Hái tiền từ “công nghệ” nhập – xuất trẻ em
(Dân trí) – Ngày đầu tiên xét xử vụ “tuồn” hơn 300 trẻ ra nước ngoài, phòng xử án lớn TAND tỉnh Nam Định đông kín. 16 bị cáo, 72 người có quyền và nghĩa vụ liên quan, 127 nhân chứng được triệu tập.
Tuy nhiên, trong sáng nay, mới chỉ có 18 người có quyền nghĩa vụ liên quan, 21 nhân chứng có mặt theo lệnh triệu tập.
Phía cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động của 2 trung tâm bảo trợ xã hội “dính chàm” này có chánh văn phòng UBND 2 huyện Ý Yên, Trực Ninh tham dự phiên toà.
Một bị cáo chủ chốt của vụ án – GĐ trung tâm Ý Yên Trần Thị Lương được tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Bà Lương có 2 con đẻ đã trưởng thành và 1 con nhỏ bà nhận nuôi ngay trong thời gian điều tra vụ án, trước ngày bị khởi tố không lâu.
Các bị cáo trước vành móng ngựa trong phiên xét xử sáng nay, 22/9
Dây chuyền “gia công”, hồ gột trẻ
Video đang HOT
VKS đã công bố cáo trạng quy tội “dây chuyền”gom, mua bán, “hồ gột” trẻ để “xuất” ra nước ngoài diễn ra tại hai trung tâm nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi ở Nam Định.
Theo đó, Trung tâm trợ giúp nhân đạo và dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn huyện Ý Yên do bà Trần Thị Lương (SN 1963) là Giám đốc đã ký hợp đồng với Trương Công Lịch một số người khác để làm bảo vệ, bảo mẫu chăm sóc nuôi dưỡng trẻ.
Trung tâm bảo trợ xã hội huyện Trực Ninh, Nam Định do ông Vũ Đình Khản (SN 1955, trưởng trạm y tế xã Việt Hùng) làm Giám đốc, ông Trương Văn Phúc làm phó giám đốc. Kế toán kiêm thủ quỹ trung tâm cũng là con trai ông Khản, Vũ Văn Kiêm (SN 1980).
Theo VKSND tỉnh Nam Định, lợi dụng chức năng tiếp nhận, tổ chức quản lý nuôi dưỡng, giáo dục dạy nghề cho những người tàn tật, trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, lang thang cơ nhỡ, bà Lương và ông Khản đã thu gom trẻ em từ sơ sinh đến 1 tuổi đưa về trung tâm, tiếp nhận những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn đến Trung tâm chờ sinh con.
Qua tay các trạm trưởng y tế xã, hồ sơ của trẻ được làm giả để hợp pháp hóa nguồn gốc thành “trẻ em bị bỏ rơi”.
Tất cả số trẻ đã “nhập” về trung tâm sau vài tháng sẽ được “xuất” đi chóng vánh bằng con đường cho làm con nuôi người nước ngoài.
Nguồn cung trẻ lớn cho 2 trung tâm này do Trần Trọng Lãm (SN 1955, trú tại thành phố Nam Định) đảm nhiệm. Lãm cũng là người hướng dẫn trạm trưởng y tế các xã ở huyện Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thuỷ làm giả hồ sơ rất nhiều trẻ “đẻ rơi” tại đây. Mỗi hồ sơ làm giả, các trung tâm này chi cho Lãm 2-3 triệu đồng.
Ông Khản, bà Lương thảo sẵn các mẫu văn bản cần có trong hồ sơ theo quy định cho Lãm, Lịch… để hướng dẫn cho các trạm trưởng làm giả hồ sơ.
Số trẻ được đưa về trung tâm sau khi hoàn thành hồ sơ sẽ nhanh chóng được ghép cho người nước ngoài có nhu cầu xin con nuôi.
Hai bị cáo Vũ Đình Khản và con trai Vũ Văn Kiêm (kế toán trưởng) cũng bị cáo buộc nhập nhèm sổ sách thu chi, gây thiệt hại cho trung tâm hơn 300 triệu đồng.
70% tiền tài trợ dùng để “mua” trẻ
Tại trung tâm Trực Ninh, Vũ Đình Khản đã làm hồ sơ “xuất” 222 trường hợp trẻ làm con nuôi người nước ngoài. Mỗi gia đình nhận được trẻ chi lại 500USD/cháu, mức giá ở thời điểm năm 2005-2006 và 10 triệu đồng/cháu ở thời điểm năm 2007, 2008. Tổng số tiền trung tâm nhận được trong 4 năm từ việc làm này là gần 2 tỷ đồng.
Ngoài ra trung tâm cũng nhận được hàng chục ngàn USD từ các nguồn ủng hộ khác nhưng số tiền này bị bỏ ngoài quĩ, để chi “mua trẻ”. Ông Khản còn khai Phúc ăn lẹm gần 33.000 USD từ số tiền tài trợ. Hiện Phúc đã bỏ trốn, đang bị truy nã.
Để rút tiền chi cho việc làm hồ sơ giả và chi cho các sản phụ, Khản đã chỉ đạo kế toán lập các chứng từ khống để rút 352 triệu đồng. Trong đó, Khản chiếm hưởng cá nhân 100 triệu đồng.
Tại trung tâm Ý Yên, Trần Thị Lương trực tiếp chỉ đạo các cán bộ, bảo mẫu làm giả 3 hồ sơ trẻ em bị bỏ rơi tại cổng trung tâm Ý Yên, “đạo diễn” làm giả hồ sơ 28 trường hợp khác.
Lương còn chi ra hàng trăm triệu đồng để có được hồ sơ trẻ bị bỏ rơi tại nhiều trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh. Hồ sơ điền sẵn thông tin về trẻ cho trạm trưởng y tế 9 xã khác trên địa bàn huyện Ý Yên, Vụ Bản xác nhận, lập tường trình về việc trẻ bị bỏ rơi tại trạm mình.
Từ việc đưa 101 trẻ ra nước ngoài trót lọt, bà Lương hút về cho trung tâm 245 triệu đồng tiền tài trợ từ các tổ chức con nuôi quốc tế. Tuy nhiên, bị cáo không thừa nhận hành vi và số tiền đã trục lợi.
Theo cáo buộc của cơ quan công tố, hàng loạt các đối tượng khác đều nhận được khoản tiền từ 5-10 tới hàng chục triệu đồng từ đường dây thu gom, “hồ gột”, xuất khẩu trẻ em.
Chiều nay, toà bước vào phần xét hỏi.
P.Thảo