‘Hạn chế phim có hình ảnh soái ca lệch lạc’
Tác phẩm điện ảnh cần hạn chế hình ảnh soái ca thần tượng của nhiều thanh thiếu niên nhưng hành động lệch lạc, theo đại biểu Quốc hội.
Thảo luận về dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi tại Quốc hội chiều 28/10, đại biểu Mai Thị Phương Hoa – phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp – cho rằng phim ảnh cần hạn chế nhân vật là người thành đạt trong xã hội, người hùng, soái ca nhưng có hành vi không chuẩn mực. “Những người này trở thành thần tượng của nhiều thanh, thiếu niên, nhưng lại hút thuốc lá hoặc uống rượu. Những hình ảnh này sẽ gây cách hiểu lệch lạc cho trẻ, gián tiếp cổ súy việc hút thuốc lá, uống rượu bia”, bà Hoa nói.
Đại biểu tỉnh Nam Định nhất trí cần cấm những hành vi kích động bạo lực, tội ác thông qua các chi tiết, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, trừ những nội dung thể hiện nhằm lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, nhận diện cái tốt, triệt tiêu cái xấu. Bà Phương Hoa nói: “Không nên ngăn cấm tràn lan để góp phần xây dựng nền điện ảnh hướng tới chân, thiện, mỹ. Các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới cũng đang thể hiện theo cách này”. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn dự thảo rà soát, quy định chi tiết các hành vi bị cấm trong phim, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, dẫn đến áp dụng tùy tiện.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Phim Việt đang chịu cảnh mang hai số phận hay nói cách khác là “hai hộ chiếu”, là quan điểm của đại biểu Phạm Trọng Nhân – phó đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương – khi góp ý về các quy định cấm. Nhiều phim Việt được giải thưởng quốc tế nhưng bị cấm chiếu ngay tại “sân nhà”, do “vi phạm thuần phong mỹ tục, phản ánh hiện thực quá đen tối, bi quan”.
Ông Trọng Nhân nói: “Thử hỏi có nơi nào trên thế giới này chỉ toàn điều tốt đẹp mà không có mặt trái của xã hội. Ngay cả New York, Mỹ, nơi được mệnh danh là trung tâm kinh tế – tài chính của thế giới cũng không khó để bắt gặp những người vô gia cư nằm co ro trên nền gạch sáng choang trước các cửa hàng sang trọng, trong khi điện ảnh Mỹ chưa bao giờ chối từ những hình ảnh này”.
Tại Việt Nam, văn học giai đoạn 1930-1945 của thế kỷ trước cũng có ba dòng chủ lưu là hiện thực phê phán, lãng mạn và cách mạng cùng tồn tại, để miêu tả toàn bộ cái hồn của xã hội và cuộc sống các tầng lớp nhân dân. “Chí Phèo, lão Hạc, chị Dậu dù được khắc họa đến tận cùng sự khắc nghiệt của hiện thực, có bi quan, có bạo lực nhưng có làm tổn hại đến các giá trị văn hóa hay không?”, đại biểu Nhân lấy thêm dẫn chứng. Ông đặt câu hỏi: “Những đánh giá với các tác phẩm điện ảnh thời gian qua liệu có quá cảm tính và khắt khe?”.
Hơn nữa, theo ông Nhân “nếu khắt khe với các tác phẩm điện ảnh trong nước thì phải trả lời cho được vì sao phim Điệp vụ biển Đỏ với thông điệp sai trái biển Đông là của Trung Quốc, hay phim Everest – Người tuyết bé nhỏ có lọt chi tiết bản đồ đường lưỡi bò phi pháp xuất hiện ở các rạp chiếu của Việt Nam?”.
Điều khó nhất khi xây dựng dự án Luật Điện ảnh sửa đổi là làm sao đưa hoạt động có tính nghệ thuật sáng tạo vào “đường biên của thể chế”, trong khi bản chất của sáng tạo vốn không có giới hạn. Một tác phẩm có thể chứa đựng cả giai đoạn lịch sử bi hùng nhưng đôi khi lại chứa bản ngã của tác giả.
Ông Nhân nói: “Hiện nay, nhiều chế định còn khá mơ hồ của dự luật có thể trở thành vòng cương tỏa vô hình áp lên tư duy sáng tạo của người làm phim. Như thế nào được coi là làm tổn hại đến các giá trị văn hóa, truyền bá tệ nạn xã hội, phá hoại truyền thống văn hóa… như dự thảo nêu? Những quy định cấm này cần được minh định để tránh cảm tính, chủ quan khi cầm cân nảy mực trong các khâu xét duyệt”.
