Hải Phòng: “Ai chống lưng” cho việc lấn rừng phòng hộ của doanh nghiệp?!
Từ nguồn gốc đất rừng phòng hộ, đất nuôi trồng thủy sản, một số cá nhân, doanh nghiệp tại Hải Phòng đã “hô biến” thành đất phục vụ cho doanh nghiệp. Việc này diễn ra ngang nhiên trong thời gian dài mà không bị cơ quan nào “hỏi” tới… Vì sao lại có tình trạng này?
Hơn 1,6ha rừng phòng hộ bị chiếm, phá
PV báo ĐS&PL đi dọc theo tuyến đê hữu Đá Bạc thuộc địa bàn xã Gia Minh và xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên, không khó để bắt gặp tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp vi phạm quy định trong sử dụng đất đai. Bởi, trong Báo cáo số 190/BC-UBND ngày 1/9/2015 của UBND huyện Thủy Nguyên đã liệt kê ra 5 tổ chức, cá nhân vi phạm việc sử dụng tài nguyên đất từ năm 2010. Trong đó, nổi cộm nhất là công ty Cổ phần Hải Phát (công ty Hải Phát) và công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Gia Đức (công ty Gia Đức).
Theo báo cáo trên, khu đất mà công ty Hải Phát tọa lạc có mục đích sử dụng ban đầu là nuôi trồng thủy sản. Sau đó, Công ty này đã tiến hành làm thủ tục thuê đất đối với tổ chức, xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đầu tư, xây dựng cơ sở dịch vụ sửa chữa tàu thuyền, chế biến than mỏ, kho bãi hàng hóa và vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, công ty Hải Phát đã để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể, Công ty này đã lấn chiếm 4.747m2 rừng phòng hộ nằm ngoài chỉ giới được thuê, trong đó ngang nhiên chặt bỏ 1.480m2 rừng phòng hộ. Sau đó, công ty tiến hành xây dựng 2 cầu cảng ngoài chỉ giới được thuê nằm trên diện tích đất có rừng đã bị chặt bỏ. Thấy mọi việc thuận lợi, không vấp phải khó khăn, phản ứng gì của chính quyền, Công ty này tiếp tục cho xây dựng “chui” hàng loạt công trình kiên cố khác như: Hai nhà nghỉ công nhân, 1 văn phòng, 1 nhà bảo vệ, 1 trạm điện, 1 trạm cân trên bãi sông.
Công ty Gia Đức chiếm trọn 9.702m2 đất rừng phòng hộ.
Cách không xa khu vực của công ty Hải Phát là khu đất của công ty Gia Đức. Do thấy công ty Hải Phát ngang nhiên làm sai mà không hề hấn gì, Công ty Gia Đức cũng sẵn sàng bất chấp luật pháp, thậm chí còn có phần táo bạo hơn. Cụ thể, công ty Gia Đức đã tiến hành lấn chiếm 7.902m2 đất rừng phòng hộ nằm ngoài chỉ giới được thuê. Sau đó, Công ty này đã tận dụng khoảng rừng chiếm được xây dựng nhiều công trình với quy mô lớn: Hai cầu cảng, 01 phần âu tàu, 01 trạm cân. Được đà làm tới, Công ty tiếp tục cho xây dựng 01 nhà ở công nhân, 01 nhà văn phòng 2 tầng rất hoành tráng với diện tích sử dụng lên tới 348m2. Tất cả những hạng mục xây mới này đều không có giấy phép xây dựng, hoặc không phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt.
Điều đáng nói nữa, không chỉ vi phạm diện tích rừng phòng hộ, đa phần các công trình xây dựng “chui” nêu trên đều nằm trong hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ. Việc này đã vi phạm nghiêm trọng luật Đê điều.
Ngang nhiên tồn tại!
Video đang HOT
Để mục sở thị vụ việc, PV báo ĐS&PL đã tìm về 2 xã Gia Minh, Gia Đức để tìm hiểu sự việc. Con đường độc đạo dẫn vào 2 xã hiện đang ở tình trạng bị xuống cấp một cách nghiêm trọng. Diện tích hành lang đê, đất rừng bị doanh nghiệp lấn chiếm hiện hữu sờ sờ trước mặt. Người dân ở đây cũng không hiểu sao doanh nghiệp sai phạm nghiêm trọng như thế mà vẫn ngang nhiên tồn tại, không bị xử lý.
Cũng theo người dân, không chỉ phá rừng, lấn chiếm hành lang đê và nhiều sai phạm khác, đường sá ở đây bị tàn phá như vậy là do hàng chục xe chở vật liệu của các công ty, bến bãi khai thác, tập kết vật liệu trên tuyến đê hữu sông Đá Bạc lưu thông qua lại. Vì là con đường độc đạo, nên hằng ngày người dân trên đường mưu sinh, trẻ em đi học đều phải gánh chịu cảnh mưa thì sình lầy, nắng thì bụi mù, nguy cơ mất an toàn giao thông luôn cận kề. “Trước đây chúng tôi đã từng lập lán trại phản đối, không cho xe của doanh nghiệp đi vào tàn phá đường, nhưng cũng không giải quyết được gì” – một người dân bức xúc cho hay.
Một số doanh nghiệp tự chiếm đất rừng, đất đê để mở rộng doanh nghiệp.
Sau khi tìm hiểu sự việc, mục sở thị khu đất doanh nghiệp vi phạm, PV báo ĐS&PL đã gặp ông Vũ Văn Quyền – Chủ tịch xã Gia Minh để trao đổi. Ông Quyền cho biết: “Vì ông mới nhận chức được 6 tháng nên không biết, không nắm được tình hình”. Khi PV đề nghị được gặp cán bộ chuyên môn, ông Quyền quanh co “cán bộ chuyên môn đều không có mặt tại xã”, còn ông Chủ tịch HĐND (người được ông Quyền cho là nắm rõ tình hình sự việc-PV) thì đang “bận họp”. “Với lại chủ yếu là bên xã Gia Đức ấy, các anh chị cứ qua đó mà hỏi!”, ông Quyền “mách nước” cho PV tác nghiệp.
Ngay sau đó, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lã Văn Long, Chủ tịch UBND xã Gia Đức. Ông Long nói: “Xã có nắm được tình hình sai phạm của các tổ chức, cá nhân như nêu trên và đã nhiều lần ngăn chặn, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm. Ngay từ khi bắt đầu xảy ra sai phạm, xã đã báo cáo, xử lý kịp thời”. Tuy nhiên, ông Long lại không đưa ra được văn bản nào minh chứng cho việc “đã báo cáo, xử lý kịp thời” mà mình nói.
Sau đó, ông Long giải thích thêm, khu đất trên tuyến đê hữu sông Đá Bạc đoạn qua địa bàn xã trước đây là do bà con khai hoang trong quá trình quai sông, lấn biển. Trong tháng 11/2015, thành phố và sở NN&PTNT đã thành lập đoàn kiểm tra, làm rõ các sai phạm. Tuy nhiên đến giờ xã vẫn chưa nhận được quyết định xử lý.
Để làm rõ thêm trách nhiệm của các cấp chính quyền để xảy ra sai phạm trên, PV báo ĐS&PL đã liên hệ với ông Bùi Doãn Nhân – Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên để trao đổi về thực trạng báo động trên. Ông Nhân cho biết, huyện đã chủ động báo cáo thành phố về tình trạng này. Trước đó, vì lý do nguồn nước ô nhiễm, làm thủy sản chết hàng loạt, thành phố đã đồng ý cho phép các doanh nghiệp thuê, chuyển đổi mục đích sử dụng để phù hợp với quy hoạch. Huyện Thủy Nguyên cũng đã có quyết định giao đất cho các hộ trên. Đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm, chặt phá rừng phòng hộ, huyện đã rà soát, giao cho ngành kiểm lâm kiểm tra, xử lý. Huyện cũng đã ban hành nhiều quyết định xử phạt hành chính, đồng thời đình chỉ những công trình vi phạm.
Khi được hỏi về việc có khá nhiều diện tích rừng phòng hộ đã và đang bị xâm hại, chặt bỏ để xây cầu cảng, ông Nhân lý giải: “Huyện cũng chỉ đạo chặt bỏ đến đâu trồng mới đến đó, đảm bảo đúng phạm vi cho phép; phấn đấu hết 2015 trồng mới đủ diện tích đã chặt bỏ, nhưng hiện tại vẫn chưa làm được. Còn việc các đơn vị xây dựng cầu cảng trên diện tích rừng đã bị chặt bỏ đến nay đã được cơ quan chức năng cấp phép”.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước khi để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, ông Nhân cho rằng, trách nhiệm thuộc về chính quyền sở tại, nơi xảy ra sai phạm.
Khi PV đề nghị cung cấp các văn bản về quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất, giấy phép xây dựng cầu cảng, biên bản xử phạt các công trình vi phạm…, ông Nhân hứa sẽ làm việc với các đơn vị liên quan như phòng Kinh tế Hạ tầng, phòng NN&PTNT, Thanh tra huyện rồi sẽ cung cấp thông tin cho báo chí.
ĐS&PL sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc này đến bạn đọc khi có thông tin từ cơ quan chức năng.
