HAMAS – Tổ chức nắm toàn bộ quyền lực ở Dải Gaza ?
Cuộc chiến giữa Israel và phong trào HAMAS của Palestine đã diễn ra hơn một tháng. Lực lượng Phòng vệ Israel đang tiến hành chiến dịch quân sự trên bộ ở Dải Gaza.
Đồng thời, HAMAS cũng tăng cường hoạt động ngoại giao ở một số nước như Iran và Nga. Vậy HAMAS là gì, được tổ chức như thế nào và ai được coi là nhân vật chính của phong trào này.
HAMAS xuất hiện như thế nào ?
HAMAS (“Phong trào Kháng chiến Hồi giáo”) là phong trào Hồi giáo Sunni và là đảng chính trị ở Palestine. Hiện nay nó kiểm soát toàn bộ Dải Gaza và đã đẩy lùi các phong trào và tổ chức khác của người Palestine ra khỏi vùng đất này. HAMAS cũng hoạt động tích cực ở Bờ Tây sông Jordan, mặc dù phần đất này của Palestine do Chính quyền Dân tộc Palestine ở Ramallah, đứng đầu là Mahmoud Abbas, kiểm soát.
HAMAS xuất hiện vào năm 1987 trong cuộc nổi dậy (intifada) đầu tiên của người Palestine, khi Palestine tuyên bố chiến đấu chống Israel để giành lại những vùng lãnh thổ mà Israel đã chiếm được trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967. Nhà lãnh đạo và sáng lập phong trào HAMAS là thành viên của tổ chức “Anh em Hồi giáo” Sheikh Ahmed Asin.
Năm 1988, đảng chính trị HAMAS được thành lập. Nền tảng tư tưởng đảng này là tiêu diệt Israel để thành lập một nước cộng hòa Hồi giáo trên lãnh thổ của nhà nước Do Thái và các vùng lãnh thổ Palestine.
Năm 1993, tại Washington, với sự trung gian của Mỹ, Palestine và Israel đã ký Hiệp định “Oslo” đầu tiên. Đại diện cho Palestine tại cuộc hội đàm là Tổ chức Giải phóng Palestine. Hiệp định kêu gọi từ bỏ mọi hình thức bạo lực và trao quyền tự trị cho người Palestine. HAMAS không công nhận hiệp định này và tẩy chay cuộc bầu cử vào Hội đồng Lập pháp Palestine năm 1996.
Năm 2005, HAMAS đã thay đổi chiến thuật – họ quyết định tham gia bầu cử và giành chiến thắng tại các thành phố ở Dải Gaza, cũng như ở Bờ Tây. Kết quả là HAMAS và các tổ chức cực đoan khác đã nhận được 91/118 ghế trong 10 hội đồng hành chính. Ảnh hưởng của FATAH (Phong trào Giải phóng Dân tộc Palestine) sụp đổ – đây là một trong những lực lượng trung tâm của Tổ chức Giải phóng Palestine. Khác với HAMAS, tổ chức này từ chối các phương pháp bạo lực.
Mâu thuẫn giữa HAMAS và FATAH đã gây ra đổ máu ở Dải Gaza – năm 2006, các phần tử cốt cán của FATAH đã tìm cách ám sát Ismail Haniya, thành viên của HAMAS lúc bấy giờ là Thủ tướng của Chính quyền Palestine. Một năm sau, vào tháng 6/2007, HAMAS nắm toàn bộ quyền lực ở Dải Gaza và đuổi FATAH khỏi vùng đất này. Israel tuyên bố Dải Gaza là thù địch, và bắt đầu bao vây kinh tế.
Video đang HOT
Đáp trả các cuộc tấn công khủng bố, năm 2008, Israel triển khai chiến dịch trên bộ lớn nhất từ trước đến nay “Cast Lead” (Đúc chì) ở Gaza. Lực lượng Phòng vệ Israel đã phá hủy tất cả cơ sở hạ tầng quân sự của HAMAS ở vùng đất này, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ.
Ai ủng hộ HAMAS?
