Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu 4 tàu sân bay trong tương lai gần
Ông James Fanell, cựu Giám đốc phụ trách thông tin và tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, nhận định quân đội Trung Quốc sẽ sở hữu 415 tàu chiến, trong đó có 4 tàu sân bay và 100 tàu ngầm, trong tương lai gần.
Tàu sân bay của Trung Quốc tham gia tập trận (Ảnh: CNS)
Phát biểu tại một hội nghị ở Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc cuối tuần trước, ông Fanell cho rằng với một lượng lớn các loại tàu chiến cùng các tên lửa đất đối đất tầm xa, Hải quân Trung Quốc đang thay đổi chiến lược trên chính trường châu Á.
“Hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng trong 15 năm tới. Các hoạt động quân sự ở gần bờ của họ sẽ tiếp tục được phát triển, trong khi các chiến dịch ở những khu vực xa hơn sẽ được tăng lên”, ông Fanell nhận định.
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chuyên gia nêu trên cho rằng Hải quân Trung Quốc đủ sức gia tăng các hoạt động và trang bị thêm các tên lửa đạn đạo cho tàu ngầm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ có những tàu sân bay có khả năng tổ chức các chiến dịch tấn công.
Theo nhận định của ông, Hải quân Trung Quốc sẽ có 415 tàu chiến, bao gồm 99 tàu ngầm, 4 tàu sân bay, 26 tàu hộ tống, 73 tàu đổ bộ, 3 tàu tấn công tên lửa và 102 tàu khu trục.
Dù cho rằng tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường mẫu Type 052D của Hải quân Trung Quốc không hiệu quả bằng tàu khu trục Arleigh lớp Burke của Hải quân Mỹ nhưng ông Fanell cho rằng đây là một sự bổ sung cần thiết của quân đội Trung Quốc, cùng với tên lửa chống tàu YJ-18 và hệ thống radar.
Cũng tại hội nghị do viện nghiên cứu của Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ tổ chức, ông Andrew Erickson, một chuyên gia khác, cũng đưa ra nhận định về sức mạnh trong tương lai của Hải quân Trung Quốc.
“Tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc sẽ được phát triển tập trung cho mục đích xảy ra chiến tranh trên biển. Nhiều loại tên lửa chống tàu đang được trang bị trên các tàu chiến hay tàu ngầm của Trung Quốc có tầm bắn xa hơn những loại tên lửa được Hải quân Mỹ trang bị cho các loại tàu tương tự”, ông Erickson đánh giá.
Hội nghị nêu trên được tổ chức để thảo luận về những thách thức và quá trình phát triển các loại tàu chiến của Hải quân Trung Quốc trong thời gian tới.
Video đang HOT
Ngoài ra, hội nghị cũng đưa ra những nhận định về các thành tựu mà Hải quân Trung Quốc đã đạt được và đường hướng phát triển của lực lượng này trong thời gian tới.
Hầu hết các chuyên gia và học giả tham dự hội nghị đều nhất trí rằng Hải quân Trung Quốc đã để dành nhiều nguồn lực để phát triển các loại tàu chiến mới, bao gồm tàu khu trục, tàu hộ tống và tàu ngầm với các loại tên lửa đa dạng có khả năng công phá tàu đối phương.
Ngọc Anh
Theo Dantri/WantChinaTimes
Mỹ sẽ hành động mạnh mẽ hơn tại Biển Đông như thế nào?
Tiến sỹ Đỗ Minh Cao cho rằng, việc Mỹ đưa tàu chiến và máy bay trinh sát đến Biển Đông đã là một sự cứng rắn và có thể nước này sẽ có hành động cứng rắn hơn.
LTS: Việc cơi nới đảo phi pháp của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và máy bay trinh sát của Mỹ nhiều lần bị Hải quân Trung Quốc xua đuổi khi bay trên khu vực đảo đá Trung Quốc chiếm đóng trái phép đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước cũng như quốc tế. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về ý đồ của các bên sau những hành động gây căng thẳng đó, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Đỗ Minh Cao - Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) về vấn đề này.
TS Đỗ Minh Cao
PV: Việc dự đoán những hành động tiếp theo của Trung Quốc trong tương lai gần là một việc được nhiều người quan tâm. Có nhiều người cho rằng sau việc cơi nới các đảo, khả năng Trung Quốc sẽ thiết vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) là rất cao...
