Hải Phòng: Cây đa di sản 13 gốc gắn với câu chuyện tâm linh huyền bí
Xóm làng giờ đã thành đô thị, nhưng cây đa 13 gốc gắn với hình ảnh làng quê ‘cây đa, bến nước, sân đình’ cùng với những câu chuyện huyền bí vẫn được giữ gìn, bảo vệ.
Tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Tp.Hải Phòng, có điểm đến thu hút rất đông du khách và người dân địa phương đến thăm quan, vãn cảnh hay cầu khấn công việc, cuộc sống được thuận lợi. Đó là cây đa 13 gốc và phủ Chúa Bà ở khu vực Xóm Trại, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Tp.Hải Phòng.
Người dân Xóm Trại vẫn kể cho nhau câu chuyện, xưa làng chưa thành phố, cây đa 13 gốc đã sum suê, tươi tốt, tán cây bao trùm cả một khu vực rộng lớn tới cả nghìn m2. Cây mọc ngay cạnh giếng và đình làng tạo nên khung cảnh quen thuộc của làng quê Bắc Bộ “cây đa, giếng nước, sân đình”.
Cây đa di sản 13 gốc ở phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Tp.Hải Phòng giống hình mâm xôi (Ảnh: Thái Phan).
Cây đa di sản 13 gốc ở phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Tp.Hải Phòng là một trong những cây đa lớn nhất nước ta (Ảnh: Thái Phan).
Tương truyền, xưa có một vị tướng quân trên đường đi đánh giặc dừng chân ở đây và buộc ngựa vào cây đa khiến ngọn cây bị gãy. Sau đó, tán cây mọc ra bốn phía và cây đa có hình dáng như ngày nay.
Video đang HOT
Do tán lá tỏa ra bốn phía, từ xa nhìn lại cây đa 13 gốc trông giống như mâm xôi khổng lồ. Vào mùa xuân, khi vạn vật tươi tốt, nếu đứng dưới gốc cây nhìn lên, chẳng thấy khe hở nào. Chim chóc đua nhau kéo về làm tổ, tiếng chim hót líu lo rộn rã bốn mùa. Người dân nơi đây thường xuyên quét lá đa khô về đun.
Trẻ chăn trâu rất thích hái quả đa chấm với muối trắng ăn bùi bùi. Sau mỗi buổi làm đồng vất vả, dân làng có thói quen dừng chân nơi bến nước rửa tay, rửa chân, đến giếng làng vốc từng vốc nước trong xanh, mát lạnh rửa mặt rồi đến ngồi nghỉ dưới tán đa. Bao nỗi mệt nhọc sau một ngày làm việc vất vả dường như tan biến.
Cây đa chỉ cao chừng hơn 10 m, nhưng có tới hàng chục cành to, nhỏ tỏa ra chung quanh, bóng cây che mát cả một khoảng đất rộng. Đỡ các cành cây là các rễ phụ giống như cột chống. Cây có 1 gốc chính và 12 rễ phụ, nên người dân địa phương gọi là cây đa 13 gốc.
Phủ Chúa Bà cạnh gốc chính của cây đa di sản 13 gốc ở phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).
Gắn liền với cây đa 13 gốc là câu chuyện nhuốm màu sắc tâm linh, huyền bí mà người dân địa phương vẫn kể cho khách phương xa. Chuyện rằng, vào thời Pháp thuộc, phố Cầu Đất (cùng quận Ngô Quyền, Tp.Hải Phòng- PV) hiện tại còn được gọi là phố Cô Đầu bởi có nhiều nhà hát cô đầu (còn được gọi là hát ả đào hay ca trù).
Khi ấy, có một ca nương nổi tiếng xinh đẹp, hát hay chẳng may yểu mệnh mất đúng vào giờ thiêng, nên rất linh thiêng. Có người thương cảm dựng đền thờ ở gần đó. Sau do biến cố của lịch sử, đền cũ không còn.
Một đêm, có người phu xe khi đang đứng chờ khách ở gần đền cũ bỗng thấy có người con gái mặc quần áo trắng gọi xe về khu vực Xóm Trại. Khi người phu xe chở đến cây cầu nhỏ bắc qua mương gần cây đa 13 gốc, bỗng người con gái biến mất, trên xe chỉ còn lại tiền âm phủ.
Người dân trong vùng tin rằng, người con gái kia hiển linh về cây đa 13 gốc ngự. Sau đó, họ dựng nơi thờ phụng quanh năm hương khói gọi là phủ Chúa Bà.
Các rễ phụ tạo thành các gốc cây của cây đa di sản 13 gốc ở phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).
Xóm Trại giờ trở thành khu dân cư thuộc phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Tp.Hải Phòng. Do thời gian và chiến tranh, đình làng không còn, nhưng giếng làng, cây đa 13 gốc và phủ Chúa Bà vẫn còn.
Khách phương xa đến đây, có dịp ngắm cây đa khổng lồ, kỳ lạ và đắm mình trong bầu không gian yên tĩnh nhuốm màu linh thiêng ngay giữa phố phường nhộn nhịp, thấy lòng thư thái. Còn người dân trong vùng sống xa quê, khi trở về, nhìn thấy tán cây như mâm xôi vươn lên trời cao, cảm giác ấm áp tình quê hương lại ùa về.
Năm 2014, cây đa 13 gốc được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường công nhận là Cây di sản Việt Nam. Theo đánh giá của Hội, cây đa 13 gốc là một trong những cây đa lớn nhất nước ta với tuổi đời hơn 300 năm.
