Hạn chế xe cá nhân là việc chắc chắn phải làm
Ông Bùi Xuân Cường – giám đốc Sở GTVT TP.HCM – khẳng định như vậy tại cuộc họp về tình hình kinh tế – văn hóa – xã hội của UBND TP sáng 27-4.
Dòng xe nối đuôi nhau trên đường Phan Văn Trị đoạn từ Nguyễn Thái Sơn đến Lê Đức Thọ, P.7, Q.Gò Vấp – Ảnh: Q.KHẢI
Theo đó, dự kiến khoảng tháng 10-2017, Sở GTVT sẽ trình UBND TP phương án, lộ trình cụ thể để hạn chế xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM.
Ông Cường thông tin thêm hiện Sở GTVT và các cơ quan chuyên môn đang phối hợp tích cực khảo sát, nghiên cứu và xây dựng đề án về hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.
Hạn chế xe cá nhân là việc chắc chắn phải làm trong thời gian tới. Bởi sự phát triển và sức chịu đựng của hạ tầng giao thông TP đã không thể theo kịp tốc độ phát triển của xe cá nhân
Ông Bùi Xuân Cường (giám đốc Sở GTVT TP.HCM)
Việc này sẽ được thực hiện đúng quy định, quy trình, có tham khảo lấy ý kiến phản biện của chuyên gia, nhà khoa học và sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
“Hạn chế xe cá nhân là việc chắc chắn phải làm trong thời gian tới. Bởi sự phát triển và sức chịu đựng của hạ tầng giao thông TP đã không thể theo kịp tốc độ phát triển của xe cá nhân”- ông Cường nói và cung cấp số liệu hiện mỗi ngày, TP có 169 ô tô và 816 xe máy đăng ký mới.
Ngoài ra, theo kế hoạch đến năm 2020, TP phải cắt giảm 70% khí thải do phương tiện giao thông gây ra. Do vậy, việc hạn chế xe cá nhân không chỉ giúp giảm ùn tắc mà còn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Tường – phó Ban an toàn giao thông TP – báo cáo sau hai tháng ra quân lập lại trật tự vỉa hè đã đạt một số kết quả. Tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè ở một số nơi.
Ông Tường đề nghị TP phải phê bình kiểm điểm trách nhiệm những địa bàn để tái chiếm vỉa hè.
“Đừng để người dân có cảm giác chúng ta làm kiểu phong trào: cứ ra quân rầm rộ một thời gian rồi mọi thứ trở lại như cũ”, ông Tường nói.
Video đang HOT
(Theo Tuổi Trẻ)
Khổ như... kẹt xe ở TP.HCM
Tình trạng kẹt xe trên địa bàn TP.HCM đã đến mức đỉnh điểm trong khoảng 1 tháng gần đây. Ùn ứ, quá tải giao thông không chỉ ở các khu vực trung tâm mà đã lan khắp nơi.
Kẹt xe tại ngã ba Hai Bà Trưng - Trần Quốc Toản Ảnh: Khả Hòa
Ngoài những tuyến đường kẹt xe kinh niên đã trở thành quen thuộc, những ngày gần đây, người dân TP.HCM phải đối mặt với nhiều điểm nóng kẹt xe mới.
Từ nơi làm việc về đến nhà chỉ 5 km nhưng nhiều lúc phải mất hơn 90 phút mới thoát khỏi đám kẹt xe để về đến nhà, nhất là những hôm trời mưa lớn, kẹt xe kết hợp ngập nước nên rất khổ sở, phải 2 tiếng đồng hồ mới về đến nhà
Ông Võ Hoàng Minh, làm việc trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Mất 90 phút để đi 5 km
Đại lộ Phạm Văn Đồng, đoạn qua Q.Gò Vấp dù mới đưa vào sử dụng nhưng hiện thường xuyên xảy ra kẹt xe. Đặc biệt, đoạn từ đường Hồng Hà đến Phan Văn Trị trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương, nhất là vào những giờ cao điểm buổi chiều tối.
Theo phản ánh của nhiều người dân, nguyên nhân kẹt xe do mặt đường dành cho xe 2 - 3 bánh được bố trí quá hẹp trong khi lượng xe lưu thông quá lớn. Trước bất cập này, Sở GTVT vừa phải điều chỉnh cho xe gắn máy chạy vào làn ô tô trong một số giờ nhất định nhưng vẫn không giải quyết được kẹt xe.
