‘Hàm tử thần’ và loạt phim rùng rợn về những con cá mập khát máu
Cá mập ăn thịt là thể loại vô cùng ăn khách của Hollywood với đủ các tác phẩm từ bom tấn có kinh phí hàng trăm triệu USD cho đến những bộ phim ngớ ngẩn như cá mập lai bạch tuộc, cá mập nhiều đầu…
Với Hàm tử thần (tựa gốc: Deep Fear) sắp tới, đạo diễn Marcus Adams lại muốn khai thác nỗi sợ sâu kín của con người khi không biết vùng nước tối bên dưới sẽ ẩn chứa những cạm bẫy đấm máu nào. Điều này giúp phim bước vào top những tác phẩm rùng rợn nhất về cá mập.
Jaws (1975)
Jaws chính là bộ phim làm thay đổi khái niệm bom tấn hè mãi mãi. Đây cũng chính là tác phẩm tạo ra nỗi sợ và khơi mào cho dòng phim cá mập của Hollywood. Phim bắt đầu khi một con cá mập trắng bất ngờ xuất hiện và tấn công du khách tại bờ biển New England (Mỹ). Cảnh sát trưởng Martin Brody và nhà hải dương học Matt Hooper lên đường đi săn con quái vật mà không biết mình lại trở thành con mồi.
Bom tấn của Steven Spielberg gây ấn tượng bởi việc tạo ra một mô hình cá mập y như thật khiến mỗi lần nó xuất hiện đều tạo nên cảm giác rùng rợn. Không những thế, con quái thú khát máu thường xuyên tấn công bất ngờ rồi biến mất dưới đáy biển sâu không một dấu vết. Sợ đáng sợ của nó còn thể hiện ở kích thước khổng lồ dễ dàng đánh chìm một con thuyền.
The Shallows (2016)
Dù chỉ có một nhân vật đối đầu cùng con cá mập khát máu nhưng The Shallows đã xuất sắc tạo nên những phút giây căng thẳng và kịch tính bậc nhất màn ảnh rộng. Sau cái chết của mẹ, cô sinh viên y khoa Nancy Adams (Blake Lively) quyết định một mình du lịch đến một bãi biển ở Mexico – nơi mẹ cô từng ghé thăm trong lúc mang bầu mình. Thế nhưng, Nancy không ngờ mình lại trở thành mục tiêu của con cá mập trắng khổng lồ.
Điểm hấp dẫn của The Shallows chính là việc Nancy phải tìm mọi cách để thoát khỏi con cá mập khi đang một mình giữa biển cả. Quá trình trốn chạy của cô kéo dài từ bãi đá cạn, vùng san hô cho đến phao cứu sinh. Trong tình trạng bị thương nặng, mỗi lần Nancy cố gắng sinh tồn lại là một cuộc rượt đuổi nghẹt thở mà cái chết chỉ cách nữ sinh viên chỉ trong gang tấc.
Deep blue sea (1999)
Deep blue sea lấy bối cảnh một phòng thí nghiệm ở ngoài biển nơi các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm trên những cá mập để tìm ra thuốc chữa bệnh Alzheimer. Nhưng họ lại vô tình khiến chúng trở nên thông minh hơn. Và trong một đêm mưa bão, đàn cá mập đã tấn công khu nghiên cứu và mở ra một con đường để tràn vào tấn công nhóm người xấu số.
Sau màn giới thiệu nhân vật, Deep blue sea bỗng đẩy nhanh tốc độ lên chóng mặt khi đàn cá mập bắt đầu tấn công khu nghiên cứu. Lúc này, chúng dường như có mặt ở khắp nơi và sẵn sàng “chén” gọn bất kỳ ai trên đường đi. Các nhân vật luôn trong tình trạng căng thẳng vì có thể chết bất cứ lúc nào, ngay cả khi ở trên cạn thì họ cũng không hề an toàn. Không những thế, họ còn phải chạy đua với thời gian trước khi cả khu nghiên cứu chìm xuống đáy biển.