HAMAS nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong thế giới Hồi giáo. Nhờ liên kết chặt chẽ với tổ chức Hồi giáo quốc tế “Anh em Hồi giáo”, HAMAS có mạng lưới quan hệ khắp khu vực Arập – Ai Cập, Tunisia, Syria, Libya. Đồng thời, ở Ai Cập, nhóm này chính thức bị coi là khủng bố và bị cấm, giống như Tổ chức “Anh em Hồi giáo”.
Chuyên gia Nga về Trung Đông Andrey Ontikov nhận xét rằng một trong những nhà tài trợ của HAMAS là Qatar, nơi định cư của gần như toàn bộ lãnh đạo nhóm này, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ. HAMAS cũng nhận được sự ủng hộ chính trị và, rất có thể, cả vật chất của Iran.
Theo ông Andrey Ontikov, mặc dù HAMAS được coi là kẻ thù không đội trời chung của Israel, nhưng có một thời, chính Israel ít ra đã không cản trở sự phát triển của phong trào này. Sự hỗ trợ tích cực bắt đầu vào khoảng năm 2005, khi Israel rời Dải Gaza.
“Theo tôi, ban lãnh đạo hiện tại của Chính quyền Palestine trong các cuộc trò chuyện riêng đã cáo buộc ban lãnh đạo Israel đã để lại cho HAMAS một số lượng lớn vũ khí khi rời Dải Gaza” – Andrey Ontikov nói. Có giả thuyết cho rằng Israel và Mỹ đã nhúng tay vào chiến thắng của HAMAS trong cuộc bầu cử năm 2006. Lúc bấy giờ, Israel giải quyết một số nhiệm vụ. Thứ nhất, gây chia rẽ giữa những người Palestine để cản trở việc giải quyết vấn đề Palestine. Thứ hai, vốn là một băng nhóm cực đoan, HAMAS tạo cơ hội cho các đại diện của giới tinh hoa chính trị cánh hữu Israel từ chối các cuộc đàm phán.
Theo ý kiến chuyên gia này, sự cai trị của HAMAS ở Dải Gaza đáp ứng lợi ích của các chính trị gia cực hữu Israel và thậm chí cả chính Thủ tướng Benjamin Netanyahu. “Kết quả là tạo thành một vòng luẩn quẩn: HAMAS tấn công Israel, người Israel đòi trả thù và bỏ phiếu cho lực lượng cực hữu trong các cuộc bầu cử. Netanyahu tấn công Dải Gaza càng làm cho người Palestine ủng hộ HAMAS, và họ lại tấn công Israel để trả thù” – Andrey Ontikov nói. Trước khi xảy ra tình trạng leo thang hiện nay, mọi thứ đều ổn, nhưng bây giờ hóa ra Netanyahu đã nuôi dưỡng một con quái vật”.
Theo ông Andrey Ontikov, việc duy trì các lực lượng Hồi giáo ở Dải Gaza có lợi cho nhiều người. “Khi các phương pháp cực đoan được đặt lên hàng đầu, thì triển vọng giải quyết tình hình Trung Đông càng bị trì hoãn. Nếu Dải Gaza được kiểm soát bởi Chính quyền Palestine vốn có tư tưởng ôn hòa thì Israel sẽ bị vặn vẹo – dư luận xã hội và thế giới cho rằng Israel cần ngồi vào bàn đàm phán với Palestine để giải quyết xung đột” – Andrey Ontikov nói.
HAMAS được coi là tổ chức khủng bố ở Israel, Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu, Ai Cập và tất cả các quốc gia Nam Mỹ. Tuy nhiên, nó không bị coi là tổ chức khủng bố ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Na Uy, Qatar và nhiều quốc gia thuộc thế giới Hồi giáo.
