Half Life 2 lột xác nhờ Unreal Engine 4
Những tấm screenshot đẹp lung linh của Half Life 2 cho người xem hình dung phần nào đồ họa của Half Life 3 nếu như nó tồn tại.
Mặc dù đã gần 10 năm tuổi, đồ họa của Half Life 2 có thể nói chưa phải là lỗi thời so với nhiều tựa game FPS đương đại. Tuy nhiên không ít người vẫn muốn phần 2 này được làm lại dựa trên những công nghệ tân tiến giống như những gì cộng đồng modder trung thành của series Half Life đã làm với Black Mesa – bản mod tái hiện lại 100% phiên bản đầu tiên của series FPS này sử dụng engine Source của Half Life 2. Nhưng với tình trạng Valve hiện nay, chuyện này gần như sẽ không bao giờ xảy ra và trọng trách này lại một lần nữa đặt lên vai cộng đồng fan hâm mộ của game.
Logithx – một thành viên của diễn đàn Polycount đã tái hiện lại một phần thành phố “City 17″ sử dụng bộ công cụ Unreal Engine 3 và những hình ảnh dưới đây dễ dàng khiến người xem phải trầm trồ.
Giờ đây, với việc Unreal Engine 4 đã được chính thức phát hành, Logithx hiện đang muốn chuyển đổi sang nền tảng đồ họa mới và kết quả chắc chắn sẽ còn đáng kinh ngạc hơn.
Theo Logithx, những hình ảnh này mới chỉ là sản phẩm còn sơ sài.
Những hình ảnh này cũng giúp người hâm mộ của series Half Life tưởng tượng ra được phần nào đồ họa của phần 3 (nếu nó được phát triển cho thế hệ console hiện tại).
Theo VNE
Video đang HOT
Half - Life 3 lời hứa chưa thành hiện thực
Có phải Valve đã quá chần chừ khi quyết định số phận cho tựa game hay còn lý do khác?
Khi Half-Life 2 mới xuất hiện, tựa game này không chỉ tiếp bước được thành công của "người đàn anh" mà còn tạo nên được những nét độc đáo của riêng mình. Mọi thứ liên quan đến game đều hoàn hảo, và thêm một lần nữa, cái tên Half-Life lại tạo nên cuộc cách mạng cho dòng game FPS. Sau hơn 6 năm, Half-Life 3 chắc hẳn đã ở trong giai đoạn hoàn thành và Valve có lí do riêng để giữ bí mật cho đến tận bây giờ. Để thỏa mãn được sự kỳ vọng của game thủ, Half-Life 3 sẽ phải là sự hòa trộn giữa nghệ thuật và công nghệ. Muốn làm như thế, cần phải có rất nhiều thời gian.
Lời hứa chưa thành hiện thực
Năm 2007, sau khi ra mắt Half-Life 2: Episode 2, Valve đã tuyên bố rằng họ đang trong quá trình thực hiện Episode 3 và sản phẩm này sẽ phát hành vào một ngày không xa. Cũng trong năm ấy, Cryengine 2 và Unreal Engine 3 xuất hiện, vượt trội hơn hẳn so với Source Engine mà Valve vẫn sử dụng. Có lẽ do khó có cơ hội để cạnh tranh với hai engine kể trên nên Valve đã quyết định tạm hoãn dự án Episode 3 lại. Những ai đã từng trải nghiệm các game có từ trước năm 2007 và siêu phẩm như Bioshock 2 hoặc Crysis sẽ hiểu, với đồ họa được cải tiến mạnh mẽ, bộ mặt của game đã thay đổi hoàn toàn.
Không lâu sau đó, 2 series Mass Effect và Call of Duty Modern Warfare lại đến tay người chơi, đem đến môi trường multiplayer chưa từng xuất hiện trong thế giới game. Cuối cùng, Battlefield của EA cũng tham chiến với rất nhiều cơ chế đổi mới gameplay. Với tình hình như vậy, Valve đã cực kỳ sáng suốt khi quyết định tạm hoãn dự án lại. Với Valve, không đem lại được sản phẩm có chất lượng tốt nhất cho game thủ đồng nghĩa với việc không đáp ứng được sự kỳ vọng của họ. Ngoài ra, họ cũng tin rằng Source Engine đã làm tốt công việc của nó, giờ là lúc cần một engine khác mới hơn.
