Hải quân Mỹ bắt đầu sử dụng vũ khí laser
Hải quân Mỹ dự định sẽ trang bị vũ khí bắn tia laser đầu tiên cho một tàu chiến trong năm 2014, đồng thời sẽ thử nghiệm một loại súng điện từ trên tàu trong vòng 2 năm tới, AP đưa tin hôm 18.2.
Hệ thống vũ khí laser dự kiến sẽ được trang bị trên chiến hạm USS Ponce (ảnh) trong năm 2014 – Ảnh: Reuters
Hai loại vũ khí mới này được cho là có chi phí thấp hơn rất nhiều so với tên lửa, bom thông minh, và có thể bắn liên tục.
“Vũ khí mới này cơ bản là sẽ thay đổi cách chiến đấu của quân đội chúng tôi”, đại tá Mike Ziv, Giám đốc chương trình của hệ thống vũ khí dùng điện và năng lượng thuộc Bộ Chỉ huy Hệ thống Biển của Hải quân Mỹ, cho hay.
Hệ thống vũ khí laser sẽ được trang bị trên chiến hạm USS Ponce vào mùa hè này và chỉ cần một thủy thủ điều khiển, ông Ziv nói.
Loại vũ khí hiện đại này được thiết kế nhằm ngăn chặn các mục tiêu mà Hải quân Mỹ gọi là “các mối đe dọa không đối xứng”, bao gồm máy bay không người lái, tàu cao tốc và một đội tàu số đông.
Tàu tấn công đổ bộ USS Ponce dự kiến sẽ được triển khai đến vùng Vịnh, theo AP.
Quân đội Mỹ cũng đã thử nghiệm súng điện từ tại một căn cứ ở bang Virginia. Một phát đạn bắn ra từ loại vũ khí này có vận tốc cao gấp 6-7 lần so với vận tốc âm thanh, với sức công phá rất lớn.
Hải quân Mỹ xem loại súng mới này như một vũ khí thay thế cho những loại súng bắn đạn thông thường.
Điểm yếu
Video đang HOT
Hình ảnh phát đạn bắn ra từ súng điện trong buổi bắn thử tại một căn cứ quân sự ở bang Virginia, Mỹ – Ảnh: Wikimedia Commons
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cả vũ khí laser và súng điện từ đều có điểm yếu.
Theo ông Loren Thompson, chuyên gia phân tích quốc phòng tại Viện Lexington (Mỹ), vũ khí phóng tia laser không hiệu quả khi dùng trong trời mưa, trong môi trường bụi bặm, hoặc trong môi trường không khí bị nhiễu loạn, trong khi súng điện từ cần có một lượng điện khổng lồ trước khi bắn.
“Hải quân Mỹ cho biết đã tìm ra cách giải quyết điểm yếu hoạt động không hiệu quả trong thời tiết xấu của vũ khí laser, nhưng vẫn có nghi ngờ cho rằng tầm hoạt động của loại vũ khí này sẽ bị hạn chế bởi mây mù, bụi bặm và mưa”, chuyên gia này cho hay.
Chi phí cực rẻ so với tên lửa và bom
Một máy bay không người lái bị bắn hạ bởi hệ thống vũ khí laser trong một đợt bắn thử nghiệm – Ảnh chụp màn hình
Nhưng ông Thompson cũng nói rằng hai loại vũ khí này giúp quân đội Mỹ tiết kiệm được rất nhiều tiền.
Mỗi tên lửa đánh chặn được trang bị trên các tàu chiến Mỹ có chi phí sản xuất ở mức thấp nhất là 1 triệu USD, trong khi một hệ thống vũ khí laser với công suất 30 kw có chi phí cho một lần phóng chỉ vào khoảng vài USD, theo chuyên gia quân sự Thompson.
Vũ khí laser Mỹ vượt trội các nước khác
Hệ thống vũ khí laser của quân đội Mỹ – Ảnh: Reuters
Vũ khí laser của quân đội Mỹ phóng ra tia laser có khả năng đốt cháy mục tiêu, nhưng khác với các cảnh chiến đấu trong phim khoa học viễn tưởng, tia laser trong thực tế không thể thấy được bằng mắt thường.