Cát Bà - "đảo Ngọc" của vùng Bắc Bộ
Chỉ cách thành phố Hải Phòng 30km, nằm trong vịnh Lan Hạ và liền kề với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng) sở hữu tiềm năng du lịch rất lớn với sự đa dạng sinh học khó nơi nào sánh bằng.
Năm 2004, quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vịnh Lan Hạ cũng nằm trong danh sách những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Những lợi thế nổi trội ấy đã khẳng định vị thế cũng như vẻ đẹp tiềm ẩn của quần đảo được mệnh danh là "đảo Ngọc" của khu vực Bắc Bộ.
Hòn đảo du lịch
Quần đảo Cát Bà có lịch sử hình thành và phát triển địa chất từ khoảng 18.000 năm trước. Nơi đây hiện còn lưu giữ những dấu tích gắn với 77 địa điểm khảo cổ, điển hình là Di chỉ Cái Bèo (thị trấn Cát Bà). Quá trình hình thành lâu dài đã góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cũng như bản sắc văn hóa đặc trưng của "đảo Ngọc".
Quần đảo Cát Bà bao gồm 367 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Cát Bà có diện tích lớn nhất (khoảng 100km2) và là một thị trấn thuộc huyện Cát Hải. Đây là hòn đảo du lịch hấp dẫn du khách với hai "mùa" rõ rệt: "Mùa" du lịch nội địa kéo dài từ tháng 5 - 8 và "mùa" khách quốc tế từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mang lại thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, dịch vụ trên hòn đảo này.
Có nhiều cách để tới Cát Bà. Từ Hà Nội, du khách có thể đi đường bộ, đường hàng không hoặc đường sắt đến thành phố Hải Phòng, sau đó qua cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện sang đảo Cát Hải. Đi thêm 7km nữa, du khách sẽ đến bến Gót để đi phà sang bến Cái Viềng. Từ đây, du khách có thể đi xuyên qua Vườn quốc gia Cát Bà hoặc theo con đường ven biển dài 25km đến trung tâm đảo. Du khách cũng có thể theo hướng từ Tuần Châu (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) sang Cát Bà bằng tàu, kết hợp tham quan vịnh Hạ Long.
Ngoài ra, du khách còn có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp của quần đảo Cát Bà từ trên cao bằng cách trải nghiệm tuyến cáp treo có trụ cao nhất thế giới đã được Tổ chức Kỷ lục Guiness chứng nhận, với điểm đầu là đảo Cát Hải, điểm cuối là khu vực bến Cái Viềng, tổng chiều dài là 3.955m. Việc tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ được coi là giải pháp gỡ "nút thắt" để Cát Bà vươn lên trở thành một hòn đảo du lịch trong thời gian tới.
Đa dạng các hoạt động trải nghiệm
Đến Cát Bà, du khách có dịp khám phá tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng, phong phú với hệ thống núi, rừng, biển vô cùng kỳ vĩ, nên thơ và hoang sơ. Nếu ưa thích tìm hiểu thiên nhiên, du khách có thể tới Vườn quốc gia Cát Bà - nơi hội tụ hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rừng trên cạn, hệ sinh thái rừng ngập mặn, với 4.500ha rừng nguyên sinh với hệ động, thực vật phong phú, quý hiếm, trong đó có nhiều loài đặc hữu được đưa vào Sách đỏ Việt Nam như voọc đầu trắng, quạ khoang, sóc đen; cây lát hoa, kim giao, sến mật...
Nếu ưa thích khám phá các vịnh, đảo, hang động, du khách có thể trải nghiệm đi tàu trên vịnh Lan Hạ và vui chơi cùng đàn khỉ "hiếu khách" trên đảo Cát Dứa (đảo Khỉ). Ngoài ra, du khách còn có thể chèo thuyền kayak khám phá hang Sáng, hang Tối hay trải nghiệm lặn biển để lạc trong thế giới đầy màu sắc của các loài san hô. Một trong những trải nghiệm được nhiều du khách ưa thích tại vịnh Lan Hạ là thử thách leo vách núi đầy mạo hiểm. Đây là một trải nghiệm mang lại cảm giác mạnh, rất phổ biến ở nước ngoài nhưng còn khá hiếm tại Việt Nam.
Nhờ sở hữu tài nguyên sinh thái đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, loại hình du lịch trekking (đi bộ đường dài) bắt đầu phát triển mạnh và thu hút chủ yếu là đối tượng khách trẻ. Các địa điểm mà du khách hướng tới là những khu vực có địa hình núi thấp hay thung lũng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ và có giá trị về văn hóa - lịch sử như hang Quân y, động Trung Trang, động Đá Hoa, ao Ếch, làng Việt Hải...
Anh Bùi Minh Công, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Cát Bà không chỉ đẹp mà còn hấp dẫn bởi những trải nghiệm độc đáo, mới lạ và phù hợp với xu hướng du lịch hậu Covid-19. Tôi tin rằng thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu đi du lịch trở lại sẽ tăng cao và Cát Bà sẽ là một điểm đến được nhiều du khách lựa chọn".
Để bảo vệ và khai thác tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên của Cát Bà, thành phố Hải Phòng đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể "Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà" là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây sẽ là "bàn đạp" thúc đẩy du lịch Cát Bà phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế của "đảo Ngọc" trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Top điểm đến tâm linh đẹp kỳ vĩ tại Quảng Ninh Không chỉ có di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Quảng Ninh còn sở hữu những quần thể tâm linh kỳ vĩ. Đó cũng là lý do mỗi mùa xuân đến, hoặc mỗi khi muốn cầu an lành phước lộc, nhiều du khách Phật tử lại muốn hành hương về miền đất Phật này.