Hai thách thức với quân đội Mỹ ở châu Á
Lầu Năm Góc phải vật lộn đối phó Covid-19, trong khi vẫn phải duy trì hiện diện quân sự đáng kể để ngăn Trung Quốc trỗi dậy ở châu Á.
Tình hình dường như không khả quan với hải quân Mỹ vào giai đoạn đầu tháng 5, khi Tham mưu trưởng Mike Gilday phải tự cách ly vì tiếp xúc với thành viên gia đình nhiễm nCoV, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và khu trục hạm USS Kidd đều phải đình chỉ nhiệm vụ và nằm cảng do bùng phát ổ dịch Covid-19.
USS Ronald Reagan, tàu sân bay triển khai tiền phương duy nhất của Mỹ, cũng phải đối phó hàng loạt ca nhiễm nCoV khi đóng quân tại Nhật Bản.
Giới chuyên gia nhận định hải quân Mỹ nói riêng và quân đội Mỹ nói chung đang đối mặt không ít thách thức khi phải ứng phó Covid-19, trong khi vẫn phải duy trì hiện diện quân sự đáng kể ở châu Á – Thái Bình Dương để trấn an đồng minh cũng như ngăn Trung Quốc lợi dụng đại dịch để “lấp chỗ trống”.
USS Theodore Roosevelt tại Guam sau khi Covid-19 bùng phát. Ảnh: US Navy.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hồi đầu tháng tuyên bố Covid-19 “hầu như không tác động đáng kể đến khả năng sẵn sàng chiến đấu” của quân đội Mỹ, nhưng cũng cảnh báo “tác động lớn hơn” về lâu dài nếu dịch bệnh không được kiểm soát. Hơn 5.700 lính Mỹ đã được xác nhận dương tính với nCov tính đến ngày 19/5.
Hiện chưa rõ bao nhiêu lính Mỹ mắc Covid-19 ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, do Lầu Năm Góc yêu cầu các căn cứ và bộ chỉ huy tác chiến không tiết lộ số liệu để bảo đảm an ninh. Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản (USFJ) hôm 12/5 ra thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế công cộng với mọi binh sĩ ở nước này đến ngày 14/6.
Theo giới chuyên gia, dù quân đội Mỹ có thể hồi phục rất nhanh sau đại dịch, các đồng minh trong khu vực vẫn hoài nghi về cam kết của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump và lo ngại Trung Quốc có thể tìm cách lấp khoảng trống lộ ra trong Covid-19.
“Có sự lo ngại nhất định ở Nhật Bản về khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ do đại dịch”, Collin Koh, học giả tại Trường nghiên cứu Quốc tế S. Rajarnatnam của Singapore, nêu quan điểm. Ông cho rằng Nhật Bản có thể phải tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ trong dài hạn vì những diễn biến hiện nay.
Theo Koh, với vị thế cường quốc khu vực và có ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Nhật Bản sẽ phải sớm hành động để gánh vác vai trò khi quân đội Mỹ gặp vấn đề với khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Trong khi Washington và Bắc Kinh khẩu chiến về nguồn gốc nCoV cũng như cách ứng phó đại dịch, truyền thông Trung Quốc đã tích cực tuyên truyền giả thuyết quân đội Mỹ đang tìm cách che giấu vị thế đang suy yếu vì dịch bệnh của mình.
“Chủ đề trên truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây đều nhằm gửi thông điệp rằng quân đội Mỹ đang gặp rắc rối với đại dịch, họ bị các chính trị gia ở Washington bỏ rơi do chính quyền Tổng thống Donald Trump đang bận xử lý vấn đề nội bộ và các nước trong khu vực không nên quá kỳ vọng vào sự giúp đỡ của Mỹ”, Koh nói.
USS Theodore Roosevelt rời Guam làm nhiệm vụ ngày 20/5. Ảnh: US Navy.
Trong khi đó, giới quan sát cũng tỏ ra hoài nghi với tuyên bố của quân đội Trung Quốc rằng họ không ghi nhận ca nhiễm nCoV nào trong hai triệu quân thường trực.
