Hải Phòng suýt bị máy bay Mỹ hủy diệt như thế nào?
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, một vụ nổ mạnh gấp hai lần quả bom nguyên tử hủy diệt thành phố Hiroshima của Nhật đã suýt xảy ra ở Hải Phòng.
Mỹ ném bom tàu vận tải Liên Xô ở các cảng Việt Nam
Bắt đầu vào mùa xuân năm 1965, những con tàu chở hàng Liên Xô thường xuyên đưa hàng hóa quân sự-kỹ thuật và kinh tế đến bờ biển miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là các hải cảng của Hải Phòng và Quảng Ninh.
Trong cuối hồi ký của mình, ông Nikolai Kovalev – đại diện đầu tiên của Bộ Hàng hải Liên Xô ở Việt Nam cho biết, ông đã đến Hải Phòng vào khoảng giữa tháng 10 cùng năm, tại văn phòng được thành lập theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ ký năm 1965.
Trong thời kỳ đầu Mỹ leo thang chiến tranh, tiến hành chiến dịch ném bom rộng khắp toàn miền Bắc Việt Nam, hàng tháng có tới 40 tàu Liên Xô hoạt động trên các tuyến đường biển, trên hành trình dài từ 10 đến 45 ngày để đưa hàng hóa đến Hà Nội, Cẩm Phả và Hòn Gai.
Ở vịnh Bắc Bộ, máy bay và tàu chiến Mỹ không ngừng tìm cách cản trở tàu hàng Liên Xô. Máy bay Mỹ tiến hành những cú bay thấp nguy hiểm mô phỏng đòn tấn công, ép các tàu đi lệch hướng. Việc vào các cảng của Việt Nam cũng là thực tế đầy nguy hiểm đối với các tàu Liên Xô.
Ngày 20/10, ông đã chứng kiến các chiến sĩ tên lửa Liên Xô tiêu diệt máy bay trinh sát Mỹ, chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn rơi trên đất Hải Phòng. Tổng cộng cho đến khi ông rời Việt Nam năm 1968, ông đã chứng kiến 211 con “chim kền kền” Mỹ bị tiêu diệt trên bầu trời thành phố cảng.
Ông Nikolai Kovalev hồi tưởng, cảng Hải Phòng khi ấy mới có sáu bến tàu trong đó chỉ ba bến có thể tiếp nhận tàu biển độ mớn nước đến 8m.
Các bến không có cần cẩu và phương tiện bốc dỡ. Hàng hóa từ tàu được vận chuyển bằng xe tải hoặc xà lan đường sông. Kho bãi cũng nhỏ cộng với sự hạn chế mặt bằng ảnh hưởng xấu đến tiến độ xử lý hàng. Một trở ngại nữa là biến động của mực nước thủy triều lên tới 4 mét.
Máy bay Mỹ ném bom Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
Nhưng vấn đề chính làm giảm tốc độ bốc dỡ là những vụ không kích của máy bay Mỹ. Thời gian đầu, sự hiện diện của tàu vận tải Liên Xô là yếu tố bảo vệ các cảng không bị ném bom. Nhưng chẳng bao lâu sau, những kẻ xâm lược coi nhẹ cả điều này.
Video đang HOT
Ngày 19 tháng 4 năm 1966, máy bay Mỹ đã ném bom cảng than Cẩm Phả. Hôm đó, tàu Salsk của Liên Xô đang đậu trong bến. Ngày 15 tháng 2 năm 1967, một cuộc không kích tiếp theo xảy ra khi tàu Khorol bốc than tại cảng Cẩm Phả, các tàu Tylmat và Mongugay đang đứng trong vũng tàu.
Ngày 14/3/1967, trong cuộc không kích vào Hải Phòng, một quả tên lửa bắn từ máy bay đã bay trên tàu Mozhaisk đậu ở bến tàu và phát nổ cách tàu khoảng 200 mét.
Ngày 24/4 cùng năm, một tên lửa của Mỹ phát nổ dưới nước, cách không xa các tàu Balashikha, Magnitogorsk và Leninogorsk.
