Hai vết thương cần lưu ý với bộ phận sinh dục của nam giới
Bệnh viện Bình Dân TP.HCM vừa tiếp nhận một ca đặc biệt, một thanh niên bị heo táp vỡ tinh hoàn. Do được cấp cứu và điều trị kịp thời, nên nạn nhân phục hồi tốt. Từ trường hợp này, các chuyên gia lưu ý những tai nạn tương tự để không bị hậu quả đáng tiếc.
Vỡ tinh hoàn do thú tấn công
BS.CK2 Phạm Văn Viễn, trưởng khoa khám bệnh bệnh viện Bình Dân TP.HCM, cho biết phần lớn các trường hợp vỡ tinh hoàn vào viện là do heo tấn công. Ông nói: “Tai nạn thường xảy ra khi người nuôi heo vào chuồng chăm sóc heo con mới sinh. Do tưởng heo con bị người lạ bắt mất, nên heo mẹ hung hăng và sẵn sàng tấn công người”.
Nam giới tiếp xúc với thú cần lưu ý vùng kín để không bị tai nạn đáng tiếc. Ảnh tư liệu có tính minh họa.
Trường hợp mới nhất vào bệnh viện Bình Dân cũng từ hoàn cảnh như thế. Nạn nhân bị heo táp vào chỗ kín, gây xuất huyết, bầm tím và sưng to. Bác sĩ phát hiện anh bị một vết rách 4cm do heo cắn và tinh hoàn trái thì bị vỡ hoàn toàn. Theo giới chuyên môn, mặc dù tinh hoàn nam giới có một vị trí khá nhạy cảm, không được che chắn kỹ, nhưng chấn thương tinh hoàn lại không phổ biến, một trong những lý do là bộ sinh dục nam giới có tính di động rất cao.
Khác với nước ta, theo BS Viễn, ở các nước phương Tây, động vật gây vỡ tinh hoàn cho người lại là chó. Hoàn cảnh xảy ra cũng thường do chó mẹ tấn công con người chăm sóc chó con sơ sinh. Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người bị chó cắn hàng năm ở Mỹ là 740/100.000. Trong số này, 50% là trẻ em và 2,6% ca cần phải nhập viện để điều trị. Chấn thương vùng sinh dục được ghi nhận không nhiều, phần lớn là ở trẻ em, có thể do trẻ chưa có khả năng tự vệ hoặc do chó ích kỷ vì thấy người lớn chỉ quan tâm đến trẻ nhỏ.
TS.BS Nguyễn Thành Như, chuyên gia lĩnh vực nam khoa, cho biết khác với xoắn tinh hoàn, vỡ tinh hoàn rất cần được siêu âm. Nếu siêu âm không thấy vỡ bao tinh hoàn, tinh hoàn chỉ sưng, không tụ máu thì nạn nhân chỉ cần uống thuốc giảm đau và theo dõi. Nếu bao tinh hoàn không rách, nhưng có máu tụ bên trong và cục máu tụ lớn hơn 1cm, mổ là giải pháp tốt nhất để lấy cục máu ra, vừa trị hết đau, vừa tránh teo tinh hoàn, đồng thời kiểm tra toàn bộ tinh hoàn.
Câu hỏi đặt ra là chấn thương tinh hoàn có ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản hay tình dục không? Theo BS Như, nếu tinh hoàn chỉ bị vỡ và được phẫu thuật kịp thời thì khả năng giữ lại tinh hoàn khá cao. Bác sĩ chỉ cần cắt bỏ phần tinh hoàn giập nát, khâu lại là xong. Phần lớn trường hợp tiến triển tốt sau mổ, khả năng sinh sản và tình dục của nạn nhân không bị ảnh hưởng gì. Khi phải mổ cắt bỏ tinh hoàn, nếu bệnh nhân có yêu cầu, bác sĩ sẽ đặt tinh hoàn nhân tạo cho họ. Đó chỉ là một cục silicone, giúp nạn nhân thấy đỡ “trống vắng” chứ không có bất kỳ tác dụng gì.
Năm 2011, bệnh viện Bình Dân TP.HCM tiếp nhận một ca bệnh nam hy hữu. Một nông dân nuôi tôm ngụ tại Phú Yên trong lúc lao động để cánh quạt máy cuốn vào quần đùi, chạm vào vùng kín và cuốn phăng hết toàn bộ da dương vật và vùng bìu. Sau khi cấp cứu, các bác sĩ đã tiến hành ghép lại toàn bộ da ở vùng kín nạn nhân bằng cách lấy da ở đùi đưa lên.
Theo BS Như, các máy nông nghiệp, công nghiệp có cánh quạt rất nguy hiểm cho da bộ phận sinh dục, chẳng hạn máy đuôi tôm của ghe hay xuồng, hệ thống quạt nước tạo dưỡng khí cho hồ nuôi tôm, máy tuốt lúa, máy cào nghêu.
Khi làm việc cạnh các máy này, mọi người phải cẩn thận vì cánh quạt máy có thể quấn vào quần, xoắn lại và kéo nạn nhân đi. Trong khi đó, nạn nhân có xu hướng ghì lại và chạy xa máy. Lúc đó quần của nạn nhân bị máy giật rách, kéo theo da dương vật, hoặc nặng hơn là toàn bộ da dương vật và da bìu.
