Hải quân Mỹ từ chối phục chức cựu hạm trưởng tàu sân bay
Hải quân Mỹ bác đề xuất phục chức hạm trưởng USS Theodore Roosevelt cho đại tá Crozier, cho rằng ông có trách nhiệm khi để Covid-19 bùng phát trên tàu.
Hải quân Mỹ hôm 19/6 thông báo giữ nguyên quyết định cách chức đại tá Brett Crozier, cựu hạm trưởng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, với lý do cuộc điều tra nội bộ cho thấy ông không hành động đủ để ngăn đà lây nhiễm nCoV trên chiến hạm này.
Hải quân Mỹ cũng hoãn thăng chức cho phó đô đốc Stuart Baker, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt và là cấp trên trực tiếp của đại tá Crozier.
Đại tá Crozier trong lễ nhậm chức hạm trưởng USS Theodore Roosevelt cuối năm 2019. Ảnh: US Navy.
Tham mưu trưởng hải quân Mỹ Mike Gilday hồi tháng 4 đề xuất phục chức cho Crozier sau khi có kết quả điều tra sơ bộ. Tuy nhiên, ông đã rút lại đề xuất này sau khi điều tra chuyên sâu cho thấy cả hai sĩ quan “đều không đáp ứng kỳ vọng”.
“Nếu biết những thông tin hiện có, tôi đã không đề xuất phục chức cho đại tá Crozier. Hơn thế nữa, nếu Crozier vẫn nắm quyền chỉ huy, tôi sẽ cách chức anh ta”, đô đốc Gilday nói, thêm rằng cựu hạm trưởng USS Theodore Roosevelt không được bổ nhiệm vào bất kỳ vị trí chỉ huy nào khác và sẽ bị điều chuyển, động thái gần như kết thúc sự nghiệp của Crozier.
Một số nghị sĩ đảng Dân chủ đã bày tỏ phản đối quyết định của hải quân Mỹ. “Chúng tôi có những nghi vấn nghiêm túc với quyết định bất ngờ này”, thượng nghị sĩ Richard Blumenthal và Chris Van Hollen ra thông cáo chung cho biết. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Adam Smith cho rằng trách nhiệm thuộc về lãnh đạo hải quân và thông báo ủy ban của ông đang tiến hành điều tra riêng.
Crozier bị cách chức hạm trưởng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hôm 3/4, sau khi viết “thư cầu cứu” gửi đến Bộ Hải quân Mỹ và nhiều nơi khác, kêu gọi cho sơ tán 4.000 thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt để ngăn nCoV lây lan rộng.
Thủy thủ tàu Theodore Roosevelt tiễn đại tá Crozier sáng 3/4. Video: Facebook/Maddie Blanco.
Quyền bộ trưởng hải quân Mỹ khi đó là Thomas Modly quyết định trừng phạt Crozier vì cho rằng ông gây hoảng loạn trên tàu và làm gia đình thành viên thủy thủ đoàn “lo lắng không cần thiết”. Modly sau đó bay tới Guam, lên tàu USS Theodore Roosevelt và chỉ trích Crozier “ngu ngốc hoặc ngây thơ” trước toàn bộ thành viên thủy thủ đoàn.
Làn sóng phẫn nộ về lời công kích khiến Modly xin từ chức hôm 7/4. Lầu Năm Góc chỉ định người thay thế Modly là James McPherson, cựu đô đốc hải quân từng phục vụ trên tàu sân bay Theodore Roosevelt.
Đợt bùng phát Covid-19 trên tàu Theodore Roosevelt khiến 1.200 thủy thủ nhiễm nCoV, trong đó một người chết. Tàu sân bay Mỹ cũng phải đình chỉ nhiệm vụ và nằm tại cảng Guam trong hai tháng, trước khi nối lại hoạt động trên Thái Bình Dương hồi cuối tháng 5.
Tiêm kích trên tàu sân bay Mỹ đâm xuống biển
Một chiếc F/A-18F biên chế trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt gặp nạn khi huấn luyện, trở thành chiến đấu cơ Mỹ thứ tư bị rơi trong một tháng.
Sự cố xảy ra khi USS Theodore Roosevelt đang huấn luyện trên Biển Philippine, phía đông Philippines, hôm 18/6. Phi công và chuyên viên điều khiển vũ khí đều phóng ghế thoát hiểm an toàn, được trực thăng giải cứu và đưa về tàu sân bay, hiện trong tình trạng ổn định.
Tiêm kích thuộc Phi đoàn số 154 cất cánh từ USS Theodore Roosevelt hôm 17/6. Ảnh: US Navy.
Hải quân Mỹ không tiết lộ đơn vị biên chế chiếc F/A-18F Super Hornet, chỉ thông báo đang điều tra nguyên nhân tai nạn. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho biết trên tàu USS Theodore Roosevelt chỉ có một đơn vị vận hành biến thể F/A-18F là Phi đoàn tiêm kích số 154.
Đây là vụ rơi tiêm kích thứ tư của quân đội Mỹ trong một tháng, sau hai vụ chiến đấu cơ tàng hình F-22 và F-35A gặp nạn khi bay huấn luyện ở bang Florida lần lượt vào hôm 15 và 19/5, cùng tai nạn với tiêm kích hạng nặng F-15C ngoài khơi nước Anh hôm 15/6 làm một phi công thiệt mạng.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hồi cuối tháng 5 hoàn tất đợt thử nghiệm và bắt đầu ra biển làm nhiệm vụ, kết thúc hai tháng nằm cảng vì Covid-19. USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan đang tuần tra trên Biển Philippine, nằm trong đợt triển khai 3 tàu sân bay Mỹ trên Thái Bình Dương, động thái được nhiều chuyên gia nhận xét là tín hiệu răn đe gửi đến Trung Quốc.
Vị trí ước tính của các nhóm tác chiến tàu sân bay và tàu đổ bộ Mỹ ngày 15/6. Đồ họa: USNI News.
Hai thách thức với quân đội Mỹ ở châu Á Lầu Năm Góc phải vật lộn đối phó Covid-19, trong khi vẫn phải duy trì hiện diện quân sự đáng kể để ngăn Trung Quốc trỗi dậy ở châu Á. Tình hình dường như không khả quan với hải quân Mỹ vào giai đoạn đầu tháng 5, khi Tham mưu trưởng Mike Gilday phải tự cách ly vì tiếp xúc với thành viên...