Hệ thống nhắm bắn sẽ khóa vị trí mục tiêu, rồi phóng ra một tia năng lượng, đại tá Ziv giải thích.
“Bạn chỉ có thể thấy được sự tàn phá của tia laser lên mục tiêu, chứ không thấy được tia laser”, ông Ziv nói.
Các quốc gia khác cũng đang phát triển công nghệ laser quân sự, nhưng tại thời điểm này Hải quân Mỹ vượt trội hơn tất cả.
“Công bằng mà nói thì cũng có những nước khác đang phát triển công nghệ này. Nhưng tôi cũng khẳng định rằng sẽ cần phải làm rất nhiều để có thể đạt được thành tựu như chúng tôi đang có, đó là chỉ cần một thủy thủ điều khiển vũ khí laser”, viên đại tá Mỹ này tự tin cho biết.
Theo TNO
Chiến tranh giữa các vì sao trên biển
Trong vài tháng nữa, hải quân Mỹ sẽ chính thức triển khai hệ thống tấn công laser đầu tiên trên tàu chiến, đánh dấu sự mở đầu của vũ khí tương lai.
Hệ thống súng laser chuẩn bị được triển khai trên tàu chiến USS Ponce tại vịnh Ba Tư - Ảnh: U.S Navy
Sau nhiều năm chờ đợi, hải quân Mỹ đang hoàn tất những bước cuối cùng trước khi áp dụng công nghệ vũ khí tương lai vào hiện thực. Tham vọng lâu nay của lực lượng này là sở hữu được những dòng vũ khí giống như trong loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao, chẳng hạn như chùm tia laser bắn rơi máy bay do thám không người lái và súng xung điện từ khai hỏa với tốc độ siêu thanh. Dự kiến, Mỹ chuẩn bị triển khai Hệ thống vũ khí laser (LaWS) lên tàu vận tải đổ bộ USS Ponce đang hoạt động tại vịnh Ba Tư chậm nhất là vào giữa năm nay.
Chỉ tốn 1 USD
Tạp chí Wired hôm qua dẫn lời đại tá Mike Ziv của Bộ Tư lệnh các hệ thống hải quân nhận định rằng việc áp dụng trên thực tế những công nghệ tương lai "sẽ thay đổi một cách triệt để" cách thức Lầu Năm Góc triển khai các cuộc chiến. Sắp chính thức hoàn thành sau 6 năm phát triển, LaWS sẽ cho phép hải quân vô hiệu hóa thành công những mối đe dọa đến từ các máy bay do thám không người lái (vốn đang trở thành vũ khí đắc dụng của các nước trên thế giới), và các đội tàu cao tốc. Cũng giống như trong phim ảnh, chùm tia laser vô hình sẽ phóng xuyên mục tiêu hoặc đốt cháy các thiết bị điện trên máy bay hoặc tàu.
UAV do thám bị tia laser bắn hạ - Ảnh: chụp từ clip
Theo Đài Fox News, đến nay tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu của LaWS trong các lần thử nghiệm là 100%. Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu hải quân Mỹ (ONR) Matthew Klunder cho biết ngoài năng lực tác chiến chính xác, một trong những đột phá của vũ khí laser này là chi phí thấp. Mỗi khẩu LaWS trị giá khoảng 32 triệu USD, chỉ tốn chi phí từ 1 USD đến vài USD/lần bắn và chỉ cần một người điều khiển là đủ, hoàn toàn phù hợp để triển khai trong điều kiện cắt giảm ngân sách quốc phòng hiện nay của Mỹ. Tính trung bình, chi phí sản xuất mỗi quả tên lửa đánh chặn trên tàu chiến Mỹ ít nhất 1 triệu USD, chẳng hạn như Tomahawk có giá 1,4 triệu USD. Điều này đặc biệt gây trở ngại trong điều kiện tác chiến cần phải đối phó với chiến thuật tấn công "bầy đàn", khi phía đối địch đồng loạt triển khai chiến đấu cơ, máy bay chiến đấu không người lái, pháo cối, tên lửa hành trình... Chưa hết, LaWS có thể bắn liên tục chứ không như trường hợp tên lửa hay bom thông minh chỉ phóng ra một lần là kết thúc. "So với hàng trăm ngàn USD để bắn một quả tên lửa, bạn sẽ nhận thấy ưu thế của loại vũ khí mới này", ông Klunder nói.
