Hai tháng ‘án binh bất động’ khiến Mỹ trả giá
Thống đốc New York cảm giác “50 bang đang đấu giá máy thở trên eBay”, khi vật tư trở nên khan hiếm vì phản ứng chậm chạp của chính phủ.
“Giờ đây, theo đúng nghĩa đen, một công ty sẽ gọi điện đến và nói rằng: ‘ Bang California trả giá cao hơn các bạn’”, Thống đốc New York Andrew Cuomo hôm 31/3 đề cập đến cuộc chiến giành thiết bị y tế với những địa phương khác.
Gần một tháng qua, Cuomo cùng nhiều quan chức đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các công ty tăng cường sản xuất máy thở và thiết bị bảo hộ theo Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, nhằm đối phó Covid-19. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng khước từ với lý do các công ty tư nhân vốn đang hành động đúng mức.
Hơn ba tháng sau khi Trung Quốc công bố dịch, Trump cuối cùng cũng chấp thuận đề nghị của các quan chức vào tuần trước, trong bối cảnh Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. Số ca nhiễm nCoV tại nước này đã vượt 360.000, với hơn 10.000 người chết. Địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là New York.
Hoàn cảnh này được cho là xuất phát từ việc chính quyền Trump thiếu chuẩn bị kho dự trữ vật tư và thiết bị y tế cần thiết.
Suốt hai tháng đầu năm, Trump dành thời gian để hạ thấp mối đe dọa từ chủng virus mới, gọi những cảnh báo về việc Covid-19 có thể chạm đến Mỹ là trò lừa bịp của đảng Dân chủ và giới truyền thông.
Các nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân bên ngoài một bệnh viện ở thành phố New York, Mỹ hôm 5/4. Ảnh: Reuters.
Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch bệnh là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu hôm 30/1, Trump vẫn trấn an người dân rằng nCoV “đã được kiểm soát rất tốt”, đồng thời dự đoán về tương lai tươi sáng. Chính phủ Mỹ tự tin đến mức Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 7/2 tuyên bố họ đã chuyển gần 18 tấn khẩu trang, áo choàng và các vật tư y tế khác tới Trung Quốc để viện trợ.
Đến hôm 24/2, Nhà Trắng gửi quốc hội yêu cầu tài trợ ban đầu trị giá 2,5 tỷ USD nhằm ứng phó đại dịch. Một ngày sau, các chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo nCoV đang lây lan nhanh chóng trong nước, dự đoán đời sống của người dân có thể bị gián đoạn “nghiêm trọng”, bao gồm việc đóng cửa trường học và doanh nghiệp.
Bất chấp điều đó, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) Alex Azar hôm 27/2 tuyên bố với quốc hội rằng “rủi ro trước mắt đối với cộng đồng ở Mỹ vẫn thấp”. Trong khoảng thời gian đầu của đại dịch, giai đoạn chính quyền có thể theo dõi quá trình lây lan và kiềm chế virus tốt hơn, cũng không có nhiều người được xét nghiệm. Trump thậm chí cáo buộc một số thống đốc Dân chủ phóng đại tình hình, mỉa mai những người chỉ trích phản ứng của chính quyền liên bang là kẻ phàn nàn.
“Về cơ bản, chúng tôi đã lãng phí hai tháng”, Kathleen Sebelius, bộ trưởng HHS dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, nhận xét.
Một phát ngôn viên của HHS từng cho biết Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia có khoảng 13 triệu khẩu trang N95, giúp ngăn chặn 95% các loại vi hạt và vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ nhân viên y tế. Tuy nhiên, con số đó quá nhỏ so với nhu cầu của các bệnh viện. Nhân viên y tế thường dùng một khẩu trang cho mỗi lần tiếp một bệnh nhân, nhưng giờ đây phần lớn họ chỉ được cấp một chiếc trong nhiều ngày.
Video đang HOT
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 26/3, Trump cho biết ông phải tiếp nhận “chiếc kệ trống không” từ chính quyền Obama và “thực sự đang lấp đầy nó thật nhanh chóng”. Tuy nhiên , hồ sơ mua hàng của liên bang cho thấy chính quyền Trump đã trì hoãn việc đặt hàng số lượng lớn vật tư đến tận giữa tháng 3. Khi đó, các bệnh viện ở New York, Seattle và New Orleans đã tràn ngập người nhiễm nCoV và rơi vào cảnh thiếu thốn thiết bị.