BS Như nói: “Da của dương vật và bìu đều mỏng và lỏng lẻo, nên nếu giật kéo mạnh thì chúng bị lóc toàn bộ như lột vỏ chuối vậy. Nhìn bên ngoài rất ghê, nhưng cái lõi bên dưới – dương vật và hai tinh hoàn – đều không bị chết do mạch máu nuôi chúng nằm sâu bên trong vẫn toàn vẹn”.
Video đang HOT
Các chuyên gia lưu ý trong trường hợp này nạn nhân cần đến bệnh viện sớm để bác sĩ cắt lọc bỏ da hư và làm lại “áo mới” cho vùng kín. Nếu chỉ dương vật bị mất da, cách hay nhất là bác sĩ chôn nó trong da bìu vì khi làm khéo, trong cảnh “tranh tối tranh sáng” không ai nhận ra sự khác biệt. Nếu toàn bộ da dương vật và bìu mất, bác sĩ mới lấy mặt trên da đùi nạn nhân để ghép vào thân dương vật và lấy mảnh da-cân ở đùi để làm túi da chứa tinh hoàn. Hai tuần sau, da ghép sẽ lành, một tuần sau nữa khả năng cương dương của nạn nhân trở lại như xưa, chuyện “sinh hoạt” vợ chồng và khả năng có con không hề bị ảnh hưởng.
Phòng ngừa bằng cách che chắn kỹ vùng kín Để phòng ngừa sự cố bị thú vật “táp” vào bộ phận sinh dục, các chuyên gia đề nghị nên nam giới che chắn kỹ vùng kín, hạn chế tiếp xúc với thú con để không bị thú mẹ tấn công. Trong khi đó, để phòng ngừa tai nạn lóc da bộ phận sinh dục, BS Nguyễn Thành Như khuyến cáo khi làm việc, sinh hoạt bên cạnh những chiếc máy cuốn, nam giới cần thường xuyên mặc quần lót chứ không chỉ mặc độc chiếc quần đùi, vì nếu quần đùi có bị máy cuốn đi thì quần lót vẫn giữ bộ phận sinh dục ở lại và không bị quấn theo quần đùi.
Theo Châu Giang ( Thế Giới Tiếp Thị)
Chuyên gia nam học lý giải 8 thắc mắc về bao quy đầu
Chỉ có chưa tới 1% nam giới trên 16 tuổi thật sự bị hẹp bao quy đầu. Thế nhưng ngày nào cũng có người đến gặp bác sĩ để xin... cắt phần da này đi, đa số là vì ngộ nhận về da quy đầu.
ThS BS Nguyễn Hồ Vĩnh Phước - Khoa Nam học Bệnh viện Bình dân TP.HCM đã có những giải đáp có liên quan tới chỉ định cũng như cách chăm sóc sau cắt bao quy đầu.
1. Khi nào cần cắt bao quy đầu?
Dương vật có phần đầu gọi là quy đầu, phần da che chở cho phần quy đầu gọi là da quy đầu.
Nam giới khi sinh ra cũng có da quy đầu. Bác sĩ cho chỉ định cắt bao quy đầu trong trường hợp bao quy đầu bị chít hẹp, là tình trạng nam giới không thể tuột bao quy đầu ra hoặc bị thắt nghẽn bao quy đầu, viêm nhiễm tái phát nhiều lần.
BS Bệnh viện Bình Dân cắt bao quy đầu.
2. Ở trẻ sơ sinh, bao quy đầu che hoàn toàn quy đầu, không tuột lên được thì có hẹp bao quy đầu?
Đa phần trẻ sơ sinh có tình trạng dính da quy đầu sinh lý, do đó lúc này chưa thể tuột được bao quy đầu cho trẻ. Sau 3 - 4 năm hoặc trong thời gian đến tuổi trưởng thành, phần da quy đầu này sẽ tự nhiên tách khỏi quy đầu.
Một thống kê cho thấy có 90% trẻ nam tuột được da quy đầu lúc 3 tuổi, có đến 99% nam giới trên 16 tuổi không hẹp bao quy đầu.
3. Cắt da bao quy đầu có thể có những nguy cơ lây nhiễm bệnh?
Cắt da quy đầu là một thủ thuật, cần đảm bảo các điều kiện như phòng mổ sạch sẽ, vô trùng, phẫu thuật viên cần được đào tạo, đối với trẻ nhỏ (dưới 12 tuổi) cần phải được gây mê khi thực hiện thủ thuật nên cần thực hiện trong khu phẫu thuật.
Do trong thực hiện cắt da quy đầu và hậu phẫu, vết thương là một cửa ngõ để các tác nhân gây bệnh (như vi khuẩn, siêu vi) xâm nhập, nên các lây nhiễm có thể xảy ra trong thời gian này.
