Hận chồng tận xương tủy, nhưng không thể ly hôn
Chị đang ở hoàn cảnh vô cùng khó xử, vì như người xưa nói “bỏ thì thương, vương thì tội”. Chị cố nén đau buồn để sống cho hết trách nhiệm.
“Tôi đã đọc bài báo Khi gà mái nổi giận đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM hồi tháng 3/2020, thấy hoàn cảnh nhân vật sao giống nhà tôi quá. Tôi cảm phục cách xử sự kiên quyết và dũng cảm của chị ấy, nhưng không thể học tập được. Dù hận chồng tận xương tủy, nhưng tôi không đang tâm bỏ chồng, vì anh ta là người tật nguyền”.
Đó là tâm sự của chị Nh. (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) về hoàn cảnh gia đình mình. 39 tuổi mà “hai lần đò”, chị Nh. tưởng rằng sự lựa chọn thứ hai là khôn ngoan, khi ôm đứa con gái sáu tuổi về chung nhà với một người đàn ông tật nguyền.
“Anh ấy điềm đạm, rất giỏi nghề chữa bệnh gia súc gia cầm, do người cha truyền lại cho”. Người đàn ông chỉ cao 80cm, suốt ngày nằm một chỗ ấy lại thông minh và hiểu biết. Chị đồng ý lấy anh vì thương mến và cảm phục. Người chồng trước dù lành lặn nhưng bạc tình, bạc nghĩa, cùng với gia đình bên nội luôn coi trọng tiền của hơn tình người, đã đẩy mẹ con chị vào hoàn cảnh hết sức khốn khổ, phải tìm đến giải pháp chia tay.
Anh chồng tật nguyền tuy sức khỏe hạn chế, hay bị đau ốm vặt, nhưng thực sự là người làm chủ kinh tế gia đình. Tám năm qua, anh đã giúp chị nuôi dạy con gái ăn học tử tế, chu đáo như người cha ruột. Cho tới khi chị sinh được với anh cậu con trai thì tình cảm cha dượng, con vợ có thay đổi. Anh không còn cưng chiều con bé như trước.
“Cơm có bữa, chợ có phiên”, không gì là viên mãn được. Cuộc sống gia đình cũng vậy. Tiền bạc hai vợ chồng kiếm ra cũng nhiều. Anh vừa tư vấn, vừa chữa bệnh gia súc, gia cầm cho người ta. Chị tần tảo mấy sào ruộng, sào vườn, ấp gà con, nuôi gà thịt, vỗ béo đàn heo. Nếu như thi thoảng anh không bị nằm bệnh viện thì cũng dư dật được nhiều tiền.
Hồi cuối năm ngoái, anh ốm một trận “thập tử nhất sinh”, trái tim đau yếu của anh tưởng như ngừng đập. Chị bán hết heo gà chạy chữa cho chồng, may là anh mệnh lớn nên thoát chết, tuy sức khỏe không còn được như trước. Sau Tết, đại dịch COVID-19 làm đình trệ tất cả công việc, hai đứa con của chị cũng nghỉ học ở nhà chơi mấy tháng liền.
Video đang HOT
Trong những ngày này, chị phát hiện tội lỗi “tày trời” của chồng: anh đã để mắt tới con gái riêng của vợ. Con bé mới 14 tuổi, còn quá ngây thơ và không nghi ngờ gì cha dượng – vốn thương yêu nó từ nhỏ. Lợi dụng lúc nhờ con lấy cho ly nước, viên thuốc, đấm bóp lưng cho đỡ nhức mỏi, người cha dượng hư hỏng đã lộ mặt “yêu râu xanh”.
Từ những đụng chạm, sờ nắn có chủ ý, anh dụ dỗ con bé làm chuyện người lớn: “Mày chiều cha tí nhé? Rồi cha mua cho chiếc iPhone 7, tha hồ lên mạng”. Con bé thấy vậy thì sợ hãi bỏ đi, mãi mới dám kể lại với mẹ. Chị không tin, chờ dịp ghi âm lại được những lời sàm sỡ của chồng với con gái. Một buổi, chỉ có hai vợ chồng với nhau, chị đem chứng cớ ra nói thẳng với chồng: “Em lấy anh vì rất thương và nể phục. Giờ anh nên giữ cho em lòng kính trọng đó. Anh hãy buông tha con bé”.