Đầu tư vào các sản phẩm khác, phát triển Steam
Dù Source Engine đã bắt đầu trở nên lỗi thời, cơ chế độc đáo của nó vẫn cho phép nhà phát triển nâng cấp dần dần, từng chút một. Trong giai đoạn này, Valve cũng bắt đầu phát triển các sản phẩm mới để củng cố thêm cho danh tiếng của mình. Giai đoạn 2007, khi dự án Orange Box bắt đầu, 5 game đỉnh của Valve cùng xuất hiện trong một đĩa (3 game Half-Life 2, Portal và Team Fortress 2) không chỉ khiến người chơi sung sướng đến phát cuồng mà còn giúp cho Steam được biết đến nhiều hơn bao giờ hết. Bất kì ai mua Orange Box sẽ phải cài đặt Steam, lập một tài khoản mới dùng được sản phẩm. Đó là một chiến thuật khôn ngoan, và Valve đã chứng minh rằng họ không chỉ là nhà thiết kế game tài ba mà còn là người định hướng kinh doanh đầy quyền lực trong ngành game.
Để phát triển, cần phải có tiền. Left 4 Dead là một thành công mà có nằm mơ cũng ít ai dám nghĩ đến, bên cạnh chuyện doanh thu, game còn thu hút được cả những game thủ chưa từng chơi các trò chơi của Valve. Chỉ sau một thời gian ngắn, Left 4 Dead đã trở thành một game chơi miễn phí và DOTA 2 cũng vậy. Trong khi đó, Portal 1 lại nặng tính thử nghiệm hơn - Valve đã chứng kiến "đứa con cưng" của mình thành công, do đó họ đã quyết định nâng tầm, biến nó trở thành một series hoàn chỉnh với đầy đủ cốt truyện và những nét riêng biệt nhưng vẫn đúng chất Valve. Với vai trò vừa là dịch vụ phát hành, vừa là nền tảng hệ thống, Steam thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà phát triển lớn nhỏ và ước tính tăng trưởng hàng năm phải lên đến 50%.
Tăng trưởng mạnh vậy, sao vẫn chưa có Episode 3?
Câu trả lời rất đơn giản: Lo sợ thất bại. Thị trường và ngành công nghiệp game là một môi trường khắc nghiệt. Thất bại đồng nghĩa với việc phải ra đi mãi mãi. Chỉ cần nhìn vào những trường hợp như Piranha Bytes (đơn vị phát triển series game Gothic) bị phá sản hay Id Software (nổi tiếng với Doom và Rage) bị bán đi như thế nào là mọi người có thể hiểu được. Họ không trụ lại được vì thiếu ý tưởng sáng tạo.
Nếu như Doom 3 là game xuất sắc nhất mà Id Software từng làm được thì Quake 4 lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Chất lượng làng nhàng, không quá tệ nhưng cũng chẳng hay; thậm chí còn có người nói rằng Quake chỉ giống như một bản mod thử nghiệm chất lượng của id Tech 4 chứ không phải là một engine hoàn chỉnh. Engine cũ kĩ cộng với việc không thể hiện được tốt môi trường ngoài trời khiến cho cộng đồng ngày càng ghét game (do trước đó đã từng kì vọng quá nhiều). Quả là đáng buồn khi thấy Quake 4 bị đối xử như vậy, trước đó nhiều người đã tin rằng đây sẽ là game thay đổi cả dòng FPS.
Theo sau thất bại của Quake 4, Wolfenstein ra mắt và trở thành một thảm họa thật sự. Wolf3D có đủ điều kiện để trở thành một tựa game mới xuất sắc, một huyền thoại của thể loại FPS, và bản reboot của nó, Return to Castle Wolfenstein, là một sản phẩm tuyệt vời ra mắt vào đúng thời điểm hoàn hảo khi Id Software đang ở phong độ đỉnh cao. Tiếc thay, kể từ sau Wolfenstein: Enemy Territory điều đó không còn xảy ra nữa.
