Hai tháng thế giới ứng phó Covid-19
Thế giới đã trải qua hai tháng chiến đấu với dịch viêm phổi corona, khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, đầu tháng 12/2019 rồi lan đến 56 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Một sản phụ đang sinh con tại bệnh viện Vũ Hán, trên mặt vẫn đeo khẩu trang. Thành phố trung tâm tỉnh Hồ Bắc là nơi khởi phát dịch bệnh từ đầu tháng 1. Một nhóm tình nguyện viên tại đây đã làm việc hết mình giúp đỡ nhiều phụ nữ mang thai kịp thời đến bệnh viện giữa thời điểm phong tỏa. Ảnh: AFP
Người dân Trung Quốc xếp hàng mua khẩu trang tại một công ty vật tư y tế ở Nam Ninh, khu tự trị Quảng Tây. Nỗi sợ viêm phổi corona len lỏi vào cuộc sống của họ.
Nhu cầu khẩu trang tăng cao dẫn đến tình trạng khan hiếm, bất chấp lời khuyên của các chuyên gia y tế, rằng những ai chưa có biểu hiện bất thường không nhất thiết sử dụng mặt hàng này. Ảnh: AP
Một giáo viên dạy yoga trực tuyến tại studio ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Các lớp học online dần trở nên phổ biến với người dân đại lục sau khi dịch bệnh bùng phát một cách nhanh chóng.
Giới chức y tế nước này cũng khuyến cáo người dân nên ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết. Ảnh: EPA
Các nhân viên y tế làm việc trong dây chuyền sản xuất thuốc chống sốt rét tại một công ty dược phẩm ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Giới chức Trung Quốc cho biết loại thuốc này có hiệu quả trong việc điều trị Covid-19. Ảnh: Reuters
Người dân Hàn Quốc xếp hàng mua khẩu trang bên ngoài một cửa hàng bách hóa ở Seoul. Dịch Covid-19 gần đây đã lan rộng tại nước này, biến Daegu thành “Vũ Hán thứ hai”. Ảnh: Reuters
Tại Seoul, nhiều người đội mưa xếp hàng để mua khẩu trang. Gần một nửa số bệnh nhân Hàn Quốc là thành viên của giáo phái Tân Thiên địa, bị lây nhiễm từ một người phụ nữ 61 tuổi trong buổi lễ tại nhà thờ. Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Người Nhật Bản đeo khẩu trang để đi làm vào giờ cao điểm. Ga tàu Shinagawa, Tokyo, buổi sáng luôn chật kín người dù dịch bệnh lây lan. Chỉ số chứng khoán Nikkei Tokyo giảm 3% vào ngày 28/2. Ảnh: AFP
Một phụ nữ ở Bangkok, Thái Lan đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Nước này ghi nhận 40 ca dương tính Covid-19 tính đến ngày 28/2. Trước đó, giới chức y tế đã sử dụng kết hợp thuốc chữa cúm và HIV để điều trị cho bệnh nhân. Sức khỏe của họ sau đó được cải thiện rõ rệt. Ảnh: AFP
Người bệnh được vận chuyển bằng cáng từ xe cứu thương vào một chiếc lều do Bảo an Dân sự dựng tạm bên cạnh khu cấp cứu bệnh viện Piacenza, miền bắc Italy. Ảnh: AP
Một nhân viên y tế đứng bên trong đơn vị xét nghiệm di động tại Bệnh viện Hipolito Unanue do Bộ Y tế Peru thành lập phòng trường hợp có ca dương tính. Peru chưa ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 nào. Ảnh: AFP
Hành khách tại sân bay quốc tế Jorge Chavez ở Lima, Peru đeo khẩu trang 3M để phòng lây nhiễm virus. Ảnh: AFP
Nhân viên y tế khử trùng trường học tại thành phố Thessaloniki, Hy Lạp sau khi một học sinh được chẩn đoán nhiễm virus corona. Nước này đã ghi nhận 3 trường hợp dương tính. Ảnh: Reuters
Một người đàn ông Pakistan bày bán khẩu trang vải sau khi nước này ghi nhận những ca bệnh đầu tiên. Tiến sĩ Zafar Mirza cho biết một trong hai trường hợp dương tính đã đến Iran. Hiện người này được điều trị tại một bệnh viện ở thành phố Karachi.
Iran đã chịu cảnh cô lập từ các nước láng giềng như Pakistan, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Mỹ sau khi có 50 người chết vì Covid-19. Ảnh: EPA
Thục Linh (Theo Guardian)
Theo vnexpress.net
Dịch corona có thể đạt đỉnh trong tháng Hai
Chuyên gia Trung Quốc dự đoán dịch viêm phổi corona có thể đạt đỉnh trong tháng Hai và kết thúc vào tháng Tư.