TS Đỗ Minh Cao: Theo tôi, khả năng này xa hơn một thời gian nữa và cũng không nói trước được là có chắc chắn hay không vì nó còn phụ thuộc vào ràng buộc giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, Trung Quốc với các nước khác như Úc, Nhật, Ấn Độ, khối ASEAN... vì con đường hàng hải qua Biển Đông lớn hơn so với vùng biển Hoa Đông rất nhiều. Nếu thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông thì Trung Quốc sẽ phải cân nhắc đến nhiều yếu tố. Vì thế tôi cho rằng trong tương lai gần, chưa chắc Trung Quốc đã dám thiết lập vùng này.
Vậy theo ông, trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ có những hành động như thế nào trên Biển Đông?
Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn việc cơi nới đảo và họ sẽ cố gắng hoàn thành mục tiêu của họ: xây được nhà, cảng, đường băng và thành lập đơn vị hành chính ở đây như đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những việc này mang ý nghĩa chính trị lớn. Cùng với đó, việc họ đưa người dân ra đảo ở, phát triển du lịch cũng sẽ gây phiền toái rất nhiều. Khi đó, Việt Nam và các nước ASEAN sẽ phải đau đầu để tìm phương án tiếp cận và giải quyết vấn đề đó. Đó là sức ép lớn đối với các nước.
Còn mục tiêu lâu dài của họ chính là con đường tơ lụa trên biển và hiện thực hóa "đường lưỡi bò".
Với Mỹ, Mỹ đang chứng minh cho thế giới thấy Mỹ không nói suông chỉ để dọa Trung Quốc khi quyết liệt mang tàu cùng may bay đến. Theo ông, những việc làm quyết liệt này có mối liên hệ nào đối với cuộc bầu cử của Mỹ sắp tới cũng như giúp nước này nâng cao uy tín với các đồng minh tại châu Á như Nhật Bản và Philippines?
Trong tương lai gần, trong cuộc đua đến Nhà Trắng, người ta dự đoán bà Hillary Cliton sẽ là một ứng cử viên nặng ký cho chức Tổng thống của Đảng Dân Chủ (hiện ông Obama đang ủng hộ bà Clinton). Mà bà Clinton chính là người đặt ra học thuyết Thái Bình Dương sau này gọi là chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những điều này sẽ liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Đó là sự hiện thực hóa chiến lược của Mỹ do bà Clinton chủ xướng (được sự ủng hộ của ông Obama).
Trong thời gian tới, Mỹ tăng cường hoạt động tại khu vực Biển Đông là để họ chứng tỏ cho các đồng minh thấy ở châu Á - Thái Bình Dương (như Nhật Bản, Philippines) và các đối tác mới (như Việt Nam) thấy rằng Mỹ có lợi ích thực sự tại đây và thực sự quan tâm đến khu vực này.
Việc xây dựng dự án TPP càng củng cố thêm quan điểm bảo vệ lợi ích của họ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Các đồng minh của Mỹ sẽ yên tâm hơn trong việc ủng hộ những chiến lược toàn cầu của Mỹ cũng như những người sẽ lên cầm quyền ở Mỹ. Ngoài chuyện này, việc phải rút quân ở Trung Đông sẽ khiến Mỹ phải có những điểm tựa chiến lược mới nào đó. Vì vậy Châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở thành điểm tựa chiến lược của Mỹ thay vì Trung Đông như trong thời gian trước. Với Mỹ, quan trọng là kiềm chế được Trung Quốc.
Đồ họa mô phỏng khả năng các hướng triển khai của Hải quân Mỹ (màu xanh lam) và mũi tấn công của quân Trung Quốc (màu nâu). (Ảnh:Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ - FPRI)
Ý ông là trong thời gian tới, Mỹ sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn việc cử tàu chiến và máy bay tuần tra tới những đảo của Việt Nam vốn đang bị Trung Quốc chiếm đóng và cơi nới trái phép...