Open Water (2003)
Nhân vật chính của Open Water là Daniel (Daniel Travis) và Susan (Blanchard Ryan) – một đôi tình nhân đi lặn biển để hàn gắn mối quan hệ sau thời gian dài chỉ lo làm việc. Thảm họa ập đến khi nhóm du khách đi cùng họ đều trở lại tàu còn người thợ lặn thì tính toán nhầm và cho rằng tất cả đã có mặt. Khi Daniel và Susan trở lại địa điểm tập trung thì xung quanh họ chỉ còn là nước biển mênh mông. Và những con cá mập bắt đầu xuất hiện.
Open Water chọn cách tiếp cận độc đáo khi quay tối giản và chân thực, thậm chí sử dụng cá mập thật thay vì CGI hoặc máy móc. Bộ phim đã làm rất tốt việc khiến người xem bất an khi Susan và Daniel cố gắng nuôi hy vọng và sống sót trong một tình huống khá ngặt nghèo. Càng đáng sợ hơn khi biết rằng bộ phim này được lấy cảm hứng từ một cặp đôi ngoài đời thực, Tom và Eileen Lonergan, những người vô tình bị bỏ lại bởi nhóm lặn biển của họ và có lẽ đã chết trên biển.
Hàm tử thần (2023)
Hàm tử thần lấy bối cảnh vùng biển Caribbean xinh đẹp, Naomi (Madalina Ghenea) là một cô gái có sở thích lái thuyền vòng quanh thế giới. Cô lên kế hoạch một mình lái con tàu Serenity đến thăm bạn trai Jackson (Ed Westwick) ở Grenada. Khi né tránh cơn bão sắp đến, Naomi vô tình cứu được hai người gặp nạn trên biển. Nhưng hóa ra, chúng lại là những tên tội phạm vận chuyển lậu ma túy. Cả hai ép Naomi phải lặn xuống con tàu đắm giữa đàn cá mập khát máu để thu hồi số hàng.
Bộ phim đặt Naomi vào tình huống ghê rợn khi phía dưới là cá mập, bên trên lại là họng súng của lũ tội phạm. Tác phẩm chính là sự kết hợp của The Shallow và Jaws, hứa hẹn sẽ thổi làn gió mới vào dòng phim cá mập đang đi vào lối mòn. Đạo diễn Marcus Adams tiết lộ: “Chính sự mờ ảo và tình trạng âm u trong làn nước khi đó đã tạo ra giai điệu và bối cảnh hoàn hảo cho bộ phim li kỳ, rùng rợn đen tối và đẫm máu này”.
“Tầm nhìn dưới nước vừa đủ để thấy nhưng lại không đủ để nhìn rõ mọi vật xung quanh, nó khiến cho nhân vật chỉ có thể kiểm soát một phần tình huống và tạo ra cảm giác bị đe dọa vô cùng dữ dội. Bị nhấn chìm trong bóng tối của biển sâu, khán giả sẽ bị bao trùm bởi một nỗi sợ hãi bám chặt trong từng giác quan”, anh nói thêm.
Trên chuyến hành trình xuyên biển đoàn tụ gia đình, một cơn bão buộc Naomi rời khỏi lộ trình và vướng vào phi vụ nguy hiểm dưới lòng đại dương. Nhiệm vụ khó thành, hàm tử thần chực chờ nuốt chửng, liệu Naomi có thể thoát khỏi biển máu?
Hàm tử thần (tựa Việt: Deep Fear) hiện đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Cá Mập - Nhân vật phản diện "bất đắc dĩ" tội nghiệp của ngành điện ảnh
Hollywood phải thôi "quỷ hóa" sinh vật vĩ đại này của đại dương đi thôi! Có bao giờ bạn tự hỏi rằng tại sao người ta luôn thấy sợ hãi khi nhắc đến cá mập mà các loài cá khác thì lại không? Có phải bởi vì đa số những gì chúng ta thấy trên phim ảnh, báo đài từ trước đến nay, cá mập luôn là thứ đáng sợ?