Đường Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp, đoạn gần đường Phạm Văn Đồng gần nửa tháng nay cũng thường xuyên bị quá tải do lượng xe lưu thông gia tăng từ hướng Q.12, Q.Hóc Môn rẽ ra hướng Q.Thủ Đức. Thế nhưng, mặt đường Phan Văn Trị hẹp, lại bị người buôn bán lấn chiếm. Tương tự, quốc lộ 13 đoạn từ vòng xoay Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu (Q.Bình Thạnh) trước đây ít khi kẹt xe. Thế nhưng, hơn 10 ngày nay đoạn đường này thường xuyên xảy ra ùn ứ, nhất là vào buổi chiều đến tối.
Theo Sở GTVT, lưu lượng xe tăng cao nhưng mặt đường nhiều năm qua bị thắt cổ chai tại nút giao Đài liệt sĩ là nguyên nhân kẹt xe. Chưa kể, dịp lễ tết, lượng xe ra vào Bến xe Miền Đông tăng cao đã khiến đoạn đường ùn ứ cả tiếng đồng hồ. Tại Q.1, gần 1 tuần qua đường Tôn Đức Thắng đoạn từ Bến Bạch Đằng đến giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh ngày nào cũng kẹt xe, gây khổ sở cho người đi đường. Nguyên nhân kẹt xe do mặt đường Tôn Đức Thắng vốn đã hẹp, lại bị ảnh hưởng do công trình thi công nhà ga Ba Son.
Không quản lý được Uber ?
Đặc biệt, tại khu vực nội thành TP.HCM, dễ dàng nhận thấy, ngoài số lượng taxi có phù hiệu, thời gian gần đây lượng ô tô 4 - 7 chỗ tăng đột biến. Có giả thuyết cho rằng, phần lớn trong số này là chạy hợp đồng điện tử như Uber, Grab...
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, về taxi thì TP đã khống chế số lượng. Các hãng taxi chủ yếu thay xe cũ bằng xe mới chứ không tăng đầu xe. Số lượng ô tô tăng cao, trong đó có nhiều người mua để tận dụng làm thêm với các loại hình như Grab, Uber... Theo một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, đối với xe Uber thì TP không quản lý được vì không đăng ký. Còn Grab, công ty này (cùng với Vinasun) có đăng ký và đã được phê duyệt tham gia đề án thí điểm kinh doanh vận tải hành khách theo dạng hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, doanh nghiệp yêu cầu không công bố vì cho rằng đây là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với Uber, hồi đầu tháng 3.2016, chia sẻ với báo chí, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber VN, cho biết hơn một năm qua số lượng tài xế đăng ký Uber tăng đột biến. Nếu gần cuối năm 2014 mới chỉ có 300 tài xế tham gia thì đến quý 2/2016 đã lên đến gần 15.000 người.
Tại đường Huỳnh Tấn Phát, đoạn gần cầu Phú Xuân (Q.7 giáp ranh với H.Nhà Bè), gần đây liên tục ùn ứ xe cộ. Vào mỗi buổi chiều đến tối, xe cộ phải rồng rắn cả tiếng đồng hồ để nhích về hướng Q.7. Nhiều người dân ngụ trên đường Huỳnh Tấn Phát cho biết, đây là hiện tượng lạ vì từ trước đến giờ nơi đây chưa xảy ra kẹt xe. Thế nhưng, càng ngày dân cư càng đông. Nhiều khu dân cư, căn hộ mọc lên trên các tuyến đường xung quanh tại Q.7 và TT.Phú Xuân (H.Nhà Bè) đã kéo theo hàng nghìn cư dân về sinh sống khiến nhu cầu đi lại gia tăng đột biến, nhưng mặt đường thì không tăng.
Đường Cộng Hòa, từ giao lộ Trường Chinh - Cộng Hòa (P.15, Q.Tân Bình) hướng về vòng xoay Lăng Cha Cả, đã thông thoáng từ khi TP đưa vào sử dụng 2 cầu vượt thép Hoàng Hoa Thám và Lăng Cha Cả. Thế nhưng, một tháng trở lại đây, ngày nào cũng chật kín người và xe. Vào các giờ cao điểm sáng và chiều tối, xe cộ chỉ nhích từng chút, chậm hơn cả đi bộ. Buổi chiều tối mà gặp mưa vừa kết thúc là kẹt xe kéo dài 3 - 4 km, rất khủng khiếp.
Ông Võ Hoàng Minh, làm việc trong sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết: "Từ nơi làm việc về đến nhà chỉ 5 km nhưng nhiều lúc phải mất hơn 90 phút mới thoát khỏi đám kẹt xe để về đến nhà, nhất là những hôm trời mưa lớn, kẹt xe kết hợp ngập nước nên rất khổ sở, phải 2 tiếng đồng hồ mới về đến nhà".
