Hải quân Trung Quốc tuần tra vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ
Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ, động thái có thể làm thay đổi cuộc đối đầu giữa cường quốc hải quân thống trị Thái Bình Dương và đối thủ chính của mình.
Hải quân Trung Quốc ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động trên các đại dương.
Đô đốc Samuel Locklear, tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương ngày 2/6 xác nhận hé lộ của một đại biểu quân sự Trung Quốc tại diễn đàn an ninh cấp cao Đối thoại Shangri-La ở Singapore, rằng hải quân Trung Quốc đã bắt đầu “đáp trả” thói quen của Mỹ, đó là phái tàu và máy bay vào bên trong khu vực cách bờ biển Trung Quốc 200 hải lý.
Theo luật quốc tế, mỗi nước đều có đặc quyền đối với các tài nguyên kinh tế bên trong vùng biển cách bờ biển nước mình 200 hải lý, được gọi là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), khác với vùng lãnh hải 12 hải lý của các nước ven biển.
Mỹ và hầu hết các nước khác đều hiểu luật quốc tế này cho phép quyền tự do đi lại của các tàu quân đội qua vùng EEZ, nhưng Trung Quốc không đồng ý và từ lâu đã phản đối Mỹ thường xuyên thực hiện các sứ mệnh do thám dọc bờ biển nước này.
“Chúng tôi khuyến khích khả năng làm vậy của họ”, đô đốc Locklear cho biết về thông tin quân đội Trung Quốc ghé qua vùng EEZ của Mỹ. Ông cho biết thêm, do các vùng đặc quyền kinh tế của tất cả các quốc gia ven biển chiếm khoảng 1/3 đại dương của thế giới, nên nỗ lực ngăn chặn hay cản trở việc qua lại các EEZ sẽ làm tê liệt các hoạt động quân sự.
Đô đốc Locklear từ chối xác nhận các tàu quân sự Trung Quốc hiện đã tiến xa chính xác được bao xa. Nhưng theo các đại biểu tham dự Shangri-La, dựa vào những hoạt động bất thường của hải quân Trung Quốc, nhiều khả năng họ đã mở rộng phạm vi tuần ra và tập trận gần Guam, thay vì Hawaii hay lục địa Mỹ.
Video đang HOT
Bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington về “quy định đường đi” bên trong EEZ trước đây đã gây ra 2 vụ việc khiến mối quan hệ song phương bị tổn hại nghiêm trọng.
Năm 2001, một chiến đấu cơ Trung Quốc đã va chạm với một máy bay do thám tình báo của Mỹ ngoài khơi đảo Hải Nam và buộc chiếc máy bay phải hạ cánh. Vụ việc đã khiến 1 phi công Trung Quốc thiệt mạng trong khi máy bay Mỹ và phi hành đoàn bị giam ở Trung Quốc trong nhiều ngày. Năm 2009, Washington đã tố cáo các tàu Trung Quốc quấy rối tàu giám sát Impeccable của Mỹ ở Biển Đông.
Thấy gì từ động thái mới của Trung Quốc?
Các chuyên gia quân sự cho rằng động thái mới của quân đội Trung Quốc có thể là chỉ dấu cho thấy thái độ thoải mái hơn của Bắc Kinh đối với hoạt động quân sự của Washington ở ngưỡng cửa của mình. Nhưng chắc chắn nó cũng gia tăng thêm rạn nứt với các nước khác trên Thái Bình Dương.
Trong vài năm qua, hải quân Trung Quốc đã mở rộng mạnh phạm vi hoạt động của mình, với các cuộc tập trận thường xuyên hơn ở tây Thái Bình Dương và Biển Đông. Quy mô của các cuộc tập trận như vậy cũng được mở rộng, như thêm nhiều hạm đội, nhiều tàu và máy bay khác nhau.
Các nguồn tin Trung Quốc cho biết những cuộc ghé qua EEZ của Mỹ cho đến nay chỉ là thử nghiệm. “Chúng tôi coi đây là luyện tập và chúng tôi đã thử nghiệm, nhưng rõ ràng chúng tôi không có khả năng luôn làm như vậy như Mỹ”, một nguồn tin quân sự Trung Quốc giấu tên cho biết.