Các phương tiện truyền thông thường viết rằng HAMAS về thực chất đang giữ những người Palestine sống ở Dải Gaza làm con tin. Tuy nhiên, trên thực tế, số người không đồng tình với phong trào này chỉ là thiểu số. “Trong con mắt người dân Dải Gaza, HAMAS là lực lượng duy nhất dù sao vẫn làm điều gì đó. Tiếc thay, các phương pháp đấu tranh cực đoan càng khiến cho phong trào này trở nên nổi tiếng – cả ở Dải Gaza lẫn Bờ Tây sông Jordan. Mọi người đã mệt mỏi, họ thấy không có triển vọng giải quyết tình hình, họ coi Tổng thống Chính quyền Palestine, Mahmoud Abbas, là nhà lãnh đạo yếu kém”, – ông Andrey Ontikov kết luận.
Cơ cấu tổ chức của HAMAS
HAMAS không có cơ cấu rõ ràng, nhưng có thể tạm chia phong trào này thành hai nhánh – dân sự và quân sự. Nhánh dân sự là đảng HAMAS với các nhà lãnh đạo – ủy viên Bộ Chính trị của đảng – chính thức lãnh đạo phong trào. Mặc dù về thực chất, họ thực hiện chức năng của một cơ quan đối ngoại, vì chính các ủy viên Bộ Chính trị là những người đi gặp gỡ với đại diện của nhiều quốc gia khác nhau.
Nhánh quân sự của HAMAS gồm Lữ đoàn Izz ad-Din Al-Qassam, thực hiện tất cả các chiến dịch và chiến đấu chống Israel. Lữ đoàn này mang tên giáo sĩ Hồi giáo đã thành lập và lãnh đạo một trong những tổ chức khủng bố Hồi giáo đầu tiên ở Palestine. “Bàn tay đen” của ông ta đã thực hiện các cuộc khủng bố chống lại chính quyền Anh từng kiểm soát Palestine.
Quy mô nhánh quân sự của HAMAS ước tính khoảng 15-20 nghìn người. Vũ khí chính của họ là tên lửa Qassam đơn giản về mặt kỹ thuật và gần như tự chế. Nhóm này cũng sử dụng vũ khí cũ của Liên Xô và Iran. Nhưng lực lượng HAMAS hầu như không có trang bị kỹ thuật lớn – không có xe tăng hay xe chiến đấu bộ binh, nhưng họ được trang bị một số lượng lớn vũ khí cầm tay chống tăng và đối không.
Các nhà lãnh đạo HAMAS
Ismail Haniya là người đứng đầu Bộ Chính trị HAMAS. Sinh năm 1963 tại trại tị nạn của người Palestine ở Dải Gaza. Năm 1987, ông tốt nghiệp chuyên ngành “văn học” tại Đại học Hồi giáo Gaza. Năm 1989, ông bị bắt giam 3 năm. Năm 1997, Haniya trở lại Dải Gaza, trở thành cánh tay phải của thủ lĩnh tinh thần lúc bấy giờ của phong trào HAMAS, Sheikh Ahmed Yassin. Năm 2006, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, HAMAS đã đề cử Haniya vào chức thủ tướng. Sau khi chính quyền bị giải tán vào năm 2007 do mâu thuẫn giữa HAMAS và FATAH, Haniya tiếp tục hoạt động trong tổ chức này và năm 2017, ông trở thành người đứng đầu Bộ Chính trị của phong trào HAMAS.
Yahya Sinwar là thủ lĩnh 61 tuổi của tổ chức HAMAS ở Dải Gaza và là một trong những người sáng lập các đơn vị quân đội và bộ máy an ninh của phong trào. Năm 1989, Sinwar bị xét xử vì tội giết hại những người Palestine bị tình nghi hợp tác với Israel và bị kết án tù. Năm 2011, y được ra tù để trao đổi với Gilad Shalit, quân nhân Israel bị bắt. Năm 2017, Sinwar được bầu làm lãnh đạo phong trào ở Dải Gaza, và năm 2018, y trở thành kẻ chủ mưu các cuộc đụng độ ở biên giới giữa Dải Gaza và Israel.
