Hai quán bánh canh ghẹ nổi tiếng ở Sài Gòn
Không chỉ thu hút bởi hương thơm đặc trưng, món ăn này còn mê hoặc thực khách bởi con ghẹ to óng ả, chắc nịch.
Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của bánh canh ghẹ. Nhiều người cho rằng món ăn này xuất phát từ Kiên Giang, có người nói là từ những vùng có biển như Vũng Tàu, Phan Thiết… có ý kiến lại cho rằng món ăn này chỉ là sự biến tấu của món bánh canh cua. Do vô tình, người đầu bếp phát hiện việc để nguyên con ghẹ (thay vì bóc vỏ lấy thịt) không những khiến món ăn trông sinh động hơn, hấp dẫn hơn, thu hút hơn mà còn tiết kiệm được vô khối thời gian.
Cùng một tô, cùng nguyên liệu nhưng cách thưởng thức món ăn này khá khác nhau. Có người sau khi nhấm nháp vài muỗng nước dùng, dăm cọng bánh canh, rồi dùng “đũa năm ngón” tấn công con ghẹ săn chắc, ngọt lịm. Có người sau khi “xì xụp” đến muỗng cuối cùng, mới cặm cụi cắn bẻ con ghẹ hấp dẫn. Mỗi cách thưởng thức khác nhau, dành cho “đô” bụng khác nhau. Song nếu thưởng thức ghẹ trước, bạn sẽ chẳng thể dùng tiếp tô bánh canh bởi nó đã nguội lạnh.
Từ hàng bánh canh ghẹ đầu tiên
Có thể nói hàng bánh canh ghẹ tại Cầu Bông là nơi đầu tiên giới thiệu món ăn này đến thực khách Sài Gòn.
Quán khá nhỏ nên vào giờ cao điểm, các thực khách phải chờ rất lâu mới “săn” được chỗ ngồi. Riêng những ngày mưa, có người còn trùm áo mưa đứng chờ, không quên liếc sang bên cạnh ngắm con ghẹ đỏ au, óng ả điểm xuyết những cọng bánh trắng tròn cùng thứ nước dùng được nấu từ gạch, thịt ghẹ, xương ống có vị thanh, ngọt, thơm khó cưỡng.
Ngoài điểm cộng về màu sắc, quán còn được yêu thích ở thái độ nhiệt tình niềm nở, cùng vị ngon lạ của con ghẹ thấm đều gia vị.
Tuy là quán bình dân nhưng giá một phần bánh canh ở đây không rẻ (55.000 đồng/tô). Dù vậy, “đắt xắt ra miếng” và bạn sẽ hoàn toàn thỏa mãn.
Địa chỉ: Bánh Canh Cua Đinh Tiên Hoàng, số 2 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM (dưới chân Cầu Bông).
Video đang HOT
Đến người anh em mới
Bánh canh ghẹ 505 kém sắc hẳn so với bánh canh ghẹ Cầu Bông, song khi thưởng thức sẽ thấy không có quá nhiều sự khác biệt về mùi vị, đó là chưa kể đến yếu tố giá cả trong thời điểm này.
ngoài ra, quán còn có điểm cộng cho ly trà quế nóng hổi, vừa thơm đậm vừa giải nhiệt
Mới gia nhập làng ẩm thực gần đây, quán bánh canh ghẹ trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10) bắt đầu được nhiều người biết đến với chất lượng khá ổn và mức giá dễ chấp nhận (38.000 đồng/tô).
Về cảm quan ban đầu, tạo hình của món bánh canh ghẹ tại quán thua xa ở Cầu Bông với nước dùng trong vắt, in rõ lát chả ghẹ, miếng huyết heo hay những cọng bánh trắng tròn, song khi thưởng thức, độ tươi ngon, sắn chắc của ghẹ, hay vị ngọt của nước dùng chẳng hề kém cạnh.
Riêng nguyên nhân nước dùng của quán không đậm đà về mùi vị, màu sắc, được chị chủ quán giải thích như sau: “Quán chủ trương chỉ dùng một loại nguyên liệu duy nhất cho món ăn chứ không pha tạp thêm nhiều nguyên liệu khác, nên quán cắt hẳn một lượng ghẹ riêng để hầm làm nước dùng. Quá trình nêm nếm cũng vậy. Ngoài phụ liệu hạn chế mùi tanh chỉ gia giảm thêm muối và bột ngọt cho vừa miệng”.
Một lưu ý nhỏ sau khi dùng bánh canh ghẹ của quán là đừng quên thưởng thức tách trà quế nóng hổi thơm lừng được quán tặng kèm để làm ấm cơ thể cũng như thanh tẩy mùi của loại hải sản này.
Địa chỉ: Bánh canh ghẹ 505, 505 Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP. HCM
AN HUỲNH
Theo Infonet
4 món bánh canh quen thuộc của người Sài Gòn
Nếu có dịp tới mảnh đất phương Nam, bạn đừng quên thưởng thức bánh canh cua, ghẹ, bánh canh cá lóc hay bò viên nhé.
Bánh canh cùng với bún bò, phở là món ăn phổ biến trong ẩm thực của người Việt. Bánh canh được chế biến rất nhiều món ăn khác nhau, chẳng hạn bánh canh giò heo, bánh canh cua, bánh canh cá lóc... và bánh canh bò viên. Sự kết hợp với nhiều nguyên liệu tạo nên nhiều món ăn rất đa dạng, phong phú và quen thuộc của người dân ở TP HCM.
