Hải Triều “Bão Ngầm” được yêu thích vì phim Việt hiếm đàn ông nam tính?
Màn ảnh Việt vốn gây tranh cãi vì thiếu bóng dáng những nhân vật nam có sự mạnh mẽ, nam tính, gai góc.
Hình ảnh đàn ông vũ phu, nhu nhược liên tục gây bão
Khi dòng phim gia đình lên ngôi, nhiều câu chuyện về hôn nhân với nhiều góc tối được đưa lên màn ảnh. Giữ vị trí trung tâm trong các mối quan hệ vợ chồng không hạnh phúc thường là những người đàn ông gia trưởng, cục cằn, bội bạc.
Nhiều dự án thuộc dòng phim gia đình đã gây bão màn ảnh khi đề cập đến góc khuất hôn nhân, từ “Sống chung với mẹ chồng”, “Về nhà đi con”, “Hoa hồng trên ngực trái”… Và gần nhất là 2 phần phim, “Thương ngày nắng về”.
“Sống chung với mẹ chồng” (đạo diễn Vũ Trường Khoa) được ví là “bom tấn” truyền hình, đánh dấu bước ngoặt lớn khi dòng phim gia đình bứt phá và gây bão dư luận. Phim có rating kỷ lục vào thời điểm phát sóng năm 2017, được đông đảo khán giả đón xem và bàn luận.
“Sống chung với mẹ chồng” xoay xung quanh mâu thuẫn đỉnh điểm giữa mẹ chồng là bà Phương ( NSND Lan Hương) và con dâu Minh Vân ( Bảo Thanh). Mấu chốt trong mâu thuẫn này thuộc về nhân vật nam trung tâm là Thanh ( Anh Dũng). Thanh được tái hiện là người đàn ông nhu nhược, mẹ bảo gì nghe nấy, không bảo vệ được vợ… và cuối cùng dẫn đến hôn nhân đổ vỡ.
Nhân vật Thanh (Anh Dũng) đã khơi mào cho loạt hình ảnh đàn ông nhu nhược, “vật vã” vì hôn nhân của dòng phim gia đình. Ảnh: ĐPCC
Sau thành công vang dội của “Sống chung với mẹ chồng”, dòng phim gia đình bùng nổ trên màn ảnh nhỏ. Ở dự án nào, nhân vật đàn ông giữ vai trò trung tâm của câu chuyện cũng mang tính cách phản diện, hoặc nhu nhược.
Trong đó, Thái – nam chính của “Hoa hồng trên ngực trái” là kẻ gia trưởng, ngoại tình, đánh đập, coi thường vợ. Vai nam thứ chính trong phim của diễn viên Hồng Quang cũng được xây dựng là kẻ hèn nhát, nhu nhược, nhắm mắt làm ngơ trước những mâu thuẫn của mẹ và vợ.
Vũ – nam chính của “Về nhà đi con” có tính cách trăng hoa, thiếu chín chắn, không quyết đoán. Trong phim còn có nhân vật Khải (chồng cũ của Huệ) được xây dựng là kẻ ham chơi, lười làm, tính tình cục súc. Khải đáng ghét tới mức, diễn viên Trọng Hùng đóng vai này bị ném đá dữ dội, anh còn bị khán giả nhắn tin hăm dọa, dọa đánh nếu gặp ngoài đời.
Gần nhất, với sự “thừa thắng xông lên” của dòng phim gia đình, hai phần phim “Thương ngày nắng về” nối nhau lên sóng. Nhân vật Đức được đánh giá là vai nam đáng chú ý nhất nhờ diễn xuất sinh động của Hồng Đăng. Tuy nhiên, Đức vẫn thuộc mô típ ham chơi, trẻ con, nhu nhược – người góp phần đẩy Vân Khánh (Lan Phương) vào chồng chất bi kịch.
Khải của “Về nhà đi con” từng bị khán giả dọa đánh. Ảnh: ĐPCC
Khi dòng phim gia đình, tâm lý xã hội lên ngôi, hình ảnh những người đàn ông bước ra từ màn ảnh được xây dựng gắn với chất liệu đời sống. Yếu tố chân thật, “dễ bắt gặp, dễ thấy” được đề cao.
