Hạn chế quyền lập hội vì lý do quốc phòng an ninh
Dự thảo luật về Hội lần đầu được đưa ra xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội sáng 24/9. Cơ quan soạn thảo luật đề xuất phạm vi hạn chế quyền lập hội của cá nhân, pháp nhân trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng…
6 tổ chức chính trị – xã hội đứng “ngoài cuộc”
Đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo luật, xây dựng tờ trình đưa ra UB Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình nêu nguyên tắc cơ bản nhất khi làm luật, quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được Hiên phap ghi nhân.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, tính đến tháng 12/2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng, quyền lập hội với người nước ngoài là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần cân nhắc cẩn trọng.
Theo cơ quan thẩm tra – UB Pháp luật của Quốc hội – đây là những biểu hiện tích cực của quá trình dân chủ hóa xã hội và vai trò làm chủ của nhân dân được thể hiện trực tiếp trong tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, việc xây dựng Luật Về hội để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm thực hiện quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò của hội và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hội là cần thiết.
Cụ thể theo dự thảo luật, quyền lập hội của công dân, pháp nhân Việt Nam gồm: Quyền tham gia ban vận động thành lập hội; quyền tham gia thành lập hội; quyền gia nhập hội, quyền tham gia hoạt động của hội, quyền tham gia điều hành hoạt động của hội và quyền ra khỏi hội theo quy định của điều lệ hội. Công dân, pháp nhân Việt Nam thực hiện quyền lập hội theo quy định của luật này và quy định của pháp luật có liên quan. Công dân, pháp nhân Việt Nam thực hiện quyền lập hội không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc; quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Tuy nhiên, dự thảo luật cũng quy định công dân, pháp nhân Việt Nam bị hạn chế quyền lập hội trong nhiều trường hợp.
Trước hết, cơ quan soạn thảo đề xuất không cho lập hội vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Cá nhân bị mất quyền công dân hoặc bị hạn chế quyền công dân theo quy định của pháp luật; mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình; đang bị truy cứu trách nhiệm hoặc đang chấp hành các hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự; bị kết án nhưng chưa được xóa án tích không được đứng ra lập hội.
Pháp nhân Việt Nam đang trong quá trình xem xét phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, tạm đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật cũng bị hạn chế quyền thành lập hội.
Video đang HOT
Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nhất trí với những quan điểm, yêu cầu xây dựng dự án luật được nêu trong tờ trình của Chính phủ và cho rằng, những nội dung quy định trong luật, một mặt phải bảo đảm cho công dân thực hiện quyền lập hội của mình, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội, đồng thời bảo đảm sự quản lý của Nhà nước.
Cơ quan thẩm tra cũng đồng ý với quan điểm đề xuất là luật này không áp dụng với các tổ chức chính trị – xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Người nước ngoài có được lập hội?
Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam Nghiêm Vũ Khải đề nghị tạo điều kiện cho người nước ngoài lập hội trên cơ sở chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam.
Một trong các vấn đề lớn Chính phủ tách riêng để xin ý kiến là phạm vi điều chỉnh của dự án luật, trong đó có việc người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam tham gia hội.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết hiện vấn còn có hai loại ý kiến về vấn đề này. Loại thứ nhất đề nghị người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp theo quy định của Chính phủ.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Hiên phap quy định công dân Việt Nam mới co quyên lâp hôi trên lãnh thổ Việt Nam, theo đó không quy định việc tham gia hội của người nước ngoài trong dự thảo luật.
Chính phủ đề nghị thực hiện theo loại ý kiến thứ nhất.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt câu hỏi, từ khi có Hiến pháp 1946 đến nay, thực tế việc lập hội, tham gia hội ở ta liên quan đến nước ngoài như thế nào so với tinh thần cương lĩnh, văn kiện của Đảng đã khẳng định Việt Nam chủ động hội nhập sâu với cộng đồng thế giới, điều này sẽ thể hiện trong luật ra sao?.
Câu trả lời của Bộ trưởng Nội vụ là hiện tại người nước ngoài không được lập hội tại Việt Nam. “Đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, chúng tôi đề nghị giao Chính phủ quy định để nó phù hợp với từng thời điểm” – ông Bình trình bày.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền bình luận thêm, xây dựng nhà nước pháp quyền thì không có lý gì cấm người nước ngoài tham gia hội, nhưng có cho họ thành lập hội không thì cần hết sức cân nhắc.
Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam Nghiêm Vũ Khải đề nghị quy định linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho người nước ngoài thành lập hội trên cơ sở chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam. Còn người nước ngoài tham gia hội của Việt Nam thì không nhất thiết có đầy đủ các quyền như hội viên người Việt.
P.Thảo
Theo Dantri
"Tăng lương là ưu tiên số một khi dôi ngân sách"
Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội ngày 26/5, TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội - cho biết, UB Cải cách chính sách tiền lương quốc gia vừa họp bàn, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì đến cuối năm, sẽ sớm tăng lương cơ sở.
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 2 ngày trước, nhiều vị đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, thu ngân sách 2014 vượt "khủng" (tới 80.000 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I lại đạt trên cả mong đợi (6,03% - cao nhất trong 5 năm qua). Nhiều khoản chi đã được tính đến như bổ sung tiền làm cao tốc, thưởng vượt thu cho các địa phương... vậy sao chưa tính đến việc tăng lương cơ sở?
Thực tế chưa đủ các điều kiện để điều chỉnh lương cơ sở. Chỉ số giá tiêu dùng chưa tăng quá mức, việc mất giá trên giá trị thực của đồng tiền không lớn, chưa ảnh hưởng đến mức sống của người dân, chưa tạo ra áp lực phải tăng lương. Nếu điều chỉnh tiền lương trong lúc chỉ số giá tiêu dùng đang ổn định như thế này thì quá bằng "đổ dầu vào lửa" vì tăng lương cũng đồng nghĩa với việc tăng tiền vào lưu thông mà như thế thì giá trị đồng tiền sẽ sụt giảm. Việc tăng lương như thế thì vô hình chung lại không có giá trị.
Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu và lương cơ sở cần căn cứ trên 2 yếu tố: tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng lên và chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động tăng lên làm ảnh hưởng đến giá trị thực của tiền lương. Tăng lương khi đó là để đảm bảo tiền lương vẫn đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Thực sự, cả 2 yếu tố này chưa đòi hỏi đến mức phải điều chỉnh tiền lương trong năm nay.
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi: "Tăng lương cần tính sao để không gây tác động làm tăng giá" (ảnh: Việt Hưng).
Nhưng rõ ràng vấn đề cử tri và đại biểu đặt ra có lý của nó khi 2 năm qua, nhà nước đã hoãn thực hiện lộ trình cải cách tiền lương cơ sở vì lý do tình hình kinh tế, ngân sách khó khăn, không có nguồn bố trí cho việc tăng lương. Cả xã hội đã cùng chia sẻ lúc khó khăn thì khi tình hình cải thiện, số vượt thu ngân sách năm 2014 rất lớn (80.000 tỷ đồng), đặt vào vị trí những người làm công ăn lương đã gồng mình suốt giai đoạn khủng hoảng vừa qua, được bù đắp phần lương bị "nợ" sẽ là nguyện vọng của tất cả mọi người?
Uỷ ban Cải cách chính sách tiền lương của Nhà nước mới đây đã họp và đã đề ra chương trình xem xét lại việc này. Nếu từ nay đến cuối năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì được như quý I, tức ngân sách tiếp tục có nguồn thu ổn định thì Chính phủ, Quốc hội chắc chắn sẽ xem xét để điều chỉnh lộ trình tăng tiền lương cơ sở.
Lần trước mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng, tức chỉ tăng 100.000 đồng/tháng, có nghĩa nhà nước vẫn đang nợ công chức khoản "hụt lương" khi lộ trình tăng lương theo kế hoạch xây dựng trước đó không thực hiện được. Lộ trình là từ nay đến 2020, tiền lương cơ sở phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của công chức, viên chức và tiền lương tối thiểu vùng phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động ở khu vực có quan hệ lao động.
