Hải quân Italy lại vừa cứu sống thêm gần 600 người di cư
Ngày 29/5, hải quân Italy đã tìm thấy 11 người di cư thiệt mạng trên các tàu vượt biển Địa Trung Hải vào châu Âu và cứu sống khoảng 570 người trong bối cảnh đã triển khai nhiều chiến dịch giải cứu.
Người di cư được đưa tới cảng Messina sau khi được cứu sống ngoài khơi bờ biển Sicily ngày 16/5. (Nguồn: TTXVN)
Thông báo trên trang mạng xã hội Twitter, Hải quân Italy cho hay giới chức chính quyền đã phát hiện ra các thi thể trên sau khi tàu tuần tra Bettica của nước này cứu sống 86 người di cư từ hai thuyền cao su.
Cơ quan báo chí của hải quân Italy chưa thể công bố lý do tại sao những người này thiệt mạng song giới chức chính quyền trước đó đã lưu ý có nhiều nguy cơ đối với người di cư, trong đó có việc bị mất nước, bị ngạt do khí thải nhiên liệu, tình trạng nhiệt độ cực đoan và bạo lực.
Theo Tổ chức Di trú quốc tế, kể từ hồi đầu năm, đã có hơn 40.400 người di cư tới Italy, song khoảng 1.770 người đã thiệt mạng hoặc biến mất trong khi cố vượt biển Địa Trung Hải./.
Theo Vietnam
Liên minh Trung- Nga sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Mỹ?
Tuy Mỹ vẫn có sức mạnh quân sự số một thế giới nhưng Trung Quốc và Nga đang cố sức để đuổi kịp và khoảng cách ngày càng rút ngắn lại. Cuộc tập trận trên biển Địa Trung Hải mới đây được đánh giá là nhằm tạo đối trọng quyền lực với Mỹ.
Video đang HOT
Tàu đô đốc Moska rời căn cứ Sevastopol, tham gia cuộc tập trận chung Trung- Nga trên biển Địa Trung Hải. (Ảnh: RT)
Mới đây, Trung Quốc đã gửi một số tàu chiến tham gia cuộc tập trận trên biển Địa Trung Hải cùng hạm đội của Nga, nhằm củng cố mối liên kết giữa Mátxcơva và Bắc Kinh. Tuy không có một hiệp ước liên minh quân sự cụ thể nhưng việc hai nước Trung - Nga kết hợp phô diễn sức mạnh có thể được đánh giá là tạo đối trọng với quyền lực Mỹ.
Cả Trung Quốc và Nga đang tiến hành hiện đại hóa quân đội của mình dù so với phương Tây có thể vẫn lạc hậu hơn một chút về công nghệ. Tuy thế, các chuyên gia đều cho rằng khoảng cách này giữa hai bên Trung - Nga với Mỹ và phương Tây đang dần thu hẹp lại.
Giấc mơ Trung Hoa và cải tổ quân đội
Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền lực năm 2012 đã thể hiện mong muốn dành cả nhiệm kỳ của mình để xây dựng "Giấc mơ Trung Hoa" của cái gọi là "Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa". Một phần của giấc mơ này là cải cách quân đội với quân số 2,3 triệu lính, cao gấp 3 lần quân số của Nga. Thực tế hiện quân đội Trung Quốc cũng chịu một số chỉ trích là cồng kềnh, tham nhũng và chưa thích hợp cho chiến đấu.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đánh giá quân đội mạnh là yếu tố quan trọng để ngăn các nước khác có những hành động làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc và để đảm bảo nước này có thể tự vệ, tránh mọi thất bại có thể. Đánh giá này là động lực cho quyết tâm cải tổ Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Quyết tâm của ông Tập nhằm cải tổ PLA trong thế kỷ này sẽ khiến chi phí quốc phòng của Bắc Kinh tăng lên khoảng 132 tỷ USD cho riêng năm 2015 này và sẽ tăng khoảng 10% cho năm tiếp theo. Quân đội Trung Quốc hiện nay là lực lượng hùng mạnh nhất châu Á với hơn 300 tàu chiến và sẽ còn nhận được phần khá lớn từ ngân sách quốc phòng.