Rage là một cái tên rất thích hợp để đại diện cho các game sử dụng engine id Tech 5, chủ yếu bởi vì bất cứ ai chơi game này cũng sẽ có cảm giác lên cơn thịnh nộ thật. Đích thân John Carmack phải xin lỗi, có vẻ như họ đã cạn kiệt ý tưởng thực sự. Rõ ràng Rage có định hướng khá tốt, nhưng Id Software thất bại ngay từ khâu trình bày, thất bại trong việc xây dựng cốt truyện và thất bại cả về mặt kỹ thuật. Đồ họa lỗi thời so với các game cùng thời điểm ra mắt, chưa kể bộ engine còn mắc phải nhiều trục trặc khác. Vì những hạn chế này mà cuối cùng Id Software tan rã dần để rồi rơi vào tay người khác, những người phát hiện ra được tiềm lực thực sự của họ.Thâm chí ngay cả bây giờ, khi đang dở dang với dự án Doom 4, họ cũng phải bỏ đi và làm lại từ đầu vì nó đáp ứng được tiêu chuẩn hiện nay của một game FPS, cũng như không còn giữ được nét nào của game Doom cũ nữa.
Steam OS và Steam Machine
Công nghệ là chìa khóa để nắm chắc thành công trong tay, nhờ nó mà vị thế của bất cứ nhà phát triển nào cũng sẽ thay đổi, và Valve muốn đem công nghệ đó cùng Half-Life 3 vào phòng khách gia đình một khi thời cơ đến. Điều này không chỉ mở rộng thị trường mà còn đem đến cho trải nghiệm game trên PC một cơ hội để có thể vượt mặt console. Steam Machine và Steam OS xuất hiện có lẽ là cơ hội mà Valve đã chờ đợi từ lâu. Mọi việc đã quá rõ ràng, tay cầm điều khiển tinh chỉnh cho việc chơi game, hệ điều hành nguồn mở hỗ trợ cho việc tự chỉnh sửa và tinh chỉnh game, các chính sách để thu hút nhà phát triển và hỗ trợ modder... Tất cả mọi thứ đều có sẵn, chỉ cần chờ một game đỉnh độc quyền dành cho cỗ máy này, và liệu còn có thể là cái tên nào khác nếu như đó không phải là Half-Life 3?
Half - Life 3
Valve là một trong những ví dụ điển hình về việc giữ chữ tín với khách hàng, do đó, một khi họ đảm bảo có Half-Life 3 tức là sẽ có game đó thật, chỉ là hiện nay họ vẫn đang giữ im lặng. Half-Life 2 được đánh giá rất cao, tuy nhiên do hạn chế về mặt kỹ thuật mà nhiều ý tưởng tuyệt vời đã không trở thành hiện thực, chẳng hạn như việc các bức tường ở Citadel trong game sẽ là những AI sống, có khả năng tương tác được với môi trường xung quanh. Có thể trong tương lai engine Source 2 sẽ giúp họ khắc phục được hoàn toàn các vấn đề này.
Dự án Pipeline của Valve được tiến hành để đảm bảo rằng các ý tưởng mới luôn được xem xét và thực hiện. Với engine Source 2, chúng ta có thể nhận được những gì? Đồ họa mang tính đỉnh cao, đủ sức đánh bại Cryengine và Unreal Engine, hiệu ứng vật lý sinh động và đậm chất thực tế, AI khôn ngoan nhất từ trước đến nay? Đó chỉ là dự đoán nhưng vẫn rất có thể vì Valve đã dành nhiều thời gian cho việc này, ít nhất là hơn 6 năm rồi.
Half-Life 3 đang được thực hiện, đó là điều chắc chắn. Và chúng ta - những game thủ chân chính - không có gì để phải nóng vội cả, vì một khi Valve đã ra tay thì đó không chỉ là game. Đó là cuộc cách mạng đổi mới lại bộ mặt của cả ngành công nghiệp non trẻ này.
Theo VNE
Minecraft vượt mặt Half Life và Starcraft về số phiên bản bán ra Trò chơi này đã chứng tỏ được sức hút của mình: bất kể tuổi tác hay giới tính, thế giới trong Minecraft luôn có một chỗ dành cho bạn. Minecraft vừa đạt được con số 12 triệu phiên bản game được bán ra trên PC vào sáng nay 3/9/2013 - một con số cực kỳ ấn tượng nếu bạn biết rằng nếu tính...