Hạm đội 7: Diễn tập hàng hải ASEAN – Mỹ kết thúc thành công
Hạm đội 7 của hải quân Mỹ cho biết diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN ngày 6/9 đã kết thúc thành công với sự tham gia của đại diện lực lượng hải quân các nước.
Theo thông báo của Hạm đội 7, hoạt động Diễn tập hàng hải ASEAN-Mỹ (AUMX) có sự tham gia của hải quân Mỹ và tất cả các nước thành viên ASEAN.
Bộ chỉ duy diễn tập được đặt trên tàu HTMS Krabi (OPV 551) của hải quân Thái Lan, với đại diện của các nước ASEAN và Mỹ. Các nước thành viên ASEAN cũng cử đại diện đến phối hợp làm việc tại một cơ sở hỗ trợ trên đất liền đặt tại Singapore.
Đại diện các nước ASEAN và Mỹ tại cơ sở hỗ trợ diễn tập ở Singapore. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Thông cáo của Hạm đội 7 nhấn mạnh AUMX thúc đẩy những cam kết chung giữa các đối tác hàng hải, hướng đến duy trì an ninh và ổn định tại khu vực Đông Nam Á.
Chuẩn đô đốc Joey Tynch, chỉ huy lực lượng hậu cần Tây Thái Bình Dương và là quan chức giám sát hợp tác an ninh của hải quân Mỹ tại Đông Nam Á, khẳng định hoạt động này không đơn thuần mang tính biểu tượng mà còn củng cố năng lực và niềm tin cho các nước.
“Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn khi ra khơi cùng nhau. Cuộc diễn tập ASEAN-Mỹ là một sự kiện quan trọng, một bước tiến tích cực hướng đến xây dựng khu vực kết nối nhiều hơn. Đây là chìa khóa để duy trì ổn định và an ninh hàng hải khu vực”, ông cho biết.
Video đang HOT
Mỹ huy động 2 tàu chiến, 1 máy bay và 3 trực thăng tham gia đợt diễn tập hàng hải với các nước ASEAN. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Trong xuyên suốt chuỗi hoạt động diễn tập, các nước ASEAN và Mỹ phối hợp hoạt động với mô hình nhóm chiến thuật tích hợp để giải quyết các tình huống mô phỏng thực tế.
Mỹ cũng thuê nhiều tàu thương mại đóng vai mục tiêu cho các bài tập lục soát và bắt giữ tàu trên biển, tương ứng với nhiều thách thức hàng hải trong khu vực.
“AUMX là cơ hội hoàn hảo để các bên phối hợp và diễn tập trên biển với những kịch bản thực tế. Sự kiện đã đạt được thành công lớn trong khía cạnh củng cố hiệu quả hợp tác đa phương, giúp các nước học hỏi lẫn nhau và xây dựng nền tảng để chúng ta cùng hợp tác trong tương lai”, đại úy Matt Jerbi, chỉ huy Nhóm tàu khu trục 7 và phó chỉ huy AUMX, cho biết.
Lực lượng hải quân Mỹ và các nước ASEAN diễn tập lục soát và bắt giữ tàu khả nghi trên biển. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Hải quân Mỹ đã điều động nhiều khí tài tham dự cuộc diễn tập hàng hải khu vực, bao gồm tàu hạng nhẹ USS Montgomery (LCS 8), tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer (DDG 108), 3 trực thăng MH-60, 1 máy bay trinh sát săn ngầm P-8 Poseidon.
Tổng cộng có 8 tàu chiến, 4 máy bay từ 7 nước tham gia diễn tập, với gần 1.000 nhân sự của Mỹ và 10 nước ASEAN được huy động. Tàu 18 thuộc Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân của lực lượng hải quân Việt Nam cũng được cử đến tham gia.
“Đợt diễn tập là một môi trường hữu ích cho hải quân các nước ASEAN phối hợp cùng hải quân Mỹ củng cố hợp tác thực tến, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xây dựng niềm tin”, đại tá Lim Yu Chuan, chỉ huy Tiểu hạm đội 1 và Nhóm tàu chiến 185 của hải quân Singapore, nhận định.
“Lực lượng hải quân các nước cần phối hợp để bảo vệ những tuyến đường thương mại hàng hải then chốt và đảm bảo an toàn cho các vùng biển”, ông nhấn mạnh.
Theo Zing.vn
Thông điệp cứng rắn Mỹ gửi Trung Quốc khi diễn tập chung với ASEAN trên Biển Đông
Giới quan sát cho rằng Mỹ đã gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc khi tổ chức diễn tập chung với quân đội các nước ASEAN trên Biển Đông.