Cái suy nghĩ cá mập là một thứ nguy hiểm gần như đã ăn sâu vào tiềm thức của loài người. Từ những bộ phim hoạt hình dành cho lứa tuổi thiếu nhi cho đến những thước phim kinh dị của Hollywood, cá mập luôn là một nhân vật phản diện. Nghĩ mà xem, những em bé 2-3 tuổi, xem một video hoạt hình về đại dương, chỉ cần thấy hình ảnh vây cá mập di chuyển vòng vòng là các em ấy đã tự nhận thức được đó là nỗi sợ cho các nhân vật khác. Hay trong các bộ phim Mỹ, có thể nói ở đâu có cá mập, ở đó có máu người.
Các bộ phim hầu như luôn mô tả cá mập với một cái nhìn tiêu cực. Nào là cá mập xuất hiện ở bãi biển X, 2 người bị cá mập tấn công ở bãi biển Y. Nhưng thực tế cá mập không hề là quỷ dữ như phần lớn bộ phim về chúng mô tả.
Nhưng điều đó không ngăn được một cái nhìn tiêu cực về loài vật tuyệt vời này. Và bộ phim Jaws (Hàm Cá Mập) của đạo diễn Steven Spielberg sản xuất vào năm 1975 là một ví dụ điển hình.
Được xem là một trong những bộ phim hay nhất từng được thực hiện, Jaws là bộ phim khai sinh ra khái niệm bom tấn mùa hè và được coi là một bước ngoặt trong lịch sử điện ảnh. Tuy nhiên, đây là tin buồn với loài cá hùng vĩ này. Sau sự thành công từ Jaws, cộng với kiến thức về các loài động vật còn hạn chế trong những năm 70, ý nghĩ cá mập là kẻ thù của con người tăng đáng kể và chúng bắt đầu bị săn lùng vô tội vạ.
ADVERTISEMENT
Cô cá mập voi trong Finding Dory
Theo phân tích của tiến sĩ Le Busque, chuyên về nghiên cứu và phân tích dữ liệu về cá mập, với 109 bộ phim cá mập được phát hành từ năm 1958 đến năm 2019. Ông cho biết 96% các bộ phim miêu tả một cách công khai những con cá mập có khả năng đe dọa con người. Trong số 4% còn lại, ba bộ phim đã minh họa một cách kín đáo hơn về mối đe dọa tiềm tàng của cá mập đối với con người. Và chỉ có một bộ phim duy nhất không có cảnh cá mập đe dọa con người, đó là Finding Dory. Tuy nhiên, cá mập trong Finding Dory lại là cá mập voi, loài nổi tiếng là gã khổng lồ hiền từ của đại dương.
Thành công của Jaws đã thúc đẩy một làn sóng trong Hollywood. Kể từ đó, chúng ta đã thấy sự gia tăng của các bộ phim về cá mập trên trường điện ảnh cho đến tận ngày nay như The Meg, 47 Meters Down, The Shallows, Deep Blue Sea, Open Water.... Phần lớn đều thể hiện một cách quá rõ ràng cá mập là những sinh vật đáng sợ với sự thèm khát thịt người vô độ. Và khi những tựa phim thuộc thể loại kinh dị, phiêu lưu hoặc sinh tồn này càng lúc càng nhận được sự quan tâm, cái nhìn tiêu cực về cá mập cũng được truyền bá rộng rãi. Như đã nói, điều này khiến nhiều người lại tiếp tục cực kỳ khiếp sợ cá mập. Những bộ phim này luôn khắc họa hình ảnh cá mập một cách đáng sợ và kinh dị, rằng cá mập cố ý cắn con người, rằng cuộc chạm trán giữa người và cá mập luôn gây tử vong và thông điệp cuối cùng luôn là nên giết cá mập để ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai. Thực tế lại khác một trời một vực.
Phải nói rằng, truyền thông và đặc biệt là Hollywood, là một tác nhân lớn trong việc định hình nhận thức của công chúng về các cuộc chạm trán giữa người và cá mập. Và điều này tác động đến cách mọi người nhìn nhận về việc bảo tồn cá mập. Biết rằng ngành công nghiệp điện ảnh của Hollywood là để giải trí, nhưng ảnh hưởng của nó đến nhận thức về cá mập là không hề nhỏ.