4. Chăm sóc sau cắt da bao quy đầu như thế nào?
Sau phẫu thuật, người bệnh cần dùng thuốc giảm đau, sát trùng tại chỗ. Bên cạnh đó, người được cắt da quy đầu cần chăm sóc tốt phần vết thương như thay băng, giữ khô vết thương, nếu băng bị dính nước tiểu hoặc dịch tiết cần được thay lại.
Ngoài ra, cần băng cố định dương vật lên bụng để tránh nguy cơ phù nề. Khi vết thương liền, có thể tắm rửa, tiếp xúc với nước.
Thông thường, nếu bác sĩ sử dụng chỉ tan như chromic, chỉ sẽ tự tan trong khoảng 1 tuần.
5. Những sai lầm phổ biến nhất khiến một người nghĩ rằng họ cần cắt bao quy đầu?
Đó là những suy nghĩ như: cắt da quy đầu có thể trị xuất tinh sớm hoặc kéo dài thời gian quan hệ tình dục, không cắt da quy đầu sẽ "nhốt" dương vật không lớn lên được, không cắt da quy đầu sẽ bị vô sinh sau này, không cắt da quy đầu sẽ gây vướng víu trong quan hệ vợ chồng...
Nhiều người hiểu sai về việc cắt bao quy đầu
Nếu bao quy đầu không hẹp thì việc cắt hay không cần phải thực sự cân nhắc. Một số ý kiến cho rằng cắt da quy đầu làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng niệu hoặc giảm tỷ lệ ung thư dương vật.
Thật ra, khi nam giới kéo được da quy đầu để vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày thì không nhất thiết phải cắt da quy đầu.
Ngoài ra, khi quyết định cắt da quy đầu, người bệnh cần phải được tham vấn rất kỹ để chuẩn bị tâm lý (như đau, các biến chứng có thể gặp phải, cảm giác khó chịu vùng quy đầu trong giai đoạn đầu sau cắt, hoặc dương vật nhìn thấy "lạ" so với lúc trước cắt).
6. Sau cắt da quy đầu bao lâu thì nam giới có thể sinh hoạt hoặc gần gũi vợ chồng?
Thông thường, sau cắt da quy đầu từ 2-3 tuần thì mọi sinh hoạt có thể trở về bình thường.
Tuy nhiên, đây là vùng kín, nhạy cảm, các tổ chức dưới da lỏng lẻo nên nếu chăm sóc không tốt dễ gây viêm nhiễm, phù nề, vết thương chậm lành.
Do đó, người cắt da quy đầu nên tái khám theo lịch hẹn và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trước khi có những quyết định.
7. Công dụng của da quy đầu là gì?
Thật ra, da quy đầu không "thừa". Da quy đầu có một số chức năng quan trọng như: da quy đầu giúp che chở, bảo vệ cho quy đầu quy đầu vốn là phần khá nhạy cảm khỏi những "va chạm" trong lúc sinh hoạt thường ngày, tránh cho nam giới có cảm giác khó chịu.
Bao quy đầu còn là vật liệu tự thân rất quý trong trường hợp nam giới cần ghép da, hoặc tạo hình niệu đạo...
8. Cần giữ vệ sinh cho trẻ như thế nào nếu không cắt da quy đầu?
Khi trẻ còn nhỏ, phụ huynh có thể giúp trẻ vệ sinh vùng quy đầu, khi tắm cần kéo và rửa nhẹ nhàng vùng da nhạy cảm này.
Khi trẻ có thể tự chăm sóc, người lớn cần hướng dẫn cho trẻ rửa bằng nước sạch sau khi đi tiểu, khi tắm cần kéo da quy đầu để rửa với xà bông, rửa lại bằng nước sạch và lau khô, sau đó nhẹ nhàng kéo da quy đầu trở lại che chở cho quy đầu.
Đến khi trẻ dậy thì, có hoạt động sinh dục thì các tuyến mồ hôi, tuyến bã sẽ tăng tiết nên cần rửa thường xuyên hơn để tránh ứ đọng nước tiểu và các chất tiết.
Như vậy, rất hiếm trẻ nhỏ cần cắt da quy đầu do hẹp da quy đầu. Phụ huynh cần kiên nhẫn chăm sóc cho trẻ và hướng dẫn cho trẻ tự chăm sóc về sau thay vì cố gắng tuột da quy đầu của trẻ nhỏ một cách thô bạo.
Khi da quy đầu hẹp rõ hoặc viêm nhiễm tái phát nhiều lần, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có uy tín để được tư vấn và thực hiện thủ thuật nếu cần thiết.
Vệ sinh thường xuyên vùng da quy đầu là việc cần thực hiện để tránh viêm nhiễm, nhất là khi trẻ bước vào lứa tuổi có các hoạt động sinh dục.
Theo Văn Đức (VNN)
Bị ngứa vùng kín chỉ cần dùng mẹo này là khỏi tức thì Bệnh vùng kín là nỗi lo thường gặp ở nhiều chị em nhưng không phải ai cũng biết mẹo để chữa tại nhà. Không ít chị em phàn nàn về tình trạng thường xuyên bị ngứa vùng kín, cho dù là mùa hè hay bất kỳ mùa nào trong năm. Tình trạng ngứa càng tăng trong những ngày "đèn đỏ", dù bản thân...