‘Hai Phượng’: Thiếu chút nữa là tròn trịa!
‘Hai Phượng’ vẫn là tác phẩm quá nổi bật so với mặt bằng chung của điện ảnh Việt ở thời điểm hiện tại.
Ngay khi công bố dự án Hai Phượng, khán giả đã có phen xôn xao vì đây là bộ phim hành động cuối cùng của Ngô Thanh Vân. Và không khiến người hâm mộ phải thất vọng, ở tác phẩm khép lại hành trình đưa nàng Á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam qua ảnh trở thành đả nữ số một nước nhà, Ngô Thanh Vân đã cống hiến những pha võ thuật đẹp mắt, lồng ghép trong một cốt truyện không mới song giàu tính nhân văn.
Đừng bao giờ chọc vào hổ cái đang nuôi con
Tất cả những bà mẹ đều là nữ anh hùng, điều này chưa bao giờ sai, và Hai Phượng cũng vậy. Hai Phượng làm cái nghề xưa nay chỉ cánh đàn ông mới dám: đòi nợ thuê. Cô đòi không chừa một ai, từ gã chủ trại heo cho tới tay buôn cát, đòi một cách ngang tàn, từ dùng gạch đập vào đầu đối phương cho tới vùng lên dưới lưỡi dao, rựa. Bỏ ngoài tai sự chỉ trỏ của mọi người, lượm những đồng tiền bị bà chủ ném xuống đất, tất cả những gì Hai Phượng làm chỉ vì một mục đích: kiếm tiền nuôi cô con gái tên Mai ăn học.
Hai Phượng hiện lên với hình ảnh của một bà mẹ không hề chuẩn mực: chân đấm tay đá, hút thuốc lá, nấu nướng vụng về, nhưng cô vẫn thương Mai chẳng kém người đàn bà có con nào khác. Cô nấu cho Mai món bé thích ăn nhất, kiên nhẫn lắng nghe từng câu chuyện của con, thậm chí còn đi cầm cả đôi bông tai do cha tặng ngày bé để ‘công chúa’ nhà mình được nuôi ‘ké’ bè cá.
Tuy nhiên, bè cá chưa thấy đâu mà Mai đã mất tích. Cô bé bị bọn buôn người bắt cóc khi đang ngồi bên bờ sông. Từ đây, hành trình tìm con dài 14 tiếng của Hai Phượng bắt đầu.
Để miêu tả chính xác tâm trạng cũng như sự quyết liệt của Phượng, Trực – tay xã hội đen hoàn lương từng tham gia đoàn buôn trẻ con đã dùng câu chuyện của con hổ cái. Trước đây, hắn từng quen một vị lão làng săn hổ, lão kể hắn nghe rất nhiều điều hay, đặc biệt nhấn mạnh rằng đừng bao giờ chọc vào hổ mẹ đang nuôi con, ai bắt con nó, nó nhớ mặt, tìm tới tận nhà xé xác.
Hai Phượng như con hổ cái phát điên vì tìm con, cô đuổi từ Cần Thơ lên tới Tp. Hồ Chí Minh, nằm thùng xe tải, cơm chưa ăn được bữa nào đã lãnh no đòn, uống no nước sông. Nhưng Hai Phượng không từ bỏ, cô tự mình điều tra, lao vào hang ổ của đám xã hội đen, bởi chỉ cần ‘lơi’ ra một phút, Hai Phượng có thể sẽ khó bao giờ còn được gặp con gái mình nữa.
Cách Hai Phượng hành động cũng hệt như sự trả thù của loài hổ – mạnh mẽ, can đảm, dứt khoát và phải tiêu diệt bằng được kẻ cầm đầu. Ai khiến con cô đau, cô sẽ bắt chúng trả giá gấp mười lần.
