Hạn chế ô nhiễm không khí tại các đô thị
Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ở Việt Nam đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng.
Đáng lo ngại, từ đầu tháng 11-2020 đến nay, Hà Nội và các tỉnh phía bắc xuất hiện một số đợt ô nhiễm khá nghiêm trọng, với giá trị thông số bụi mịn PM2.5 vượt quá giới hạn QCVN 05:2013/BTNMT, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân sinh sống trên địa bàn.
Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội luôn ở mức báo động trong thời gian gần đây. Ảnh: NGỌC CHÂU
Ô nhiễm gia tăng vào mùa đông
Theo báo cáo quốc gia về môi trường không khí do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) thực hiện và các báo cáo chất lượng không khí hằng năm của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh đều ghi nhận một quy luật là miền bắc thường ô nhiễm không khí nghiêm trọng vào mùa đông (từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau). Trong đó, thời kỳ ô nhiễm nhất thường tập trung vào khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau. Nguyên nhân của tình trạng này được lý giải do điều kiện khí tượng. Vào mùa đông, trong điều kiện khí tượng không thuận lợi như nghịch nhiệt, chất ô nhiễm không khuếch tán được mà tập trung ở tầng khí quyển sát mặt đất khiến tình trạng ô nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn.
Kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường không khí do Tổng cục Môi trường (Bộ TN và MT) thực hiện cho thấy, đầu tháng 11 và đầu tháng 12-2020, đã xuất hiện một số đợt ô nhiễm không khí tại Hà Nội và một số đô thị phía bắc khá nghiêm trọng. Cụ thể, tại Hà Nội đã có 11 trong số 41 ngày giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn so với QCVN 05:2013/BTNMT. Tại các khu vực nội thành giá trị bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ ở nhiều trạm quan trắc không khí khá cao, tập trung thành những đợt ô nhiễm (diễn ra trong khoảng từ hai đến ba ngày). Những ngày này, hầu hết các trạm đều cho thấy giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn so với QCVN, giá trị thông số bụi mịn PM2.5 thường cao nhất vào ban đêm và buổi sáng sớm. Hiện tượng ô nhiễm không khí tại khu vực Hà Nội tăng cao vào ban đêm và sáng sớm thời gian qua là do sự kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa… theo quy luật hằng năm.
Video đang HOT
Hiện nay, chất lượng không khí (AQI) tại Việt Nam được chia làm năm nhóm, gồm: Nhóm tốt (tương ứng với chỉ số AQI từ 0 đến 50), nhóm trung bình (AQI từ 51 đến 100), nhóm kém (AQI từ 100 đến 150), nhóm xấu (AQI từ 151 đến 200), nhóm rất xấu (AQI từ 201 đến 300) và nhóm nguy hại (AQI từ 300 trở lên). Kết quả tính toán chỉ số AQI tại Hà Nội trong đầu tháng 12 ở một số trạm ở mức xấu (có hại cho sức khỏe tất cả mọi người, nhất là người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính năm 2016, Việt Nam có hơn 60 nghìn người chết vì bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính do ô nhiễm không khí gây ra. Các chuyên gia lĩnh vực y tế cho rằng: Nguy hại nhất là bụi mịn gồm những hạt nhỏ bay lơ lửng trong không trung như PM2.5 và PM10 có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua hệ thống hô hấp, khi con người hít thở; tùy vào kích thước của hạt bụi, mức độ xâm nhập có thể khác nhau. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn của nhiều căn bệnh, ảnh hưởng sức khỏe của người dân đang sinh sống ở các đô thị, thành phố lớn hiện nay. Nếu như bụi mịn PM10 đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ lại trên phổi, thì bụi mịn PM2.5 nguy hiểm hơn khi chúng có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu của người bệnh có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính, tim mạch, thần kinh, đột quỵ, ung thư… Người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi mịn sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe như hắt hơi, ngạt mũi, khó thở, khô mắt; nếu tiếp xúc lâu dài sẽ làm tăng tỷ lệ giảm chức năng của phổi, viêm phế quản mãn tính và tăng tỷ lệ chết do ung thư phổi, bệnh tim…
Cần triển khai đồng bộ các giải pháp
Thứ trưởng Bộ TN và MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, để từng bước giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện nay, trước hết chính quyền các địa phương cần tập trung triển khai việc kiểm kê, đánh giá các nguồn thải trên địa bàn. Trên cơ sở đó xây dựng, triển khai phương án nhằm hạn chế phương tiện giao thông từ các địa phương khác đi vào thành phố trong các ngày ô nhiễm ở mức rất xấu, nguy hại; thực hiện tốt việc điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức thực hiện hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính của thành phố, nhất là khi thời tiết khô hanh để hạn chế bụi phát tán; kiểm soát chặt chẽ các phương tiện đổ thải, bảo đảm che chắn cẩn thận, không làm rơi vãi, phát tán bụi ra môi trường, nhất là tại khu vực tập trung điểm tập kết rác thải; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm phương tiện cá nhân, sử dụng các loại xe chạy điện, khí trong nội đô… Bộ TN và MT tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách bảo vệ môi trường không khí; thiết lập các hàng rào kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường, tiếp cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.