Người đứng đầu nhánh quân sự của HAMAS là Mohammed Deif. Không ai biết chính xác ngày sinh của y, nghe nói khoảng từ năm 1960 đến năm 1965. Cũng không ai biết chính xác mặt mũi y như thế nào – Deif chỉ xuất hiện trong một bức ảnh chụp thời trẻ. Deif bị ám sát 7 lần, nhưng lần nào cũng thoát chết, y bị mất một mắt, một tay và một chân. Chính Deif được coi là người tổ chức hầu hết các chiến dịch của Lữ đoàn Izz ad-Din Al-Qassam.
Cấp phó của Deif là Marwan Issa, sinh năm 1965. Y được coi là một trong những bộ não của HAMAS. Marwan Issa chỉ lộ diện trong bức ảnh chung của giới lãnh đạo Palestine, được chụp vào năm 2011 trong cuộc gặp với những người được giải phóng để trao đổi với Gilad Shalit.
Nhân vật tiếp theo, Abdullah Barghouti được lực lượng an ninh Israel gọi là “Kỹ sư trưởng”. Y được coi là người chế tạo và sử dụng thuốc nổ của HAMAS. Có thông tin cho rằng y có thể sản xuất thuốc nổ từ khoai tây. Abdullah Barghouti học kỹ thuật ở Hàn Quốc 3 năm. Người Israel coi Barghouti là kẻ phải chịu trách nhiệm về hầu hết các vụ giết người, vì thế, y bị tòa án Israel tuyên phạt tù chung thân và thêm 5.200 năm tù giam.
Trước đây, một trong những căn cứ của các nhà lãnh đạo HAMAS nằm ở Syria, nhưng vào năm 2011, sau khi lên tiếng phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad, HAMAS đã chuyển đến Qatar. “Các nhà lãnh đạo HAMAS là những người khá công khai, họ không che giấu chỗ ở của mình và thường tiếp xúc với giới truyền thông. Họ chủ yếu sống ở Qatar và thường di chuyển giữa các quốc gia nơi tổ chức “Anh em Hồi giáo” có vị thế vững chắc” – ông Andrey Optikov kết luận.
Quân đội Israel yêu cầu 1,1 triệu người Palestine ở phía Bắc Dải Gaza di dời
Theo người phát ngôn của Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric, tối 12/10, quân đội Israel đã thông báo với LHQ về việc yêu cầu 1,1 triệu người Palestine tại Gaza phải di dời đến khu vực phía Nam của vùng lãnh thổ này trong vòng 24 giờ tới.
Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo người phát ngôn, yêu cầu của quân đội Israel cũng được áp dụng với toàn bộ nhân viên của LHQ, những người đang tạm trú trong các cơ sở của LHQ, bao gồm trường học, trung tâm y tế và phòng khám.
Trong tuyên bố, người phát ngôn Dujarric nêu rõ LHQ đề nghị Israel hủy yêu cầu này, bởi hoạt động di dời chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả nhân đạo nghiêm trọng.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Israel đang triển khai loạt xe tăng gần biên giới Gaza và tiến hành không kích vào khu vực này. Theo Bộ Y tế Palestine, thương vong trong các cuộc không kích của Israel nhằm vào Dải Gaza và khu Bờ Tây bị chiếm đóng đã tăng lên 1.569 người thiệt mạng và 7.212 người bị thương. Trong khi đó, truyền thông Israel đưa tin số người thiệt mạng tại nước này trong các cuộc tấn công của phong trào Hamas đã tăng lên hơn 1.300 người. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ước tính kể từ khi xung đột bùng phát, giao tranh đã buộc hơn 423.000 người phải rời bỏ nhà cửa, dẫn tới khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Cựu thủ tướng Israel hé lộ bí mật về các đường hầm dưới bệnh viện lớn nhất Gaza Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak cho biết, nhóm Hamas đang sử dụng các hầm ngầm do chính người Israel xây dựng từ nhiều thập kỷ trước bên dưới bệnh viện Al Shifa lớn nhất ở Dải Gaza. Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN hôm 20/11, ông Barak tiết lộ: "Dư luận đã biết từ nhiều năm nay rằng, Hamas đang nắm...