Hải Phòng huy động hàng chục ngàn người ứng phó bão
Thành phố Hải Phòng tổ chức họp khẩn cuối chiều 22/6 để ứng phó với Bão số 2 có thể đổ bộ vào địa phương này.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng đến 20 giờ 00 ngày 22/6 toàn bộ phương tiện hoạt động trên vùng biển Hải Phòng đã về nơi trú tránh bão.
Tuyến đê biển huyện Cát Hải sẽ hứng chịu những cơn sóng dữ đầu tiên từ Bão số 2 đổ bộ vào Hải Phòng – Ảnh Minh Khang
Tàu cá Nghệ An số hiệu 93704 NA trên đường di chuyển từ Bạch Long Vỹ đến Cát Bà đề nghị được hỗ trợ cũng đã vào neo đậu trú tránh bão tại vịnh Cát Bà.
Cụ thể, tàu đã neo đậu tại các bến 3.364 tàu /10.469 lao động; Bè nuôi trồng thủy sản đã neo đậu 504 bè /1.003 lao động.
Các ngành, các địa phương, lực lượng vũ trang trên địa bàn Thành phố có kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia PCLB&TKCN, trong đó, Lực lượng xung kích hộ đê, PCLB và TKCN: 36.925 người; 347 xe ôtô các loại, 162 tàu và xuồng cao tốc, 04 xe thiết giáp; cùng với các phương tiện, vật tư, lương thực, thực phẩm khác phục vụ cho công tác PCBL-TKCN theo kế hoạch được giao. Các ngành các địa phương đã có sự chuẩn bị nhân lực, vật tư theo phương án phòng chống bão số 2.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, UBND TP Hải Phòng đã phát đi Công điện khẩn số 04 gửi các sở, ngành, đơn vị địa phương trên địa bàn Thành phố, triển khai gấp một số nhiệm vụ cấp bách nhằm đối phó với Bão số 2.
Theo đó, Công điện yêu cầu bằng mọi biện pháp liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú an toàn; tổ chức neo đậu tàu, thuyền trong các khu trú tránh, di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải đang neo đậu;
Chủ động thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở các khu vực ven sông, ven biển, các khu nhà cũ xung yếu, khu du lịch biển; tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình đang thi công, khu nuôi trồng thuỷ sản, trang trại chăn nuôi, cầu tàu, bến cảng, kho tàng, tàu vận tải, tàu du lịch và các cơ sở đóng tàu;
Chủ động biện pháp điều tiết nước trong hệ thống công trình thủy lợi để bảo vệ lúa, mạ và hoa màu; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Theo ghi nhận của PV TS, vào hồi 18h và 23h ngày 22/6, khu vực ven biển Hải Phòng đã xuất hiện một số cơn giông, có lúc có gió giật, kèm theo mưa rào nặng hạt.
Hệ thống truyền thanh các địa phương liên tục phát đi thông tin về diễn biến và hướng đi của Bão số 2 để người dân nắm được, chủ động chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, hoa màu, chuẩn bị tinh thần để ứng phó với Bão số 2.
Theo vietbao
Diễn biến phức tạp, bão số 2 giống bão Sơn Tinh
Bão số 2 liên tục đổi hướng và được cho là phức tạp tương tự như bão Sơn Tinh năm 2012, một cơn bão được cho là mạnh nhất trong 30 năm đã gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương mà nó đi qua.
Hồi 16 giờ chiều 22/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 360 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Hiện có rất nhiều dự báo khác nhau về vị trí mà bão sẽ đổ bộ được các cơ quan khí tượng của các nước như Mỹ, Nhật... đưa ra. Còn theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 16 giờ ngày 23/06, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ kinh Đông, trên khu vực vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 70km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 24/06, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,8 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ kinh Đông, trên khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa từ đêm nay (22/6) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Ở các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình từ đêm nay sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Ngoài ra do ảnh hưởng của đới gió tây nam có cường độ mạnh nên khu vực quần đảo Hoàng Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy.
Hinh ảnh dự báo đường đi của bão số 2
Trước diễn biến phức tạp của bão số 2, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW sáng nay, 22/6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, các phương tiện thông tin đại chúng và các tỉnh, thành thông báo kịp thời đến người dân.
Theo Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh phải khẩn trương xác định vị trí của các tàu và ngư dân còn chưa liên lạc được và những tàu chưa vào nơi tránh trú an toàn. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương từ khu vực nguy hiểm như Quảng Ninh, Hải Phòng xuống đến Quảng Bình chủ động cấm biển theo tình hình thực tế. Đặc biệt cần lưu ý đến tàu thuyền du lịch và kêu gọi người lên khỏi các lồng bè.
Dự báo bão có thể vào khu vực phía Bắc và các địa phương vùng biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Phú Thọ... nên các địa phương này cũng cần chủ động kiểm tra, đặc biệt là những khu vực nguy hiểm để kịp thời sơ tán. Đồng thời, chủ động các phương tiện vận tải trong tình thế giao thông bị chia cắt bởi ảnh hưởng của bão. Các địa phương cũng lưu ý quản lý tốt các hồ chứa. Về sản xuất nông nghiệp, với khả năng có thể mưa lớn ở cả vùng Thanh Hóa, Nghệ An, biên giới phía Bắc thì việc tiêu nước đệm cần được lưu ý.
Theo vietbao
Khó dự báo chính xác tâm bão số 2 đổ bộ Bão số 2 vào chiều nay, chỉ còn cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh- Hải Phòng khoảng 400km. Mặc dù đi vào Vịnh Bắc bộ, nhưng bão số 2 được dự báo vẫn có khả năng đổi hướng, khó xác định tâm đổ bộ. Hồi 10 giờ sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ...