Hai tên cướp lao vào xe máy trên đường tẩu thoát
Sau khi giật túi hàng của nhân viên giao nhận, hai tên cướp phóng xe bạt mạng trên đường Phạm Văn Đồng (TP HCM), lao vào xe máy người đi đường. Cú tông khiến 4 người bị thương nặng.
Hiện trường hai tên cướp lao vào xe máy ngã xuống đường trọng thương. Ảnh: Hải Thuận.
Tối 16/8, hai thanh niên chạy xe máy trên đường Phạm Văn Đồng, hướng từ quận Bình Thạnh về Thủ Đức (TP HCM). Đến khu vực vòng xoay trước chùa U Đàm (quận Thủ Đức), tên ngồi sau giật túi đồ trên xe máy của nhân viên đang đi giao hàng.
Nạn nhân hô hoán, đuổi theo. Hai tên cướp phóng xe bạt mạng khoảng 500 m thì tông vào xe máy của hai người đàn ông. Tai nạn khiến bọn cướp cùng hai nạn nhân bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.
Túi đồ hai tên cướp giật rơi lại hiện trường. Ảnh: Hải Thuận.
Sau khi giúp những người bị thương đi bệnh viện, nhân viên giao nhận xin lại túi đồ để giao cho khách hàng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng yêu cầu giữ lại để điều tra, làm rõ.
Công an quận Thủ Đức đang giám sát hai nghi can cướp giật tại bệnh viện.
Hải Thuận
Video đang HOT
Theo VNE
Báo động các công ty môi giới việc làm "ảo" lừa người lao động
Công an quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, vừa bắt khẩn cấp 2 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức mở văn phòng môi giới việc làm ảo. Nạn nhân là những lao động khó khăn ở Hà Nội và ngoại tỉnh có nhu cầu tìm việc làm.
Hàng loạt người lao động "kêu cứu"
Mới đây, báo An ninh Thủ đô nhận được thư "cầu cứu" của anh Nguyễn Quốc Việt, trú tại xóm Ngô, xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, về việc bị "rơi bẫy" của một công ty đăng tin tuyển dụng lừa đảo trên mạng.
Theo phản ánh của anh Việt, qua tìm hiểu trên mạng được biết Công ty có tên Thanh Hoàng Long, địa chỉ tại đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, có tuyển nhân viên lái xe. Thông qua số điện thoại 09839196xx của người tên Tiến, anh Việt đến công ty này nộp hồ sơ và 350 nghìn đồng. Đến ngày hôm sau phía công ty gọi điện báo trúng tuyển và yêu cầu anh xuống nhận xe và nộp tiếp 3 triệu đồng tiền đặt cọc, hẹn 3 tháng sau sẽ trả lại.
Do cẩn thận nên anh Việt yêu cầu họ viết phiếu thu tiền. Trong khi chờ lấy phiếu thu, một nhân viên nam đưa anh Việt xuống địa chỉ ở đường Phú Diễn, Từ Liêm, để nhận xe.
Bước vào 1 gara lụp xụp và có duy nhất 1 xe ô tô 16 chỗ. Tại đây, một người phụ nữ 50 tuổi, sau khi tiếp chuyện thì yêu cầu anh Việt về làm 1 bộ hồ sơ nữa để gửi cho chi nhánh của công ty này tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, theo đúng nhu cầu được làm việc gần nhà của anh Việt, và hẹn anh Việt 4 ngày nữa xuống nhận xe.
Thông báo tuyển việc làm được dán nhan nhản trên cột điện, tường rào... khắp các ngõ ngách Hà Nội và nhiều tỉnh.
Anh Việt ra về và quay lại công ty nơi vừa đóng 3 triệu đồng để lấy phiếu thu tiền, nhưng nhân viên ở đây lại từ chối và nói không cần cầm lại phiếu thu, chỉ cần đem chứng minh thư đến là nhận xe làm việc.
Anh Việt ra về trong sự hoài nghi. Về nhà, anh Việt lên mạng tìm hiểu thêm về công ty mình xin việc thì phát hiện 1 loạt các loại tuyển dụng cùng 1 số điện thoại nhưng rất nhiều người đứng tên nhận hồ sơ. Mức lương họ đưa ra quá hậu hĩnh so với công việc.
