Hầm vượt sông Sài Gòn “cõng” lượng xe khủng khiếp
Gần đây, lượng xe qua hầm sông Sài Gòn ( hầm Thủ Thiêm, TP.HCM) tăng cao đột biến gây nên nhiều vụ ùn tắc giao thông tại hầm. Các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết tình trạng này.
Trong 11 tháng của năm 2017 có gần 76 triệu lượt xe máy lưu thông qua hầm Thủ Thiêm (trung bình 230.000 lượt/ngày), gần 15 triệu lượt xe ô tô qua hầm (trung bình hơn 43.811 lượt/ngày). So với 11 tháng cùng kỳ năm 2016, lượng xe máy qua hầm tăng 30.000 lượt/ngày, xe ô tô tăng gần 9.000 lượt/ngày. Tình trạng trên khiến cho giao thông khu vực hai đầu hầm nhiều lần bị ùn tắc. Trong khi đó, gần đây đã xảy ra một số sự cố trong đường hầm khiến việc lưu thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường lý giải, do việc phát triển đô thị về phía đông thành phố nên thời gian qua cửa ngõ thành phố xảy ra tình trạng ùn tắc. Riêng với hầm sông Sài Gòn, lãnh đạo Sở GTVT cho biết, hiện nay các công trình hạ tầng khác vẫn chưa chia sẻ áp lực giao thông được nhiều. Tuy đã có các dự án cầu Thủ Thiêm 2, 3 nhưng do vướng các thủ tục, kinh phí, phương án di dời cây xanh… nên việc thực hiện chậm hơn tiến độ dự kiến.
Xe cộ ùn tắc tại hầm vượt sông Sài Gòn. (Ảnh: Zing)
Trước mắt, để đảm bảo giao thông qua khu vực đường hầm, Sở GTVT TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thường xuyên bố trí lực lượng điều tiết giao thông, phối hợp với Đội cảnh sát giao thông Bến Thành, lực lượng thanh niên xung phong ứng trực 24/24h để điều tiết giao thông trước Trạm thu phí Thủ thiêm (đầu hầm Q.2) và tại nút giao Ký Con (đầu hầm Q.1). Đồng thời, trung tâm tổ chức thực hiện điều khiển đèn tín hiệu giao thông từ xa với thời lượng hợp lý tại các nút giao thông trên tuyến (nút Mai Chí Thọ – Nguyễn Cơ Thạch, nút Võ Văn Kiệt – Ký Con) để đảm bảo lượng xe máy lưu thông vào hầm phù hợp.
Trường hợp lượng xe máy tăng nhanh, ùn ứ tại đầu hầm, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn sẽ chủ động phối hợp với lực lượng CSGT Bến Thành tổ chức cho xe ô tô tạm dừng ở bên ngoài đầu hầm, sau đó điều tiết cho xe gắn máy lưu thông vào làn xe ôtô để đảm bảo thoát nhanh qua hầm.
Về tổ chức giao thông, đối với đầu hầm Q.2, sở bố trí tăng thêm 1 làn đường hướng vào hầm và hướng thoát khỏi hầm cho xe máy. Trong trường hợp lưu lượng xe dồn ứ trong phạm vi dừng chờ đến khu vực trạm thu phí, sẽ điều tiết ngăn xe ô tô vào trong hầm để ưu tiên cho xe máy.
Còn phía Q.1, khi mật độ các loại xe máy vào hầm quá lớn, sẽ bố trí ưu tiên cho xe máy lưu thông vào làn đường xe ô tô và điều tiết xe ô tô trên đường Võ Văn Kiệt vào hầm cũng như xe ôtô trên cầu Calmette lưu thông vào hầm.
Đại diện Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết, riêng với các sự cố xảy ra trong hầm (xe máy chết máy, dẫn bộ hoặc xe ôtô hư hỏng, chết máy), lực lượng cứu hộ ngay lập tức tiếp cận, hỗ trợ đưa xe ra khỏi đường hầm. Trường hợp xe không di chuyển được, trung tâm sẽ điều xe cứu hộ để đưa xe ra ngoài hầm.
