Ham giá rẻ, SV bị lừa ở chợ đồ cũ
Tuy không còn là mốt rầm rộ như mấy năm trước song sở thích mua sắm ở “chợ đồ cũ” vẫn ngầm tồn tại trong giới sinh viên qua mọi thế hệ.
Lý do để các khu “chợ” đồ cũ có thể tồn tại cho đến nay một phần rất lớn là nhờ vào bộ phận sinh viên của các trường đại học, cao đẳng. Đây chính là đối tượng thường xuyên lui tới tìm kiếm và chọn mua cho mình những mặt hàng yêu thích với giá thật là “rẻ”. Lợi dụng tâm lí đó mà những khu “chợ” đồ cũ mọc lên như… nấm để đáp ứng nhu cầu của sinh viên và người thu nhập thấp.
Sinh viên “khoái” đồ cũ, hàng giảm giá
Ngọc Lan (CĐ SPHN), một chuyên gia săn đồ cũ chia sẻ lí do cho sở thích hơi lạ của mình: “Chúng mình là sinh viên nên điều kiện kinh tế hạn hẹp, gia đình trợ cấp nhiều khi không đủ vì có nhiều lí do phát sinh. Thế nên để có thể có những bộ quần áo, giày dép vừa đẹp lại vừa rẻ thì chỉ có thể tìm đến những khu chợ đồ cũ. Mình thấy ở đấy không thiếu đồ đẹp chỉ có điều phải mất công tìm kiếm. Chắc cũng do đã quen với việc mua sắm như thế này mà mình thấy nó rất thú vị”.
“Chợ” đồ cũ thu hút rất nhiều khách hàng sinh viên (Ảnh PLXH)
Video đang HOT
Cũng như Lan, Hoàng (ĐH SPHN) – vị khách trung thành của những khu chợ này chia sẻ: “Mỗi khi có nhu cầu thay giày mới là mình thường ra đây tìm kiếm lấy một đôi ưng ý nhất để sử dụng, mẫu mã không đến nỗi nào mà giá cả lại phải chăng, chứ vào shop thì tốn kém lắm”.
Được giới thiệu “chợ” đồ cũ Nguyễn Khánh Toàn, chúng tôi liền đến và thực hiện một cuộc khảo sát nho nhỏ để tìm hiểu con số các bạn sinh viên mua hàng tại đây ở mức độ như thế nào.
Khu chợ này bày bán rất nhiều mặt hàng, từ quần áo giày dép cho tới tất, dây thắt lưng, ví … hầu hết được bày la liệt trên vỉa hè kéo dài đến gần hết đoạn đường Nguyễn Khánh Toàn. Trừ giày dép ra, mặt hàng quần áo đều trông như mới chứ không ai nghĩ đó là đồ cũ.
Sau một tuần liên tục đi đến khu chợ này, kết quả thu được thật ấn tượng: Hầu hết những người tìm kiếm và lựa chọn đồ ở đó là những bạn sinh viên đến từ những trường đại học, cao đẳng gần đó như: CĐ SPHN, ĐH SPHN, HVBC&TT… thậm chí có cả những bạn sinh viên từ rất xa khi đi ngang qua thấy bày bán nhiều mặt hàng trên vỉa hè mà tò mò dừng lại xem và chọn cho mình những món đồ ưng ý.
Một chủ hàng quần áo ở đó cho biết: “Hầu hết những người đến chọn quần áo ở đây là những cô cậu sinh viên, có khi chúng nó kéo cả đoàn đến, người mua một cái áo, người mua cả bộ, đồ ở đây giá cả đã phải chăng rồi mà chúng nó mặc cả khéo lắm, nhiều khi tôi bán chỉ vì cái miệng của chúng nó đấy cậu ạ”.
Theo khảo sát, giá mỗi chiếc áo với đủ mọi loại ở đây vào khoảng từ 50 đến ngoài 100 nghìn đồng, thậm chí 3 đôi tất được niêm yết với cái giá rẻ đến “chóng mặt” 12.000/ 3 đôi. Giày dép, thắt lưng, ví da… dao động trong khoảng từ 80 – 200 nghìn đồng. Khu chợ quả thực toàn đồ giá rẻ đáp ứng nhu cầu cho các bạn sinh viên.
Áo mua về làm giẻ lau
Xu hướng chọn đến những địa điểm mua hàng giá rẻ trong giới sinh viên đã trở nên phổ biến, tuy nhiên, đằng sau cái “mác” giá trẻ đó lại là những dấu hỏi lớn về chất lượng các mặt hàng được bày bán nơi đây.
Qua quá trình khảo sát của nhóm phóng viên, hầu hết những đôi tất, chiếc giày hay những chiếc áo được bày bán tại đây đều được đeo “mác” của những hãng hàng thời trang nổi tiếng như: Adidas, D&G…
Những đôi giày bày bán được phủ trên mình một lớp si đen bóng, đế những chiếc giày được gắn bằng những lớp keo hết sức tinh vi và trong cái nhá nhem tối, người mua hàng không thể nào nhận ra được đâu là thật, đâu là giả.
Hay những chiếc áo đeo mác hàng hiệu, mới cầm thử mặc vào người, đến khi cởi ra vải đã xù hết lên, hỏi chủ hàng thì nhận được câu trả lời hết sức vô tư: “Hàng này lỗi em ạ, để chị lấy cho em cái khác”….
Để mua được đồ tốt cũng không ai dám chắc mà chỉ có thể dùng hai từ “may mắn”.
Chính vì những thủ đoạn bán hàng tinh vi mà nhiều sinh viên đã sa bẫy và nhận những “trái đắng” từ việc hám lợi mua đồ rẻ ở các khu chợ này. Để rồi khi mua xong, không có bảo hành, dùng một hai lần là hỏng mà không biết phải than ai.
Thu – SV CĐ SPHN là một nạn nhân tiêu biểu, cô bạn ngán ngẩm nói: “Mình mới mua một chiếc áo thu đông, mặc một lần mà nó đã xù hết cả lên, chán quá mình chả dám mặc nữa đành làm rẻ lau phòng trọ vậy”…
“Chợ” đồ cũ luôn là điểm đến hấp dẫn cho giới sinh viên, tuy nhiên để nói về chất lượng những mặt hàng nơi đây thì không ai dám khẳng định. Để mua được đồ tốt cũng không ai dám chắc mà chỉ có thể dùng hai từ “may mắn”.
Để chọn được những món đồ tốt không phải đơn giản, nhưng cũng không thiếu cách mà các bạn sinh viên nghĩ ra để đối phó lại với những chủ hàng tinh vi.
Đối với áo, đa số đều thử bằng cách vầy vò thật mạnh, đó là cách để có thể phát hiện ra “hội chứng” xù và nhăn. Còn với giày, cần phải gõ mạnh đế xuống đất nếu không có vấn đề thì nên mua.
Những “quái chiêu” đó được giới sinh viên sử dụng khiến nhiều chủ hàng phải “xanh mặt” và chịu thua, còn với chính những bạn sinh viên, đó lại là phương án hữu hiệu nhất để mang lại lợi ích cho mình khi chọn đồ ở các khu “chợ” đồ cũ.
Theo VietNamNet