Trái với dự đoán của chị, anh không tỏ ra ăn năn hối lỗi mà chối phăng, còn lu loa lên là chị vu khống, làm nhục anh. “Cô định làm cho tôi lên máu mà chết hả? Con ranh kia nứt mắt mà đã đú đởn rồi, chứ tôi nào dụ dỗ nó”. Thoắt cái, người chồng điềm đạm biến thành kẻ ngoa ngoắt, lật lọng đến không ngờ.
Chị Nh. nói dù rất cảm phục cách xử sự của nhân vật nữ trong bài báo Khi gà mái nổi giận, nhưng chị không thể bỏ chồng mà ôm con đi. Càng không đuổi được chồng ra khỏi nhà, vì ngôi nhà là do cha mẹ chồng để lại.
“Nếu anh ấy lỡ làm hại con bé rồi, tôi quyết chết cả hai vợ chồng. Nhưng sự việc chưa có gì nghiêm trọng, nên tôi đành chấp nhận tiếp tục sống chung. Bỏ chồng bây giờ, thiên hạ sẽ cho tôi là ruồng rẫy người tật nguyền, theo bồ bịch chẳng hạn. Với lại thằng út mới năm tuổi, nó cần có cha”.
Biện pháp tích cực của chị Nh. là nói con gái luôn tránh cha dượng một khoảng cách an toàn, từ chối mọi sự đề nghị chăm sóc như ngày trước. Cũng may là con gái chị đã lớn và khá hiểu biết. Nó động viên chị: “Mẹ đừng lo! Con sẽ biết cách bảo vệ mình. Ông ấy nằm một chỗ, chẳng làm gì được đâu”.
Chị đang ở hoàn cảnh vô cùng khó xử, vì như người xưa nói “bỏ thì thương, vương thì tội”. Vốn bản chất hay thương người, chị cố nén nỗi đau buồn để sống cho hết trách nhiệm. Là phụ nữ, hãy biết tha thứ. Chị nói như vậy, và băn khoăn liệu có ai phản đối mình không?
Chuyện nhói lòng phía sau sổ tiết kiệm 50 triệu đồng của người mẹ câm
Mười năm bỏ mặc người mẹ tật nguyền nhưng tôi không ngờ, đến lúc sa cơ, lại nhận được món quà từ bà.
Xa quê 10 năm, tôi mới về thăm lại nơi chôn rau, cắt rốn của mình. Chuyến đi này rất khác, vì lâu lắm rồi, tôi không gặp lại mẹ.
Mười năm trước, vì tin vợ, tôi đã hiểu lầm mẹ, không về quê thăm bà. Gần đây, hai vợ chồng tôi ly hôn, nhiều chuyện trong quá khứ mới được hé lộ. Điều khiến tôi đau lòng nhất là việc bỏ rơi người mẹ tật nguyền của mình.
Mẹ tôi không may bị câm điếc bẩm sinh. 20 tuổi, bà có thai, bố tôi là ai, tôi không rõ, ông bà ngoại tôi càng không biết.
Tuy nhiên, thay vì trách móc, ông bà ngoại coi tôi là món quà mà ông trời bù đắp cho đứa con gái thiệt thòi. Nhà nghèo nhưng mẹ tôi vẫn quyết cho tôi đến trường, học con chữ.
Bà mò cua, bắt ốc, ăn cơm với rau mắm, nhường tôi miếng thịt. Tuổi thơ tôi thiếu thốn vật chất nhưng tràn ngập tình yêu thương. Tôi thông minh, sáng dạ, năm nào cũng được huyện trao học bổng.
Bốn năm tôi đại học, mẹ chắt chiu từng đồng, gửi lên cho tôi mua máy tính, giáo trình ngoại ngữ. Mỗi lần về nhà, thấy đôi tay mẹ thêm chai sần, đôi mắt trũng sâu, tôi xót xa trong lòng, tự nhủ, sẽ kiếm thật nhiều tiền, đón mẹ lên thành phố, phụng dưỡng mẹ.