Các cảnh hành động mãn nhãn
Không phải vô cớ mà người ta luôn chờ mong những bộ phim võ thuật có Ngô Thanh Vân đóng chính. Từ Bẫy rồng, Dòng máu anh hùng cho tới Lửa Phật, cô luôn khiến cho khán giả phải ‘ồ’, ‘òa’ bằng những ngón đòn lợi hại, chuyên nghiệp.
Và trong Hai Phượng, tất cả những pha hành động đều được nâng lên tầm cao mới. Các thế đánh chắc, nhanh, dứt khoát, chú trọng vào lực mang tới cho người xem cảm giác chân thật. Với dáng người mảnh mai, cân đối, nữ diễn viên họ Ngô tiếp tục tận dụng lợi thế linh hoạt của mình. Cô di chuyển tốc độ, có những pha khiến đối phương không kịp trở tay.
Đặc biệt trong cảnh cuối phim, nhiều người không kịp chớp mắt với màn ‘liên hoàn cước’ hạ gục thủ lĩnh đường dây buôn trẻ em của Hai Phượng.
Một phần không thể thiếu trong các cảnh hành động chính là vũ khí. Nhờ Hai Phượng, người xem như được mở rộng tầm mắt vì bất cứ thứ gì trong tầm với cũng có thể trở thành vật gây thương tích: ống bô xe máy, dây lục bình, trái cây, bình hoa, hay cả cây nhang (hương). Súng ống ‘hạng nặng’ chỉ xuất hiện ở cuối phim.
Để có được những cảnh quay ‘ăn tiền’ này, đoàn làm phim Hai Phượng đã tới ‘gõ cửa’ ekip chỉ đạo võ thuật của Hollywood. Riêng với Ngô Thanh Vân, cô từng dính chấn thương khi tự thực hiện cảnh hành động ‘nặng đô’ trong phim.
Vẫn có những phút lắng lòng
Ngoài những cảnh đánh đấm nảy lửa, Hai Phượng còn làm không ít khán giả rơi nước mắt qua các cao trào tình cảm. Đây không phải lần đầu tiên vào vai người mẹ, nhưng Ngô Thanh Vân trong Hai Phượng đằm hơn, dày dạn phong sương hơn và cũng tình cảm hơn.
Lúc con bị bắt đi, Hai Phượng không rơi nước mắt. Lúc kể chuyện cho người y tá nghe, cô cũng không chảy một giọt lệ nào. Nhưng lúc bị anh trai ruồng rẫy, lúc cô bất lực vì không có một cánh tay nào giơ ra để giúp cô cứu con, rồi lúc gặp lại con gái trong cũi gỗ, cô đã khóc như vỡ òa. Nước mắt dồn nén bấy lâu tuôn ra theo lẽ tự nhiên như tình thương Hai Phượng dành cho Mai lay động nhiều trái tim.
Trailer Hai Phượng
Không chỉ vậy, cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa Trực, mẹ Trực và Hai Phượng cũng tạo được điểm nhấn nhất định với ánh mắt thương xót mà Trực dành cho mẹ khi bị Hai Phượng xiết cổ.
Phim của Ngô Thanh Vân không thể thiếu ‘hồn cốt’ Việt
Không khó để nhận ra bên trong con người của đả nữ phim Việt luôn đau đáu nỗi niềm về văn hóa nước nhà trong phim điện ảnh. Khi phần đông cộng đồng còn xem chuyện cổ tích chỉ là thứ dành cho trẻ còn, thì Ngô Thanh Vân đã dốc tiền của để quay Tấm Cám: Chuyện chưa kể, khi phong cách retro lên ngôi, thì Ngô Thanh Vân cho khán giả một vé quay về Sài Thành năm 1969 bằng Cô Ba Sài Gòn.