Từ ngày 12 đến 26/4/1967, tàu Công nhân Bryansk thả neo trên sông Bạch Đằng. Trên tàu là 96 tấn đạn pháo phòng không. Các máy bay Mỹ vượt tốc độ âm thanh ở độ cao thấp chao lượn trên con tàu, ném các thùng chứa tên lửa cách tàu không xa nhưng không dám cả gan tấn công tàu.
Ngày 10 tháng 5 năm 1967, gần 30 chiếc máy bay Mỹ đã đánh bom nhà máy xi măng, kho chứa dầu và kho bãi của cảng Hải Phòng, trong khi đó các tàu Simferopol, Bakuriani, Nagaevo và Kur của Liên Xô khi ấy đứng cách bến đậu chỉ khoảng 300 mét.
Trong cuộc không kích đó, đã có tới bốn máy bay Mỹ đã bị các tên lửa Liên Xô nằm trong thế trận phòng không bảo vệ Hải Phòng bắn hạ. Ngày 29 tháng 6 năm 1967, hai máy bay Mỹ đã trực tiếp gây hư hại cho tàu Mikhail Frunze đang đậu trong cảng Hải Phòng.
Thủy thủ Liên Xô quên mình cứu Hải Phòng
Bản danh sách các tàu Liên Xô bị hư hại vì bom Mỹ còn rất dài nhưng ở đây chúng ta đề cập đến một vụ việc đặc biệt nguy hiểm do các vụ không kích của Mỹ đối với các tàu vận tải Liên Xô ở cảng Hải Phòng, thậm chí có lần đã từng suýt san bằng cả thành phố.
Quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1945 là vụ nổ mạnh nhất trong thế kỷ XX (không tính đến các vụ nổ thử nghiệm). 23 năm sau đó, một vụ nổ mạnh hơn Hiroshima đã suýt nữa xảy ra ở cảng Hải Phòng của Việt Nam.
Vào thời kỳ Mỹ leo thang ném bom miền Bắc Việt Nam, vào tháng 7 năm 1968, Liên Xô cũng tăng cường viện trợ hàng hóa, vũ khí-trang bị cho nhân dân và Quân đội Việt Nam. Khi đó, tại cảng Hải Phòng cũng như các cảng Hòn Gai và Cẩm Phả hàng ngày có từ 10 đến 13 tàu của Liên Xô.
Tháng 7/1968, tàu Aleksandr Grin của Liên Xô đến cảng Hải Phòng với lô hàng diêm tiêu rất lớn, để phục vụ cho nhu cầu ngành công nghiệp quốc phòng và nông nghiệp Việt Nam, theo đơn đặt hàng của chính quyền nước sở tại.
Diêm tiêu là vật liệu cháy nổ vô cùng nguy hiểm, thậm chí còn hơn cả những loại bom kích cỡ lớn nhất. Do đó, việc vận chuyển diêm tiêu dù là bên cạnh các mặt hàng an toàn nhất như là hoa quả cũng đòi hỏi mọi biện pháp an toàn tối đa, đặc biệt là phòng cháy.
Trên thế giới đã từng xảy ra những vụ nổ diêm tiêu kinh hoàng. Ví dụ như vào năm 1947, tại cảng của Texas-City đã xảy ra hỏa hoạn trên con tàu của Pháp làm nổ tung 2.000 tấn diêm tiêu.
Vụ tai nạn kéo theo phản ứng dây chuyền các đám cháy và vụ nổ trên nhiều tàu hàng và tàu chở dầu đỗ lân cận. Hậu quả là hơn 1500 người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích. Cảng và một phần Texas-City đã bị phá hủy, nhiều doanh nghiệp bị san bằng hoặc cháy rụi.
Một góc cảng Hải Phòng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Hoặc là thảm họa năm 1921 tại một nhà máy hóa chất ở thành phố Oppau (Đức) cũng là bằng chứng về sự nguy hiểm của diêm tiêu khi bắt lửa. Vụ nổ đã phá tan tất cả các ngôi nhà trong thành phố. Sóng nổ làm vỡ kính những căn nhà ở cách xa nhà máy 70 km.