“Khó tin được rằng khả năng sẵn sàng chiến đấu của họ không bị ảnh hưởng bởi nCoV. Quân đội Trung Quốc có thể đang cố che giấu những thách thức với năng lực tác chiến thông qua thể hiện hình ảnh mạnh mẽ bên ngoài”, Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng tại Viện nghiên cứu RAND của Mỹ, đánh giá.
Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền trên truyền thông, Trung Quốc cũng tiếp tục gia tăng hoạt động gây hấn ở biển Hoa Đông, Biển Đông và khu vực gần đảo Đài Loan.
Tàu hải cảnh Trung Quốc hồi đầu tháng 5 truy đuổi tàu đánh cá Nhật Bản ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và lần đầu hiện diện liên tục ở đây trong ba ngày liên tiếp kể từ năm 2016. Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh tháng trước cũng đi qua eo biển Miyako ở phía nam Nhật Bản.
Trong tháng qua, hải quân Trung Quốc còn tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật để tăng cường “khả năng chiến đấu”, trong khi tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 được triển khai tới vùng nam Biển Đông, gần vị trí hoạt động của tàu khoan West Capella do công ty dầu khí Petronas của Malaysia thuê.
Phó trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Nam Á Reed Werner hôm 19/5 cho biết các chiến đấu cơ Trung Quốc đã quấy rối trinh sát cơ Mỹ ít nhất 9 lần trên Biển Đông từ cuối tháng 3, thời điểm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải về neo đậu ở Guam.
Werner còn cáo buộc Trung Quốc có hành vi “quấy nhiễu” tàu khu trục USS Mustin khi nó hoạt động gần nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc đi qua Biển Đông hồi tháng 4. Ông cho biết trong lần chạm mặt này, một tàu hộ tống Trung Quốc di chuyển “theo cách không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”, nhưng không tiết lộ chi tiết.
Dù các đồng minh lo ngại về khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ, có nhiều dấu hiệu cho thấy nước này vẫn đủ khả năng duy trì hiện diện quân sự ổn định trong khu vực.
Oanh tạc cơ B-1B diễn tập cùng tiêm kích F-16 Mỹ và F-2 Nhật hôm 22/4. Ảnh: USAF.
Hải quân Mỹ liên tục tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép, đồng thời triển khai tàu đổ bộ tấn công USS America mang tiêm kích tàng hình F-35B tới diễn tập cùng chiến hạm Australia tại Biển Đông.
Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Mỹ hồi đầu tháng có động thái bất ngờ khi thông báo toàn bộ đội tàu ngầm tiền phương đang đồng loạt thực hiện “hoạt động ứng phó khẩn cấp” tại các vùng biển ở Tây Thái Bình Dương, trong khi các oanh tạc cơ chiến lược B-1B Lancer cũng được triển khai tới đảo Guam và liên tục diễn tập ở những vùng biển gần Trung Quốc.
“Những động thái công khai này rõ ràng nhằm đáp trả chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc, thể hiện sức mạnh quân đội Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương không bị suy giảm”, Olli Suorsa, học giả tại Trường nghiên cứu Quốc tế S. Rajarnatnam của Singapore, đánh giá.
“Dù các đồng minh và đối tác có thể rất lo lắng về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy Mỹ cắt giảm cam kết. Trái lại, quân đội Mỹ dường như ngày càng quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhiều hơn”, chuyên gia Grossman nhấn mạnh.
Bill Gates: Hạn chế tiếp xúc là 'ưu tiên hàng đầu' để chống dịch
Tỷ phú nổi tiếng cho rằng Mỹ cần làm theo các nước châu Á, đặt hạn chế tiếp xúc xã hội làm ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực giảm tốc độ lây lan của dịch virus corona.
Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình CNN, tỷ phú Bill Gates cho rằng các quốc gia từng chịu ảnh hưởng của dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) vào năm 2003, điển hình là các nước châu Á, "là những nơi ứng phó tốt nhất trước dịch bệnh này vì họ hành động ngay từ khi số ca nhiễm còn rất ít".