Sau 5 năm ra trường, tôi mua được nhà, lấy vợ và đón mẹ lên ở. Chẳng ngờ, chung sống được một năm, mọi chuyện bắt đầu rối ren. Vợ tôi con nhà khá giả, căn nhà hai vợ chồng ở cũng có một nửa tiền cô ấy đóng góp.
Một lần, vợ tôi kêu mất nữ trang. Tôi bảo cô ấy tìm kĩ lại xem có nhầm lẫn gì không? Chuyện mất trộm chưa lắng xuống, đến chuyện cậu con trai 1 tuổi của tôi ngày nào cũng xuất hiện vết tím bầm, vết ngón tay cấu véo.
Vợ sụt sịt khóc lóc, cho rằng thằng bé ở nhà cả ngày với bà nội, những vết thâm tím đó không ai khác ngoài bà gây ra. Giúp việc chỉ làm theo giờ, gắn bó với cô ấy từ ngày chưa lấy chồng. Phần lớn, mọi điều nghi vấn, trách móc của vợ đều đổ dồn vào mẹ tôi.
Ban đầu, tôi một mực bênh vực mẹ. Vợ chồng tôi cãi vã. Mẹ tôi nhìn nét mặt các con, cũng hiểu đôi phần nên phiền lòng, xách đồ định bỏ về quê. Tôi giữ mẹ lại, không ngờ làm rơi túi đồ, dây chuyền, vòng vàng của vợ tôi văng tung tóe.
Vợ tôi được thể lu loa, làm ầm lên. Mẹ tôi mắt đỏ hoe, tay không ra khỏi nhà. Từ chỗ bênh vực mẹ, tôi chuyển sang ghét bỏ bà. Tôi không ngờ, mẹ có thể làm những việc đáng xấu hổ như vậy.
Tôi giận mẹ, vợ lại nói thêm vài câu, từ đó tôi nhất không về thăm bà, cho dù bà nhờ người nhắn tin hỏi thăm.
Cho đến ngày chúng tôi ly hôn vì cô ấy có người khác, công việc làm ăn cũng đổ bể. Tôi về nhà cũ dọn dẹp đồ mang sang nơi ở mới, chẳng ngờ nghe lén được vợ nói chuyện với bạn thân. Hóa ra, 10 năm tước, chính cô ấy là người đánh con và lén bỏ vàng vào túi xách của mẹ chồng, hòng vu oan cho bà, lấy cớ đuổi bà về quê.
Lúc này, chị họ hẹn gặp, đưa cho tôi cuốn sổ tiết kiệm 50 triệu đồng. Chị nói đây là số tiền mẹ dành dụm từ tiền bán lợn gà, gửi cho tôi. Mười năm bỏ mặc người mẹ tật nguyền nhưng tôi không ngờ, đến lúc sa cơ, lại nhận được món quá từ bà.
Mẹ tôi già yếu đi nhiều, đôi mắt đã lòa vì khóc nhớ con. Lòng tôi nghẹn lại... Về đến cổng, mẹ tôi ngồi đó, còm cõi, đôi mắt mờ đục hướng ra xa. Đến khi tôi khẽ cầm bàn tay mẹ, đôi mắt đó mới phấn chấn đôi chút. Tôi đã gục vào lòng mẹ, bật khóc như một đứa trẻ.
Cả cuộc đời, tôi không thể tha thứ cho bản thân vì thái độ với mẹ ngày trước. Cuộc đời này, có mẹ là một điều quý giá, mong rằng, đừng ai phạm phải sai lầm giống tôi.
Chuyện tình của cô gái xinh đẹp và chàng trai tật nguyền khiến nhiều người suy ngẫm Đã hơn 3 năm trôi qua nhưng những người dân ở xóm nhỏ thuộc xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa vẫn nhắc lại chuyện tình cổ tích của chàng trai tật nguyền với cô thiếu nữ xinh đẹp nơi xứ Lạng như một giai thoại. Giọt nước mắt đồng cảm Cặp đôi rạng rỡ trong ngày cưới Cặp vợ chồng...