Trao đổi qua điện thoai Việt nói: "Em chắc chắn bị lừa chị ạ, xin việc gì mà chỉ có cái chứng minh thư là xong! Em cũng chả trông mong gì 4 ngày sau quay lại lấy xe. Em quyết tâm đòi bằng được 3 triệu đồng đặt cọc, nhưng gọi điện họ toàn tắt máy, tìm đến nơi họ lại hẹn sang hôm khác, rồi đẩy em đi gặp những người không trực tiếp thu của tiền em nên họ chối. Mấy hôm nay em từ quê xuống công ty này mấy lần rồi mà không đòi được tiền".
Anh Việt cho biết thêm, trong 1 lần đến đây đòi tiền anh Việt có gặp 1 người đàn ông từ Hải Phòng lên nộp hồ sơ. Qua câu chuyện, người đàn ông này cũng được công ty hứa hẹn cho làm việc ở Hải Phòng với mức lương cao, công ty dùng những lời lẽ giống y như khi nói chuyện với anh Việt. Qua đó, anh Việt khẳng định đây thực chất là trò lừa đảo người lao động.
Không riêng gì anh Việt, chị Nguyễn Thị Ánh, SN 1980, quê ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, cũng gọi điện đến báo An ninh Thủ đô phản ánh về sự việc tương tự.
Chị Ánh cho biết, qua báo mua & bán thấy văn phòng tuyển việc làm tại đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, có tuyển dụng kế toán kho. Chị Ánh đến nộp hồ sơ và 350 nghìn đồng tiền phí hồ sơ. 4 ngày sau họ thông báo chị trúng tuyển và yêu cầu đến nộp 1,5 triệu đồng tiền đặt cọc.
Sau khi đóng tiền đặt cọc, chị Ánh được một người dẫn đến 1 văn phòng nằm sau trong ngõ trên đường Hồ Tùng Mậu. Tại đây, họ yêu cầu chị đóng tiếp 300 nghìn đồng và hẹn 1 tuần sau nếu có việc họ sẽ gọi. 1 tuần sau không thấy công ty gọi điện, chị Ánh đã chủ động đến hỏi thì những người này viện mọi lý do yêu cầu chị Ánh chờ đợi và về học luật phòng cháy chữa cháy...
Nhận thấy có dấu hiệu bị lừa, chị Ánh nhờ bạn bè cùng đến địa chỉ ở đường Phạm Văn Đồng để đòi lại 1,5 triệu đồng tiền đặt cọc. Thấy tình hình căng thẳng, những người này trả lại chị 1 triệu đồng, và hẹn trả lại 500 nghìn còn lại sau. Tuy nhiên 2 tuần sau quay lại thì số nhà cũ đã "biến" thành số mới. Qua hỏi thăm, chị Ánh được biết đây chính là số nhà thật, còn số trước đó là giả mạo, do một nhóm người thuê nhà trước đó dán chèn lên.
Bắt khẩn cấp 2 đối tượng lừa đảo người lao động
Ngày 23-7 vừa qua, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Thanh Xuân và Công an phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, đã phát hiện văn phòng môi giới việc làm tại số 5 ngõ 214 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, đang có hành vi thu tiền nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hơn 1 triệu đồng của người lao động.
Cơ quan công an đã điều tra, xác định đối tượng Lê Trung Kiên, SN 1991, trú tại Đông Đô, Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, và Trương Thị Thu Hiền, SN 1994, quê ở Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội, cùng nhau thuê nhà làm văn phòng môi giới việc làm "ảo". Văn phòng này không có biển hiệu, không có giấy phép hoạt động, các đối tượng ngụy trang giống như nhà ở để tạo niềm tin cho người lao động. Kiên từng có 2 tiền án về tội gây rối trật tự công cộng và trộm cắp tài sản.
