Hầm chứa hạt giống toàn cầu: ‘Điểm cấm’ hút khách ở Na Uy
Hầm chứa hạt giống toàn cầu nằm ở một nơi mà chỉ cần nghe đến đường đi, nhiều người sẽ cảm thấy nản lòng.
Mặt trời chiếu sáng đến nửa đêm, bắc cực quang và những con gấu Bắc Cực lang thang trên bề mặt trắng xóa của tuyết và các dòng sông băng khổng lồ. Khí hậu Bắc Cực lạnh giá nhưng trong lành và cảnh vật đẹp như trong những câu chuyện cổ tích. Đó là những gì mà du khách vẫn cảm nhận khi nhắc đến Svalbard, nhóm đảo hoang vắng ở Na Uy.
Trong khung cảnh mờ tối và lạnh giá của Bắc Cực, cổng ra vào hầm ngầm giống như viên ngọc quý nhô ra khỏi tuyết và băng. Nó được xây bằng bê tông góc cạnh và chính quyền Na Uy đã đầu tư, nâng cấp hầm chứa để nơi này có thể chứa tới 2,5 tỷ hạt giống toàn cầu.
Nhưng trong 12 năm qua, một “đối thủ” khác đã trỗi dậy mạnh mẽ thu hút bớt sự quan tâm của du khách khi đến Svalbard, thay vì khung cảnh thiên nhiên nói trên. Đó chính là Svalbard Global Seed Vault, hầm ngầm chứa hạt giống toàn cầu được xây dựng ở Bắc Cực để bảo vệ các loài thực vật trên thế giới tránh khỏi bị tuyệt chủng do biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, chiến tranh. Đến nay, trong hầm có hơn một triệu mẫu vật, với gần một tỷ hạt giống được lưu trữ ở nhiệt độ không đổi, âm 18 độ C, để giúp chúng không bị hư hỏng. Lớp băng vĩnh cửu tạo thành một chiếc tủ lạnh tự nhiên.
Hầm lần đầu tiên được mở và rút bỏ một số hạt giống là vào đầu tháng 10/2015, do hậu quả của chiến tranh Syria. Các nhà khoa học thuộc Trung tâm quốc tế nghiên cứu nông nghiẹp tại Vùng Khô hạn (Dry Areas) phải chạy trốn khỏi căn cứ tại Aleppo, Syria tới Lebanon. Họ yêu cầu lấy lại rất nhiều hạt giống đã gửi trước đó để gieo trồng, tiếp tục những nghiên cứu quan trọng mà họ tiến hành trong nhiều thập kỷ qua.
Nếu bị cắt điện vì lý do nào đó, nhiệt độ hầm dần ổn định ở mức âm 8 độ C, đủ thấp để duy trì chất lượng hạt giống trong nhiều thập kỷ. Và ngay cả trong trường hợp băng tan do biến đổi khí hậu, hầm vẫn không bị ảnh hưởng vì nó được xây dựng trên mực nước biển 150 m. Các chuyên gia tin rằng, với nhiệt độ âm 18 độ C như hiện nay trong hầm, các hạt giống được lưu giữ trong tình trạng tốt hàng nghìn năm.
Chức năng của hầm ngầm giống như khoản tiền an toàn gửi vào ngân hàng. Sau khi đặt vào bên trong, các thùng không thể bị mở ra cũng như loại bỏ bởi bất kỳ ai, ngoài cơ quan gửi hạt giống đến khi cần thiết. Và thông thường, chủ sở hữu của các hạt giống này là các quốc gia. Nếu một loài bị tuyệt chủng trong tự nhiên do hạn hán, chiến tranh, lũ lụt thì đặc điểm di truyền trong hạt giống sẽ trở nên rất quan trọng. Bởi vì chúng ta có thể khôi phục lại loài này nhờ vào các mẫu vật đã được lưu trữ trong hầm ngầm này.
Phần lớn các thùng có màu xám hoặc đen, làm từ kim loại để chứa hạt giống. Tuy nhiên cũng có một số thùng làm từ gỗ, với nhãn dán màu, được gửi từ Triều Tiên. Ảnh: CNN
Dù có tên đầy đủ là Svalbard Global Seed Vault, nhưng nó vẫn được mọi người gọi nhiều hơn với cái tên Hầm cho ngày tận thế hoặc Hầm dự phòng cho nhân loại, nhờ đặc điểm nêu trên. Hầm nằm trên đảo Spitsbergen, đảo duy nhất có người sinh sống trên quần đảo Svalbard, cách Bắc Cực 1.300 km. Nó không phải nơi dễ dàng tiếp cận khi quần đảo là nơi xa nhất về phía bắc mà một người có thể bay đến. Nhiệt độ nơi này có thể lên đến âm 46,3 độ C và trong 153 ngày không có ánh sáng mặt trời. Đó là một nơi, theo Culturetrip, hoàn hảo để xây dựng một cơ sở siêu an toàn mà chính phủ Na Uy không cần đầu tư tiền vào các biện pháp an ninh đắt tiền để ngăn người lạ xâm nhập. Vì chỉ cần nghe đến đường đi khó khăn của nó, nhiều du khách sẽ nản lòng. Và trên thực tế, hầm là nơi cấm du khách ghé thăm. Nó được xây dựng cho mục đích bảo vệ tương lai của nhân loại, thay vì là điểm du lịch hấp dẫn.