Tàu chiến tham gia diễn tập hàng hải Mỹ - ASEAN (Ảnh: AFP)
Cuộc diễn tập hàng hải chung đầu tiên của các nước ASEAN với Mỹ đã khép lại vào ngày 6/9. SCMP cho rằng đây là nỗ lực của các nước Đông Nam Á trong việc cân bằng các hoạt động tương tác quân sự giữa khối với Mỹ và Trung Quốc.
Cuộc diễn tập kéo dài 5 ngày với sự tham gia của 8 tàu chiến, 4 máy bay quân sự và hơn 1.000 quân nhân.
Theo chuyên gia Rajeev Ranjan Chaturvedy của trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, đại học kỹ thuật Nanyang, Singapore thì mục tiêu chủ chốt của cuộc diễn tập hàng hải là củng cố hiểu biết và các kỹ năng cần thiết của lực lượng các bên để đối phó với những mối đe dọa an ninh hàng hải.
Ông Chaturvedy cũng so sánh cuộc diễn tập ASEAN - Mỹ và cuộc diễn tập ASEAN - Trung Quốc diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái. Chuyên gia này cho rằng cuộc diễn tập chung với Bắc Kinh hạn chế hơn hẳn về mặt quy mô khi các nước chỉ tham gia các hạng mục tìm kiếm cứu hộ và khắc phục thảm họa.
Trong khi đó, cuộc diễn tập vừa kết thúc hôm qua, các nước ASEAN và Mỹ nhằm tăng cường hoạt động nhận thức tình huống và nâng cao khả năng tương tác.
Khả năng tương tác với Mỹ nâng cao sẽ giúp các nước Đông Nam Á củng cố năng lực hoạt động tại khu vực Biển Đông, bằng cách cho phép các lực lượng khác biệt hoạt động cùng nhau tại khu vực đang diễn ra tranh chấp về mặt chủ quyền.
Trong cuộc diễn tập, Mỹ đã cam kết sẽ duy trì hoạt động giao lưu quân sự với khu vực trong bối cảnh Biển Đông vẫn đang căng thẳng. Trung Quốc đã có những yêu sách chủ quyền phi lý với hầu hết khu vực, đưa ra cái gọi là "đường chín đoạn", đồng thời thực hiện bồi đắp và quân sự hóa trái phép khu vực.
Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng khẳng định khu vực này nằm trong một phần chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Washington.
Thông điệp cứng rắn
Sean King, phó chủ tịch công ty chiến lược chính trị Park Strategies (Mỹ), cho rằng Washington thông qua cuộc diễn tập muốn gửi thông điệp cứng rắn và rõ ràng tới Trung Quốc rằng họ vẫn đang hiện diện ở khu vực.
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại trường S. Rajaratnam, nói rằng các nước Đông Nam Á đang tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ để đối phó lại với Trung Quốc vì sự bất đối xứng trong năng lực quân sự giữa các quốc gia này và Bắc Kinh. Ông Koh cho rằng, ngoài Mỹ, các nước ASEAN cũng đang củng cố mối quan hệ an ninh và quốc phòng với những cường quốc khác như Astralia hay Nhật Bản.
Mỹ trong thời gian qua đã tăng cường hoạt động tại Biển Đông. Tháng trước, họ điều tàu sân bay USS Ronald Reagan tới thăm cảng Philippines. Động thái này không chỉ thể hiện cam kết của Washington với đồng minh mà còn nhằm nhắc nhở Trung Quốc về sự có mặt của họ tại khu vực.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyên các nước ASEAN không nên lựa chọn nghiêng hẳn về một bên nào do sự đa dạng về lợi ích quốc gia và ưu tiên của mỗi nước Đông Nam Á đều khác nhau, theo ông Chaturvedy. Theo chuyên gia này, các nước ASEAN nên chọn phương án cân bằng giữa cả 2 bên.
Hồi đầu tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã từng tuyên bố rõ ràng rằng Washington không yêu cầu các quốc gia Đông Nam Á phải "chọn phe" giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng nhấn mạnh chính sách ngoại giao của Mỹ với ASEAN là nhằm mong muốn hợp tác, tôn trọng chủ quyền các nước cũng như quy định cơ bản, quyền con người và tăng trưởng kinh tế bền vững".
"Sự tham gia của chúng tôi vào khu vực này không và sẽ không phải là tình trạng "kẻ được người mất". Các lợi ích của chúng tôi đơn giản là hòa hợp tự nhiên với lợi ích của các bạn và hướng tới lợi ích chung của chúng ta", Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Theo Dân Trí/SCMP
Nhìn từ cuộc diễn tập hàng hải Mỹ-ASEAN Mỹ hoàn toàn sẵn sàng giữ vững cam kết của mình vào tiến trình hợp tác nhằm củng cố hòa bình và bảo vệ tự do, an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong cuộc họp báo ngày 3-9, Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ Murray Joe Tynch III khẳng định cuộc diễn tập hàng hải...