Để tránh kẹt xe đường Cộng Hòa, ông Phạm Văn, làm nghề thầu xây dựng, nhà ở xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, cho biết, nửa tháng nay, dù làm công trình ở Q.9, nhưng ông không đi đường Cộng Hòa, Cách Mạng Tháng Tám nữa.
Thay vào đó, ông chạy xe máy từ nhà ra ngã tư An Sương, theo quốc lộ 1, quẹo vô đường Quang Trung, sau đó ra đường Phạm Văn Đồng rồi đến ngã tư Thủ Đức. Mặc dù phải mất 2 tiếng đồng hồ di chuyển nhưng ông Văn vẫn phải chấp nhận, vì dù sao cũng khỏe hơn đi đường Cộng Hòa.
Đường xã cũng kẹt xe 2 tiếng
Có lẽ trường hợp kẹt xe gần đây khiến nhiều người bị ám ảnh nhất là đường Thới Hòa (xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh). Mặc dù địa giới hành chính là thuộc xã, nhưng do đô thị hóa tự phát quá nóng, lượng người và xe di chuyển trên đường luôn dày đặc. Tuyến đường dài hơn 3 km nhưng không hề có lối thoát do không có hẻm thông ra đường khác, không có giao lộ. Đặc biệt là cảnh họp chợ ngay trên vỉa hè, lấn xuống lòng đường, xe cộ di chuyển lộn xộn, thậm chí đi ngược chiều nên khi kẹt xe là toàn bộ xe cộ đứng bánh, tới không được, lui cũng không xong.
Nhiều người dân ở khu vực này cho biết thường xuyên kẹt xe 2 tiếng đồng hồ, nhất là buổi chiều tối. Không may xảy ra hỏa hoạn chắc chết vì không có đường thoát. Hiện nay, UBND xã Vĩnh Lộc A đã cho dân phòng, dân quân chốt hai bên đường để hạn chế nạn họp chợ dưới đường gây kẹt xe.
Tại xa lộ Hà Nội đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến ngã tư Bình Thái, Q.Thủ Đức, trong buổi sáng 24.9 liên tục xảy ra ùn ứ. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, dù lượng xe qua lại trên xa lộ Hà Nội khá đông nhưng do thi công metro nên nhà thầu cấm xe từ xa lộ Hà Nội rẽ vào đường Võ Văn Ngân, cấm xe lưu thông trên đường Nguyễn Văn Bá. Nhiều tài xế không biết lộ trình thay thế nên cứ chạy lòng vòng càng khiến giao thông thêm rối.
Ngân sách TP chỉ đáp ứng 30% nhu cầu xây dựng cầu, đường
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, mỗi ngày bình quân TP.HCM có thêm 1.000 xe gắn máy đăng ký mới, 180 ô tô, thậm chí có ngày có 250 xe ô tô đăng ký mới. Với số lượng xe đăng ký mới tăng "nóng" hơn 1.200 xe/ngày, TP.HCM đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực, đặc biệt là ùn tắc và tai nạn giao thông.
Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, TP là địa phương có số lượng phương tiện giao thông cao nhất nước với hơn 7,6 triệu xe các loại. Theo Sở GTVT TP, đến hết năm 2015, TP.HCM đã có 627.000 ô tô, tăng gấp 5 lần so với 15 năm trước. Nếu tốc độ trên vẫn duy trì, đến năm 2020 TP.HCM có trên 1 triệu ô tô. Ít nhất phải tăng diện tích mặt đường lên gấp đôi mới có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân TP. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông luôn thiếu. Ngân sách thành phố chỉ đáp ứng 30% nhu cầu xây dựng cầu, đường. Trong 6 tháng đầu năm 2016, số người chết do tai nạn giao thông tại TP tăng trên 15%, cao hơn nhiều mục tiêu 5% trong năm 2016. Một trong những nguyên nhân là do áp lực từ mật độ phương tiện giao thông tăng cao, sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông (chiếm tới 80% nguyên nhân trong các vụ tai nạn).
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, kẹt xe tăng đột biến có nhiều nguyên nhân, ngoài việc do số lượng phương tiện tăng quá cao, còn do năm học mới, học sinh vào học đầu giờ sáng và cuối giờ chiều khiến giao thông trên đường gia tăng, chưa kể phụ huynh tụ tập đưa đón. Ngoài ra, còn do gần đến cuối năm, nhiều công trình thi công chiếm dụng mặt đường để thi công cống thoát nước, mở rộng vòng xoay, cầu vượt..., làm thu hẹp diện tích giao thông góp phần gây kẹt xe.