"Chúng ta còn chưa đến đỉnh dịch", nhà sáng lập MIcrosoft cảnh báo.
Ông kêu gọi chính phủ tiến hành nhiều biện pháp phong tỏa hơn nữa để giảm tốc độ gia tăng ca nhiễm và bệnh nhân tử vong vì virus corona. Ông nhấn mạnh hạn chế tiếp xúc xã hội có ý nghĩ then chốt trong cuộc chiến với chủng virus này.
Tỷ phú Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft, trả lời phỏng vấn trên CNN ngày 26/3 về dịch virus corona. Ảnh: CNN.
"Thật đau lòng khi chúng ta cần thúc đẩy cách ly xã hội ở cấp độ cao, mà tôi gọi là ngắt nguồn. Không có chỗ cho thỏa hiệp. Bạn khó nói trước rằng chỉ một tuần nữa thôi là có thể trở lại nhà hát vì bạn vẫn có nguy cơ nhiễm hoặc lây nhiễm cho người khác", ông chia sẻ.
"Khi chúng ta còn chưa đạt được mức độ chắc chắn với số ca nhiễm thấp, tôi nghĩ dù là mua nhà, mua xe hay ra nhà hàng thì cũng không ai muốn làm. Họ muốn bảo vệ những người cao tuổi", Bill Gates nhận định.
Nhà sáng lập Microsoft nói từ năm 2015 ông đã cảnh báo đại dịch là nguy cơ lớn nhất với thế giới chứ không phải chiến tranh hạt nhân.
Kể từ đó, ông liên tục kêu gọi tăng đầu tư chuẩn bị ứng phó đại dịch, nâng cao huấn luyện, sản xuất vaccine và phương pháp chẩn đoán. Tuy nhiên, những lời kêu gọi đã không được lắng nghe.
"Đây thật sự là một viễn cảnh ác mộng", Bill Gates chia sẻ về dịch virus corona.
Số ca nhiễm virus corona tại Mỹ nhảy vọt trong vài ngày qua, vượt mốc 82.000 người và biến Mỹ thành nước có nhiều người nhiễm virus nhất thế giới. Ảnh: Reuters.
Ông đánh giá chính phủ Mỹ đang ứng phó đại dịch một cách chậm chạp và hỗn loạn. Nước Mỹ đáng lẽ sẽ khá hơn nếu "biết hành xử giống một chút với những nước đang ứng phó tốt nhất với đại dịch này".
"Về căn bản, cả nước Mỹ cần thực hiện những gì một số vùng ở Trung Quốc đã làm khi họ phát hiện bệnh truyền nhiễm này", ông chia sẻ.
Ca nhiễm đầu tiên ở Mỹ được ghi nhận vào ngày 21/1 là một người đàn ông ở bang Washington gần đây đã đi du lịch đến Vũ Hán, Trung Quốc.
Trong vòng 6 tuần, số ca nhiễm virus corona được xác nhận ở Mỹ đã lên tới 82.404 hôm 26/3, lớn hơn bất cứ quốc gia nào trên toàn cầu, vượt cả Italy và Trung Quốc, theo Đại học Johns Hopkins.
Cảnh sát Ấn Độ dùng gậy đánh người không chấp hành lệnh giới nghiêm
Ấn Độ ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc, cấm người dân ra đường để ngăn Covid-19. Nhiều người đã vô tư ra đường và không đeo khẩu trang đã bị cảnh sát dùng gậy đánh nhắc nhở.
Hàn Quốc ghi nhận ca nhiễm mới thấp nhất kể từ đỉnh dịch 29/2 Hàn Quốc ghi nhận 64 ca nhiễm mới vào ngày 23/3, ngày thứ 12 liên tiếp số ca nhiễm mới chỉ khoảng 100 ca hoặc ít hơn. Đây là số ca mới thấp nhất kể từ đỉnh dịch vào ngày 29/2 tại đây. Việc số ca nhiễm mới liên tục giảm nhiều ngày qua dấy lên hy vọng rằng ổ dịch lớn nhất...