Ở Hai Phượng, bộ quần áo bà ba theo cô suốt từ đầu tới cuối phim, tiếng địa phương với âm ngọng ‘r’ – ‘g’ cũng là điểm nhấn tinh tế. Bên cạnh đó, những thứ được xem như đặc trưng nhất của miền sông nước phía Nam đều được đưa vào phim theo cách hết sức tự nhiên: nhà nổi, ghe thuyền, đường đất, bụi tre,…
Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh cũng hiện lên với các mảng sáng tối đối lập: các tòa nhà cao tầng với khu ổ chuột, Hai Phượng đầu bù tóc rối đi ngược với đám đông, những con đường lớn sáng đèn với hẻm hốc tối đen,…
Hình ảnh Hai Phượng trong phim cũng được xây dựng dựa trên những tính cách ‘vàng’ của phụ nữ Việt: tần tảo, giàu đức hy sinh, thương người và toàn tâm toàn ý vun vén cho gia đình nhỏ.
Sự trở lại của Lê Văn Kiệt
Nhắc tới Lê Văn Kiệt, người ta nghĩ ngay tới những tác phẩm mang hơi hướng kinh dị, tăm tối, u uất và nghẹt thở như Ngôi nhà trong hẻm hay Dịu dàng. Trước đó, anh từng ‘ghim’ tên vào lòng khán giả bằng một Bẫy cấp ba bị cấm chiều vì có quá nhiều cảnh bạo lực, quan hệ tình dục, nhất là khi các nhân vật chính còn đang là học sinh cấp ba.
Đến với Hai Phượng, Lê Văn Kiệt tiếp tục mang tới bầu không khí nặng và căng như dây đàn. Cùng với đó, cách xử lý màu phim trầm, thiên về tông lạnh ở nửa sau, âm thanh dồn dập, đẩy cao trào liên tục khiến người xem không thể nào không nhớ tới những bộ phim ‘lạnh xương sống’.
Nhưng so với những tựa phim trước, dễ nhận thấy vị đạo diễn trở về từ nước ngoài này đã tiết chế hơn trong việc sử dụng hình ảnh máu me, không để tính kinh dị lấn át chất hành động, những cảnh quay cần tình cảm trông rất đỗi dịu dàng. Tuy có để dán nhãn C18 nhưng Hai Phượng không có quá nhiều cảnh ghê rợn đến mức nhắm mắt.
Hai Phượng: Hay, đẹp, nhưng chưa thực sự tròn trịa
So với mặt bằng chung của phim điện ảnh Việt đương thời, Hai Phượng dường như đã đạt tới một ‘cảnh giới’ hoàn toàn khác: diễn biến rất nhanh, chuyển cảnh rất ‘Tây’, diễn viên đóng rất có hồn. Nhưng không phải vì thế mà khán giả không nhìn thấy ’sạn’ từ phim.
Tác phẩm do Ngô Thanh Vân đóng chính và tham gia sản xuất có cốt truyện khá đơn giản và cách giải quyết tình tiết cũng đơn giản không kém. Khó ai tin được rằng rất nhiều giấy tờ quan trọng liên quan đến chuyên án mà Lương – vị cảnh sát tài ba đã dày công nghiên cứu, lại nằm ‘tơ hơ’ ngay trên bàn, hay việc anh cảnh sát đi lấy thuốc đau bụng cho Hai Phượng dù không biết cô đau ở đâu, như thế nào và tại sao thuốc có sẵn cũng khiến khán giả ‘nhíu mày’.
Về phần thoại, phim không được đánh giá quá cao bởi ngôn từ trong phim sử dụng khá đơn điệu, nghèo nàn, lặp đi lặp lại nhiều lần, đôi chỗ bị ‘màu mè’, cường điệu và cố đưa tới những triết lý hơi xa vời. Bên cạnh đó, khán giả vẫn mong nhân vật Trực của Phạm Anh Khoa được góp vai trò quan trọng hơn trong phim.
Sau hai buổi chiếu sớm vào ngày 20 và 21, Hai Phượng sẽ chính thức ra rạp từ ngày 22/02/2019.
Theo tiin.vn
REVIEW Hai Phượng (Furie)
Sau một mùa phim Tết đầy biến động thì Hai Phượng (Furie) chính là điểm sáng của điện ảnh Việt trong năm nay và là tác phẩm mang đến cho khán giả niềm tin vào nền điện ảnh nước nhà.
