Hải quân Mỹ sắp nhận siêu tàu sân bay 13 tỷ USD
Sau nhiều lần trì hoãn, tàu sân bay tối tân USS Gerald R. Ford sẽ được biên chế cho hải quân Mỹ vào tháng 4/2017.
Tàu USS Gerald R. Ford trong lễ đặt tên. Ảnh: Newport News
Phát ngôn viên hải quân Mỹ Thurraya Kent ngày 11/1 tuyên bố việc sản xuất tàu sân bay USS Gerald R. Ford đã “hoàn thành 99%”. Tàu sẽ chạy thử nghiệm vào tháng 3 và chính thức bàn giao cho hải quân vào tháng 4, theo Naval Today.
Trước đó, tàu sân bay USS Gerald R. Ford dự kiến được biên chế cho hải quân Mỹ vào năm 2014, tuy nhiên việc chạy thử trên biển bộc lộ nhiều trục trặc về kỹ thuật, khiến việc bàn giao con tàu này nhiều lần bị trì hoãn.
Báo cáo của Cơ quan Kiểm tra và Đánh giá (DOTE) thuộc hải quân Mỹ năm 2016 xác định hệ thống phóng điện từ (EMALS) lắp đặt trên tàu đã tạo ra lực tác động quá lớn đến máy bay, khiến hải quân chưa thể triển khai các tiêm kích hạm F/A-18 và máy bay tấn công điện tử EA-18G lên tàu.
Là tàu sân bay được thiết kế mới đầu tiên trong 40 năm qua, USS Gerald R. Ford được trang bị công nghệ cùng các hệ thống vận hành mới, giúp tàu có thể tăng số lượt máy bay xuất kích và hạ cánh, giảm khối lượng công việc do con người thực hiện và tăng khả năng sống sót trước những mối đe dọa.
Ban đầu con tàu được định giá 10,7 tỷ USD vào năm 2007, tuy nhiên việc đội giá thêm 23% do những chi phí phát sinh biến USS Gerald R. Ford thành tàu sân bay đắt nhất lịch sử với đơn giá mỗi chiếc lên đến 13 tỷ USD.
Video đang HOT
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Chiếc tàu sân bay 13 tỷ USD chưa thể tác chiến của Mỹ
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford chưa thể được bàn giao như dự kiến do những trục trặc trong quá trình tích hợp và thử nghiệm những hệ thống quan trọng.
Tàu USS Gerald R. Ford trong lễ đặt tên. Ảnh: Newport News
Dự án tàu sân bay USS Gerald R. Ford mới nhất trị giá 13 tỷ USD của hải quân Mỹ đã bị chậm hai năm so với dự kiến, và đang đối diện với nguy cơ tiếp tục bị trì hoãn, khi các nhà thử nghiệm vũ khí của Lầu Năm Góc khẳng định tàu này chưa sẵn sàng tác chiến, dù sắp đến hạn bàn giao vào tháng 9, theo CNN.
Trong một bản báo cáo ngày 28/6, ông Michael Gilmore, giám đốc thử nghiệm vận hành và thẩm định của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết chiếc tàu sân bay đắt giá nhất trong lịch sử nước Mỹ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc giúp các máy bay cất và hạ cánh, di chuyển đạn dược trên khoang, cũng như kiểm soát không lưu và phòng thủ.
"4 hệ thống này ảnh hưởng tới những khâu quan trọng nhất trong nhiệm vụ bay", ông Gilmore viết trong bản báo cáo gửi Lầu Năm Góc và các lãnh đạo phụ trách mua sắm vũ khí cho hải quân Mỹ là Frank Kendall và Sean Stackley.
"Nếu những vấn đề này không được khắc phục, chúng sẽ hạn chế đáng kể năng lực thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của CVN-78 (số hiệu của tàu sân bay USS Gerald R. Ford)".
Để khắc phục những vấn đề này, các kỹ sư có khả năng phải thiết kế lại hệ thống phóng và tiếp nhận máy bay, theo ông Gilmore. Quá trình này sẽ dẫn tới việc ngày bàn giao tàu tiếp tục bị trì hoãn, trong khi theo lịch trình, USS Gerald R. Ford lẽ ra đã phải gia nhập hải quân Mỹ vào tháng 9/2014.
Hải quân Mỹ đang vận hành 10 tàu sân bay sau khi chiếc USS Enterprise được cho nghỉ hưu năm 2012.
Các chỉ huy hải quân Mỹ cho biết việc Gerald R. Ford liên tục bị lùi ngày bàn giao dẫn tới các tàu sân bay khác phải kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ ở các khu vực trên thế giới, khiến các thủy thủ và thuyền viên chịu thêm nhiều áp lực.