Mặt trái của việc này lại khiến màn ảnh thiếu đi những vai nam chính được hình tượng hóa với tố chất mạnh mẽ, gai góc, nam tính. Hình tượng những nam chính được “anh hùng hóa”, “thần tượng hóa” có sức truyền cảm hứng trở nên thiếu vắng.
Thiếu hình tượng nam chính có sức truyền cảm hứng
Khi “Hạ cánh nơi anh” của Hàn Quốc lên sóng đã tạo ra cơn bão khắp màn ảnh Châu Á, trong đó hình tượng Hyun Bin trong vai đại úy Bắc Hàn Ri Jung Hyuk được chia sẻ, phủ ngập mạng xã hội. Nhân vật của Hyun Bin với sự lạnh lùng, nam tính, vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng, vừa bắn súng đánh võ giỏi vừa chơi piano điêu luyện… đã làm tan chảy hàng triệu trái tim khán giả nữ.
Người Hàn luôn có thế mạnh trong việc xây dựng hình tượng những nam chính làm “đổ gục” khán giả. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng để thấy, với màn ảnh nhỏ – những vai nam chính được hình tượng hóa cũng có sức gây bão mạnh mẽ, theo một cách riêng, đầy tích cực.
Hải Triều của “ Bão Ngầm” đã xuất hiện giữa bối cảnh màn ảnh nhỏ đang thiếu những nam chính có cá tính mạnh mẽ, gai góc và nam tính. Tuy nhân vật vẫn đầy thiếu sót, dễ dàng ngã vào vòng tay Yến, nhưng những cảnh hành động, trình diễn võ thuật, với sự mạnh mẽ, can trường của một trinh sát hình sự, Hải Triều vẫn được đông đảo khán giả đón nhận.
Hải Triều và lực lượng trinh sát trong phim hình sự “Bão Ngầm” đã mang đến làn gió mới mẻ hơn khi phim gia đình, tâm lý xã hội đang lên ngôi. Ảnh: ĐPCC
Dòng phim hình sự phá án cũng đang trở nên “lép vế” thấy rõ trên sóng truyền hình với nhiều lý do. Phim hình sự vốn vẫn được xếp vào dòng phim khó sản xuất, thiếu kịch bản, đầu tư lớn, chưa kể, việc kể chuyện những chuyên án phải hấp dẫn, thuyết phục.
Bởi vậy, dù vướng nhiều tranh cãi, thậm chí bị chê, nhưng “Bão Ngầm” đã có được sức hút mạnh mẽ với số đông khán giả. Và hình tượng trinh sát Hải Triều mạnh mẽ, gai góc đã mang đến làn gió mới mẻ cho khán giả giữa “hằng hà sa số” những anh chồng đang vật vã trong hôn nhân.
"Hải Triều" Hà Việt Dũng kể chuyện đánh nhau với Ong Chúa trong "Bão ngầm"
Diễn viên Hà Việt Dũng - người thủ vai Đại úy Hải Triều trong "Bão ngầm" tiết lộ hậu trường những cảnh hành động mãn nhãn trong phim.
Bộ phim "Bão ngầm" đang tạo sức hút trên màn ảnh Việt khi bước đến những tập cuối cùng. Những cảnh hành động kịch tính, tình tiết căng thẳng ngày càng nhiều, báo hiệu cho một đại kết cục mà khán giả đã mong chờ suốt 4 tháng.
"Bom tấn" đề tài hình sự do Đạo diễn Đinh Thái Thụy thực hiện, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nhà văn, Trung tá Đào Trung Hiếu. Tác phẩm kể về hành trình điều tra của Đại úy Hải Triều (Hà Việt Dũng thủ vai) cùng các trinh sát trong việc điều tra phá án đường dây ma túy xuyên quốc gia ẩn trong một tập đoàn kinh tế lớn...
Trong phim, Hà Việt Dũng vào vai trinh sát Hải Triều dũng cảm, mưu trí, can trường, góp phần quan trọng cho chuyên án đặc biệt quan trọng.
Nam diễn viên thực hiện nhiều cảnh hành động, võ thuật "khó nhằn", vào sinh ra tử cùng đồng đội. Vai diễn Hải Triều cũng có diễn biến tâm lý phức tạp, tính cách mạnh mẽ và cương trực.