THÀNH ĐẠT – MINH THƯ
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Nghệ An: "Lâm tặc" tuyên bố dùng 'luật rừng' xử 2 lãnh đạo phòng hộ
Lâm tặc ngang nhiên mang máy móc phương tiện lên khu vực biên giới khai thác, tập kết gỗ trái phép với quy mô lớn. Khi bị phát hiện, điều tra, nhóm đối tượng đã đe dọa, lăng mạ lực lượng chức năng.
Từ ngày 7 - 9/1/2016, lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương (Nghệ An) đã tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tại tiểu khu 990, 991 khu vực Đòi Hoi, Chum Vại thuộc địa bàn hai xã Thanh Sơn và Hạnh Lâm (Thanh Chương), vùng này giáp ranh với biên giới Việt Lào.
Tại khoảnh 2, 5 và 6 thuộc tiểu khu 990 tuyến Chum Vại, lực lượng chức năng đã phát hiện một khối lượng lớn lâm sản trái phép tập kết tại nhiều điểm dọc đường biên giới xuống khe chum vại.
Do địa bàn hiểm trở, để lên được địa điểm tập kết gỗ trái phép mất hơn 5 giờ đồng hồ leo núi, lại bị các đối tượng cảnh giới điện thoại báo tin, nên khi lực lượng bảo vệ rừng tổ chức tuần tra lên đến nơi, lâm tặc đã rời khỏi hiện trường.
Lực lượng chức năng phá bỏ máy tời gỗ và đốt cháy lán trại của lâm tặc.
Lực lượng bảo vệ rừng đã phá lán, 2 máy tời gỗ và một số dụng cụ phục vụ cho việc khai thác vận chuyển gỗ lậu, lập biên bản thống kê số gỗ vận chuyển và khai thác trái phép.
Tổng số tang vật thu được gồm 72 phiến gỗ, 16 khúc gỗ tròn ước khoảng 36m3 gỗ các loại như Táu, Sến, Giổi, De....
Tại hiện trường giáp biên giới, lực lượng chức năng phát hiện 7 gốc mới bị chặt trên địa bàn Việt Nam là gỗ táu, còn một phần lớn nghi ngờ các đối tượng khai thác trái phép từ Lào, vận chuyển về Việt Nam để tập kết, chờ thời cơ khi các ngành chức năng sơ hở thì kéo ra, đưa đi tiêu thụ.
Do lực lượng bảo vệ rừng của kiểm lâm và phòng hộ vào cuộc quyết liệt nên vào chiều ngày 09/1/2016, một số đối tượng đã kéo về trạm BVR Khe 4 của Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương để đe dọa hành hung cán bộ.
Đây là những đầu nậu, lâm tặc khét tiếng ở địa phương, các đối tượng lâm tặc còn tuyên bố sẽ dùng luật rừng để xử lý hai đồng chí trạm trưởng và trạm phó.
Ông Dương Lê Hường, Trạm trưởng Trạm Khe 4 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ nói: "Chúng tôi phát hiện vụ phá rừng từ ngày 7/1, sau khi phát hiện đẩy đuổi, phá máy tời thì 3 lâm tặc người xã Hạnh Lâm đến trạm chửi bới, đe dọa".
Khi nhận được tin báo các đối tượng vào đe dọa hành hung, chửi bới tại Trạm BVR Thanh Chương, lãnh đạo BQL đã báo cáo chỉ huy Đồn Biên phòng Ngọc Lâm và Hạt Kiểm lâm hỗ trợ lực lượng để giải tán đám đông.
Ngày 11/1/2016, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (PC 49) của Công an tỉnh Nghệ An được tăng cường để phối hợp mở rộng điều tra xử lý vụ việc.
Trao đổi với PV qua điện thoại, sáng ngày 13/01, Đại tá Trần Hữu Hồng, Trưởng Phòng PC49 cho biết: "Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với lực lượng kiểm lâm, rừng phòng hộ để bảo vệ hiện trường và đưa số gỗ tịch thu về nơi tập kết; đồng thời mở rộng điều tra, làm rõ nhóm người lăng mạ, đe dọa lực lượng chức năng. Nếu điều tra truy tìm được chủ mưu, đủ cơ sở sẽ khởi tố hình sự".
Thành Lê
Theo_Người Đưa Tin
Bị tịch thu gỗ, "lâm tặc" đến trạm bảo vệ rừng đe dọa cán bộ Sau khi bị lực lượng chức năng phát hiện vụ phá rừng phòng hộ tại biên giới, các lâm tặc đã kéo đến trạm bảo vệ rừng chửi bới, đe dọa các cán bộ ở đây. Thông tin từ Đại tá Trần Hữu Hồng, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Nghệ An cho biết,...