Bản báo cáo xuất hiện chỉ vài ngày sau khi hải quân Mỹ tuyên bố tàu Gerald R. Ford sẽ không thể được bàn giao trước tháng 11 do một số vấn đề trong khâu thử nghiệm, trái ngược với những với những cam kết trong phiên điều trần hồi tháng 4 của ông Stackley trước quốc hội Mỹ, rằng tàu sân bay này sẽ sẵn sàng hoạt động trước cuối tháng 9. Nhưng đến giờ, thời hạn bàn giao tàu có thể bị dời sang năm 2017.
"Thử nghiệm với Hệ thống Phóng Máy bay Điện từ được thực hiện thành công hồi tháng 5, còn thử nghiệm radar băng tần kép, thang máy chuyển vũ khí tiên tiến dự kiến hoàn thành đúng thời hạn để hỗ trợ các đợt chạy thử trên biển sắp tới. Các chiến dịch bay đầu tiên dự kiến được triển khai vào đầu năm tới", một quan sức hải quân nói.
Trong một tuyên bố được đưa ra hồi đầu tháng, Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cho rằng những trì hoãn mới nhất là "không thể chấp nhận" và "hoàn toàn có thể tránh được".
"Chương trình tàu sân bay lớp Ford là một minh chứng điển hình rằng hệ thống mua sắm vũ khí của chúng ta phải được cải tổ để khắc phục các đề xuất mua sắm phi thực tế, yếu kém trong ước tính chi phí, các hệ thống mới được đưa vào sản xuất một cách vội vã, việc thiết kế và thi công được triển khai đồng thời và các vấn đề khác", ông McCain nói.
USS Gerald Ford là tàu sân bay lớp Ford đầu tiên trong số ba chiếc được hải quân Mỹ đặt hàng, với chi phí tổng cộng lên tới gần 42 tỷ USD.
"Đơn giá mỗi chiếc đã lên gần 13 tỷ USD. Người nộp thuế cần phải được biết khi nào CVN-78 sẽ thực sự được bàn giao, và rủi ro trong phát triển còn ở mức độ nào trong chương trình này, liệu tình trạng chi phí bị đội lên còn tái diễn, hay ai sẽ phải là người chịu trách nhiệm", ông McCain viết.
Trong khi đó, các quan chức hải quân Mỹ và Bộ Quốc phòng Mỹ đều khẳng định những rắc rối khiến tàu sân bay này chưa thể được đưa vào biên chế là hệ quả từ những quyết định được đưa ra khi Lầu Năm Góc quyết tâm đóng tàu từ năm 2008.
"Quyết định theo đuổi ba hệ thống này được đưa ra từ nhiều năm trước, khi cách tiếp cận mang tính chuyển đổi trong mua sắm trở thành chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ", Mark Wright, một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, nói. "Bản báo cáo của tiến sĩ Gilmore làm rõ những mối quan ngại ông từng nêu lên về chương trình này".
Là tàu sân bay được thiết kế mới đầu tiên trong 40 năm qua, USS Gerald R. Ford được trang bị công nghệ cùng các hệ thống vận hành mới, giúp tàu có thể tăng số lượt máy bay xuất kích và hạ cánh, giảm khối lượng công việc do con người thực hiện và tăng khả năng sống sót trước những mối đe dọa.
Dù vậy, việc quyết định tích hợp và thử nghiệm những hệ thống còn đang trong quá trình phát triển "đã tạo ra những thách thức lớn", và là nguyên nhân chính dẫn đến những trì hoãn của chương trình, thông cáo của hải quân Mỹ thừa nhận. Tàu Ford đã được hoàn thành 98% và 88% chương trình thử nghiệm đã được hoàn tất.
Dù thời hạn bàn giao bị trì hoãn, hải quân Mỹ khẳng định các tàu trong lớp này sẽ giúp tiết kiệm 4 tỷ USD chi phí mỗi chiếc, khi so sánh với lớp tàu sân bay Nimitz tiền nhiệm.
Chiếc tàu tiếp theo trong lớp Ford mang tên USS John F. Kennedy (CVN 79) dự kiến hạ thủy năm 2020. Tới tháng ba, tàu này đã được hoàn thành 18%. Chiếc thứ ba trong lớp có tên USS Enterprise (CVN 80) dự kiến được khởi công vào năm 2018.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Siêu tàu sân bay 13 tỷ đô gia nhập hải quân Mỹ vào tháng 9 USS Gerald R. Ford, tàu chiến đắt nhất từng được đóng, dự kiến gia nhập đội tàu hải quân Mỹ vào tháng 9 tới. USS Gerald R. Ford, tàu đầu tiên thuộc lớp tàu sân bay mới nhất của hải quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia Sean J. Stackley, trợ lý bộ trưởng hải quân phụ trách các thương vụ, hôm 6/4 đưa ra khung...