"Chỉ cần trên tàu có điện là LaWS sẽ hoạt động tốt. Tôi tin rằng tác động của vũ khí laser đối với chiến tranh hiện đại chẳng khác gì thuốc súng trong thời còn dùng dao kiếm", AFP dẫn lời chuyên gia Peter Morrison của ONR phát biểu.
Bên cạnh đó, Mỹ đang tích cực thử nghiệm súng xung điện từ tại một căn cứ ở bang Virginia. Loại vũ khí này chứng tỏ tiềm năng thay thế các loại súng truyền thống khi khai hỏa với tốc độ nhanh gấp 7 lần vận tốc âm thanh để tấn công mục tiêu dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị toàn cầu GPS.
Giới hạn
Tuy nhiên, vẫn có một số chuyên gia nghi ngờ về năng lực của các hệ thống tương lai. AP dẫn lời Loren Thompson, chuyên gia phân tích quốc phòng của Viện Lexington, cho hay laser không hoạt động hiệu quả trong điều kiện thời tiết xấu, mưa gió hoặc bụi bặm có thể giới hạn nghiêm trọng tầm bắn của nó. "Trong khi hải quân cam đoan rằng đã tìm được cách vận hành súng laser khi thời tiết chuyển xấu, tầm bắn của hệ thống vẫn giảm đáng kể", chuyên gia này nói. Hải quân Mỹ vẫn chưa công bố hỏa lực cũng như tầm bắn trên thực tế của LaWS, nhưng có vẻ như nó phải dưới 100 kilowatt trong lúc thử nghiệm và dùng để khai hỏa ở cự ly gần. Theo tờ The New York Times, Tư lệnh tác chiến của hải quân Mỹ là Đô đốc Jonathan Greenert thừa nhận hiện nay LaWS vẫn chưa thể chặn được tên lửa đối hạm, cũng như chỉ đủ "gãi ngứa" cho chiến đấu cơ và chiến hạm thực thụ. Bên cạnh đó, vẫn còn những thách thức có liên quan đến việc làm nguội tia laser năng lượng cao trên tàu.
Về phần súng xung điện từ, chúng ngốn quá nhiều năng lượng cho mỗi lần khai hỏa, khiến tạm thời không thể được sử dụng trên tàu chiến. Trong tương lai gần, chỉ có tàu khu trục thế hệ mới của hải quân Mỹ là USS Zumwalt, chi phí sản xuất 3,5 tỉ USD, là tàu chiến duy nhất có thể tận dụng sức công phá của súng xung điện từ. Tàu này được trang bị các hệ thống phát tua bin với công suất lên đến 78 megawatt, đủ sức cung cấp điện năng cho một thành phố nhỏ.
Bất chấp những thách thức trên, Mỹ tiếp tục triển khai những dự án vũ khí tương lai. Lầu Năm Góc đã đầu tư 240 triệu USD cho dự án súng xung điện từ, còn hệ thống laser đang vượt xa các dự án nghiên cứu của các nước khác và giới chức khẳng định những dòng LaWS sắp tới sẽ mạnh hơn nhiều so với mẫu đầu tiên.
Theo TNO
Hải quân Mỹ thử nghiệm pháo laser có tầm bắn siêu xa 400km Theo hãng tin AP ngày 17-2, mùa hè này, lần đầu tiên Hải quân Mỹ sẽ trang bị pháo laser cho một tàu chiến và thử nghiệm tính năng của siêu vũ khí này. Được biết, vũ khí nguyên mẫu sẽ được triển khai trên tàu đổ bộ cỡ lớn LPD-15 USS Ponce, đã được hoán chuyển thành một căn cứ nổi của...