Theo Danviet
Nỗi ám ảnh ở hầm vượt sông Sài Gòn
Tưởng rằng hầm vượt sông hiện đại nhất Việt Nam sau khi khánh thành sẽ giúp giao thông TP.HCM có diện mạo mới nhưng với sự phát triển chóng mặt của các khu đô thị ở quận 2, khu vực này bỗng trở thành nỗi ám ảnh cho người dân thành phố mỗi ngày.
Bảy năm trước, chị Nguyễn Thị Mỹ Dung vui mừng khi an cư ở một cao ốc trên đường Nguyễn Duy Trinh (phường Bình Trưng Đông, quận 2). Tháng 11.2011, hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á và toàn bộ đại lộ Đông - Tây được thông xe, chị Dung càng phấn khởi hơn gấp nhiều lần. Hành trình từ nhà đến chỗ làm ở quận 1 và ngược lại trên đường Lương Định Của - cầu Thủ Thiêm - Nguyễn Hữu Cảnh đông đúc, triều cường dâng ngập trước đó chấm dứt đối với chị và nhiều người ở khu đông thành phố.
Hàng ngày, việc lưu thông qua đại lộ Mai Chí Thọ rộng thênh thang, vượt sông Sài Gòn bằng đường hầm của chị Dung rất dễ dàng, chỉ mất chưa đầy 20 phút là tới nhiệm sở trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1.
Tuy nhiên, theo từng năm, trên đường đi về hàng ngày, xe cộ lưu thông ngày càng nhiều hơn, nhất là vào giờ cao điểm sáng và chiều. Khoảng 1 năm trở lại đây, thời gian đến công sở của của chị Dung tăng lên gấp đôi do luôn bị kẹt xe giữa dòng người trước hầm Thủ Thiêm.
Quãng đường đi về hàng ngày giữa quận 2 và quận 1 của vợ chồng chị Dung chỉ khoảng hơn 8km nhưng nhiều thời điểm mất đến hơn 40 phút vì bị chôn chân phần lớn thời gian ở cửa hầm Thủ Thiêm.
Video đang HOT
7h15 sáng đầu tuần, anh Nguyễn Khắc Minh Khoa, chồng chị Dung, chở vợ rời nhà trên đường Nguyễn Duy Trinh. Anh Khoa cũng làm ở quận 1, cùng hướng đi làm của vợ nên 2 người đi chung xe. Lúc này, đường đã khá đông đúc nhưng xe cộ lưu thông không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, 15 phút sau, 7h30, khi cách ngã tư trước cửa hầm trên đại lộ Mai Chí Thọ khoảng 200m vợ chồng anh bị chôn chân cùng hàng nghìn xe máy khác kéo dài hơn 100m, dừng chờ khá lâu mới di chuyển được.
Đến khu vực trạm thu phí, hai người tiếp tục bị khựng lại ở nút thắt cổ chai này, di chuyển rất chậm để vào hầm. Đến 7h55, hai vợ chồng mới di chuyển được qua bên kia hầm.
"Sáng và chiều nào qua hầm vào giờ cao điểm, hai đầu hầm đều chật cứng, xe máy chen chúc nhau, bên trong cũng phải di chuyển chậm cộng khói xe nên người rất mệt mỏi. Càng ngày chúng tôi càng ám ảnh mỗi khi qua hầm Thủ Thiêm vào giờ này", anh Khoa than.
Vào giờ cao điểm buổi sáng hàng ngày, hàng nghìn phương tiện xe máy từ các quận phía đông thành phố di chuyển hướng vào trung tâm, tập trung trên đại lộ Mai Chí Thọ để qua trạm thi phí và xuống hầm.
