Hai “tử huyệt” đe dọa quân đội Nga
Nga đang tận dụng chiến dịch không kích chống khủng bố tại Syria để phô diễn tiềm lực quân sự, thử nghiệm và trình làng các loại vũ khí hiện đại, tối tân nhất. Tuy nhiên, sự hồi sinh sức mạnh quân sự Nga vẫn bị cản trở đáng kể bởi những khó khăn về nhân lực và vật lực.
Nhân lực
Sự thiếu hụt trầm trọng về mặt nhân lực là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với quân đội Nga trong một cuộc chiến thực sự.
Trong một bài phân tích được đăng tải trên National Interest, chuyên gia quân sự Dave Majumdar cho biết, hiện tại, binh sĩ nghĩa vụ đang là nguồn bù đắp chủ yếu, tạm thời giải quyết bài toán hiếu hụt nhân lực khiến giới chức trách Nga đau đầu.
Binh sĩ Nga. Ảnh: Reuters
Theo ông Dave Majumdar, ngoài Các lực lượng tên lửa chiến lược, nguồn nhân lực của lực lượng Không quân, bộ binh Hải quân vẫn chủ yếu dựa vào lính nghĩa vụ vốn được đào tạo sơ sài, qua loa, không bài bản, chuyên nghiệp.
“Chỉ có khoảng 1/4 nhân lực thuộc các lực lượng quân sự trên bộ của Nga được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản. Những quân nhân chuyên nghiệp này thường được biên chế vào các lực lượng phản ứng nhanh”, ông Dave Majumdar cho hay.
Theo đó, quân đội Nga chủ yếu vẫn dựa vào lính nghĩa vụ quân sự và hợp đồng vốn ít được đào tạo bài bản.
Theo Business Insider, chu kỳ nghĩa vụ quân sự ngắn của Nga giúp nước này dễ dàng xây dựng đội quân hùng hậu về số lượng, song khó có thể trở thành một lực lượng chiến đấu hiệu quả.
Lính nghĩa vụ Nga chỉ phải phục vụ trong quân ngũ 1 năm là được trở về với cuộc sống đời thường. Do đó, Nga khó lòng duy trì một lực lượng thường trực chuyên nghiệp khi binh sĩ liên tục bị thay mới.
Binh sĩ Nga trong buổi diễn tập ngày 1.11.2014 cho cuộc diễu hành trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: Getty.
Ngoài ra, điểm yếu đáng quan ngại của lính nghĩa vụ và hợp đồng Nga là tình trạng kỷ luật kém.
Hồi tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh chấn chỉnh quân đội, hướng đến mục tiêu khôi phục vị thế siêu cường của Moscow trong thời đại mới. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tình trạng kỷ luật của binh sĩ Nga đang ở mức rất thấp.
Hàng năm, rất nhiều binh sĩ thiệt mạng trong các cuộc tập trận, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do lạm dụng rượu và không tuân thủ quy trình an toàn. Trong một tài liệu mật được công bố năm 2001, có tới 500 binh sĩ Nga thiệt mạng do thao tác sai của chính họ hoặc đồng đội.
Video đang HOT
Sự thiếu chuyên nghiệp và kỷ luật kém có thể ảnh hưởng rất tiêu cực đến khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như hiệu quả tác chiến của quân đội Nga.
Theo Business Insider, nhận định về khả năng của binh sĩ Nga, Trung Úy Alexey Chaban của Lữ đoàn Tăng 17 của Quân đội Ukraine từng nói: “Có vẻ không giống như chúng ta đang chiến đấu với một đội quân mạnh, họ chỉ như những kẻ nghiện rượu và vô gia cư. Mặc dù rõ ràng có việc binh sĩ Nga đang chiến đấu chống lại chúng ta, nhưng họ không có kinh nghiệm và gây ra những sai lầm lớn. Hàng trăm người đã bỏ mạng (lính Nga). Họ không phải là những chiến binh thực thụ”.
Trung úy Chaban cho hay, một cựu tư lệnh quân đội người Chechnya tên là Isa Munayev đã tới Ukraine để chiến đấu, ủng hộ chính phủ Kiev chống lại quân nổi dậy miền Đông được Nga “tiếp sức” và chống lưng cũng có chung nhận định với ông rằng, phần lớn binh sĩ Nga không được đào tạo bài bản, thiếu chuyên nghiệp và kỷ luật kém. Chỉ có bộ phận nhỏ lực lượng tinh nhuệ của Nga là đáng gờm.
“Isa luôn nói với tôi rằng, các binh sĩ Nga chỉ là một nhóm say xỉn. Tuy nhiên, nếu gặp phải Spetsnaz (lực lượng đặc nhiệm ưu tú và tinh nhuệ của Nga), thì khôn ngoan nhất chính là bỏ chạy”, theo Trung úy Ukraine.
Vật lực
Vấn đề lớn thứ 2 mà quân đội Nga phải đối mặt đó là tình trạng và chất lượng của khí tài quân sự và khả năng mua sắm vũ khí mới giảm sút nghiêm trọng do nguồn ngân sách eo hẹp.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, nền công nghiệp và công nghệ của Nga cũng giảm sút mạnh. Thực tế này đã làm suy yếu ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.
