Hamas sẽ thực hiện thỏa thuận hòa giải dân tộc
Bộ Chính trị Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas ngày 22/2 cho rằng thỏa thuận hòa giải với Phong trào Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cần phải được thực hiện một cách triệt để và nghiêm túc.
Những người ủng hộ Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas. (Nguồn: depetris.wordpress.com)
Trong một thông cáo báo chí được đưa ra sau cuộc họp cấp cao giữa Thủ lĩnh Hamas Khaled Mashaal và Tổng thống Abbas trong nỗ lực nhằm đưa hai phong trào đối địch của Palestine xích lại gần nhau, ban lãnh đạo Hamas nêu rõ: “Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện một cách triệt để và nghiêm túc những thỏa thuận hòa giải được ký tại Cairo và Doha nhằm chấm dứt sự chia rẽ và thống nhất mặt trận dân tộc.”
Kể từ khi thuận hòa giải được hai bên ký kết hồi tháng 5/2011 tại Cairo nhằm thành lập một chính phủ lâm thời gồm các nhân vật độc lập để mở đường cho cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp trong vòng một năm, phần lớn những điều khoản vẫn chưa được thực hiện và thời hạn liên tục bị lùi lại.
Hôm 6/2 vừa qua, Tổng thống Abbas và ông Mashaal đã ký một thỏa thuận trao cho ông Abbas quyền lãnh đạo một chính phủ lâm thời chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội trong những tháng tới. Tuy nhiên, thành phần của chính phủ này vẫn chưa được công bố. Trong ngày 22/2, hai ông Abbas và Mashaal gặp lại nhau tại Cairo để bàn về việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc./.
Theo TTXVN
Palestine: 24 năm đi tìm quyền được sống
Ngày 23/9, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chính thức đệ trình đơn xin gia nhập Liên Hợp Quốc lên Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon với mong muốn trở thành thành viên thứ 194 của Liên Hợp Quốc, bắt đầu lại hành trình gia nhập Liên Hợp Quốc.
Năm 1988, Palestine tuyên bố thành lập quốc gia. Tuy nhiên, với tư cách là thực thể quốc gia thì nước Palestine chưa thành lập. Mặc dù việc Palestine tuyên bố thành lập quốc gia nhận được sự công nhận của hầu hết các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc nhưng Palestine không phải là quốc gia thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc, không có quyền biểu quyết, chỉ có địa vị quan sát viên.
Palestine bắt đầu trở thành quan sát viên tại Liên Hợp Quốc từ tháng 11/1974. Khi đó, các hoạt động của Palestine tại Liên Hợp Quốc được thực hiện dưới danh nghĩa của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Sau khi nước Palestine tuyên bố thành lập vào ngày 15/11/1988, ngày 15/12/1988, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết quyết định chính thức thay tên Tổ chức Giải phóng Palestine bằng tên Palestine tại Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Palestine Abbas đệ trình đơn xin gia nhập Liên Hợp Quốc lên Tổng thư kí Ban Ki-moon
Từ khi Palestine tuyên bố thành lập, Palestine và các quốc gia Arab nhiều lần yêu cầu Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đưa địa vị quan sát viên của nước này tại Liên Hợp Quốc lên địa vị quốc gia thành viên nhưng đều bị Mĩ và Israel kịch liệt phản đối.
Tháng 12/1997, căn cứ theo tình hình mới xuất hiện trong tiến trình hòa bình Trung Đông, các quốc gia Arab lại chính thức đưa ra bản dự thảo nghị quyết lên Đại hội Liên Hợp Quốc, yêu cầu đưa địa vị của Palestine tại Liên Hợp Quốc lên quốc gia thành viên chính thức nhưng không có quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên, do Mĩ và Israel phản đối mạnh mẽ nên dự thảo này lâm vào bế tắc.
Tháng 7/1998, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc biểu quyết thông qua nghị quyết. Mặc dù nghị quyết này không hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của bản dự thảo trên nhưng địa vị của Palestine tại Liên Hợp Quốc đã được nâng lên.
Theo nghị quyết, đại diện của Palestine có quyền tham gia vào các phiên thảo luận chung của Liên Hợp Quốc, có thể đề xuất các vấn đề liên quan đến tiến trình hòa bình Trung Đông, còn có thể cùng với các quốc gia thành viên khác đề xuất dự thảo nghị quyết về vấn đề hòa bình Trung Đông, hơn nữa trả lời về các vấn đề liên quan.
Nghị quyết còn quy định, sau này ghế của Palestine tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ được đặt trước ghế của các quan sát viên khác. Điều này có nghĩa là trong các vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thân, Palestine có quyền phát ngôn nhiều hơn, trực tiếp hơn tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Mĩ và Israel kịch liệt phản đối Palestine gia nhập Liên Hợp Quốc
Đầu tháng 9/2010, vòng đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel mới khởi động lại được không lâu đã lâm vào bế tắc. Sau đó, Palestine quyết định lựa chọn chính sách ngoại giao gia nhập Liên Hợp Quốc để thúc đẩy xây dựng nhà nước Palestine độc lập. Tháng 6/2011, Tổ chức Giải phóng Palestine chính thức tuyên bố trước tháng 9 sẽ đến Liên Hợp Quốc yêu cầu Liên Hợp Quốc công nhận quốc gia Palestine, trao cho Palestine tư cách quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, hơn nữa căn cứ vào Hiến chương Liên Hợp Quốc công nhần quyền tự trị của quốc gia này.
Dưới những nỗ lực không ngừng nghỉ, hiện nay, Palestine đã giành được sự ủng hộ của hơn 120 quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên minh Châu Âu, Liên minh Châu Phi, ... Tuy nhiên, nỗ lực của Palestine gặp phải sự phản đối kịch liệt từ Mĩ và Israel.
Theo VTC
Thái Lan chính thức công nhận Nhà nước Palestine Hãng tin WAFA dẫn một thông cáo cho biết Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 19/1 đã bày tỏ sự cảm kích trước việc Thái Lan công nhận Nhà nước Palestine. Thông cáo trên nêu rõ: "Tổng thống Mahmoud Abbas đã bày tỏ sự cảm kích đối với Nhà Vua và Chính phủ Thái Lan khi Bangkok chính thức công nhận Nhà nước...