Giao thông 'thất thủ' như cơm bữa
Vào giờ cao điểm sáng và chiều, tình trạng ùn tắc trên làn đường xe máy trước cửa hầm thường xuyên xảy ra, khiến hàng nghìn phương tiện qua lại khó khăn.
Vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều hàng ngày, xe máy phải xếp hàng dài, chen nhau di chuyển rất chậm để qua hầm Thủ Thiêm, TP.HCM.
Từ 7h sáng, hàng chục nghìn phương tiện hướng từ các quận 9, 2, Thủ Đức, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cùng lúc lưu thông vào đại lộ Mai Chí Thọ chạy qua hầm Thủ Thiêm.
Khi cách trạm thu phí hầm khoảng 100m, xe máy phải dừng lại xếp hàng dài chờ di chuyển. Tại đường dẫn xuống hầm dài hơn 100m, làn đường dành cho xe máy rộng khoảng 3m nhưng có hàng trăm loại phương tiện nhích từng chút một để vào hầm. Trong khi đó, làn đường dành cho ôtô rộng thênh thang, ít xe chạy.
Tại làn đường dành cho xe máy, hàng nghìn phương tiện bị ùn ứ tại nút thắt cổ chai này, xếp hàng dài đứng chờ, di chuyển rất chậm từ cửa hầm kéo dài qua trạm thu phí.
Bên trong hầm, làn đường dành cho xe máy ken kín, tốc độ di chuyển cho phép 40km/h nhưng người điều khiển chỉ chạy được trung bình trên dưới 10km/h. Đến 8h hơn, khu vực trước cửa hầm và bên trong mới thông thoáng trở lại.
Buổi chiều từ 17h30 đến 18h30 ở hướng ngược lại từ quận 1 qua quận 2, tình trạng cũng tương tự.
Anh Lê Hoàng Nguyên (ngụ quận Thủ Đức) chia sẻ do công việc hành chính phải tới đúng giờ, nên nhiều tháng nay anh phải đi làm sớm hơn 30 phút so với trước kia, để bù thời gian di chuyển chậm qua đây. "Tôi đi sớm để đề phòng sự cố có thể xảy ra trong hầm, gây kẹt xe nghiêm trọng bất cứ lúc nào. Trước đây tôi từng phải chạy vòng qua cầu Thủ Thiêm để sang quận 1 vì bên trong hầm ôtô va chạm nhau, cơ quan chức năng phong tỏa khiến xe cộ bị kẹt nhiều giờ", anh kể.
Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn luôn đặt xe cứu hộ với rào chắn để kịp thời ứng cứu sự cố vào giờ cao điểm. Trong khi đó các nhân viên liên tục điều tiết xe máy không để người điều khiển chạy vào làn ôtô.
Làn xe máy chật kín, một số người có thể vừa nhúc nhích từng đoạn vừa quay phim, chụp ảnh bằng điện thoại khi lưu thông qua đây vào giờ cao điểm.
Tại hai đầu hầm, lực lượng CSGT, nhân viên Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn luôn túc trực cùng các phương tiện di chuyển như xe máy, xe kéo chở theo rào chắn để sẵn sàng ứng cứu, điều tiết xe cộ. Một nhân viên cho biết vào giờ cao điểm sáng và chiều, 3-4 người luôn phải điều tiết trước cửa hầm để xe máy đi vào đúng làn đường, không chạy vào làn dành cho ôtô, tránh gây tai nạn đáng tiếc.
Ám ảnh mỗi khi phải đi qua hầm
Theo quy định, ôtô lưu thông với tốc độ 60km/h, khoảng cách giữa 2 ôtô khi lưu thông qua hầm là phải trên 30 m. Nhưng nhiều tài xế không tuân thủ khoảng cách này, nhất là vào thời điểm đông xe cộ.
Thời gian qua, nhiều sự cố về giao thông đã xảy ra từ trong lẫn ngoài công trình. Những sự vụ xảy ra chủ yếu như phương tiện chạy quá tốc độ cho phép, tông đuôi nhau liên hoàn từ 2-5 xe, lao dải phân cách, chết máy, xe tải lật, tông người làm vệ sinh hầm... gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng, ảnh hưởng đến giao thông khu vực này nhiều giờ.
