Hai vấn đề nóng tại diễn đàn Quốc hội: Đấu tranh tội phạm Internet, chấn chỉnh sai sót trong kê đơn thuốc
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã khép lại với những trao đổi thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu cũng như người được chất vấn. Trong đó nội dung phòng chống tội phạm trên không gian mạng và những thiếu sót trong ngành Y thu hút được nhiều quan tâm của cử tri.
Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn về xử lý hành vi vi phạm trên không gian mạng
Xử lý hành vi xúc phạm người khác trên Internet
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 1/11/2018, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề cập tới những giải pháp xử lý, ngăn chặn thông tin có nội dung bôi nhọ, xúc phạm danh dự của người khác trên mạng Internet. Vấn đề này Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đã phối hợp cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng xử lý một số vụ việc, xử lý một số đối tượng nhưng cũng chưa ngăn chặn được, còn một số khó khăn.
Theo người đứng đầu ngành Công an, việc xử lý tính nặc danh của thông tin trên mạng, thậm chí những vi phạm đó không chỉ ở trong nước mà còn xuyên quốc gia, quốc tế. Một số quy định của hệ thống luật để xử lý những vấn đề này cũng chưa được hoàn thiện. Ví dụ, vấn đề giám định, khi muốn được xử lý thông tin thì phải giám định đây là những thông tin vu khống, xuyên tạc cũng phải có các cơ quan chức năng. Hoặc những vấn đề về chứng cứ số hiện nay cũng đang được hoàn thiện để có xử lý.
Bộ trưởng Bộ Công an nêu ra một số giải pháp cụ thể như: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong đấu tranh, xử lý với các hành vi tuyên truyền, xúc phạm danh dự, làm nhục, vu khống trên không gian mạng. Vấn đề này, Luật An ninh mạng đã được thông qua. Hiện Bộ Công an đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng các văn bản thi hành Luật An ninh mạng, trong đó có quy định các biện pháp để xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Giải pháp thứ hai, tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành triển khai hoạt động tuyên truyền để phản bác các hoạt động chống đối, bôi nhọ, xuyên tạc của các đối tượng trên không gian mạng. Thứ ba, thực hiện công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đảm bảo an ninh thông tin, an ninh mạng.
Hiện Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông internet ngăn chặn truy cập từ trong nước với khoảng gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu. Thanh tra, xử lý các vi phạm pháp luật trong đăng tải, cung cấp thông tin xuyên tạc, sai sự thật và yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài hợp tác thực hiện các yêu cầu xử lý thông tin vi phạm pháp luật của Việt Nam.
Giải pháp thứ tư được Bộ trưởng Bộ Công an đưa ra là tiếp tục thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ các đối tượng có hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự trên không gian mạng để có các hình thức đấu tranh, xử lý kịp thời.
Ngành Y chấn chỉnh hệ thống bệnh viện tâm thần, sai sót trong kê đơn thuốc
Cũng tại phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được nhiều câu hỏi về lĩnh vực mình quản lý. Bộ trưởng cho biết vừa qua lực lượng công an đã phát hiện có hai nhân viên của Bệnh viện Tâm thần Trung ương phối hợp với đối tượng để làm bệnh án giả tâm thần. Hiện nay, vụ án đang được công an điều tra và chưa kết luận. Về thực trạng này, Bộ Y tế đã triệu tập tất cả hệ thống các bệnh viện tâm thần và giám định pháp y tâm thần để chấn chỉnh.
Video đang HOT
Theo tư lệnh ngành Y, vấn đề làm giả này, trong hệ thống tâm thần có hai loại khác nhau. Một là bệnh viện tâm thần như Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, 2 và các bệnh viện thành phố khám bệnh và chữa cho mọi người dân khi có nghi ngờ dấu hiệu tâm thần.
Chẳng hạn như mất ngủ kéo dài và có những rối loạn thì đấy là chẩn đoán bệnh tâm thần bình thường. Loại thứ hai là hệ thống giám định pháp y tâm thần, có nghĩa những tội phạm đã có án bên cơ quan điều tra hoặc cơ quan Tòa án muốn được xác định là tâm thần để tránh án.
Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận còn tình trạng sai sót trong kê đơn thuốc
Bà Tiến cho biết, thực hiện Luật Đổi mới cải cách tư pháp, Bộ Y tế theo quyết định của Chính phủ đã thành lập một hệ thống các trung tâm giám định pháp y tâm thần vùng. Khi trung tâm giám định pháp y tâm thần đó xác định tâm thần thì bấy giờ công an mới xác định đấy là những bệnh nhân tâm thần thực sự. “Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm những cá nhân, cán bộ y tế có hành vi phối hợp với đối tượng để làm giả bệnh án tâm thần”, bà Tiến nói.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an phải có biện pháp xử lý nghiêm tất cả những trường hợp án hình sự chạy được bệnh án tâm thần: “Bây giờ đã phát hiện ra rồi phải xử lý nghiêm và phối hợp với Bộ Y tế để ngăn chặn, không để tình trạng này tái diễn bởi vì đây là sự phối hợp của 2 ngành, nhưng thực ra ngành Y tế, bác sĩ mới xác định là tâm thần hay không”, bà Ngân nói.
