Hạn chế việc găm giữ vàng của ngân hàng
Với Thông tư 38 do Ngân hàng Nhà nước ban hành cuối chiều 28/12, lần đầu tiên các ngân hàng bị khống chế trạng thái vàng, một quy định hạn chế tình trạng găm giữ đầu cơ.
Theo Thông tư này, kể từ 10/1/2013, trạng thái vàng cuối ngày của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái vàng âm.
Trạng thái vàng được định nghĩa là số dư vàng miếng phát sinh từ hoạt động mua – bán vàng, được quy đổi sang đồng Việt Nam theo giá vàng quy đổi. Trạng thái vàng được tính vào thời điểm cuối ngày làm việc. Điều này có nghĩa, nếu tổ chức tín dụng sở hữu vốn tự có 3.000 tỷ đồng, đến cuối ngày giao dịch, tổ chức đó chỉ được phép để tồn quỹ không quá 60 tỷ đồng vàng quy đổi. Nếu trong ngày hôm đó, tổ chức tín dụng không bán được vàng, thì hôm sau không được tiếp tục mua vàng.
Lần đầu tiên các ngân hàng sẽ bị khống chế trạng thái vàng. Ảnh: AQ
Thông tư 38 ghi rõ kể từ 10/1 tới, chậm nhất đến 14h hàng ngày, tổ chức tín dụng phải gửi báo cáo trạng thái vàng của ngày làm việc liền kề trước đó về Vụ Ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.
Những quy định này chặt chẽ hơn nhiều so với quy định về trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng, được duy trì ở mức / – 20%. Với ngoại tệ, ngân hàng được duy trì trạng thái âm, nhưng với vàng thì không. Với quy định chỉ được duy trì trạng thái dương 2% về vàng miếng, tổ chức tín dụng không được bán khống, chỉ được mua vàng xong rồi mới bán.
Đại diện của Ngân hàng Nhà nước lý giải quy định này nhằm kiểm soát khả năng đầu cơ của tổ chức tín dụng. Lâu nay, các ngân hàng vẫn được xem những “tay to” nhất trên thị trường và có khả năng đầu cơ cao nhất vì họ sở hữu hệ thống mạng lưới, sở hữu tiền. Trước đây, thị trường nhiều phen chao đảo một phần do những “ông lớn” này, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định.
Tỷ lệ 2% được xem là vừa đủ để an toàn. Nhất là trong những thời điểm biến động gần đây, giá vàng có thể chạy trong biên độ 10 đến 15% một ngày. Với trạng thái vàng ở mức tối đa 2%, thiệt hại sẽ ở mức có thể chịu đựng được đối với các tổ chức tín dụng, đại diện Ngân hàng Nhà nước lý giải. Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, quy định siết chặt trạng thái vàng lần này là một trong những thay đổi lớn trong hệ thống tín dụng, đòi hỏi sự đồng thuận của nhiều bên.
Cũng kể từ ngày 10/1 tới, sẽ có 17 tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh vàng miếng, bên cạnh 14 doanh nghiệp vàng. Trong khi các tổ chức tín dụng bị siết khá chặt, quy định đối với 14 doanh nghiệp vàng lại rộng rãi hơn, do khả năng đầu cơ của doanh nghiệp thấp hơn. Theo tiết lộ của một chuyên gia trong ngành, ngay cả một doanh nghiệp vàng hàng đầu Việt Nam cũng chỉ găm giữ vài trăm cân vàng.
Đây được xem là những biện pháp cứng rắn nhất của Ngân hàng Nhà nước nhằm can thiệp thị trường vàng vốn bị thả nổi nhiều năm qua. Trước đó cơ quan này đã ban hành các quy định cấm ngân hàng huy động và cho vay bằng vàng, hạn chót để các đơn vị tất toán toàn bộ dư nợ vàng là giữa năm 2013. Từ chỗ có trên dưới 10 thương hiệu vàng miếng khác nhau, Ngân hàng Nhà nước cũng thu hẹp lại, chỉ công nhận duy nhất vàng SJC, các thương hiệu khác tiếp tục lưu hành nhưng không được sản xuất thêm. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất có quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận các biện pháp này trong ngắn hạn khiến giá vàng trong nước bị đẩy lên cao so với thế giới, nhưng kỳ vọng từ giữa 2013 thị trường sẽ bình ổn trở lại, không còn những đợt sóng đầu cơ.
Theo VNE