Hạn chế số lượng tiền đạo ngoại tại V-League: Nguy cơ phản chuyên nghiệp
Chuyện các CLB V-League ưu tiên sử dụng tiền đạo ngoại là có thật, nhưng sẽ rất nguy hiểm và có khi phản bóng đá chuyên nghiệp nếu hạn chế số lượng tiền đạo ngoại. Điều cốt lõi vẫn là khâu đào tạo.
Mấu chốt vẫn là chất lượng đào tạo
Thật ra thì trước đây VFF đã từng hạn chế số lượng ngoại binh nói chung tại V-League, quy định mỗi CLB thay vì được sử dụng 3 ngoại binh trong 1 trận đấu, chỉ được sử dụng 2 ngoại binh trong từng trận và đăng ký đúng 2 người suốt cả mùa giải (chỉ được thay ngoại binh ở giai đoạn giữa mùa giải).
Nhưng cũng trong giai đoạn ấy, thành tích của bóng đá Việt Nam, ở cấp độ các đội tuyển, không những không khá lên, mà còn kém đi.
Riêng các CLB còn khổ sở hơn với chính bệnh “kiêu binh” của các ngoại binh, xuất phát từ chỗ các ngoại binh này biết mình ấm chỗ, khó bị thay, nên hay giở yêu sách với các đội bóng, trong khi diện tuyển chọn của các CLB trong nước bị hạn chế, nên rủi ro trong tuyển chọn rất cao.
Thành ra, vấn đề có khi không nằm ở chỗ ngoại binh đang chiếm suất của các nội binh tại V-League, vì số suất mà các ngoại binh chiếm của các nội binh vẫn chỉ vừa mức (3/11 suất từng trận), mà ở chính chất lượng cầu thủ nội.
Thành công của bóng đá Việt Nam trong hơn 2 năm qua đến từ chất lượng đào tạo cầu thủ nội được nâng lên, chứ không liên quan nhiều đến việc ngoại binh được sử dụng như thế nào tại V-League
Mà muốn tăng chất lượng cầu thủ nội thì khâu quan trọng nhất vẫn là đào tạo trẻ. Thấy rõ là trong khoảng 2 năm trở lại đây, thành tích của các đội tuyển quốc gia được cải thiện trên bình diện quốc tế, xuất phát từ chất lượng của các cầu thủ nội được cải thiện, là thành quả của khâu đào tạo trẻ, đặc biệt là từ các học viện bóng đá tư nhân, chứ việc cầu thủ ngoại nhiều hay ít so với trước không quyết định thành tích của các đội tuyển Việt Nam.
Thậm chí, việc được cọ xát thường xuyên với các ngoại binh, ở mặt nào đấy, còn giúp cho các cầu thủ nội tự tin hơn, tiến bộ hơn về khả năng va chạm, trước khi chúng ta không còn ngại các đối thủ cao to đến từ Tây Á và cả Đông Á.
Video đang HOT
Bóng đá chuyên nghiệp là đi kèm với việc sử dụng ngoại binh, đấy là thực tế diễn ra trên khắp thế giới, chứ không riêng gì bóng đá Việt Nam. Ngược lại là phản chuyên nghiệp.
Riêng chuyện sử dụng ngoại binh như thế nào? Sử dụng ở vị trí nào sao cho hiệu quả nhất, là quyền và nghĩa vụ của từng nhà cầm quân, ở từng CLB.
Cẩn thận kẻo… “phi thị trường”
Dĩ nhiên, phản ánh của HLV Park Hang Seo, rằng bóng đá Việt Nam hiện không có nhiều trung phong giỏi, là phản ánh không sai. Nhưng đấy cũng không phải là vấn đề mới. Thậm chí còn là vấn đề thường gặp đối với những nền bóng đá có trình độ chưa cao như bóng đá Việt Nam, tức là các thế hệ tài năng chưa có sự liền mạch.
Quy định cụ thể từng CLB phải sử dụng ngoại binh như thế nào có khi là phản chuyên nghiệp và đi ngược lại với quy luật thị trường
Ngay đến bóng đá Ukraine sau khi Shevchenko giải nghệ từ cả chục năm nay, nào có tìm ra được một trung phong ở đẳng cấp tương tự? Bóng đá Ba Lan cũng ở tình trạng như thế, thử hình dung vài năm nữa Lewandowski giải nghệ, ai đủ sức thay siêu tiền đạo này ở đội tuyển Ba Lan?