Đồng thời Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ trưởng Bộ Y tế không để trong ngành của mình có những cá nhân vi phạm pháp luật. Đã vi phạm rồi thì phải xử lý nghiêm, người dân, dư luận rất bức xúc việc trốn trách nhiệm hình sự bằng một bệnh án tâm thần giả.
Cũng lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận thực trạng các bệnh viện kê đơn thuốc có nhiều sai sót hoặc kê thuốc đắt tiền không cần thiết như đại biểu chất vấn; ngành Y đã có hội nghị nghiên cứu và đánh giá việc này: “Vấn đề là quy chế kê đơn rất chặt chẽ, trong một đơn có nhiều yêu cầu thông tin như họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ, số điện thoại, tên thuốc, hàm lượng, liều dùng, ngày dùng, cách dùng v.v… và chữ ký phải rõ ràng, phải thông qua hệ thống đơn thuốc điện tử, có bình kê đơn thuốc.
Ngoài những sai sót tên không chính xác, không đủ hàm lượng, không đủ liều, nhiều biệt dược trùng nhau, có những thuốc đắt tiền không cần thiết hay quá nhiều vitamin v.v… Vừa qua Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) phát hiện thực trạng trên”, bà Tiến nói.
Theo nữ Bộ trưởng, giải pháp từ lâu đã có thông tư về quy chế kê đơn cũng như quy chế sử dụng thuốc hợp lý. Phương án nữa là áp dụng kê đơn thuốc điện tử để có bình đơn và bình ngẫu nhiên các đơn. Thứ ba là có họp giữa bác sỹ và dược sỹ lâm sàng. Hiện nay gần 100% bệnh viện kết nối với BHXH để thẩm định, nếu không đạt yêu cầu thì BHXH không thanh toán.
Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, gần đây trong chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập tới kết nối giữa các nhà thuốc với cơ quan quản lý và người dân. Về tình trạng kê đơn không chính xác, một phần do người dân đến rất nhiều nhà thuốc và xin khai bệnh để dược sỹ kê đơn và bán thuốc. Giải pháp là ngành Y tế sẽ siết chặt hơn thông tư quy đơn, kê đơn và các quy chế.
Ngành Y cũng tập huấn rất nhiều về dược lâm sàng (tức việc tham mưu dùng thuốc -PV) và nhận thấy còn thiếu rất nhiều dược lâm sàng tại các bệnh viện. Việc này phải tăng cường đào tạo và đặc biệt hợp tác với các nước trên thế giới để chuyển giao kỹ thuật cũng như đào tạo. Điện tử hóa tất cả các đơn thuốc. Đối với BHXH sẽ kết nối và dứt khoát không thanh toán, sẽ xử lý nghiêm các bác sỹ kê thuốc không theo đúng quy định về cơ chế kê đơn và tăng cường kiểm tra.
Về trách nhiệm, trực tiếp là các bác sỹ, dược sỹ. Nếu kê đơn thuốc không cần thiết, thuốc đắt tiền sẽ nghiêm khắc xử lý. Kế tiếp là trách nhiệm của bệnh viện, đặc biệt là khoa dược, giám đốc và trưởng khoa. Còn trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế mà Bộ trưởng là người đứng đầu, bà Tiến cho biết cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm hơn nữa để làm gương. Bà cũng nói sẽ quyết tâm thực hiện những góp ý của đại biểu, đặc biệt là vấn đề kê đơn thuốc.
Phát biểu kết thúc 3 ngày chất vấn tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận phiên chất vấn và trả lời chất vấn có thể coi là cuộc sơ kết giữa nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, tranh luận sôi nổi, không chỉ giữa đại biểu với các Trưởng ngành mà còn giữa đại biểu với đại biểu. Các nội dung trả lời đã chỉ ra phương án giải quyết vấn đề rõ ràng, tuy vẫn còn những câu trả lời chưa hài lòng nên tiếp tục có tranh luận.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn có thể coi như sơ kết giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục. Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong việc trả lời chất và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Tú Uyên
Theo PLO
Bộ trưởng Y tế nói về "chạy" bệnh án tâm thần để trốn tội
Trả lời chất vấn của ĐBQH về tình trạng làm giả bệnh án tâm thần để trốn tội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sắp tới sẽ lập hệ thống Trung tâm pháp y tâm thần khu vực, qua đó giám định thì công an mới coi đó là tâm thần thực sự.
ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An)
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ sáng 1.11, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) gửi tới 2 Bộ trưởng Y tế, Công an câu hỏi về vấn đề làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự sau khi phạm tội. Theo đại biểu, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, thậm chí có dấu hiệu trầm trọng hơn.
Bà Mỹ Dung liên hệ với sự việc mới nhất, các cơ quan chức năng phát hiện việc làm giả 78 hồ sơ bệnh án tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Ngoài ra, còn nhiều vụ nữa chưa bị phát hiện.
"Cử tri thì rất bất bình khi có đối tượng nhiều lần bị bắt về tội trộm cắp tài sản mà lần nào hành sự cũng có tính toán, chuẩn bị đường đi nước bước rất tinh vi. Mỗi lần bị bắt, đối tượng lại có được một bản kết luận tâm thần nên không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc thì 2 - 3 tháng sau là hết bệnh, được bảo lãnh ra ngoài, có thắc mắc hỏi thì được trả lời bị tâm thần mà lúc bệnh, lúc không là... chuyện bình thường", ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung nêu vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (Ảnh: Lê Hiếu)
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến xác nhận, thực tế vừa qua, cơ quan công an có phát hiện 2 nhân viên Bệnh viện Tâm thần TƯ 1 làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần cho một số trường hợp. Vụ việc này hiện đang được điều tra, chưa có kết luận.
Tuy nhiên, trước tình hình đó, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu rà soát hoạt động của các bệnh viện tâm thần cũng như các khoa tâm thần ở các bệnh viện đa khoa trên toàn quốc để tìm, chặn những lỗ hổng có thể phát sinh việc làm giả hồ sơ bệnh án như vậy.
Bộ trưởng Y tế cũng giải thích, việc làm giả hồ sơ có 2 loại khác nhau. Loại thứ nhất là việc làm giả xuất phát từ những bệnh viện như viện Tâm thần TƯ 1, TƯ 2. Đây là những bệnh viện có chức năng khám chữa bệnh cho mọi người dân.
Loại thứ hai là xảy ra tại hệ thống các cơ sở giám định pháp y tâm thần. Các cơ sở này chỉ tiến hành giám định bệnh với những đối tượng đã có vấn đề tội phạm nhưng có nghi ngờ về tâm thần nên cơ quan điều tra yêu cầu giám định. Để giám định tâm thần với những trường hợp này thì không chỉ là bác sĩ, bệnh nhân tự khám, xác định mà cần có công an đi cùng trong quá trình khám xét.
Tại Viện Giám định tâm thần ở Thường Tín (Hà Nội), Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, muốn đưa ra kết luận cũng phải kiếm tra với quy trình chuyên môn rất kỹ lưỡng, chặt chẽ thì mới có thể xác định bệnh nhân tâm thần hay không. Khi hội đồng chuyên môn ở đây đưa ra kết luận xác định trường hợp này bị tâm thần thì công an mới công nhận để xem xét vấn đề trách nhiệm hình sự với người đó.
"Xác nhận tâm thầm của các bệnh viện bên ngoài chỉ mang tính chất dân sự, không có ý nghĩa với việc xác định một người phạm tội là do bị tâm thần" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đã đề nghị Bộ trưởng Công an trả lời cụ thể về vấn đề các đối tượng hình sự "chạy" bệnh án tâm thần vì các bác sĩ, bệnh viện bên ngoài muốn làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần cũng không dễ. Bộ Y tế sẽ phối hợp để xử lý hành vi với những người vi phạm như vậy.Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh, quy trình chẩn đoán, phát hiện, làm bệnh án, ra viện, vào viện được ban hành, rà soát hàng năm chặt chẽ.
"Giám định pháp y tâm thần chỉ diễn ra khi cơ quan điều tra, toà án có xử lý và đối tượng muốn được chứng minh bị tâm thần thì phải giám định và có sự giám sát của công an", Bộ trưởng Y tế nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, nếu có làm giả bệnh án tại đây thì chắc chắn công an cũng không đủ căn cứ xác định bệnh nhân bị tâm thần mà phải qua Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương.
Sắp tới đây sẽ lập hệ thống Trung tâm pháp y tâm thần khu vực, qua đó giám định thì công an mới coi đó là tâm thần thực sự.
Theo Danviet
Bộ trưởng Y tế: "Chạy" bệnh án tâm thần để trốn tội hình sự không dễ! Xác nhận thực tế 2 bác sĩ của bệnh viện Tâm thần TƯ 1 đang bị điều tra về việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần nhưng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, với trường hợp tội phạm đang bị xem xét hình sự, kết luận bệnh tâm thần của bệnh viện thuộc khu vực dân sự...