Đại úy Hải Triều (Hà Việt Dũng) gây ấn tượng nhờ vẻ ngoài rắn rỏi, khí chất quật cường, dũng cảm của một chiến sĩ công an trong phim "Bão ngầm". Ảnh: CMH
Chia sẻ với Lao Động, diễn viên Hà Việt Dũng tiết lộ anh phải quay nhiều cảnh hành động ác liệt, di chuyển đến nơi rừng sâu, hoang vu để ghi hình.
Tài tử 35 tuổi quay "Bão ngầm" song song với phim "Lựa chọn số phận". Trong suốt 1 năm quay phim, anh và ê-kip có nhiều kỉ niệm đẹp, đến thăm nhiều cảnh đẹp đất nước để lấy bối cảnh.
"Tôi phải bay vào Tây Nguyên và quay cảnh hành động từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều, đánh liên tục, bùn đất bẩn kinh khủng. May mà có cái suối ở đấy nên tôi nhảy xuống tắm luôn. Tôi còn được đến bản Cu Vai, ở rất cao, chỉ có mấy chục hộ dân. Mọi người phải di chuyển bằng xe máy chứ không đi bằng ôtô lên đấy được. Trời rất lạnh nhưng tôi vui khi được đá bóng cùng những đứa trẻ ở đó", Hà Việt Dũng kể lại kỉ niệm đẹp khi quay phim.
So với các thể loại khác, phim hành động có phần khó hơn khi đòi hỏi cả thể lực, diễn xuất bằng cơ thể và biểu cảm của diễn viên. Trong quá trình quay những phân đoạn xung đột, đánh nhau, Hà Việt Dũng cho biết để có những thước phim đẹp, chân thật, các diễn viên không thể tránh khỏi thương tích.
"Có những cảnh phải nhào lộn hoặc tiếp đất bằng cả cơ thể cũng rất đau. Khi về đến nhà, có khi tôi tím bầm cả người. Đóng phim hành động, ai cũng thế thôi. Khi đánh nhau trong rừng tôi bị ngã vào lùm cây rất ngứa, khó chịu lắm. Mồ hôi, cát dính vào người... không khác gì đi lao động ở công trường", Việt Dũng kể lại.
Hải Triều và các trinh sát đánh thẳng vào sào huyệt của tổ chức buôn bán ma túy trá hình, đối đầu với những tên tội phạm nguy hiểm. Ảnh: CMH
Những tập cuối của bộ phim, khán giả ấn tượng với màn chạm trán cam go giữa Hải Triều và Ong Chúa (Kim Phượng thủ vai). Hai nhân vật mang trong mình ân oán bước vào trận tử chiến một mất một còn với những pha hành động mạnh bạo, kịch tính.
Đó là một cảnh quay khó, không sử dụng diễn viên đóng thế và quay trong bối cảnh rừng sâu. Hà Việt Dũng có thể lực tốt và ý chí mạnh mẽ, trong khi "Ong Chúa" Kim Phượng cũng đầy sát khí, quyết thủ tiêu đối thủ.
Hà Việt Dũng khẳng định đây là một cảnh quay đẩy mạch phim lên cao trào: "Khi quay cảnh tử chiến với Ong Chúa thì bao cảm xúc của tôi bị dồn nén quá lâu. Bao nhiêu tâm huyết dồn hết vào cảnh đó. Tôi chưa bao giờ trải qua những cung bậc cảm xúc mãnh liệt đến thế. Khi đánh nhau thì 2 chị em cũng rất là hăng máu. Dù là con gái nhưng Phượng rất mạnh mẽ. Lúc về Dũng kiểm tra thì tay chân tím hết, người bầm dập".
"Bão ngầm" đã phát sóng đến tập 70. Hành trình của Hải Triều và các trinh sát trong ban chuyên án tội phạm về ma túy sắp đi đến hồi kết. Một khi đánh vào sào huyệt đường dây ma túy xuyên quốc gia của Quách Đại Đức, lực lượng trinh sát sẽ phải đánh đổi, hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng.
Nữ sinh Ê-đê đóng trinh sát Như Ý trong "Bão ngầm" là ai? Trong những tập gần đây của "Bão ngầm", sự xuất hiện của nữ trinh sát Như Ý do nữ sinh người dân tộc Ê-đê Sharon Arul thủ vai. Sharon Arul đóng vai nữ trinh sát Như Ý trong "Bão ngầm". Ảnh: CMH Vai nữ trinh sát Như Ý được nhiều khán giả đánh giá là đã để lại được nhiều dấu ấn hơn...