Video đang HOT
Đại biểu Phạm Trọng Nhân. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Đại biểu cho rằng sợi dây kiểm duyệt bị kéo căng giữa nhà quản lý và người làm phim. Vì vậy, điện ảnh trong nước cần những cuộc thảo luận cởi mở, lắng nghe lẫn nhau để xóa đi ranh giới giữa cơ quan quản lý và nhà làm phim, “để cái bóng quá lớn của những nguyên tắc lề luật không còn đè mãi tương lai điện ảnh Việt Nam”.
Cùng chung băn khoăn – đại biểu Tô Văn Tám, Ủy ban Pháp luật – nói nhiều quy định cấm trong dự thảo còn định tính, chưa lượng hóa được, dẫn đến khó xử lý khi áp dụng. Mặt khác, ông đề nghị bổ sung những quy định cấm với các tác phẩm cổ súy lối sống ích kỷ, buông thả, vô cảm, vô trách nhiệm với lịch sử và xã hội.
Còn đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) góp ý: “Nếu chỉ chú trọng thị trường trong nước mới cần kiểm duyệt kỹ như cơ chế kiểm duyệt hiện hành. Nếu muốn vươn ra thế giới, chúng ta phải chấp nhận tất cả dòng sản phẩm phục vụ thị trường giải trí toàn cầu, chỉ dùng kiểm duyệt như một hàng rào kỹ thuật chứ không nên cấm đoán hoàn toàn”.
Trong phiên thảo luận hôm nay, các đại biểu tập trung vào các vấn đề nổi cộm của điện ảnh nước nhà như các chính sách phát triển điện ảnh hợp lý, cân bằng việc xuất nhập khẩu phim, vấn để cấm phim và cơ chế kiểm duyệt tác phẩm điện ảnh… Sau các thảo luận hôm nay, dự thảo Luật Điện ảnh tiếp tục được cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp sau.
Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm tám chương, 50 điều dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ ba vào tháng 5/2022, với kỳ vọng giúp ngành điện ảnh có bước phát triển, hội nhập mới.
Đề xuất dừng chiếu hoặc rút phép phim có nghệ sĩ vi phạm đạo đức
Quốc hội sáng 23/10 thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), ĐBQH đề xuất dừng chiếu hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh mà có nghệ sĩ vi phạm đạo đức an ninh chính trị hoặc phát ngôn.
Liên quan đến phân loại phim theo độ tuổi trong dự thảo luật, đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) đánh giá đây là công cụ văn minh đã áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Theo bà, cần có thêm mức phân loại độ tuổi cao hơn trần 18 hiện có trong dự thảo. Hoặc nếu không phân loại về trần độ tuổi là tuổi 21, 24, 25 thì cũng có mức phân loại riêng ngoài trần 18.
"Chúng ta đã có quy định phân loại phim theo độ tuổi, nhưng rõ ràng trong thực tế lại có nhiều bộ phim không thể xếp loại vì những quy định ngặt nghèo. Vì vậy nhiều bộ phim có giá trị bị cấm, không thể công chiếu được, gây đáng tiếc với người làm phim nói riêng và nền điện ảnh nói chung", đại biểu Hà nói.
Đại biểu Lê Thu Hà.
Nữ đại biểu nêu ý kiến, phải thay đổi cơ chế kiểm duyệt phim mang tính đột phá. Hiện nay, phim truyền hình Việt Nam rất phát triển, các đài truyền hình có thể tự cấp phép, tự kiểm duyệt được nhưng phim ra rạp nhất thiết lại phải qua Hội đồng phim quốc gia.
"Việc này liệu có mang tính độc quyền hay không khi chỉ có Hội đồng phim quốc gia xem xét, quyết định phân loại phim và cho phim được phát hành.
Theo Ủy viên UB Đối ngoại nên chăng xây dựng một cơ chế để có thể có nhiều đơn vị cùng có thẩm quyền quyết định cấp phép một bộ phim.
Đại biểu Lê Thu Hà cũng nhắc đến đối tượng tham gia và đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện ảnh là các diễn viên điện ảnh.
Bà dẫn chứng, trên các phương tiện truyền thông vừa qua Trung Quốc đang làm một chiến dịch rất mạnh mẽ để loại bỏ ngôi sao có lối sống lệch chuẩn. Họ có kế hoạch nâng cao chất lượng nghệ sĩ là phải trau dồi kỹ năng, đề cao các giá trị sản phẩm, hay tác phẩm có những vấn đề không đảm bảo quy định bị dừng chiếu.
"Tôi nghĩ chúng ta cũng có thể tham khảo vấn đề này, bởi vì người hoạt động nghệ thuật cần phải hết sức giữ gìn hình ảnh của mình, nghệ sĩ cần đức trước khi cần tài", đại biểu tỉnh Lào Cai nêu ý kiến.