Hai Phượng là một bộ phim có đề tài không mới. Ngay từ khi công bố dự án khán giả đã so sánh này với series Taken của Liam Neeson. Nhưng Hai Phượng có nhiều yếu tố để tạo nên dấu ấn riêng, và không ngoa khi nói rằng đây là bộ phim Việt đạt chuẩn Hollywood cho đến thời điểm hiện tại.
Cốt truyện đơn tuyến nhưng vừa đủ độ hấp dẫn
Không cần có một kịch bản phức tạp với nhiều subplot (cốt truyện phụ) để "hack" não khán giả, Hai Phượng với kịch bản đơn tuyến vẫn khiến người xem không thể rời mắt trong suốt thời lượng 100 phút. Phim chỉ đơn giản là hành trình người mẹ đi cứu đứa con gái bị bắt cóc, qua đó triệt phá được đường dây buôn bán trẻ em xuyên quốc gia. Câu chuyện tuy đơn giản và đề tài khá cũ nhưng lại dễ theo dõi. Các nhân vật khác cũng được xây dựng vừa đủ, đóng vai trò nhất định trong cốt truyện và không có ai là dư thừa. Hành trình cứu con của Hai Phượng diễn ra liên tục trong 14 giờ đồng hồ, nhưng không tạo cảm giác lê thê hay cụt lủn và nhịp phim giữ được phong độ khá tốt.
Hành động, đánh đấm cực kì mãn nhãn
Không chỉ dừng lại ở mức mãn nhãn, những cảnh hành động, đánh đấm trong Hai Phượng còn khiến người xem cảm thấy cảm phục. Các pha đánh đấm đều được thực hiện rất cụ thể và bài bản, từng động tác, từng vị trí đánh đều rất chuyên nghiệp. Đặc biệt là màn kết liễu nhân vật phản diện của Hai Phượng khiến ai cũng phải vỗ tay và trầm trồ khen ngợi. Đã lâu lắm rồi, từ thời Bẫy Rồng, Lửa Phật, Dòng Máu Anh Hùng, khán giả mới được thưởng thức thêm một phim Việt có những màn hành động, đánh đấm khiến khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Để làm ra được những màn cận chiến đã mắt và chuyên nghiệp này dĩ nhiên là nhờ vào sự hỗ trợ của ekip chỉ đạo võ thuật đến từ Hollywood, và đặc biệt là chính bản thân diễn viên Ngô Thanh Vân. Nếu như những vai diễn trước đây của chị trong cách phim Bẫy Rồng, Lửa Phật và Dòng Máu Anh Hùng giúp chị gầy dựng tên tuổi, được công chúng biết đến với vai trò đả nữ, thì vai Hai Phượng càng củng cố thêm danh hiệu này và xứng đáng là vai diễn để đời của chị. Có lẽ cũng không có gì sai khi nói Ngô Thanh Vân là đả nữ hàng đầu Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Màu phim cực đẹp
Đã là phim hành động thì dĩ nhiên mảng hành động, đánh đấm được chăm chút nhiều nhất. Thế nhưng ở Hai Phượng còn có một điểm đáng khen khác, đó chính là màu sắc. Hai màu chủ đạo trong phim là tím và xanh, tạo cảm giác vừa u buồn vừa bí ẩn và nguy hiểm. Mà đẹp nhất chính là những lúc Hai Phượng lang thang, luồn lách trong những con hẻm ở Sài Gòn để tìm manh mối cứu con mình. Ánh sáng, màu sắc, góc quay lúc này mang dáng dấp của văn hoá cyberpunk - thứ văn hoá đặc trưng với hình ảnh những đô thị ảm đạm, tăm tối, những góc phố, con đường, con hẻm sáng rực ánh đèn neon xanh tím, và hình ảnh của những con người chen chúc, bước đi trong hối hả.