Với khu vực doanh nghiệp này, cho đến nay, cứ đều đặn 1/1 hàng năm là ta điều chỉnh rồi. Chỉ còn lương cơ sở áp dụng với khối công chức viên chức thì chắc chắn Chính phủ phải tính toán cân đối trong tình hình tăng trưởng đạt được cho đến cuối năm nay. Nếu kết quả trong quý II, III tới đây tiếp tục được đà của quý I, tiếp tục nhích lên, thu ngân sách tăng thì chúng ta mới có "cơ" tính tiếp việc tăng lương.
Mới đây Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa ký văn bản yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh lương cơ sở trong năm 2015 dựa trên việc tạo nguồn của Bộ Tài chính. Việc này có mối liên hệ với động thái của UB cải cách tiền lương quốc gia mà ông vừa đề cập?
Đây chính là phương án UB Cải cách chính sách tiền lương của nhà nước đề ra. Là một thành viên của UB này, tôi có thể nói là đến thời điểm này, UB mới chỉ dừng ở bước bàn để đánh giá thực trạng nguồn thu chứ chưa phải đã đưa ra Quốc hội ngay kỳ họp này.
Theo báo cáo mới gửi đến Quốc hội của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, mức lương cơ sở hiện tại mới chỉ bằng 44,2% mức lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp. Nếu tính đủ các loại hệ số, phụ cấp thì một cử nhân đại học hết tập sự mới chỉ nhận được mức lương 3,58 triệu đồng/tháng. Tiền lương của các Bộ trưởng, theo đó, cũng chỉ đạt hơn 14 triệu đồng/tháng. Đánh giá chung, Bộ Nội vụ nhìn nhận, đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước rất khó khăn. Như vậy thì càng không có lý do gì để trì hoãn việc tăng lương khi có điều kiện thực hiện việc này, thưa ông?
Hai khu vực này khó có thể xem xét như nhau được bởi khu vực công, tiền lương cơ sở được sử dụng để tính theo hệ số tiền lương, ngạch bậc công chức nữa. Nhưng khu vực sản xuất kinh doanh thì mức lương tối thiểu 2,2 -3,2 triệu đồng/tháng gần như là trọn vẹn thu nhập hàng tháng của người lao động, nếu có cũng chỉ cộng thêm khoảng 7-8% nữa.
Quan trọng hơn, tương quan so sánh đặt ra cũng không được đánh giá là yếu tố để trì hoãn hay phải thúc ngay việc tăng lương vì như tôi đã nói, muốn xem xét điều chỉnh cần căn cứ vào 2 yếu tố: tốc độ tăng trưởng kinh tế phải tăng nhanh hơn nữa hoặc chỉ số trượt giá phải tăng đến mức ảnh hưởng đến tiền lương danh nghĩa. Hiện tại thì yếu tố giá chưa tác động, chưa gây áp lực gì với tiền lương.
Xét đến yếu tố thứ 2 là tình hình phát triển kinh tế thì hết quý I, kết quả tăng trưởng cũng mới đạt mức 6,03%, nhìn ra cũng chưa đủ điều kiện để tăng lương bởi nguyên tắc của tiền lương là tốc độ tăng năng suất lao động phải nhanh hơn tốc độ tăng lương bình quân thì mới giữ được chỉ số giá tiêu dùng.
Còn dĩ nhiên cải cách tiền lương cơ sở vẫn mà một mục tiêu của Đảng, nhà nước nhưng việc thực hiện phải dựa trên thực trạng của nền kinh tế và khả năng cân đối của ngân sách để chi cho tiền lương sao cho việc nâng lương cơ sở không làm ảnh hưởng đến đời sống, giá cả sinh hoạt.
Là một thành viên của UB Cải cách chính sách tiền lương quốc gia, quan điểm của cá nhân ông đối với mong muốn, đòi hỏi tăng lương của cử tri lúc này?
Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được khả quan, chúng ta có phần ngân sách dôi dư như hiện nay thì theo tôi, ưu tiên số một phải tính đến là dành cho việc tăng lương.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)
Theo Dantri
Tiền đâu để liên tục nâng cấp thành phố, lập mới huyện thị? Liên tiếp những phiên họp gần đây, UB Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc lập, nâng cấp lên thành phố, mở rộng thị xã, lập mới phường... ở nhiều địa phương. Các ủy viên Thường vụ Quốc hội, dù đồng ý, vẫn không khỏi lo lắng về câu hỏi "tiền đâu". Ngày 14/5, trong khuôn khổ phiên họp thứ...