Trở lại với vấn đề ngoại binh ở các giải chuyên nghiệp trên toàn thế giới, không rõ ở Hàn Quốc – quê hương của HLV Park Hang Seo, có quy định nào tương tự, dạng như hạn chế số lượng cầu thủ ngoại ở những vị trí nhất định hay chăng?
Hoặc ở Thái Lan, nếu giải Thai-League vì đội tuyển Thái hiện đang khan hiếm thủ môn, mà ra quy định hạn chế sử dụng thủ môn ngoại ở các CLB, chẳng biết Đặng Văn Lâm còn đâu đất diễn ở xứ Chùa Vàng?
Còn có một thực tế khác, rằng cầu thủ hạng A ở đẳng cấp thế giới thì chắc chắn không gia nhập giải Hàn Quốc, mà đích đến của các cầu thủ này là châu Âu. Tức là những người sang Hàn Quốc đá bóng chuyên nghiệp chỉ từ hạng B trở xuống.
Tương tư như thế, cầu thủ hạng B thì không đá ở V-League, mà tìm đến các giải đấu có trình độ cao hơn, như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Cũng có nghĩa là những cầu thủ ngoại đang thi đấu ở V-League có trình độ dưới hạng B (tạm gọi là hạng C).
Điều đó có nghĩa là khi các cầu thủ Hàn Quốc cạnh tranh với ngoại binh ở giải trong nước, họ không phải cạnh tranh với nhóm các cầu thủ hạng A, mà chỉ từ hạng B trở xuống, tức là không phải tranh vị trí với những cầu thủ có đẳng cấp quá cao, nên nhiệm vụ cạnh tranh chưa ở tình trạng bất khả thi.
Có đó suy ra, cầu thủ tại V-League chỉ cạnh tranh với cầu thủ ngoại hạng C, nên nếu những cầu thủ nội của chúng ta được đào tạo tốt hơn, chất lượng đầu ra của các lò đào tạo được nâng cao hơn, thì lo gì không có chỗ đứng ngay tại sân quốc nội!
Thành ra, vấn đề mấu chốt vẫn là khâu đào tạo nguồn nhân lực, vẫn là chất lượng con người, chứ không hẳn là các phương án “chữa cháy” đi ngược lại tinh thần của bóng đá chuyên nghiệp, hoặc ngăn sự phát triển tự nhiên theo hướng phi thị trường (nguồn cung đến từ nhu cầu)!
Cơ hội nào cho các tiền đạo nội tại V-League?
Có thể người nghe thích hay không thích phát biểu của HLV Lê Huỳnh Đức mới đây, về chuyện các HLV nắm các CLB buộc phải sử dụng tiền đạo ngoại. Nhưng dù thích hay không thì ông Đức vẫn có lý.
Trả lời việc HLV Park Hang Seo than phiền rằng bóng đá Việt Nam hiện thiếu tiền đạo, xuất phát từ thực tế các CLB trong nước thường ưu tiên sử dụng các tiền đạo ngoại, HLV Lê Huỳnh Đức nói: "Nếu nắm các CLB, HLV Park Hang Seo cũng làm thế thôi, cũng sẽ sử dụng tiền đạo ngoại".
"Áp lực thành tích đối với các CLB rất lớn. Do đó, các các huấn luyện phải sử dụng nhiều các tiền đạo ngoại với mục tiêu giành chiến thắng" - ông Đức nói thêm.
Ở đây, dù thích hay không thích phát biểu của HLV Lê Huỳnh Đức, vẫn khó phủ nhận rằng đó là phát biểu không sai, đồng thời rất sát với thực tế.
Chừng nào các tiền đạo còn đều đặn ghi bàn, chắc chắn sẽ chẳng có HLV nào lãng phí cất họ trên băng ghế dự bị
Bằng chứng là 14 đội đang thi đấu tại V-League, đội nào cũng sử dụng cầu thủ ngoại đá ở vị trí trung phong, kể cả HA Gia Lai vốn là lò đào tạo cầu thủ tấn công nổi tiếng nhất nước, hay là nhà đương kim vô địch V-League Hà Nội, vốn đang có sẵn 2 ngôi sao tấn công thượng thặng Văn Quyết và Quang Hải.
Mà bóng đá chuyên nghiệp, thì không thể thiếu ngoại binh, đấy cũng là thực tế đang diễn ra khắp thế giới, dù muốn dù không thì các ngoại binh giúp tăng tính cạnh tranh ở các CLB, giúp chính các cầu thủ Việt Nam có cơ hội được cọ xát hàng ngày với dạng cầu thủ cao lớn, mạnh mẽ, trước khi chúng ta dùng kinh nghiệm đấy bước ra các giải đấu quốc tế.