Theo thống kê, kể từ khi Jaws được phát hành vào năm 1975, quần thể cá mập đã giảm một cách thảm khốc. Sau khi Jaws ra mắt, một cơn ác mộng với cá mập bắt đầu hình thành. Thành công vang dội của phim đã gây ra một cơn hoảng loạn trong người dân đối với biển cả. Tệ hơn, căn cứ vào sự hoảng loạn của đám đông, National Oceanic and Atmospheric Administration (cơ quan Quản Lý Khí Quyển và Đại Dương Quốc Gia) của Mỹ khi đó đã tuyên bố cá mập là loài cá gây hại, đồng nghĩa với việc cho phép ngư dân đánh bắt và sát hại tất cả các loại cá mập. Phải đến một thập kỷ sau cái ngày định mệnh Jaws ra đời, con người mới chịu dừng tay khi hệ sinh thái biển bắt đầu suy giảm trầm trọng vì chuỗi thức ăn bị phá hoại.
Đây là một trong những ví dụ thực tế về ảnh hưởng của phim ảnh lên con người. Một điều đáng mừng hiếm hoi là chúng ta của hiện tại đã thông minh và tiếp nhận nhiều kiến thức hơn, và theo đó ít khi bị tác động từ phim ảnh. Nhưng thời gian không thể quay lại và tác động tiêu cực dưới tay con người không thể bị đảo ngược.
Ngay cả khi có lệnh bảo tồn, loài cá này luôn nằm trong nguy cơ tuyệt chủng. Trong nửa thập kỷ qua tính từ 2019, quần thể cá mập và cá đuối đã giảm 71%. Hơn 100 triệu con cá mập bị giết mỗi năm và hơn 30% tổng số loài cá mập và cá đuối bị đe dọa. Hầu hết chỉ để lấy vi cá - một món ăn chỉ được tiếng sang chứ chẳng bổ béo gì, thậm chí là gây hại cho người dùng.
Đến nay, người ta luôn nghĩ đến những thứ tiêu cực khi nói về các cuộc chạm trán với cá mập. Có thể thấy cá mập xuất hiện trên các phương tiện truyền thông rất thường xuyên và điều này thực sự khiến mọi người nghĩ rằng khả năng gặp phải cá mập cũng khá cao, chưa kể đến việc thứ người ta thường thấy trên những poster về cá mập là hàng tá những chiếc răng dài nhọn đáng sợ của nó. Thực tế là một câu chuyện rất khác.
Đầu tiên, các cuộc chạm trán này rất hiếm và bối cảnh của nó cũng không như người ta thường nghĩ. Năm 2020 chỉ có 13 trường hợp tử vong liên quan đến cá mập trên toàn thế giới, 10 trong số đó là nhầm lẫn tai hại. Có thể thấy khả năng gặp phải cá mập còn thấp hơn so với bị sét đánh, bị đè bởi một cái máy bán hàng tự động, "chọc cún" và nhiều nguyên nhân tử vong khác. Nếu bị lạc ở biển, bạn có nguy cơ chết vì sự khắc nghiệt của môi trường hơn là chạm trán loài vật này.
Theo các nhà khoa học biển, cá mập không ăn thường xuyên đến mức phải đối mặt với nguy cơ chết đói và phải săn người để sống. Thật ra, chúng ta quá nhiều xương, ít đạm, ít mỡ để trở nên hấp dẫn trong mắt của những chú cá này. Mọi trường hợp bị cắn đều là do nhầm lẫn nhân dạng. Các thợ lặn mặc đồ đen với chân chèo và những phụ kiện cồng kềnh làm họ trông giống hải cẩu, còn những người lướt sóng thì khi đứng trên ván với hai tay dang ra lại có vài phần tương tự với rùa biển khi nhìn từ dưới lên. Cả hai đều là con mồi ưa thích của cá mập.
Quay lại với các bộ phim sinh tồn với diễn viên phản diện chính là cá mập. Được khắc họa sự đáng sợ là vậy, nhưng rõ ràng đa số các cuộc tấn công của cá mập là đều bắt đầu từ con người xâm phạm môi trường sống của chúng. Nếu ở The Meg, con người không cố gắng đâm thủng đi lớp cách nhiệt để khám phá tầng sinh vật ở dưới, thì chắc chắn cá mập khổng lồ Megalodon sẽ không gây hại cho họ (nói vậy thôi chứ mấy chú Meg chắc chắn đã tuyệt chủng rồi nha). Hay trong Jaws, nếu người ta không tắm quá xa ở bãi biển đã được cảnh báo có cá mập và không cố tình giết chúng, thì chắc chắn mất mát sẽ không có. Rõ ràng là rất nhiều thứ được gọi là cá mập tấn công trong xã hội thực sự là những tai nạn và sự hội tụ giữa sự nhầm lẫn và cơ hội săn mồi.