Vụ tại nạn giữa 3 xe ôtô đâm đuôi nhau liên hoàn trong chiều 27.11.
Chỉ vài phút sau khi sự cố đụng xe bên trong hầm, hai làn ôtô với hàng trăm chiếc xếp hàng từ trong ra ngoài cửa hầm, kéo dài đến cầu Calmette. Làn xe máy cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các lực lượng chức năng phong tỏa bên trong để giải quyết vụ việc.
Vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra ngày 19.4.2016 khi 5 công nhân đang làm vệ sinh trong đường hầm thì bị chiếc xe tải loại 1,5 tấn lao tới húc văng nhiều mét, khiến 1 người chết và 4 người bị thương nặng. Hầm Thủ Thiêm bị phong tỏa hướng về trung tâm gần 3 tiếng để xử lý vụ tai nạn.
Những sự cố này thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông tại đầu hướng di chuyển và trong hầm.
Sau khoảng 10 phút xảy ra sự cố, làn xe máy các phương tiện này bị dồn lại trước cửa hầm không thể di chuyển được. Hàng nghìn xe cộ chen nhau để "bò" vào hầm.
16h40 ngày 27.11, 3 ôtô trong lúc đang di chuyển hướng từ quận 1 qua quận 2 thì xảy ra sự cố đâm liên hoàn. Sự việc nhanh chóng được Trung tâm quản lý đường hầm phát hiện và triển khai lực lượng giải quyết. Nhưng chỉ vài phút sau hàng trăm ôtô khác cùng hướng đều bị khựng lại, di chuyển chậm chạp từ giữa hầm kéo dài đến cầu Calmette.
Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, những chiếc xe gây ra sự cố được đưa ra ngoài để các bên giải quyết cùng lực lượng CSGT. Hướng hầm từ quận 1 qua quận 2 các phương tiện vẫn di chuyển chật kín mỗi làn đường.
Thời điểm sự cố va chạm xảy ra, tại dốc vào hầm khu vực quận 1, các loại ôtô, xe máy dừng lại đặc kín. Nhiều người không còn kiên nhẫn dừng chờ, đành quay đầu xe chạy ngược đường tìm hướng khác để sang bên kia sông. Số khác không dám di chuyển vào trong hầm vì bên trong đang chật kín xe cộ, vừa e ngại trong hầm tiếng ồn lớn của máy hút gió, thiếu ôxy gây khó thở.
Bên trong hầm hướng quận 1 qua quận 2 ken kín xe cộ. Làn xe máy di chuyển rất chậm, một xe cấp cứu chạy sang làn xe máy để thoát khỏi hầm.
Ông Phan Quốc Vương (ngụ quận 2) cho hay mỗi khi tai nạn, sự cố cả trong lẫn ngoài cửa hầm thường bị kẹt xe khá lâu, hầu như không di chuyển được.
"Những lúc trời đổ mưa tôi thấy nhiều người dừng lại mang áo mưa, số khác dừng xe luôn trong hầm cả hàng dài chờ mưa tạnh chứ không di chuyển ra ngoài khiến phần đường còn lại rất khó di chuyển, gây ùn ứ kéo dài", tài xế xe khách cho biết thêm.
Bên ngoài cửa hầm nhiều người đứng chờ buôn chuyện, lướt điện thoại. Số khác nóng ruột quay xe ngược trở lại tìm đường khác để qua bên kia sông.
Còn chị Phạm Hoài Thương (ngụ quận 9), cho biết khi có sự cố xảy ra thì càng tồi tệ hơn. Những lúc như thế, chị cũng như nhiều người khác thường dừng xe đứng chờ chứ không dám chạy vào vì bên trong thiếu oxy sẽ rất khó thở, nhất là khi mang theo trẻ nhỏ.