Những chi tiết đậm chất Việt Nam
Việc bộ phim đi theo đề tài bắt cóc và bị đem ra so sánh với series Taken của Liam Neeson là điều không thể tránh khỏi. Nhưng có chăng là do ý tưởng giống nhau, còn bối cảnh, cách giải quyết các tình huống và những màn đánh đấm đều hoàn toàn khác. Và không phải chỉ có Hai Phượng đi theo đề tài bắt cóc, mẹ cứu con này mà vốn dĩ trước đó đã có khá nhiều phim như Kidnap (2017) hay All the Money in the World (2018).
Giống nhau về đề tài, nhưng Hai Phượng lại chứa đựng những chi tiết rất riêng, khiến nó trở thành một bộ phim "nhỏ nhưng có võ", đạt đến chuẩn quốc tế nhưng vẫn mang dấu ấn của Việt Nam trong đó. Từ chiếc áo bà ba, bối cảnh miền Tây sông nước, những con hẻm tăm tối ở Sài Gòn, cho đến cách chọn đạo cụ để chiến đấu.
Xem phim hành động, chúng ta đã quá quen thuộc với những màn đọ súng, đua xe, cháy nổ. Đến với Hai Phượng, khán giả sẽ được chứng kiến những nhân vật đánh nhau bằng những đạo cụ rất đời thường như dao, rìu, rựa, hay thậm chí là bất cứ thứ gì trong tầm với của họ như dây lục bình dưới sông, trái sầu riêng ở chợ, cờ lê, tua vít, bình bông và thậm chí là cây nhang ở tiệm sửa xe...
Cách chọn đạo cụ rất bình dân này không chỉ làm tăng thêm tính địa phương cho bộ phim, mà còn khiến cho các pha cận chiến này trở nên kịch tính và "thốn" hơn rất nhiều. Điều này còn cho thấy được sự tinh tế và thông minh của ekip làm phim, khi biết tận dụng những thứ sẵn có để tạo nên những thước phim khiến ai cũng phải trầm trồ.
Vẫn còn những hạt sạn nhỏ
Điều đáng tiếc là lời thoại ở một vài cảnh vẫn còn chưa được tự nhiên. Những câu nói của bé Mai và Hai Phượng về nỗi sợ hãi còn mang đậm tính triết lý và khá "dừ" đối với một đứa trẻ. Bên cạnh đó, thể trạng của Hai Phượng cũng được "buff" hơi quá đà, bởi dù sao nhân vật này cũng chỉ là một người phụ nữ, nhưng lại phải đánh liên tiếp từ sáng đến tối, thậm chí không ăn không uống, và hạ gục được khá nhiều đối thủ nặng đô. Nhưng may mắn là những hạt sạn này hoàn toàn có thể bỏ qua được và không làm giảm độ hấp dẫn của bộ phim.
Là bộ phim hành động cuối cùng của Ngô Thanh Vân trong vai trò đả nữ, Hai Phượng quả thật là một cột mốc đẹp và đáng nhớ trong sự nghiệp của Ngô Thanh Vân nói riêng, và điện ảnh nước nhà nói chung. Hy vọng rằng trong tương lai chúng ta sẽ được thưởng thức thêm nhiều bộ phim "xịn" như thế này.
Chúc mừng ekip và cảm ơn Ngô Thanh Vân vì đã đưa điện ảnh Việt ra thế giới!
Theo moveek.com
Ngô Thanh Vân đánh nhau 'sống chết' để cứu con gái 8 tuổi bị bắt cóc Vậy là sau bao thời gian chờ đợi, khán giả đã được thưởng thức teaser thứ hai của bộ phim điện ảnh hành động "Hai Phượng". Đoạn teaser không dài nhưng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những cảnh hành động đến nghẹt thở của Ngô Thanh Vân khi rơi vào tình trạng khốn cùng. Hai Phượng là dự án phim điện ảnh...