Bức ảnh mô tả các kỹ thuật viên Không quân Nga đang kiểm tra chiến đấu cơ MiG-29 tại căn cứ ở khu vực Primorsko Akhtarsk, gần biên giới Ukraine.
Bình luận về thực trạng đó, chuyên gia quân sự Dave Majumdar viết: “Đất nước này (Nga) đang rớt lại phía sau trong nhiều lĩnh vực công nghệ rất quan trọng, đặc biệt là trong những năm 1990. Chẳng hạn, người Nga bị tụt hậu đáng kể trong các công nghệ quan trọng để chế tạo và sản xuất các loại vũ khí chính xác hoặc radar mảng pha quét điện tử chủ động… Và đó chỉ là một vài ví dụ”
Trên thực tế, binh sĩ Nga vẫn đang phải tiếp tục sử dụng khí tài quân sự chủ yếu được sản xuất từ thời Liên Xô. Thậm chí, các lực lượng chiến đấu của Nga ở Syria vẫn đang sử dụng nhiều khí tài quân sự từ những năm 1970, theo ông Majumdar.
Một lĩnh vực khác mà quân đội Nga cũng bị tụt hậu đáng kể là công nghiệp đóng tàu.
“Nga không còn khả năng đóng các tàu chiến có kích thước lớn tương đương tàu sân bay nữa. Và họ vẫn đang sử dụng những kỹ thuật đóng tàu lạc hậu”, ông Majumdar nhấn mạnh.
Trong khi Hải quân Mỹ hiện sở hữu 11 tàu sân bay và 9 tàu đổ bộ tấn công, thì Hải quân Nga chỉ có một tàu sân bay. Trong khi đó, hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov thường xuyên gặp trục trặc kỹ thuật, đặc biệt các vấn đề động cơ do không được nâng cấp, bảo dưỡng tốt.
Hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga, Đô đốc Kuznetsov.
Tổng thống Putin đã lên kế hoạch đóng mới siêu tàu sân bay năng lượng hạt nhân cùng hàng chục tàu chiến, tàu ngầm khác với mục tiêu tái trang bị cho quân đội từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, những khó khăn lớn về mặt ngân sách có thể cản trở kế hoạch trên.
Nền kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn do giá dầu thế giới giảm và đồng ruble mất giá trong bối cảnh phương Tây gia tăng trừng phạt kinh tế chống lại Moscow sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea.
Cũng do nguồn tài chính eo hẹp mà chương trình phát triển máy bay ném bom thế hệ thứ năm mới, PAK DA, ban đầu được dự kiến hoàn thành vào năm 2023, nay đã bị hoãn lại. Thay vào đó, Nga sẽ chỉ tập trung vào kế hoạch nâng cấp máy bay ném bom siêu thanh Tu-160 từ thời Liên xô.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Không quân Nga.
Chưa hết, Moscow cũng thiếu tiền để rót vào kế hoạch sản xuất xe tăng Armata thế hệ 3. Chuyên gia Dmitry Gorenburg của Đại học Harvard ước tính, Nga sẽ chỉ có khả năng cung cấp 330 xe tăng Armata cho quân đội vào năm 2020 – thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu là 2.300 chiếc.
Cuối cùng, theo Business Insider, quân đội Nga có thể đạt được những thành công đáng kể trong các hoạt động quy mô nhỏ như chiến dịch sáp nhập bán đảo Crimea hoặc không kích chống khủng bố tại Syria.
Tuy nhiên, với những khó khăn về mặt nhân lực và vật lực kể trên, Điện Kremlin sẽ dễ “mất sức” trong một cuộc chiến lâu dài chống lại một đối thủ lớn có quân đội mạnh.
Theo Dân Việt
Nước cờ thông minh của Putin
Putin đã tuyên bố sẽ không kích Syria cho tới khi nào tiêu diệt hết những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ đánh bom một máy bay của Nga tại Ai Cập hồi tháng 10, làm 224 người thiệt mạng.
Trong chuyến thăm đồng minh Iran ngày 24/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ không kích Syria cho tới khi nào tiêu diệt hết những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ đánh bom một máy bay của Nga tại Ai Cập hồi tháng 10, làm 224 người thiệt mạng.
Cùng ngày, trong chuyến thăm vùng Vịnh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Washington có thể hợp tác với Nga tại Syria khi có "bối cảnh thích hợp" và "triển vọng mang tính xây dựng".
Những tuyên bố từ phía Nga và Mỹ cho thấy phương Tây không thể mãi quay lưng lại với nước Nga đang khẳng định lại vị thế trên trường quốc tế.
(Ảnh minh họa: AP)
Sự chuyển hướng chiến lược của Nga sang Trung Đông được thể hiện rõ qua cuộc can thiệp quân sự vào Syria bắt đầu từ 30/9. Chiến lược này nảy sinh không chỉ do nhu cầu cấp bách của Nga phải "chống lưng" cho đồng minh Bashar al-Assad ở Syria, mà còn bởi chính sách xoay trục chiến lược của Nga về châu Á-Thái Bình Dương được tuyên bố hồi năm 2012 chưa thành công.