Đối tượng Lê Trung Kiên
Hình thức hoạt động của các đối tượng là đi phát tờ rơi, dán tờ rơi tuyển việc làm với rất nhiều ngành nghề khác nhau như bán bánh kẹo, bán xăng... với mức lương 5, 6 triệu đồng/ tháng, được nuôi ăn, ở. Trên những tờ rơi này các đối tượng sử dụng nhiều tên khác nhau như Quyết, Bình, Lan, Khang, Trang... và nhiều số số điện thoại khác nhau, rồi dán ở khắp các địa bàn Hà Nội và nhiều tình lân cận như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Nghệ An... để tuyển lao động.
Kiên và Hiền dùng 2 tên giả là "Hoạt" và "Hà" để hoạt động. Khi người lao động gọi và số điện thoại trên tờ rơi đều gặp trực tiếp Hoạt và Hà. Người lao động ở tỉnh xa đến các đối tượng này sẽ bố trí người ra bến xe đón người lao động đến địa chỉ số 5, ngõ 214 đường Nguyễn Xiển.
Các đối tượng thu của người lao động từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, tùy theo công việc, tuy nhiên, có những người lao động chỉ 50 nghìn đồng các đối tượng này cũng thu. Sau khi thu tiền các đối tượng viết phiếu thu nhưng không đưa lại cho người lao động và hẹn 4 ngày sau quay lại.
4 ngày sau khi quay trở lại, các đối tượng này dẫn người lao động tới 1 văn phòng khác để nhận việc. Tại những văn phòng đó, người lao động tiếp tục phải đóng tiền phí hồ sơ để nhận việc và hẹn vài ngày sau sẽ có việc làm. Chờ đợi mãi vẫn không nhận được việc làm nên nhiều người lao động nghi ngờ bị lừa. Khi quay lại tìm Hoạt và Hà đòi tiền thì những đối tượng này "phủi tay" nói đã "hết trách nhiệm".
Đối tượng Trương Thị Thu Hiền (bên phải) và đối tượng chuyên làm nhiệm vụ "xe ôm" ra bến xe đón người lao động (bên trái)
Trung tá Nguyễn Sỹ Thân, Đội trưởng đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Thanh Xuân cho biết: "Đã có khoảng 30 trường hợp trở thành nạn nhận của Kiên và đồng bọn. Trong đó, nhiều người là lao động ở nông thôn có kinh tế khó khăn. Kiên và đồng bọn lừa người lao động nhưng không thu số tiền lớn. Vì vậy, nhiều nạn nhân ở xa vì dụ như Thái Bình, Hòa Bình... khi bị lừa đã không đến cơ quan công an trình báo. Có nạn nhân ở các tỉnh xa lại có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi phải lấy tiền cá nhân để hỗ trợ họ chi phi đi lại".
Tại cơ quan điều tra, Lê Trung Kiên, tức "Hoạt" khai nhận: Trước đây, Kiên cũng là "nạn nhân" của các trung tâm môi giới việc làm "ma". Sau nhiều lần tìm việc làm và bị lừa, Kiên đã tìm hiểu các thức hoạt động và thấy lừa người lao động quá dễ nên đối tượng đã rủ bạn bè lập văn phòng môi giới việc làm ảo để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người lao động.
Mất tiền oan và không tìm được việc làm là nỗi bức xúc không chỉ riêng chị Ánh, anh Việt, rất nhiều người lao động đã bị các công ty tuyển dụng lao động "ma" lừa đảo bằng những chiêu thức tương tự. Mặc dù báo chí đã đưa tin cảnh báo rất nhiều nhưng tình trạng người lao động bị lừa vẫn không hề giảm. Các công ty tuyển dụng lao động ảo vẫn mọc lên như nấm. Đã đến lúc các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương cần phải xiết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra, điều tra nhằm sớm phát hiện các hình thức lừa đảo này.
Theo_An ninh thủ đô
"Nữ quái" mang kim tiêm ra đường xin đểu Hình ảnh một phụ nữ lao ra chặn đầu xe máy để ăn vạ trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lan truyền trên mạng xã hội khi người có tên T.H chia sẻ trên trang cá nhân. Theo T.H, sau khi lấy được chìa khóa xe máy, người phụ nữ bắt đầu chửi bới và yêu cầu chủ...