Hầm chống tận thế lưu trữ dữ liệu ở Bắc Cực
21 nghìn tỷ byte mã nguồn lưu trong hầm chống tận thế nằm dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực, đề phòng nền văn minh nhân loại sụp đổ.
Hầm lưu trữ dữ liệu chống tận thế của GitHub. Video: IFL Science.
GitHub, công ty chuyên về lưu trữ mã nguồn ở Mỹ, hoàn tất chuyển hơn 21 terabyte dữ liệu nguồn mở thành 186 cuộn phim kỹ thuật số nhạy sáng. Sau đó, các cuộn phim được chuyển tới Svalbard, quần đảo của Na Uy ở Bắc Băng Dương cách vùng đất liền châu Âu 1.000 km về phía bắc và đặt trong hầm lưu trữ dữ liệu Arctic World Archive sâu bên trong mỏ đá bỏ hoang ở 250 m bên dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Tại đó, dữ liệu sẽ được bảo quản an toàn trong ít nhất 1.000 năm.
GitHub là nền tảng để lưu trữ mã nguồn mở thường được các nhà phát triển và lập trình phần mềm sử dụng, phần lớn trong số đó là nguồn mở và dùng tự do. Trong kho lưu trữ của GitHub có những thiết kế mã hóa dùng để tạo ra mọi loại công nghệ, từ hệ thống vận hành cơ bản tới chương trình học máy phức tạp, có vai trò hữu ích nếu cần xây dựng lại xã hội từ đầu. Dữ liệu được lưu trữ trên piqlFilm, một loại phim siêu bền có thể đọc bằng máy tính. Tuy nhiên, hầm Arctic World Archive cũng có một cuộn phim mà con người đọc được, để đề phòng công nghệ không có sẵn trong tương lai.
Video đang HOT
“Phần lớn việc đọc, giải mã và giải nén dữ liệu đòi hỏi máy tính xử lý. Về lý thuyết, điều này có thể làm được nếu thiếu máy tính, nhưng công việc sẽ rất mệt mỏi và khó khăn”, Github giải thích.
Mục đích của hầm Arctic World Archive là đảm bảo các tập tin kỹ thuật số về nghệ thuật, văn hóa, văn học, phát minh khoa học, tư liệu lịch sử, được bảo vệ an toàn nếu xuất hiện mối đe dọa đối với nhân loại như chiến tranh hạt nhân, biến đổi khí hậu hoặc dịch bệnh. Trước đó, hầm chứa đã tiếp nhận lượng lớn dữ liệu ký gửi từ Cục lưu trữ quốc gia của Mexico và Brazil, Thư viện Vatican, Bảo tàng Quốc gia Na Uy, Cơ quan Vũ trụ châu Âu, Bảo tàng Person, Alinari, và nhiều tổ chức khác.
Svalbard là địa điểm lý tưởng do có nhiều tuyến đường lưu thông nhưng vẫn cách biệt về mặt địa lý với thế giới. Điều kiện đóng băng vĩnh cửu và khí hậu tại Svalbard cung cấp nơi lưu trữ lạnh khô trong dài hạn. Đây cũng là nơi đặt Hầm hạt giống toàn cầu dùng để bảo vệ nguồn hạt giống và hệ thực vật của thế giới.
'Bom hẹn giờ' khu vực Bắc cực
Lớp băng vĩnh cửu tan chảy chính là 'quả bom hẹn giờ', đe dọa sức khỏe mọi người và làm ô nhiễm môi trường tự nhiên.
Băng vĩnh cửu tan chảy, giải phóng các loại mầm bệnh vào khí quyển.
21.000 tấn dầu động cơ rò rỉ từ bình chứa ở Nhà máy Điện Norilsk (Nga) là sự kiện gây ô nhiễm môi trường lớn nhất trong khu vực Bắc cực. Công ty Norilsk Nikiel, chủ sở hữu bình chứa nói trên, nói rằng bình rò rỉ là do hậu quả của nóng lên toàn cầu.
Nhiệt độ ngày càng cao trên thế giới, trong đó có vùng Bắc cực, dẫn đến việc lớp băng vĩnh cửu tan chảy và nền móng các công trình xây dựng ở đó lún xuống. Các báo cáo cho thấy, giữa năm 2010 và 2017, lực nâng của lớp băng vĩnh cửu giảm khoảng 20%. Đây là một trong những hậu quả của tan chảy băng vĩnh cửu.
Lớp băng vĩnh cửu chính là lớp đất bị đóng băng, xuất hiện chủ yếu ở cực Bắc. Khoảng 1/4 diện tích ở khu vực này bị băng bao phủ trong hàng nghìn năm. Lớp băng vĩnh cửu có độ sâu từ một vài đến vài trăm mét.
Ước tính, trong lớp băng vĩnh cửu có khoảng 1,7 tỷ tấn carbon ở dạng vật chất hữu cơ bị đóng băng, bao gồm xác động vật và cây cối mục nát. Hàm lượng carbon (chủ yếu ở dạng methane và carbon dioxide) chứa trong lớp băng vĩnh cửu lớn hơn khoảng 2 lần so với trong khí quyển.
Khi lớp băng vĩnh cửu bị tan chảy, vật chất tích tụ trong đó bị nóng lên và phân hủy, giải phóng ra carbon dưới dạng các khí nóng. Điều này làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu và do đó dẫn tới tan chảy thêm lớp băng vĩnh cửu.
Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nếu như hiện tượng nóng lên toàn cầu tiếp tục diễn biến theo nhịp độ như hiện nay, thì đến năm 2100, một phần lớn thể tích băng vĩnh cửu có thể bị tan chảy.
Hơn nữa, lớp băng vĩnh cửu tan chảy cũng là nguy cơ giải phóng các vi khuẩn, virus gây bệnh đang bị "cầm tù" trong băng. Trong quá khứ cũng đã xảy ra những trường hợp như vậy. Vào năm 2016, một bé trai ở Syberia bị chết do nhiễm vi khuẩn than có nguồn gốc từ xác chết tuần lộc. Điều đáng chú ý là những con tuần lộc này đã bị chết từ 70 năm trước và xác của chúng bị băng vĩnh cửu bao phủ.
Các nhà khoa học cảnh báo, trong lớp băng vĩnh cửu còn có thể có các mầm bệnh khác, Vào năm 2014, các nhà khoa học đã hồi sinh virus Pithovirus sibericum (không độc hại) trong lớp băng 30.000 năm tuổi ở Syberia. Trong tương lai, có thể xảy ra những sự kiện tương tự như vậy.
Dị thường ở Nam Đại Tây Dương hai cực của Trái Đất đang đảo ngược? Từ trường ở Nam Đại Tây Dương có từ hàng triệu năm trước, khu vực này thường được gọi là "Tam giác Bermuda của Vũ trụ". Mới đây, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một phân tích lâu nhất từ trước tới nay về hiện tượng từ trường ở đây và phát hiện ra dị thường trong từ trường ở Nam Đại...