Vào tháng 7 năm 1968, các máy bay Mỹ đã chủ định ném bom vào tàu Alexander Grin đang đậu trên bến với lô hàng diêm tiêu, khiến một đám cháy lớn đã bùng lên trên tàu.
Theo xác định của các chuyên gia sau này, nếu diêm tiêu trên Alexander Grin bắt lửa thì công suất vụ nổ này sẽ không những lớn hơn nhiều các vụ ở Texas và Oppau mà còn mạnh gấp đôi sức công phá của bom nguyên tử mà người Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.
Tuy nhiên, các thủy thủ Liên Xô đã kiên cường chiến đấu với lửa. Họ cứu không chỉ tính mạng của chính mình và con tàu, mà cả khu cảng và thành phố Hải Phòng. Nếu vụ nổ diêm tiêu xảy ra trên Alexander Grin, thành phố Hoa Phượng Đỏ của Việt Nam sẽ hầu như bị san bằng.
Đội ngũ công nhân cảng cũng khẩn trương tham gia hỗ trợ thủy thủ trên tàu, khiến đám cháy đã được dập tắt, hàng hóa nguyên vẹn, thành phố thoát thảm họa trong gang tấc.
Ba thủy thủ người Nga đã hy sinh trong trận chiến với lửa để cứu Hải Phòng là thuyền trưởng Khutorsky, các thủy thủ Gridnev và Razuvaev.
Sau này, họ tên của Valentin Khutorsky đã được trao cho một con tàu mới của Liên Xô, cũng thực hiện nhiều chuyến vận tải hàng hóa đến Việt Nam.
(Theo Đất Việt)
Sức mạnh xe bọc thép Guardian Việt Nam đã nhận
Ngày 21/9/2016, lô xe bọc thép IAG 44 Guardian Tactical đã đã xuất hiện tại cảng Hải Phòng.
Theo những thông tin được nhà sản xuất công bố, IAG 44 Guardian Tactical là dòng xe chuyên dụng dành cho nhiệm vụ tác chiến cơ động và chở quân.
Đối tượng sử dụng Guardian Tactical bao gồm cả quân đội và cảnh sát nhưng thường trang bị cho cảnh sát nhiều hơn. Tính năng của loại xe bọc thép này theo nhận xét là tương đương với dòng GAZ-2975 Tigr của Nga.
Xe bọc thép IAG Guardian Tactical xuất hiện tại cảng Hải Phòng
Số lượng cụ thể Việt Nam sở hữu dòng xe bọc thép này mới đây đã được Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI thống kê trong báo cáo mới nhất của mình, tổng cộng có 10 xe đã được chuyển giao trong năm 2016, giá trị hợp đồng cũng chưa có con số cụ thể.
Đoàn xe bọc thép IAG 44 Guardian Tactical di chuyển trên đường phố Việt Nam
IAG 44 Guardian Tactical được đánh giá có khả năng tác chiến cao nhờ lớp bọc thép chống đạn, chống sức ép nổ và khả năng vượt địa hình mạnh mẽ. Chiếc xe này còn có ưu điểm ở chi phí bảo dưỡng và vận hành thấp.
Guardian Tactical chở được 10 binh sĩ với trang bị đầy đủ. Khi cần thiết xe sẽ lắp thêm tháp súng có khả năng xoay 360 độ và có thể bổ sung các loại vũ khí khác như tên lửa chống tăng hoặc súng phóng lựu.
Động cơ có 2 sự lựa chọn tùy theo yêu cầu khách hàng, đó là loại diesel V8 dung tích 6,7 lít và hoặc động cơ xăng V10 6,8 lít. Hộp số đi kèm là loại 5 hoặc 6 cấp.
(Theo Đất Việt)
Máy bay đội Air Force One bị lỗi có thể gây hỏa hoạn Lỗi kỹ thuật của nhóm thợ máy hãng Boeing khi bảo trì một trong những chiếc máy bay của phi đội Air Force One có thể gây tai nạn nghiêm trọng. Đài CNN ngày 11-5 dẫn một báo cáo của các nhà điều tra bên Không quân Mỹ cho biết lỗi trên thuộc về 3 thợ máy của hãng Boeing. Theo đó, các...