Các bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công thương, Y tế… cần sớm triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông vận tải; quản lý vệ sinh lao động, môi trường trong thi công xây dựng; tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản; đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường không khí đến sức khỏe, đề xuất các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là các đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em… trong trường hợp ô nhiễm không khí ở mức rất xấu, nguy hại để người dân có biện pháp tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, thời gian qua, vẫn còn nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề ô nhiễm không khí, nguồn lực con người, cơ sở, vật chất để cải thiện chất lượng không khí chưa được đầu tư đúng mức. Mục tiêu kiểm soát các nguồn thải lớn từ sản xuất, giao thông, đốt rác, đốt rơm rạ sau thu hoạch chưa đạt. Trong khi đó, việc giải quyết ô nhiễm không khí là một cuộc chiến cam go, lâu dài và phức tạp bởi trong quá trình xử lý có thể va chạm trực tiếp đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp, chẳng hạn việc hạn chế phương tiện cá nhân, loại bỏ bếp than tổ ong buộc các doanh nghiệp phải thay đổi hoặc cải tiến công nghệ thân thiện môi trường. Do vậy, các cấp chính quyền cần tập trung tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân ủng hộ và thực hiện các giải pháp giảm ô nhiễm không khí đang được triển khai tại địa phương mình; đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm các dự án, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường… trên địa bàn theo quy định.
Hà Nội nhiều ngày chất lượng không khí ở mức xấu
Ô nhiễm không khí ở mức đỏ bắt đầu gây ảnh hưởng tới sức khỏe với những người bình thường.
Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết hơn một tháng qua, chất lượng không khí tại Hà Nội có chiều hướng xấu. Đặc biệt có tới 11/41 ngày chỉ số bụi mịn PM 2.5 trong không khí vượt mức tiêu chuẩn...
Chỉ số chất lượng không khí tại các điểm quan trắc ở Hà Nội đồng loạt cảnh báo ngưỡng có hại và rất có hại vào sáng 12-12. Ảnh: TUYẾN PHAN
11/41 ngày chất lượng không khí ở mức xấu
Theo kết quả quan trắc chất lượng không khí của Tổng cục Môi trường, từ đầu tháng 11 và đầu tháng 12 đã xuất hiện một số đợt ô nhiễm tại Hà Nội và một số đô thị phía Bắc. Riêng thủ đô Hà Nội đã có 11/41 ngày giá trị thông số bụi mịn PM 2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn so với QCVN 05:2013/BTNMT.
Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP Hà Nội) cũng cho biết chất lượng không khí tại TP từ ngày 6 đến 12-12 đều ở mức trung bình và kém. Có những thời điểm 30/35 trạm quan trắc có chỉ số AQI ở mức cảnh báo kém. Đặc biệt, từ đêm đến sáng các ngày 6, 7 và 11-12, ở các trạm đo khu vực Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng, Minh Khai, Chi cục Bảo vệ môi trường và Thành Công, chỉ số AQI tăng lên mức báo động đỏ (cảnh báo xấu có chỉ số AQI từ 151 đến 200).
Ô nhiễm không khí ở mức đỏ bắt đầu có tác động ảnh hưởng sức khỏe đối với với những người bình thường. Nhóm người nhạy cảm gồm trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, đến ngày 14-12, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, chất lượng không khí tại khu vực nội thành Hà Nội đã được cải thiện. Số liệu quan trắc không khí tại khu vực nội thành Hà Nội đến chiều 14-12 đa phần ở mức tốt và trung bình (báo động xanh và báo động vàng), chỉ còn ba điểm có mức kém (báo động da cam).
Vì sao không khí ô nhiễm?
Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP Hà Nội), cho biết một số yếu tố chính gây ra hiện tượng ô nhiễm không khí tại khu vực nội thành Hà Nội. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn do hoạt động của con người gây ra từ phương tiện khí thải giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp trong nội đô tích tụ không khuếch tán được và yếu tố thời tiết.
Theo ông Thái, thời tiết ở Hà Nội đang trong giai đoạn khô hanh, tốc độ gió thấp, ban ngày có nắng là điều kiện dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Vào buổi tối, nhiệt độ của lớp không khí sát mặt đất giảm nhanh hơn các lớp không khí phía trên do quá trình bức xạ hồng ngoại khiến bụi mịn PM 2.5 không thể phát tán lên cao và đi xa. Chỉ đến khi có ánh nắng mặt trời đốt nóng lớp không khí sát mặt đất, các chất ô nhiễm và bụi mịn mới được phát tán.
"Lớp nghịch nhiệt này giống như một cái mũ, ngăn cản chất ô nhiễm phát tán lên cao khiến nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí sát mặt đất đậm đặc hơn" - ông Thái nói.
Theo đó, ông Thái cho biết Sở TN&MT TP Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo người dân theo dõi tình trạng ô nhiễm không khí cập nhật theo thời gian thực tại các trang thông tin moitruongthudo.vn, hanoi.gov.vn. Vào các ngày ô nhiễm, người dân (đặc biệt là người có bệnh hô hấp, người già) nên hạn chế các hoạt động ngoài trời, không mở cửa sổ vào sáng sớm, đeo khẩu trang khi ra ngoài...
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hà Nội, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, thời gian qua TP đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Về quan trắc, Hà Nội đã đầu tư lắp đặt và tiếp nhận 35 trạm quan trắc chất lượng không khí, cung cấp thông tin kịp thời chỉ số môi trường không khí để người dân dự phòng và có biện pháp bảo vệ sức khỏe.
Bên cạnh đó, TP cũng đang triển khai nhiều đề án như giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân, loại bỏ phương tiện giao thông cũ; ngăn ngừa kiểm soát bụi xây dựng tại các công trường, xe vận chuyển vật liệu xây dựng; phun nước rửa đường vào ngày khô hanh; không sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ; không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch...
Không khí Hà Nội xấu về đêm 20h ngày 10/12, hầu hết điểm quan trắc không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều hiển thị chỉ số ở mức kém (AQI 101-150). Sáu điểm chất lượng không khí ở mức xấu gồm: Minh Khai (Bắc Từ Liêm) 161, đường Phạm Văn Đồng 161, Trung Hòa (Cầu Giấy) 156, khu đô thị Pháp Vân (Thanh Trì) 153,...