HHS lần đầu tiên công bố kế hoạch mua 500 triệu khẩu trang N95 hôm 4/3 và dự định phân phối chúng trong vòng 18 tháng tới. Ngay hôm sau, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu ứng phó Covid-19 trị giá 8,3 tỷ USD, gấp hơn ba lần khoản tiền Nhà Trắng đề nghị ban đầu.
Ngày 13/3, gần 6 tuần sau khi WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, Trump mới ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về Covid-19. Khi đó, hàng nghìn trường học ở Mỹ đã đóng cửa, Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia cũng tạm dừng mùa giải, hơn 2.200 người tại nước này đã nhiễm virus, trong đó gần 50 người chết.
Chính phủ đã gửi hàng chục nghìn khẩu trang, găng tay và áo choàng từ kho dự trữ quốc gia đến bang Washington, nơi đầu tiên bị dịch bệnh tấn công nặng nề. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho biết số vật tư này không đủ. Thêm vào đó, nguồn vật tư trong kho đã được tích trữ từ hơn 20 năm trước. Một số quan chức báo cáo họ nhận được máy thở hỏng và khẩu trang quá hạn sử dụng.
Theo hồ sơ hợp đồng liên bang, HHS hôm 12/3 đặt đơn hàng khẩu trang N95 trị giá 4,8 triệu USD từ 3M, nhà sản xuất lớn nhất của Mỹ. Ngày 21/3, HHS tiếp tục đặt đơn hàng lớn hơn trị giá 173 triệu USD. Tuy nhiên, thời hạn giao hàng là cuối tháng 4, sau thời điểm Nhà Trắng dự đoán đại dịch đạt đỉnh.
HHS không tiết lộ họ đang sở hữu bao nhiêu khẩu trang N95, nhưng Nhà Trắng hôm 31/3 cho biết hơn 11,6 triệu chiếc đã được phân phối cho các địa phương từ kho dự trữ quốc gia, chiếm khoảng 90% số lượng có sẵn trong kho.
Tiến sĩ Robert Kadlec, trợ lý bộ trưởng HHS, tháng trước cho biết Mỹ cần khoảng 3,5 tỷ khẩu trang N95 để vượt qua đại dịch, trong khi chuỗi cung ứng quốc gia mới chỉ có khoảng 1% con số đó. Greg Burel, cựu giám đốc Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia Mỹ, nói thêm rằng số vật tư trong kho chỉ có thể làm nguồn cung trong thời gian ngắn.
“Không bao giờ đủ tiền để tích trữ mọi thứ chúng ta cần. Những sản phẩm thương mại như khẩu trang thường lúc nào cũng có sẵn khi biến cố xảy ra”, Burel giải thích.
Tuy nhiên, đại dịch lần này không như vậy. Phần lớn khẩu trang N95 và những vật tư y tế cơ bản khác của thế giới đều sản xuất tại Trung Quốc, nơi Covid-19 khởi phát. Do đó, chính phủ nước này chỉ cho phép phân phối sản phẩm ở trong nước, gần đây mới nối lại xuất khẩu.
Ngoài khẩu trang, các chuyên gia lo ngại Mỹ sẽ sớm cạn kiệt máy thở, thiết bị có thể trị giá 12.000 USD mỗi chiếc. Hồi đầu tháng 3, Mỹ còn 16.660 máy thở trong kho, nhưng Nhà Trắng hôm 31/3 cho biết họ đã phân phối gần một nửa nguồn vật tư này. Trong khi đó, Thống đốc Cuomo cho hay New York cần tới 40.000 máy thở để đối phó đại dịch.
Royal Philips, tập đoàn Hà Lan sở hữu Respironics, công ty ký hợp đồng máy thở với HHS, cho biết họ dự định đến cuối tháng 5 có thể sản xuất 2.000 máy thở một tuần cho Mỹ, nhưng việc chuyển lô hàng đầu tiên dự kiến phải chờ đến tháng 8.
Tổng thống Trump hôm 27/3 tuyên bố chính phủ đảm bảo cung cấp thêm 100.000 máy thở trong vòng 100 ngày. Hôm 2/4, ông cho biết sẽ sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để yêu cầu Respironics và các công ty sản xuất máy thở khác đẩy mạnh sản xuất.
Tuy nhiên, Trump và các đồng minh kêu gọi chính quyền địa phương, cũng như các bệnh viện tự mua khẩu trang và máy thở, nói thêm rằng việc yêu cầu nguồn cung từ kho dự trữ quốc gia vốn đang cạn kiệt nên là phương án cuối cùng. Động thái này khiến giới chuyên gia thất vọng, bởi họ cho rằng chính quyền liên bang phải tiên phong trong việc đảm bảo vật tư y tế và chịu trách nhiệm phân phối chúng.