Nhưng, bất chấp mọi thứ, Svalbard Global Seed Vault vẫn là huyền thoại yêu thích trong lòng của rất nhiều du khách, theo Ronny Brunvoll, người quản lý Visit Svalbard, trang web chính thức về các thông tin du lịch của nơi này. Anh tin rằng, sự tồn tại của căn hầm này đã là một điều thú vị, thu hút sự quan tâm của du khách. Visit Svalbard cũng nhận được rất nhiều câu hỏi của du khách về khu vực cấm này.
Mặc dù bạn không thể vào bên trong kho chứa hạt giống của nhân loại, du khách vẫn có thể ghé thăm nơi này và chụp ảnh lưu niệm ở bên ngoài. Thậm chí, nhiều công ty du lịch còn tổ chức tour tới nơi này và giới thiệu cho du khách mọi điều bạn cần biết về hầm. Thông tin về bộ sưu tập hạt giống khổng lồ hiện có tại Bảo tàng Svalbard và tại Trung tâm Thông tin Du lịch Longyearbyen. Bạn cũng có thể tham gia vào một tour tham quan ảo để chiêm ngưỡng căn hầm này.
Phía bên ngoài mặt tiền của hầm, ngay trên lối vào là một tác phẩm nghệ thuật được chiếu sáng mang tên Perpetual Repercussion của nghệ sĩ Na Uy Dyveke Sanne. Ánh đèn chiếu sáng từ tác phẩm này lấp lánh trong những đêm dài ở vùng cực. Đôi khi, ánh sáng của Bắc cực quang chiếu sáng ngay phía trên tác phẩm này, tạo ra một khung cảnh vô cùng tuyệt đẹp và nó sẽ khiến cho bạn nhận ra rằng, chuyến đi tới vùng đất lạnh giá này thực sự rất đáng giá.
Savalbard cách thủ đô Olso ba giờ bay. Theo Visit Savalbard, Svalbard nằm ngoài khối Schengen nên bạn cần có hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân (nếu là dân Na Uy) khi đến đây. Ngoài hầm chứa hạt giống, nơi đây còn thu hút du khách với các tour ngắm bắc cực quang, các lễ hội địa phương, ngắm sông băng…
Choáng ngợp loạt kỳ quan thiên nhiên phá vỡ kỷ lục của thế giới
Hàng loạt kỳ quan thiên nhiên phá vỡ kỷ lục của thế giới phải kể đến như hang Sơn Đoòng ở Việt Nam, rạn san hô Great Barrier ở Australia hay thác Angel tại Venezuela,...
(Nguồn ảnh: Insider)
Trang Insider mới đây liệt kê những địa điểm, kỳ quan thiên nhiên phá vỡ kỷ lục của thế giới. Trong đó, hang Sơn Đoòng với chiều dài 9 km thuộc tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) là hang động lớn nhất thế giới.
Rạn san hô Great Barrier ở Australia là hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới.
Với chiều cao 979 mét, thác Angel ở Venezuela là thác nước cao nhất thế giới. Thác nước này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Hồ Baikal ở Nga nắm giữ kỷ lục là hồ nước ngọt sâu nhất và lớn nhất thế giới.
Iceland là đảo núi lửa lớn nhất thế giới.
Châu Nam Cực là nơi có sông băng lớn nhất thế giới.
Năm 1953, sông băng Kutiah ở Pakistan đã lập kỷ lục là sông băng dâng lên nhanh nhất.
Châu Á là nơi có ngọn núi cao nhất thế giới, đỉnh Everest.
Núi Kilimanjaro ở Tanzania là một ngọn núi lửa không hoạt động và là ngọn núi đứng độc lập cao nhất thế giới.
Brazil có bãi biển dài nhất thế giới, ước tính dài 244,6 km.
Một phần của rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, Amazon, cũng nằm ở Brazil.
Cây General Sherman, nằm trong Vườn quốc gia Sequoia ở Mỹ, nắm giữ kỷ lục là cây lớn nhất thế giới hiện nay.
Rừng ngập mặn lớn nhất thế giới ở Bangladesh.
Mời độc giả xem thêm video: Quốc gia duy nhất trên thế giới không sợ dịch bệnh từ muỗi (Nguồn video: VTC14)
"Bong bóng du lịch" vừa manh nha đã... tan vỡ Covid-19 bùng phát đợt 2 làm tiêu tan hy vọng về giải pháp "bong bóng du lịch" tại châu Á, trong khi châu Âu cũng tái áp đặt các quy định hạn chế đi lại vừa nới lỏng ở một số quốc gia. "Bong bóng du lịch" đã được hy vọng là một giải pháp tốt giúp phục hồi ngành du lịch. (Ảnh:...