Trung Đông là phạm vi rộng hơn châu Á-Thái Bình Dương để Nga khẳng định sức mạnh toàn cầu của mình. Ở Trung Đông, Nga có đông đảo đối tác và bè bạn chiến lược. Iran và Syria đứng đầu danh sách các đối tác chiến lược của Nga trong khu vực. Trong khi đó, châu Á-Thái Bình Dương bị bao trùm bởi những cuộc tranh giành quyền lực Mỹ-Trung, Trung-Nhật và hành động khiêu khích của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á.
Quan trọng hơn, Trung Đông là khu vực mà các sáng kiến địa chính trị và chiến lược của Nga không bị hạn chế, bởi không mâu thuẫn với các sáng kiến chiến lược với Trung Quốc.
Do đó, chiến lược xoay trục mạnh mẽ của Nga về Trung Đông tạo thuận lợi để hiện thực hóa chính sách đối ngoại của Putin với mục tiêu trở thành trung tâm quyền lực độc lập của thế giới.
Cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Syria đã giúp đảm bảo các lợi ích chiến lược để Nga tăng cường vị thế với vai trò "nhân tố được tính đến" trong các vấn đề ở Trung Đông.
Với cuộc can thiệp táo bạo này, Nga đã phá vỡ sự cô lập mà Mỹ và NATO tạo ra sau vụ Nga sáp nhập Crimea và can thiệp vào Ukraine.
Dưới sự yểm trợ của các cuộc không kích của Nga, các lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad đã tiêu diệt được nhiều mục tiêu IS và liên tiếp giành lại các phần lãnh thổ bị chiếm đóng. Dường như tại Trung Đông, Nga đang đẩy Mỹ và NATO vào "chân tường", và buộc họ thừa nhận Nga không thể bị gạt ra ngoài lề tại đây.
Không ngoa khi nói rằng Nga đã trở thành nhân tố chính trong cuộc xung đột và là một bên chịu trách nhiệm chính để đảm bảo một giải pháp chính trị cuối cùng, có thể được các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế chấp nhận.
Hơn một năm trước, một liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu đã được thành lập nhưng chưa đem lại kết quả đáng kể nào. Sau những gì xảy ra tại Paris hôm 13/11 và vụ máy bay Nga bị đánh bom tại Ai Cập, IS đã biến cuộc nội chiến tại Syria thành một cuộc xung đột toàn cầu. Và Putin đang vững chãi đứng ở đầu chiến tuyến chống IS, cùng liên minh với Syria, Iran và Iraq.
Tổng thống Nga, tại hội nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, một lần nữa chủ động chìa tay với Mỹ, khẳng định thế giới chỉ có thể chống IS hiệu quả nếu liên kết lại với nhau.
Trước đó, ông từng tuyên bố sẵn sàng bắt tay với Mỹ trong cuộc chiến chống IS, nhưng bị cự tuyệt. Trong bối cảnh cục diện thay đổi sau sự can thiệp của Nga vừa qua, Mỹ có lẽ khó lòng từ chối.
Logic đằng sau sự cởi mở của Putin rất rõ: Nga đã đạt được mục tiêu của mình tại Ukraine (một cuộc xung đột bị "đóng băng" cho phép Điện Kremlin duy trì ảnh hưởng lên nền chính trị quốc gia láng giềng này), mục tiêu tiếp theo là thuyết phục phương Tây dỡ bỏ trừng phạt để phát triển kinh tế nước nhà.
Rõ ràng, vụ tấn công Paris hôm 13/11 đã tạo cơ hội cho Putin chứng minh rằng, chiến dịch quân sự Nga tại Syria chính là "vì phương Tây". "Ông có chân giò, bà thò chai rượu", phương Tây khó mà bỏ qua những gì nước Nga của ông Putin đã làm.
Khi đang đối mặt với hai cuộc khủng hoảng (khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng Ukraine), Nga đột ngột thay đổi quỹ đạo hành động ngoại giao, tách ra khỏi Đông Âu, mạnh dạn chống khủng bố ở Trung Đông, đã giúp môi trường đối ngoại của Nga có sự thay đổi, thúc đẩy thành công đàm phán và đối thoại giữa Nga với phương Tây.
Không thể phủ nhận, cuộc không kích Syria đã trở thành nước cờ thông minh trong quan hệ đối ngoại của Nga.
Theo Đức Đan
Vietnamnet
Thế cờ ngoạn mục của ông chủ điện Kremlin Giới quan sát bình luận rằng, khi quyết định can thiệp quân sự vào Syria, Tổng thống Nga Putin đã bắt đúng cơ hội để triển khai chiến lược Trung Đông mới của mình. Chiến dịch tăng cường quân sự tại Syria của Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu từ đầu tháng 9/2015, là một động thái đầy bất ngờ đối với...