Cá mập ngoài đại dương kia chỉ đang sống ở lãnh thổ của nó, và việc của nó là đảm bảo cho một hệ sinh thái từ bao đời nay được cân bằng. Hơn nữa, những cá thể cá mập khổng lồ mà Hollywood khắc họa thậm chí còn hiếm thấy hơn trong tự nhiên. Đơn giản là vì loài cá này không tiếp cận con người và sinh sản ở những nơi rất ít được biết đến. Vòng đời của loài cá mập cũng rất dài và chúng tăng kích cỡ khá chậm. Để đạt được kích cỡ của cá mập trắng trong Jaws, một cá thể cá mập phải mất đến cả một đời người - 100 năm có lẽ.
Tiếc là mọi cái kết cho nhân vật phản diện này đều như một, không nát thành từng mảnh thì cũng bị trúng độc mà chết. Con người coi cá mập như một quái vật, nhưng con người giết cá mập còn nhiều hơn bất kể thứ gì. Mỗi năm, con người quấy rối cá mập bằng các hình thức khiêu khích như săn bắn lấy vi cá, chưa kể đa số các trường hợp cá mập cắn vô cớ đối với con người là do những người lướt sóng và những người tham gia các môn thể thao trên ván dành nhiều thời gian ở khu vực thường xuyên có cá mập, phá rối vùng săn mồi thường niên của chúng. Vậy rốt cuộc giữa con người và cá mập, ai mới là phản diện?
Dù vô tình hay cố ý, Hollywood, phim ảnh, dù là phim viễn tưởng hay tư liệu, đến nay đều truyền tải những thông tin không đúng về loài cá này, khắc họa chúng là quái vật ngu ngốc và tham lam, chứ không phải một loài vật thông minh và nhạy cảm của tự nhiên.
Rõ là nếu cá mập tuyệt chủng thì chúng ta phải hứng chịu một thảm họa sinh học rất khủng khiếp. Vậy mà nhận thức về cá mập có vẻ chưa có dấu hiệu tích cực, dù con người đã bắt đầu bảo vệ những sinh vật vĩ đại này. Sắp tới cá mập sẽ trở lại với bộ phim Mồi Cá Mập (Shark Bait) được công chiếu vào ngày 20.05, và ắt hẳn rằng lần này cũng không ngoại lệ khi cá mập lại vào vai phản diện bất đắc dĩ.
Các khán giả sau khi đọc bài này hãy cùng chờ xem lần này ai đúng ai sai, thực sự là cá mập tấn công con người hay con người khiêu khích cá mập trước nhé! Giá mà người ta luôn nghĩ đến cá mập với tràn ngập sự dễ thương như lời hát Baby Shark Do Do Do Do nhỉ? Chúng không dữ tợn như những bộ phim này đâu. Nên các mọt hãy cổ vũ cho những chú cá mập bằng cách tìm đến những kiến thức thực tế về chúng, chứ không phải học trong các phim về loài vật này mà chắc chắn còn được làm hoài trong tương lai nhé. (À mà cá sấu thì phim sao đời nó vậy nha mọi người! Đây là động vật mà các nhà làm phim lại mô tả thực tế nhất. Nhưng gọi chúng là quái vật thì đã quá lời rồi).
'Quái vật đen': Tác phẩm sinh tồn với cá mập cực giật gân đáng trải nghiệm mùa hè này Là một trong những dự án quái thú đặc sắc mở màn dịp hè này, Quái vật đen (tựa gốc: The Black Demon) sẽ đưa khán giả đến với vùng biển sâu của Mexico, gặp gỡ huyền thoại của "làng" cá mập Megalodon bạo chúa. Dự án đang được khán giả Việt vô cùng trông đợi vào tháng 5 này khi sở hữu...