nguyễn Đình Sơn (ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đi làm đồng về không thấy người con gái 5 tuổi là cháu N.T.Y đâu. Sáng hôm sau, người dân đi làm đồng đã phát hiện thi thể cháu Y nằm ở lòng máng nước giữa cánh đồng. Nạn nhân được xác định bị hiếp dâm và sát hại.
Sau 4 tháng không tìm ra thủ phạm gây án, Công an tỉnh Bắc Giang quyết định tạm đình chỉ vụ án, đồng thời phát động nhân dân tố giác các đối tượng có hành vi sàm sỡ, cưỡng bức với phụ nữ trên địa bàn.
Dẫn giải Hàn Đức Long.
Vào ngày 12.10.2005, chị Nguyễn Thị Chung (con dâu bà Ngô Thị Khuyến - ở xã Phúc Sơn) có đơn tố cáo với nội dung: Vào tháng 2.2005 (âm lịch), Hàn Đức Long (SN 1959, thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn) có hành vi hiếp dâm bà Ngô Thị Khuyến (SN 1930). Một ngày sau, chị Trương Thị Năm (con gái bà Khuyến) có đơn tố cáo vào khoảng tháng 6.2004 và tháng 7.2005 (âm lịch) hai lần bị Hàn Đức Long hiếp dâm. Cả hai đơn tố cáo trên đều do chị Chung viết hộ.
Ngay sau đó, Công an huyện Tân Yên đã triệu tập Hàn Đức Long để làm rõ việc bị tố cáo.
Theo hồ sơ, Hàn Đức Long đã khai nhận hành vi hiếp dâm bà Khuyến và chị Năm. Trên cơ sở đó, Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố và bắt tạm giam Hàn Đức Long. Ở trong trại tạm giam của Công an tỉnh Bắc Giang, một thời gian sau Hàn Đức Long đã có đơn đầu thú khai nhận hành vi hiếp dâm và sát hại cháu N.T.Y.
Bị vu khống tội Hiếp dâm?
Với những diễn biến trên, Hàn Đức Long bị truy tố về 3 tội: Hiếp dâm, Hiếp dâm trẻ em và Giết người. Tại tất cả các phiên tòa, Hàn Đức Long không thừa nhận hành vi của mình, bị cáo nói việc nhận tội tại Cơ quan điều tra là do bị bức cung, nhục hình.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 05/2007 ngày 31.1.2007 của TAND tỉnh Bắc Giang và bản án phúc thẩm số 504/2007 ngày 25.6.2007 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, sau khi xem xét thấy không đủ cơ sở, tòa đã kết luận Hàn Đức Long không phạm tội Hiếp dâm (hành vi với bà Khuyến và chị Năm). Hội đồng xét xử của hai phiên tòa trên đều cho rằng Hàn Đức Long đã có hành vi hiếp dâm và sát hại cháu Y nên đã tuyên án tử hình với bị cáo. Tuy nhiên sau đó cả hai bản án này đều bị Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao tuyên hủy để điều tra lại.
Hiện trường nơi cháu Y bị sát hại cách đây 11 năm.
Đến năm 2011, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần hai vẫn kết luận Hàn Đức Long không phạm tội Hiếp dâm (hành vi với bà Khuyến và chị Năm). Hàn Đức Long vẫn bị tuyên án tử hình về hai tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người (vụ cháu Y). Sau đó Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm. Tuy nhiên cả hai bản án này lại bị Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao tuyên hủy để điều tra lại.
Luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn luật sư TP.Hà Nội, người tham gia vụ án từ năm 2011 bào chữa cho Hàn Đức Long) cho biết: Việc Hàn Đức Long bị bắt xuất phát từ sự tố giác hành vi hiếp dâm hai mẹ con bà Năm. Nhưng, sự tố giác này có dấu hiệu bất thường. Trước đó Hàn Đức Long đã có xô xát và gây thương tích cho chị Nguyễn Thị Chung. Khi giải quyết vụ việc, cơ quan chức năng đã yêu cầu Hàn Đức Long phải bồi thường cho chị này 1,6 triệu đồng, nhưng Hàn Đức Long mới bồi thường được 1,3 triệu đồng. Sau đó chính chị Chung đã viết đơn giúp mẹ chồng và chị chồng tố cáo Hàn Đức Long có hành vi hiếp dâm.
"Những tài liệu liên quan đến sự mâu thuẫn giữa Hàn Đức Long và gia đình chị Chung dẫn tới xô xát ban đầu bị bỏ ra ngoài khiến cho những cơ quan tiến hành tố tụng và nhiều luật sư tham gia vụ án không biết. Trong quá trình điều tra lại, vị cán bộ phụ trách điều tra vụ án chết, lúc này người ta mới phát hiện trong tủ hồ sơ của vị cán bộ trên có 49 bút lục liên quan đến vụ án Hàn Đức Long. Sau đó 49 bút lục này đã được đưa vào hồ sơ vụ án. Đây là cơ sở để đánh giá tính logic của vụ án" - LS Ngô Ngọc Trai cho biết.
Trở lại với vụ án Hàn Đức Long, tháng 4.2016 Công an tỉnh Bắc Giang đã có kết luận điều tra mới, nhưng ngay sau đó Viện KSND tỉnh Bắc Giang lại trả hồ sơ yêu cầu bổ sung.
Theo Danviet
Có đúng người từng 4 lần bị tuyên án tử hình sắp được minh oan? Vụ án Hàn Đức Long (Bắc Giang) - người từng 4 lần bị tuyên án tử hình - lại gây xôn xao dư luận khi mới đây xuất hiện thông tin người này không có tội. Mới đây, trên trang Facebook của luật sư Ngô Ngọc Trai - người bào chữa cho Hàn Đức Long - có đưa thông tin Hàn Đức Long...