1. Bánh canh ghẹ
Bánh canh ghẹ là một biến thể từ bánh canh cua. Món ăn đơn giản với ghẹ, chả tôm, tiết lợn, nấm cùng với nước lèo được nấu sánh và rất đậm đà. Ghẹ tươi được luộc chín sẵn, khi có khách ăn, người bán sẽ cắt đôi con ghẹ và cho vào bát. Gia vị ăn kèm không thể thiếu món muối tiêu chanh. Cắn miếng càng ghẹ, chấm ít muối tiêu chanh để cảm nhận được thịt ghẹ vừa ngọt vừa thơm tan dần trong miệng. Bánh canh ghẹ có giá rất cao so với các món ăn lề đường khác với 50.000 đồng một bát. Tuy nhiên, những quán bánh canh ghẹ ở Sài Gòn vẫn luôn đông khách vì đơn giản là bánh canh ghẹ rất ngon và đáng để thưởng thức.
Địa chỉ: Bánh canh ghẹ Cầu Bông - số 2 Đinh Tiên Hoàng - quận 1.
2. Bánh canh bò viên
Bánh canh bò viên là món ăn bình dân, thường được dùng như một món ăn giữa buổi hoặc ăn khuya. Đơn giản chỉ là kết hợp giữa cái thơm, dai của bò viên hòa cùng với vị ngọt của nước lèo nhưng bánh canh bò viên lại tạo nên sự hấp dẫn khó cưỡng đối với những người đã trót mê món bò viên.
Bò viên được làm thành những viên to và được người bán để nguyên khi bán cho khách. Vì thế nên khi thưởng thức món này thì người ăn thường dùng dĩa thay cho đôi đũa quen thuộc. Đông khách nhất là quán bánh canh bò viên gần bờ kênh Nhiêu Lộc. Quán bán vào đầu giờ chiều và vào giờ tan tầm thì rất đông thực khách ghé ăn để thưởng thức món bò viên thơm ngon của quán. Nhiều người đến trễ thì tiếc nuối ra về vì đã hết món bò viên yêu thích.
Địa chỉ: Nằm cuối đường Nguyễn Văn Nguyễn, phường Tân Định, quận 1.
3. Bánh canh cá lóc
Dù Sài Gòn là nơi hội tụ gần như đủ món ăn của khắp mọi miền đất nước, món bánh canh cá lóc của người miền Trung vẫn có chỗ đứng và sức hấp dẫn riêng với hương vị đặc trưng của nó. Nguyên liệu chính để làm bánh canh là bột gạo và cá lóc. Gạo ngâm đủ độ mới xay rồi cho vào cối giã thật nhuyễn, đến khi bột quyện chặt vào nhau, dai mà không dính tay mới là đạt. Sau đó, dàn bột vừa giã ra, cán mỏng, cắt thành từng sợi nhỏ và đem luộc cho vừa chín tới là được.
Sợi bánh canh của món ăn này rất đặc biệt, không tròn như bánh canh miền Nam nhưng dai hơn. Cá lóc được làm sạch, luộc chín. Miếng cá được lóc hết xương, rim lên vàng ươm. Nước dùng ngoài vị ngọt của cá còn có vị thơm của xương ống, tuy nhiên lượng xương ống thường rất ít để tránh mất mùi vị của cá. Không phải ngẫu nhiên mà cá lóc trở thành nguyên liệu chính của món ăn giản dị nhưng đậm đà hương vị miền Trung. Vì cá lóc có tính hàn, ăn vào có tác dụng mát gan, thanh nhiệt, rất tốt cho sức khỏe của người dân ở vùng đất quanh năm khô hạn và đầy nắng gió này.
Bánh canh cá lóc phải ăn khi còn nghi ngút khói mới đã. Khi ăn có thể cho thêm loại ớt bột thật cay của người miền Trung, một ít tiêu và nước mắm tùy theo khẩu vị của mỗi người. Mỗi tô bánh canh cá lóc bây giờ có giá từ 18.000 đồng rất hợp túi tiền của người dân trong thời bão giá.
Địa chỉ: Bánh canh cá lóc Hiếu Thảo - bên cạnh trường PTTH Nguyễn Hữu Huân, đường Bác Ái, quận Thủ Đức.
4. Bánh canh cua
Trong bốn loại bánh canh kể trên thì bánh canh cua nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất. Bánh canh cua với các thành phần quen thuộc như chả cua, tôm, thịt nạc cua, thịt heo, trứng cút, nấm rơm... cùng nước dùng có vị ngọt đậm đà tạo cho thực khách cảm giác thích thú và ngon miệng khi thưởng thức.
Mỗi bát bánh canh cua hiện nay có giá khoảng 30.000 đồng. Khi ăn món này, thực khách thường gọi thêm quẩy để ăn kèm cho khỏi ngấy và thêm phần ngon miệng.
Địa chỉ: Quán bánh canh cua - 87 Trần Khắc Chân, quận 1. Quán bắt đầu bán từ 14h đến 21h30 hàng ngày.
Theo NS
Bún thịt nướng ngon ở đường Bùi Đình Túy Bún tươi, thịt nướng, nem nướng, chả giò ăn kèm với rau sống thái nhỏ cùng nước mắm chua ngọt tạo nên hương vị hài hòa. Bún thịt nướng nhiều thành phần nhưng không cầu kỳ, là món ăn nhanh, phù hợp với tính cách cũng như cuộc sống năng động của người Sài Gòn. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức món...