Động thái của Trung Quốc được diễn ra vào thời điểm Mỹ đang điều chỉnh “tái cân bằng” quân đội của mình tới châu Á-Thái Bình Dương và các nước khác trong khu vực đang nỗ lực làm quen với sự hiện diện của cả hai đối thủ cường quốc hải quân Mỹ-Trung.
Theo Dantri
Trung Quốc tuyên bố tiếp tục phái chiến hạm tuần tra Biển Đông
Tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La, một vị tướng cấp cao của Trung Quốc hôm nay 2/6 tuyên bố chiến hạm của nước này sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông và các vùng biển khác mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Trung tướng Qi Jianguo, phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ngày 2/6.
Trung tướng Qi Jianguo, phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), lớn tiếng tuyên bố rằng các cuộc tuần tra của nước này là hợp pháp và chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Hoa đông là không thể tranh cãi.
"Tại sao tàu chiến Trung Quốc tuần tra Hoa Đông và Biển Đông? Tôi cho rằng chúng ta đều rõ về điều này", ông Qi cho biết tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore
"Quan điểm của chúng tôi về Biển Đông và Hoa Đông là chúng nằm trong chủ quyền của Trung Quốc. Chúng ta đều rất rõ về điều đó", ông cho biết qua một phiên dịch.
"Vì vậy tàu chiến Trung Quốc và các hoạt động tuần tra đều hợp pháp và không thể tranh cãi".
Ông Qi đưa ra bình luận trên khi nhận được một câu hỏi từ một đại biểu sau khi ông có bài phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La. Trong bài phát biểu, ông đã tìm cách trấn an các nước láng giềng rằng Trung Quốc không có tham vọng bá chủ.
"Trung Quốc không bao giờ coi mở rộng ngoại bang và chinh phạt quân sự là chính sách quốc gia", ông cho biết trong bài phát biểu.
"Mặc dù những vấn đề nóng gần đây ở khu vực lân cận của Trung Quốc không ngừng phức tạp, chúng tôi luôn luôn khẳng định xung đột và bất đồng phải được giải quyết đúng mực qua đối thoại, tham vấn và thương lượng hòa bình."
Tuy nhiên, một đại biểu cho rằng có vẻ như khu vực ngày càng gia tăng nghi ngờ về những ý định hòa bình của Trung Quốc, bởi nó mâu thuẫn với những động thái Bắc Kinh phái tàu hải quân tuần tra vùng biển mà các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Hiện Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Brunei, Malaysia,Philippines, Việt Nam ở Biển Đông.
4 nước Đông Nam Á này có chủ quyền một phần ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển, ăn cả vào vùng biển,đảo sát bờ biển với các nước khác, trong khi cách xa bờ biển Trung Quốc hàng ngàn km.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tranh chấp với Nhật trên hồ sơ Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông.
Tháng trước Manila đã phản đối cái gọi là "sự hiện diện khiêu khích và phi pháp" của một tàu chiến Trung Quốc gần bãi Cỏ Mây, thuộc Trường Sa, Việt Nam, nhưng bị quân đội Philippines chiếm đóng.
Ngoài ra, cũng có những động thái khác của Trung Quốc gây lo ngại trong khu vực, như chiếm bãi cạn Scarborough, nằm gần bờ biển Philippines vào năm ngoái và việc triển khai các tàu hải quân vào sâu khu vực cách bờ biển Malaysia có 80km vào tháng 3 vừa qua.
Tranh chấp biển đảo suốt nhiều thập niên qua đã biến khu vực thành một trong những điểm nóng có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự nhất châu Á. Và đây là một trong những chủ đề chính được thảo luận trong hội nghị kết thúc vào ngày hôm nay tại Singapore.
Theo Dantri
Đối thoại Shangri-La: Cảnh báo nguy cơ chạy đua vũ trang ở châu Á Tại hội nghị an ninh Đối Thoại Shangri-La, các Bộ trưởng Quốc phòng ngày 1/6 đã cảnh báo về nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang làm mất ổn định khu vực châu Á. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La, Singapore. Nhờ có mức tăng trưởng cao và do lo...