Theo tôi, những hành động của họ hiện nay đã mạnh mẽ lắm rồi. Đó là một sự cứng rắn. Còn một hành động cứng rắn hơn là việc Quốc hội Mỹ ra một nghị quyết giống như Nghị quyết về giàn khoan Hải Dương - 981 buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan này khỏi khu vực thềm lục địa của Việt Nam.
Ngày đó, người Trung Quốc nói là giàn khoan của họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Dư luận trong nước cũng cho rằng Trung Quốc rút giàn khoan là vì một số lý do khác. Nhưng tôi cho rằng nguyên nhân lớn nhất chính là việc Mỹ ra Nghị quyết phản đối Trung Quốc. Sau nghị quyết đó một thời gian rất ngắn, Trung Quốc đã rút giàn khoan.
Trung Quốc là một thành viên của Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vậy, ngoài việc Quốc hội Mỹ ra Nghị quyết phản đối, liệu rằng Mỹ cùng các đồng minh ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ có biện pháp nào đó không, thưa ông?
Về điều này các bên đều sử dụng quyền của mình ở Liên hợp quốc. Và việc lợi dụng, sử dụng Liên hợp quốc, Mỹ mạnh hơn Trung Quốc bởi vì họ chi nhiều hơn Trung Quốc. Người chi nhiều hơn là những ông chủ. Qua những kinh nghiệm quốc tế đều thấy Mỹ trội hơn trong việc lợi dụng các tổ chức quốc tế để thực hiện những ý đồ của họ. Ý đồ của họ đôi khi ở một mức cao mà các nước khác cũng không nắm được hết được ý đồ đó. Chỉ khi các hành động của họ được thực hiện thì các nước khác mới có thể nhận ra ý đồ của họ trước đó. Trong thời gian tới, chắc chắn Mỹ sẽ sử dụng nó như một công cụ, biện pháp để kiềm chế Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc đều đã và đang có hành động tại Biển Đông như vậy, theo ông, Việt Nam cần có những hành động như thế nào với tư cách là một nước có liên quan trực tiếp đến các vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông?
Về việc này, nhiều người đã nói từ các năm trước trong đó có các biện pháp như tăng cường tuyên truyền không chỉ cho người dân trong nước hiểu hơn về chủ quyền của mình mà còn phải chú ý đến dư luận quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ của dư luận thế giới để phản đối Trung Quốc... Dưới góc độ một nhà nghiên cứu, rất khó để chúng tôi đưa ra những ý kiến mang tính gợi mở. Tôi tin rằng các vị lãnh đạo đất nước đã có những phương án đối phó.
Trong lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông, việc Mỹ mang máy bay tuần tra và tàu chiến đến khu vực các đảo ở Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) đang bị Trung Quốc cơi nới trái phép cần được nhận định như thế nào, thưa TS?
Không phải Mỹ đang giúp Việt Nam như nhiều người nhầm tưởng mà họ đang thực hiện chiến lược toàn cầu của họ. Nếu nói về giúp thì họ còn có các đồng minh đáng để họ giúp hơn Việt Nam. Nếu nói Mỹ mang tàu và máy bay đến để giúp Việt Nam là một sự ngộ nhận.
Nhưng đó là một thuận lợi cho Việt Nam trong việc đấu tranh pháp lý trong việc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông. Chúng ta cần coi đó là một lợi thế mà quốc tế mang đến cho chúng ta.
Ngoài ra, tôi cho rằng để giữ được Biển Đông và hai quần đảo, chúng tôi phải có sức mạnh dân tộc. Hơn lúc nào hết, người Việt Nam trong nước và những người ở Việt Nam ở nước ngoài phải đoàn kết lại trước những thách thức từ Biển Đông. Sự đoàn kết đó chính là sức mạnh dân tộc. Và đó chính là một cơ hội để những người Việt Nam xích lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn và việc hòa hợp dân tộc sẽ được xúc tiến mạnh mẽ hơn.
Xin trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!
Hồng Chính Quang (thực hiện)
Theo Dantri
"Muốn giải quyết vấn nạn người di cư cần dập tắt nạn buôn người" Đây là nhận định được ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao - đưa ra trong cuộc trao đổi tại chương trình Toàn cảnh thế giới. Thưa ông Trần Việt Thái, có thể nhận thấy cuộc khủng hoảng di cư hiện nay không còn là vấn đề riêng của bất kỳ một khu vực...