Bắc Kinh hiện sở hữu ít nhất 25 tàu khu trục và đang đóng tàu sân bay thứ hai tại một xưởng đóng tàu ở vùng Đông - Bắc nước này. Đây là một phần của kế hoạch đầy tham vọng xây dựng "Hải quân viễn dương" cho phép Trung Quốc giành quyền kiểm soát lớn hơn trên mặt biển.Trung Quốc cũng đang tìm cách tăng hạm đội tàu ngầm hiện đã gồm 59 chiếc chạy bằng động cơ diesel và 9 chiếc chạy bằng động cơ hạt nhân. Đây là số liệu trong báo cáo của Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo rằng nếu chỉ đơn giản đầu tư vào thiết bị quân sự thì sẽ không đương nhiên giải quyết được các vấn đề của PLA. Bắc Kinh vẫn phải đương đầu với vô số thách thức trước khi có thể triển khai đội quân hiện đại sẵn sàng cho chiến đấu.
Những thách thức này bao gồm cả vấn đề quân số không trực tiếp chiến đấu quá lớn, các sĩ quan chỉ huy thiếu kinh
nghiệm và binh lính thiếu kinh nghiệm chiến đấu do không có thực tế chiến tranh kể từ sau xung đột biên giới với Việt Nam năm 1979.
Về nhân sự, PLA còn liên quan đến cả vấn nạn tham nhũng. Ông Tập với tư cách là Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch nước đã hạ bệ một số sĩ quan quân đội cấp cao trong chiến dịch nỗ lực chống tham nhũng của mình, đáng kể nhất là tướng Từ Tài Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, người đã chết trước khi bị kết án.
Nga đang tăng cường quốc phòng mạnh mẽ
Các chỉ số thống kê sức mạnh chính của Nga và Trung Quốc. (Đồ họa: Global Fire Power)
Về phía đồng minh hiện thời của Trung Quốc, quân số Nga dù chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc nhưng Nga có số lượng lớn xe tăng và đại bác. Chi tiêu quốc phòng của Nga đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2014. Năm 2010, Tổng thống Nga lúc đó là Medvedev đã công bố ngân sách khoảng 420 tỷ USD cho giai đoạn 10 năm 2010-2020 trong khuôn khổ một chương trình tái vũ trang nhà nước quy mô lớn. Kế hoạch này có mục tiêu đưa số vũ khí khí tài hiện đại của quân đội Nga lên mức 70% trong năm 2020.
Ngân sách quốc phòng của Nga đã tăng 33% lên khoảng 65 tỷ USD năm 2015 (theo tỷ giá hiện nay), tuy các quan chức nước này cảnh báo có thể bị cắt giảm do giá dầu sụt giảm và cấm vận của phương Tây.
Như vậy xu hướng tới đây Nga sẽ là tăng cường mạnh mẽ và đầy tham vọng sức mạnh quân sự của mình. Quân đội Nga sẽ nhận thêm 50 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và 200 máy bay chiến đấu mới. Siêu xe tăng Armata và pháp tự hành Koalitsiya cũng đã ra mắt nhân lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng ở Mátxcơva.
Các chuyến bay thăm dò, những lần tàu ngầm thâm nhập qua biên giới NATO, những đợt tập trận lớn ngay sát Ukraine và các đoàn tàu chiến lần đầu có mặt diễu hành trên vùng biển là những bằng chứng cho thấy thái độ kiên quyết của Nga.
Cùng với việc Trung Quốc và Nga ra sức nâng cấp thiết bị khí tài, những cuộc tập trận chung của hai nước này có vai trò nhắc nhở thường xuyên hơn ý đồ muốn làm xói mòn quyền lực của Mỹ.
Theo Dmitry Trenin, một chuyên gia về an ninh của Nga, "việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau là một dấu hiệu của trật tự thế giới đang thay đổi trong đó phương Tây vẫn rất mạnh nhưng không còn thống trị nữa."
Uyên Châu
Theo Dantri/ Telegraph, AP
Nga - Trung khởi động tập trận chung trên Địa Trung Hải Nhiều chiến hạm Nga và Trung Quốc ngày 17/5 đã khởi động cuộc tập trận mang tên "Hợp tác biển - 2015" trên Địa Trung Hải. Phó Thủ tướng Nga nhấn mạnh: "Cuộc tập trận không nhằm vào nước thứ ba nào và không liên quan đến bất kỳ diễn biến chính trị nào trong khu vực". Tàu đô đốc Moska rời căn...