"Việc sắp xếp đón con cùng về sớm, bữa cơm tối của gia đình thường hay bị muộn cả giờ đồng hồ", chị cho hay.
Nhiều người sốt ruột đứng chờ hơn 30 phút ngoài cửa hầm. Một số người mang theo trẻ nhỏ không dám chạy vào bên trong vì sợ các bé thiếu ôxy gây khó thở.
Lưu lượng xe qua hầm liên tục gia tăng
Hầm Thủ Thiêm là hạng mục quan trọng nhất trong dự án Đại lộ Đông - Tây. Bên cạnh việc giải toả áp lực cho cầu Sài Gòn, tuyến đường mới qua hầm rút ngắn thời gian từ trung tâm thành phố về các tỉnh miền Tây lẫn miền Đông, tạo nền tảng phát huy giao thương liên tỉnh. Công trình góp phần lớn trong việc tạo thành mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh ở phía đông thành phố, giảm áp lực cho giao thông trung tâm và là động lực phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, trong năm 2016 có hơn 12,7 triệu lượt ôtô qua hầm (tăng 35,5% so với năm 2015) và hiện bình quân mỗi ngày có khoảng hơn 220.000 xe máy qua lại, tăng 10% so với năm 2016. Lượng xe qua hầm tăng đột biến được trung tâm này lý giả nguyên nhân do kể từ khi đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được kết nối với đại lộ Đông - Tây qua nút giao thông An Phú, quận 2. Xe máy cũng được di chuyển khoảng 4km từ quận 9 qua quận 2 vào đại lộ Mai Chí Thọ trên đoạn cao tốc này. Tuyến đại lộ cũng là lựa chọn chủ yếu của người dân TP.HCM lưu thông qua hầm để ra vào trung tâm thành phố.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua khu vực phía đông các dự án bất động sản mọc lên rất nhiều, thu hút một số lượng lớn cư dân tới đây sinh sống.
Hầm Thủ Thiêm (TP.HCM) là công trình hầm dìm vượt sông đầu tiên của Việt Nam, lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Dự án trọng điểm này nằm trên tuyến đại lộ đông - tây nối quận 2 với quận 1 và ngược lại, được thông xe vào ngày 20.11.2011. Công trình do nhà thầu Nhật Bản thực hiện với chiều dài 2.250m, trong đó phần hầm dài gần 1.500m, rộng 33m, cao 9m, có 2 đường hầm riêng biệt với 6 làn xe cho 2 hướng, chịu động đất 6 độ richter và cho phép ôtô lưu thông với tốc độ 60km/h, xe máy 40km/h. Khi đưa vào khai thác, đường hầm được lắp đặt camera quan sát và bố trí nhân viên cứu hộ ở hai đầu để kịp thời xử lý các sự cố xảy ra.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, do hầm Thủ Thiêm nằm sâu dưới lòng sông Sài Gòn (cách mặt nước hơn 20m, chỗ sâu nhất đến 27m) nếu xảy ra sự cố hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng nên việc bảo đảm an toàn bên trong hầm được đặc biệt quan tâm.
Kể từ khi đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được kết nối với đại lộ đông - tây qua nút giao thông An Phú, quận 2 cùng với các dự án bất động sản mọc lên như nấm tại khu vực quận 2, 9 khiến cư dân đổ về đây lưu thông vào trung tâm qua hầm tăng lên.
Theo Lê Quân (Zing)
Ngăn chặn người đàn ông có biểu hiện bất thường lái ô tô qua hầm Thủ Thiêm Phát hiện người điều khiển ô tô loại 4 chỗ có biểu hiện bất thường lao đến trạm thu phí, lực lượng CSGT, nhân viên Trung tâm hầm Thủ Thiêm đã kịp ngăn chặn và báo công an địa phương cùng phối hợp xử lý. Đến 17h chiều nay (11/9), Công an phường Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM) đã đưa chiếc ô tô...