“Các bang không có sức mua lớn như chính phủ. Họ cũng không đủ khả năng chịu thâm hụt như liên bang, hay sở hữu năng lực hậu cần tương đương”, cựu bộ trưởng Sebelius giải thích.
Thống đốc Cuomo hôm 3/4 dự đoán New York, nơi đã ghi nhận hơn 122.000 ca nhiễm nCoV và hơn 4.000 người chết, sẽ cạn máy thở trong vòng vài ngày tới. Ông quyết định sử dụng thẩm quyền để thu thập máy thở, khẩu trang và đồ bảo hộ từ những bệnh viện tư nhân đang không sử dụng chúng.
Trong khi đó, giới chức y tế liên bang đang hạ thấp tiêu chuẩn về thiết bị. Hướng dẫn mới từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho phép các bệnh viện sử dụng loại máy thở khẩn cấp thường chỉ dùng trong xe cứu thương để thay thế máy thở đạt tiêu chuẩn. Máy thở áp lực dương liên tục (CPAP), dùng để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, cũng được đồng ý sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 nếu không còn cách nào khác.
Tháng trước, CDC khuyên nhân viên y tế sử dụng khẩu trang tự may hoặc quấn khăn nếu không còn đồ bảo hộ thích hợp. Trump cũng nói rằng những người Mỹ không mua được khẩu trang có thể dùng khăn quàng để che mặt.
“Các chuyên gia rất khuyến khích sử dụng khăn quàng. Theo một cách nào đó, tôi nghĩ khăn quàng tốt hơn. Nó thực sự tốt hơn”, Tổng thống Mỹ phát biểu hôm 2/4.
Ánh Ngọc
Mỹ trở thành vùng dịch thứ ba thế giới, ông Trump huy động Vệ binh Quốc gia
Mỹ hiện là quốc gia xếp thứ ba trong danh sách những nước có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Italia.
Theo Sputnik, tính đến tối ngày 22.3, Mỹ ghi nhận ít nhất 32.644 ca nhiễm Covid-19. Đây là số liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp từ thông tin mà 50 bang ở Mỹ công bố.
Con số này đưa Mỹ vượt Tây Ban Nha về số ca nhiễm và chỉ xếp sau Trung Quốc, Italia.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày tuyên bố ông phê chuẩn đề nghị tuyên bố tình trạng thảm họa ở bang New York và Washington. Đây là hai bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch bệnh và được coi là vùng tâm dịch ở Mỹ.
Ông Trump cũng nói rằng đang cân nhắc phê chuẩn tình trạng thảm họa ở bang California. Bên cạnh đó, chính quyền liên bang cũng kích hoạt lực lượng Vệ binh Quốc gia ở 3 bang New York, California và Washington, theo ông Trump.
Ông Trump đang cân nhắc tuyên bố tình trạng thảm họa ở bang California.
Toàn bộ chi phí duy trì hoạt động của lực lượng Vệ binh Quốc gia ở 3 bang này sẽ do chính quyền liên bang chi trả.
Ông Trump coi đây là cách để giúp 3 bang trên đối phó dịch bệnh và cũng thông báo sẽ trợ giúp các khu vực chịu ảnh hưởng khác ở Mỹ.
Ông Trump cũng khẳng định Mỹ đang huy động toàn bộ nguồn lực để chiến đấu, ngăn virus lây lan. Ông Trump cũng khuyến cáo người dân Mỹ tuân thủ hướng dẫn liên bang về việc cách ly xã hội.
Trước tình hình hiện tai, ông Trump cũng cân nhắc tha bổng cho các tù nhân tuổi cao ở Mỹ, nhưng những người này phải không dính líu đến bạo lực.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói ít nhất 254.000 công dân Mỹ đã được xét nghiệm virus Corona theo chương trình liên bang. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca tử vong vì Covid-19 của Mỹ đã tăng lên tới 409.
New York là bang có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất tại Mỹ với con số 15.168, theo thống đốc Governor Andrew Cuomo. Số ca tử vong ở bang New York là 114, vượt qua bang Washington (94 người).
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
23 bang tại Mỹ kiện Tổng thống Trump Tổng thống Mỹ bị kiện vì chủ trương cấm bang California tự thiết lập các tiêu chuẩn riêng, khắt khe hơn đối với khí thải từ ống xả. Chính quyền Tổng thống Mỹ và nhiều bang tranh cãi vì luật bảo vệ môi trường Một nhóm 23 bang tại Mỹ kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump vì chủ trương cấm bang California tự...