Và một khi đã sử dụng ngoại binh, các HLV đương nhiên có quyền lựa chọn ngoại binh ở vị trí nào mà họ cho rằng hiệu quả nhất cho việc tìm kiếm thành tích của đội bóng, mà vị trí tiền đạo là vị trí dễ thấy hiệu quả khi dùng người nhất.
Cũng không thể nói HLV Lê Huỳnh Đức nói riêng và các HLV khác nói chung không tạo cơ hội cho các tiền đạo nội thể hiện mình. Ví dụ như ở SHB Đà Nẵng, Huỳnh Đức thường xuyên cho Hà Đức Chinh đá chính, ở B.Bình Dương là Nguyễn Tiến Linh, ở HA Gia Lai là Nguyễn Văn Toàn, tại CLB TPHCM là Nguyễn Công Phượng, ở SL Nghệ An là Phan Văn Đức...
Để chứng minh mình xứng đáng có chỗ, cách tốt nhất và duy nhất đối với các chân sút là tự vươn lên khẳng định chỗ đứng của mình
Riêng chuyện các tiền đạo nội đấy có giữ được suất đá chính hay không? Hoặc ghi được bao nhiêu bàn thắng trong những lần ra sân? - Phụ thuộc vào sự thể hiện của chính họ. Sự thể hiện đấy sẽ là câu trả lời cho việc những tiền đạo nội nói trên hiệu quả hay không hiệu quả, để có thể được chính các HLV sử dụng tiếp.
Thực tế cũng chỉ ra rằng ngay ở đội tuyển Việt Nam, sau lần Hà Đức Chinh vô duyên trước các cơ hội ở chung kết lượt đi AFF Cup 2018, HLV Park Hang Seo hầu như không còn dám dùng cầu thủ này ở vai trung phong ở cấp độ đội tuyển quốc gia (xin nhấn mạnh rằng tính ở "cấp độ đội tuyển quốc gia", chứ không phải cấp độ thấp hơn là đội tuyển U23 hoặc U22).
Bởi, tiền đạo đã không hiệu quả trong việc săn bàn thì nếu sử dụng sẽ càng mang đến sự mạo hiểm cho cả tập thể đội bóng. Tức là về mặt này, tần suất sử dụng Hà Đức Chinh cho trong đội hình chính thức của HLV Park Hang Seo ở đội tuyển quốc gia có khi không hơn HLV Lê Huỳnh Đức ở SHB Đà Nẵng, nên càng khó trách HLV Lê Huỳnh Đức hay các HLV của những CLB trong nước.
Vậy thì cơ hội nào cho các chân sút nội ở sân chơi trong nước, trước khi hướng ra đấu trường quốc tế? - Gần như chỉ có một câu trả lời duy nhất, đó là bản thân các tiền đạo nội phải tự vươn lên để khẳng định chỗ đứng của mình, để chứng minh mình xứng đáng được tin dùng trong vai trò tay săn bàn trong mắt các HLV.
Lê Công Vinh, Nguyễn Anh Đức hay chính Lê Huỳnh Đức trước đây là những ví dụ điển hình. Họ cũng từng cạnh tranh gắt gao với các tiền đạo ngoại ở sân chơi nội, rồi bằng nỗ lực tự thân, họ khẳng định được vị trí, không những ở sân cỏ trong nước, mà còn trở thành những chân sút khét tiếng trên bình diện quốc tế!
Giá trị của một tiền đạo nằm ở số lượng và chất lượng các bàn thắng mà tiền đạo đó ghi được, sẽ chẳng có bất kỳ HLV nào lãng phí cất các tiền đạo lên băng ghế dự bị, nếu tiền đạo đấy vẫn còn đều đặn ghi bàn cho đội bóng mà mình khoác áo!
Tiền đạo Việt Nam ở đâu trong đêm trao Quả bóng vàng 2019? Sự thiếu vắng các tiền đạo Việt Nam trên bục nhận Quả bóng vàng 2019 cho thấy lo lắng của HLV Park Hang-seo là không thừa. Lê Huỳnh Đức là người được lựa chọn để xướng tên người đoạt Quả bóng vàng. Ông là tiền đạo lừng danh của bóng đá Việt, chủ nhân Quả bóng vàng đầu tiên. Trong tấm phiếu kết...