Ngày 12/2, Trung Quốc ghi nhận số ca mới mắc viêm phổi corona (Covid-19) thấp nhất kể từ cuối tháng Một. Zhong Nanshan, cố vấn y tế hàng đầu về dịch bệnh tại Trung Quốc, cho biết số ca dương tính mới có xu hướng giảm ở nhiều tỉnh thành.
"Dịch sẽ đạt đỉnh trong tháng này. Tôi hy vọng đợt bùng phát có thể kết thúc vào tháng Tư", ông Zhong nói.
Các nhân viên y tế Trung Quốc mặc trang phục bảo hộ trước khi vào phòng xét nghiệm virus corona. Ảnh: Reuters
Bác sĩ Zhong Nanshan là nhà dịch tễ học nổi tiếng, đã cùng các đồng nghiệp của mình chiến đấu trong dịch SARS năm 2003.
Dựa theo mô hình dịch tễ học và các động thái của chính phủ, bác sĩ Zhong dự đoán sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng Hai, số ca bệnh sẽ giảm dần. Theo ông, các tỉnh ghi nhận ít ca bệnh hơn bao gồm Quảng Đông và Chiết Giang.
"Đây là tín hiệu đáng mừng đối với chúng tôi", ông nói.
Các chuyên gia quốc tế vẫn cảnh báo về mức độ lây lan nCoV, khi nó đã giết chết hơn 1.100 người tại Trung Quốc.
Tuần trước, chính quyền đại lục đã điều chỉnh hướng dẫn về phòng ngừa và kiểm soát dịch. Theo đó, người nhiễm virus cần phải có các triệu chứng lâm sàng thì mới được ghi nhận là một ca bệnh chính thức. Song, chưa rõ dữ liệu trước đây của chính phủ có bao gồm các trường hợp này hay không.
Trong khi giới chức y tế Trung Quốc cho biết tình hình đã được kiểm soát, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh corona có thể gây ra "mối đe dọa toàn cầu".
Tại cuộc họp báo tổ chức ở thành phố Geneva ngày 11/2, giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, thế giới cần "tỉnh táo và coi virus là kẻ thù số một". Ông cũng kỳ vọng, vaccine sẽ được đưa vào sử dụng trong khoảng 18 tháng tới.
Phát biểu về ý kiến của tiến sĩ Zhong, ông Tedros cho biết: "Vẫn còn quá sớm để nói bất cứ điều gì. Tôi nghĩ chúng ta cần theo dõi sát sao các dữ liệu trong tuần tới trước khi đưa ra dự đoán".
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong buổi họp báo ngày 11/2. Ảnh: WHO
Trong khi WHO so sánh việc khống chế bệnh viêm phổi nCoV như cuộc chiến chống khủng bố, tờ Tân Hoa Xã nhận định đây là "cuộc chiến tranh không khói súng nhưng nhất định phải thắng lợi". Hãng thông tấn Trung Quốc cũng nhấn mạnh dịch bệnh là "bài kiểm tra đối với hệ thống và năng lực quản lý của Trung Quốc".
Mới đây, chính quyền đại lục đã sa thải hai quan chức thuộc Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc do sự tắc trách trong công tác chống dịch.
Đến nay, dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc cho thấy tỷ lệ phục hồi khá thấp với chưa tới 10% bệnh nhân được xuất viện. Song, bác sĩ Zhong cho biết, giới chức nước này muốn sàng lọc kỹ lưỡng, không để lọt các trường hợp chưa khỏi hẳn dù sức khỏe của nhiều bệnh nhân tại khu cách ly đã trở lại bình thường.
Chủng mới của virus corona được WHO đặt tên chính thức là Covid-19, viết tắt của Corona, Virus và Disease (dịch bệnh). Virus xuất hiện từ cuối tháng 12/2019 tại một chợ hải sản ở Vũ Hán có buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Hiện, thành phố 11 triệu dân vẫn bị phong tỏa. Lệnh hạn chế đi lại khiến đường phố vắng vẻ. Bệnh dịch cũng làm tê liệt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc bày tỏ hy vọng, các nước sẽ sớm dỡ bỏ lệnh hạn chế du lịch.
Thục Linh (Theo Reuters)
Theo vnexpress.net
Hải Phòng: 18/21 ca cách ly âm tính với virus corona Đến thời điểm hiện tại, TP Hải Phòng chưa ghi nhận ca bệnh nào dương tính với virus corona, trong đó 18/21 ca cách ly theo dõi có kết quả xét nghiệm âm tính. Ngày 7/2, Sở Y tế TP Hải Phòng cho biết, đến thời điểm hiện tại, 18/21 ca bệnh cách ly theo dõi bệnh viêm phổi cấp do chủng mới...