Ông Tường cho biết đã yêu cầu UBND các quận huyện phối hợp với PC67 Công an TP đưa lực lượng điều tiết giao thông đến các điểm nóng kẹt xe, nhất là giờ cao điểm. Về lâu dài, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án metro, BRT; hoàn thiện và nâng cao chất lượng xe buýt để thu hút người dân đi lại.
Giải quyết kiểu &'đổ dầu vào lửa'
Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nhận định mức độ kẹt xe tại TP.HCM đang tăng dần, từ 1 - 2 giờ mỗi ngày nay lan ra cả ngày, từ vài điểm nay lan ra cả thành phố.
Điểm thắt nút chai vào cầu vượt Hoàng Hoa Thám Ảnh: Độc Lập
Trong lúc đó, diện tích đường lại tăng nhỏ giọt. Đặc biệt, giao thông công cộng như xe buýt "không tới đâu". Theo thống kê mới nhất, Hà Nội và TP.HCM đều giảm số lượng hành khách đi xe buýt 5 - 10%, đây là yếu tố rất bất lợi. Kinh tế phát triển, buộc người dân phải mua sắm xe cá nhân để đi lại, làm ăn. Kẹt xe là hậu quả tất yếu. Điều cần làm là phải xem lại công tác quản lý đô thị, quản lý lòng lề đường. Các cơ quan nhà nước làm việc này chưa tốt. Vì vậy, bệnh càng ngày càng nặng và đã trở thành nan y.
Theo ông Phạm Sanh, nguyên nhân chính của nạn kẹt xe là vận tải công cộng không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó là do các cơ quan quản lý nhà nước sợ trách nhiệm. Đang có tình trạng hỗn loạn về giải pháp, loạn chuyên gia. Các giải pháp chống kẹt xe của TP thiếu thực tế mà chủ yếu mang tính đối phó. Làm vài cầu vượt, vòng xoay chỉ là giải pháp tình thế, gãi ngứa. Hết kẹt xe chỗ này thì sẽ chuyển sang kẹt xe chỗ khác.
Ông Phạm Sanh nhận định để giải quyết vấn đề kẹt xe cần có chuyên gia thực sự giỏi, đúng ngành. Việc tính toán phải dựa trên cơ sở khoa học, dự báo chính xác nhu cầu đi lại. "Đường Phạm Văn Đồng vừa làm to đùng như thế nhưng sao vẫn kẹt?", ông Sanh đặt câu hỏi và cũng là câu trả lời.
Dồn sức phát triển những khu ngoại vi KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cách phát triển đô thị như TP.HCM hiện nay gây hậu quả kẹt xe là tất yếu. Cách giải quyết kẹt xe không nên theo kiểu "đổ dầu vào lửa". Theo KTS Nam Sơn, bất hợp lý là những khu vực đang nóng về kẹt xe, như đường vào sân bay Tân Sơn Nhất, cơ quan chức năng của TP lại cấp phép cho xây hàng loạt khu nhà ở cao tầng. Vì vậy, dù có làm cầu vượt, vòng xoay, tốn hàng nghìn tỉ đồng vẫn không hết kẹt xe do đô thị dồn nén, cư dân tăng lên.
Cách giải quyết kẹt xe, KTS Nam Sơn đề xuất chính quyền TP.HCM nên dồn sức, khuyến khích, ưu đãi phát triển những khu vực ngoại vi như Thủ Thiêm, dọc xa lộ Hà Nội, Củ Chi... Khi hạ tầng, giao thông những khu vực ngoại vi tốt lên, giá đất sẽ tăng; thì ngược lại, những khu đang bị kẹt xe sẽ giảm giá trị. Lúc đó, người dân sẽ lựa chọn mua nhà, mua đất, sinh sống ở những khu mới, kẹt xe sẽ được giải quyết.
Theo Thanh Niên
Hà Nội xem xét cấm xe máy từ năm 2025 Thành ủy Hà Nội nêu định hướng đến năm 2025 dừng hoạt động các phương tiện xe máy cá nhân trong khu vực nội đô. Tại hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành đảng bộ Hà Nội sáng 27/6, lần đầu tiên nội dung hạn chế phương tiện cá nhân có lộ trình cụ thể, hướng tới mục tiêu phát triển đồng...