Hai tỷ liều vaccine Covid-19 trong tháng 9
Công ty dược phẩm AstraZeneca đặt mục tiêu sản xuất khoảng hai tỷ liều vaccine Covid-19 trong tháng 9.
Giám đốc điều hành AstraZeneca Pascal Soriot cho biết 400 triệu liều sẽ dành cho Mỹ và Anh. Hơn một tỷ liều còn lại dự kiến phân phối đến các quốc gia thu nhập thấp, trung bình.
Thời gian phân phối phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu lâm sàng, dự kiến công bố trong tháng 8. Quá trình thử nghiệm và sản xuất diễn ra song song, ngay cả khi vaccine chưa được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong ngành dược.
“Chúng tôi cực kỳ tập trung và tận tâm. Giữa lúc đại dịch tác động lên nền kinh tế và con người, khi đang phát triển một thứ thế này (vaccine), bạn không thể phỏng đoán điều gì sẽ xảy ra, cũng không nên mất thời gian chờ xem nó có hiệu quả hay không. Chúng tôi đánh cược”, ông Soriot nói.
AstraZeneca đã ký một thỏa thuận cấp phép với Viện Huyết thanh Ấn Độ, cam kết cung cấp một tỷ liều vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm nay.
Video đang HOT
Nhân viên AstraZeneca đang nghiên cứu vaccine tại Viện Jenner, trực thuộc Đại học Oxford. Ảnh: AstraZeneca
Vaccine mang tên AZD1222 được phát triển tại Viện Jenner, trực thuộc Đại học Oxford. Các nhà khoa học đã sử dụng một loại virus bất hoạt, chứa trình tự di truyền protein gai nCoV, kích hoạt hệ miễn dịch bảo vệ người khỏe mạnh khỏi sự xâm nhập của virus. Nghiên cứu đang bước vào giai đoạn hai, thử nghiệm trên 10.000 người trưởng thành, khỏe mạnh. Theo thông báo của AstraZeneca, các tình nguyện viên dung nạp tốt sau khi tiêm chủng.
Khi được hỏi về độ hiệu quả của sản phẩm, ông Soriot nói: “Khả năng vaccine hoạt động là khá cao, dựa trên những gì chúng tôi quan sát được hiện tại”. Công ty đã thiết lập một nền tảng dữ liệu toàn diện. Giai đoạn cuối của nghiên cứu dự kiến có hơn 50.000 người tham gia.
Theo Richard Hatchett, giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới và Chuẩn bị Dịch tễ, việc tiến hành sản xuất và thử nghiệm song song giúp quá trình phân phối diễn ra sớm nhất có thể.
“Chúng tôi tin mình đủ năng lực cung cấp vaccine cho hàng trăm triệu người trên khắp thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia thu nhập thấp nhất. Mục tiêu là không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Soriot khẳng định.
Hàn Quốc tăng ngân sách cho phát triển vaccine ngừa Covid-19
Nhóm hỗ trợ phát triển vaccine và thuốc điều trị Covid-19 của Hàn Quốc đã quyết định tăng thêm ngân sách cho việc nghiên cứu loại vaccine này.
Theo đó, với gói ngân sách bổ sung lần ba, nhóm sẽ hỗ trợ 1.000 tỷ won (823 triệu USD) cho các dự án phát triển mô hình phòng dịch kiểu Hàn, phát triển công nghiệp và toàn cầu hóa. Trước tiên, trong nửa cuối năm nay, 100 tỷ won (82,3 triệu USD) sẽ được chi cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và các thử nghiệm lâm sàng liên quan.
Với thuốc điều trị, Hàn Quốc sẽ tập trung vào ba hạng mục chiến lược là huyết tương, kháng thể, và "tái định vị thuốc", tức mở rộng phạm vi sử dụng y dược phẩm có sẵn để phát triển thuốc điều trị Covid-19.
Về vaccine, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành nghiên cứu phát triển đến nửa cuối năm 2021, dự kiến bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng ngay trong năm nay với ba "ứng cử viên" là vaccine kháng nguyên tổng hợp của công ty Khoa học Y sinh SK (SK Bio Science), các vaccine DNA do hai công ty Inobio và Genexine phát triển. Đồng thời, cam kết sẽ hỗ trợ chi phí nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng cho các đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19.
Trong khi đó, Bộ Y tế và phúc lợi Hàn Quốc ngày hôm nay đã đề nghị Chính phủ trích 1.054,2 tỷ won (867 triệu USD) từ ngân sách bổ sung đợt ba để đối phó với dịch Covid-19 và xây dựng hệ thống điều trị bệnh truyền nhiễm không tiếp xúc.
Theo đó, 200,9 tỷ won (165 triệu USD) sẽ được dùng để mua 300 máy thở, 772 bộ quần áo bảo hộ y tế cấp độ D, 100 máy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO); 26,5 tỷ won (22 triệu USD) để đảm bảo tiêm phòng cúm quốc gia cho 2,35 triệu người từ 14 đến 18 tuổi; và 10,2 tỷ won (8,4 triệu USD) để xây dựng trạm xét nghiệm chỉ định thường trực tại 67 trung tâm y tế địa phương có lắp đặt phòng áp lực âm.
Nhằm mở rộng thử nghiệm và điều chế thuốc điều trị, vaccine phòng dịch Covid-19, Bộ Y tế và phúc lợi sẽ đầu tư 140,4 tỷ won (115 triệu USD) cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bao gồm thử nghiệm lâm sàng, nâng cấp thiết bị phòng dịch, mở rộng cơ sở hạ tầng viện nghiên cứu virus và bệnh truyền nhiễm quốc gia.
Nếu đề nghị ngân sách bổ sung của Bộ Y tế và phúc lợi được phê duyệt, tổng chi tiêu của Bộ trong năm nay sẽ tăng từ 86.650 tỷ won (70,8 tỷ USD) lên 87.110 tỷ won (71,5 tỷ USD). Trong số này, 107,7 tỷ won (88,5 triệu USD) vốn có mục đích sử dụng khác đang được tận dụng làm nguồn tài chính bổ sung do nhiều dự án khó thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19./.
Thụy Điển cảnh báo rủi ro khi trông chờ vaccine Covid-19 Nhà dịch tễ học Anders Tegnell tin rằng "quá rủi ro" khi đặt niềm tin vào vaccine, thay vì tìm giải pháp bền vững để sống chung với Covid-19. "Rất nhiều người nói rằng chiến lược của Thụy Điển là quá rủi ro, nhưng tôi cho rằng quá tin tưởng vào vaccine mới thực sự rủi ro", Anders Tegnell, nhà dịch tễ học...