Bà đề xuất, có quy định trong dự thảo luật về dừng chiếu hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh khi người nghệ sĩ vi phạm đạo đức an ninh chính trị hoặc phát ngôn nào đó.
Về thẩm định bộ phim có phù hợp để ra mắt hay không, bà Hà đánh giá, đây là khâu rất quan trọng để loại bỏ những tác phẩm không đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên thực tế cũng gây ra nhiều bất cập, thậm chí là tiêu cực và thiếu minh bạch với các nhà làm phim.
Bà nêu về trường hợp bộ phim Vị đã bị cấm chiếu dù giành nhiều giải thưởng uy tín tại các Liên hoan phim quốc tế, hay có những tác phẩm đã bị treo do không chấp nhận yêu cầu thay đổi tác phẩm, khiến những nhà đầu tư và nhà sản xuất đứng sau có thể gặp khó khăn, thậm chí phá sản.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai bày tỏ việc quản lý phim trên không gian mạng là điều quan trọng. Dự thảo quy định theo hướng hậu kiểm, nhưng nội dung các phim có tồn tại bạo lực, chất lượng không tốt, có nhiều nội dung ảnh hưởng xuyên tạc. Nếu chỉ quy định hậu kiểm và gỡ bỏ thì chưa ổn bởi trước khi gỡ bỏ nó tồn tại khá lâu, có hàng triệu người xem. Có những nền tảng xuyên biên giới mất nhiều thời gian. Vì vậy việc hậu kiểm cần cân nhắc.
Song, đại biểu cũng cho rằng, tiền kiểm tạo áp lực rất lớn cho cơ quan chức năng vì số lượng phim rất lớn. Nếu tiền kiểm, kiểm soát chặt thì nguồn lực chưa chắc đáp ứng được. Thời gian qua, có những sơ sót của cơ quan thẩm định trong việc duyệt cấp phép phổ biến, có hình ảnh không phù hợp như phim "Người tuyết bé nhỏ" để lọt hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp. Vì vậy, việc tiền kiểm rất quan trọng.
Đại biểu bày tỏ nên có giải pháp thích hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm với phim phổ biến trên mạng, tiền kiểm đến đâu, hậu kiểm đến mức độ nào, tránh lọt phim không phù hợp trên mạng.
Đồng tình với tờ trình và báo cáo thẩm tra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (đoàn TP.HCM) đánh giá, Luật Điện ảnh ra đời từ lâu khi công nghệ chưa phát triển mạnh mẽ, nhiều vấn đề chưa lường hết được, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay phải sửa luật này.
Nhấn mạnh về vai trò của điện ảnh trong sự phát triển đất nước, Chủ tịch nước dẫn chứng nhiều nước có nền công nghiệp điện ảnh sâu rộng, quảng bá được hình ảnh đất nước, con người. Những bộ phim của Hàn Quốc như Giày thủy tinh, Nàng Dae Jang Geum ... cách đây 20 năm chiếu ở Việt Nam.
Chủ tịch nước phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
"Văn hóa soi đường quốc dân đi", Chủ tịch nước đặt vấn đề điện ảnh là một loại hình văn hóa nghệ thuật thì có làm được vai trò, nhiệm vụ đó không.
Ông cho rằng, làm điện ảnh phải giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua truyền bá những hình ảnh đất nước, con người, truyền thống Việt Nam.
Từ đây, Chủ tịch nước đề nghị phải xây dựng luật Điện ảnh "dài hơi" đặc biệt khi công nghệ bùng nổ, nghiên cứu thêm kinh nghiệm các nước.
Về chính sách, Chủ tịch nước góp ý, đối với điện ảnh thì nên xã hội hóa, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân được làm phim. Nhà nước nên đặt hàng, dành nguồn kinh phí hỗ trợ cần thiết cho những tác phẩm phim về lịch sử, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam.
Về Hội đồng thẩm định, Chủ tịch nước khẳng định vai trò quan trọng khi Hội đồng là tập hợp những người có tầm nhìn, những nghệ sĩ tài năng, đức cao đạo trọng, có chuyên môn.
Về chính sách phát hành phim, Chủ tịch nước nhận thấy còn thiếu, nhất là quảng bá phim ra nước ngoài, hợp tác quốc tế quảng bá, xúc tiến. Người ta biết đến Việt Nam qua những bộ phim chiến tranh, trước đây không hiểu Việt Nam nhiều, bây giờ họ hiểu Việt Nam nhưng chưa hiểu đầy đủ.
4 Phó Chủ tịch ra mắt Quốc hội khóa XV Trong số 4 nhân sự vừa được Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch khóa XV có 3 người tái cử là các ông Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải; một nhân sự mới là ông Trần Quang Phương. Sau lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chiều nay, 20/7/2021, Quốc hội thực...