Hai phố hàng rong đầu tiên ở TP.HCM ra sao sau hơn 1 năm hoạt động?
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, 2 phố hàng rong đầu tiên ở TP.HCM đã trở thành nơi buôn bán, mưu sinh chính của những gia đình khó khăn tại Quận 1, đồng thời cũng là địa điểm tham quan thu hút khách du lịch.
Ngày 28/8/2017, mô hình thí điểm 2 khu phố hàng rong đầu tiên dành cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn của TP.HCM ở đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp (Quận 1) bắt đầu được mở bán.
Lãnh đạo TP.HCM hy vọng nếu thành công, những khu phố hàng rong chính là địa điểm kinh doanh cho các hộ dân gặp khó khăn mà không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường và tạo tiền đề để quản lý trật tự đô thị hiệu quả sau chiến dịch dẹp vỉa hè rầm rộ của ông Đoàn Ngọc Hải.
Để tạo điều kiện cho người dân có thể buôn bán tại đây, UBND Quận 1 còn hỗ trợ một phần về cơ sở vật chất, còn lại người dân tự trả chi phí điện, nước trong quá trình sử dụng.
Thời gian bán hàng cũng được chia thành 2 ca, trong đó, ca sáng từ 6h – 10h30 và ca chiều từ 10h30 – 15h.
Phố hàng rong nhìn từ xa ở Công viên Bách Tùng Diệp (Quận 1, TP.HCM).
Theo anh Đào, chủ 1 xe hàng rong tại vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm, khi mới bắt đầu bán lượng khách rất thưa thớt. Qua 1 năm hoạt động, lượng khách bắt đầu có sự tăng lên rõ rệt, chủ yếu là dân văn phòng, bên cạnh đó còn có khách du lịch và sinh viên đến thể tham quan, trải nghiệm. Lượng khách ổn định trong thời gian qua đã giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ổn định được kinh tế và cuộc sống.
“Thỉnh thoảng những ngày mưa lớn không có nhiều khách các hộ dân ở đây trao đổi, tự mua và sử dụng các mặt hàng của nhau để hạn chế số hàng dư thừa không bán được phải bỏ đi. Nhưng số ngày như thế cũng không nhiều, cuộc sống chúng tôi đã ổn định hơn sau khi có phố hàng rong này”, anh Đào cho biết.
Video đang HOT
Mặt hàng thực phẩm đồ ăn, thức uống được chế biến sẵn rồi mang đến bán, các hộ kinh doanh còn bán thêm thực phẩm sẵn, thức ăn nhanh, đồ uống các loại để tạo sự phong phú và đa dạng, giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn.
Phố hàng rong ở đường Nguyễn Văn Chiêm.
Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa tại 2 khu phố hàng rong cũng rất rẻ, giá thức ăn dao động từ 15.000 – 40.000 đồng/suất, nước uống dao động từ 5.000 – 20.000 đồng.
Trước đó, ngày 20/3/2017, UBND Quận 1 (TP.HCM) đã đưa ra đề xuất thành lập phố hàng rong tại 3 tuyến đường trung tâm. Tuy nhiên, UBND TP.HCM chỉ đồng ý, phê duyệt 2 địa điểm là vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm và bên trong công viên Bách Tùng Diệp.
Tại vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm, phố hàng rong sẽ dài 40 m ở hướng đường Hai Bà Trưng, dành cho 20 hộ kinh doanh. Tại công viên Bách Tùng Diệp nằm trên đường Lý Tự Trọng, đoạn bán hàng rong dài 30 m được bố trí cho 15 hộ.
NHẬT LINH
Theo VTC
TP Hạ Long lên tiếng về vụ đốt tàu, thuyền bán rong trên vịnh Hạ Long
"Việc tiêu hủy tàu, thuyền bán hàng rong trên vịnh Hạ Long là đúng quy định pháp luật và việc đốt các phương tiện trên là mang tính răn đe, không đốt tàu của ngư dân...". Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long, Hồ Quang Huy khẳng định.
Chỉ tiêu hủy các phương tiện bán rong chặt chém khách du lịch trên vịnh
Vừa qua, UBND TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành tiêu hủy hàng chục tàu, thuyền vi phạm trên vịnh Hạ Long. Dùng lửa để tiêu hủy là một trong những phương án được UBND TP Hạ Long lựa chọn. Việc làm này của UBND TP Hạ Long đã khiến dư luận xôn xao.
Hạ Long đốt tàu, thuyền bán hàng rong, "chặt chém" khách du lịch
Để làm rõ vấn đề này, PV Infonet đã có buổi làm việc với ông Hồ Quang Huy, Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long.
Tại buổi làm việc ông Huy cho biết, vừa qua ở khu vực phường Cao Xanh, UBND TP Hạ Long có tổ chức tiêu hủy khoảng gần 50 phương tiện hoạt động trái phép trên vịnh Hạ Long.
Các tàu, thuyền trên đã bị cơ quan chức năng thu giữ từ nhiều năm, chủ phương tiện không đến nhận, nhiều phương tiện đang trong tình trạng mục nát, không có đăng ký đăng kiểm... Quá trình tiến hành tiêu hủy, UBND TP Hạ Long đã thực hiện theo đúng quy định, trình tự pháp luật.
Trả lời câu hỏi UBND TP Hạ Long có đốt tàu của ngư dân hay không, ông Huy cho biết, quá trình theo dõi, quản lý, cơ quan chức năng TP Hạ Long đã xác định rõ phương tiện nào là của ngư dân và phương tiện nào là của người dân, dùng để buôn bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch khi tham quan vịnh Hạ Long.
"UBND TP Hạ Long chỉ tiêu hủy các phương tiện bán hàng rong không có đăng ký, đăng kiểm, chèo kéo, chặt chém khách du lịch". ông Huy khẳng định.
Liên quan đến vấn đề vì sao UBND TP Hạ Long lại lựa chọn phương án đốt các phương tiện, ông Huy cho hay, theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì việc UBND TP Hạ Long đốt một số phương tiện vi phạm là không sai và mang tính chất răn đe. Tuy nhiên, thời gian tới Hạ Long sẽ rút kinh nghiệm.
Hạ Long "mạnh tay" với tàu, thuyền bán rong trên vịnh
Theo tìm hiểu của PV Infonet, những năm trước, vịnh Hạ Long là nơi trú ngụ, tập trung của nhiều tàu, thuyền chuyên bán hàng rong, với rất nhiều đối tượng manh động. Các chủ tàu thuyền này thường "phối hợp" hoặc ép các tàu du lịch cho họ lên tàu để chèo kéo, ép du khách mua hải sản, hoa quả, đồ lưu niệm...
Dù có đầy đủ lực lượng, như: Công an, trật tự đô thị, cảnh sát môi trường..., nhưng quá trình truy bắt, thường xảy ra tình trạng chống đối, thậm chí nhiều đối tượng cùng lao vào giải cứu phương tiện vi phạm trong tay các lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, từ năm 2015, khi Ban Quản lý vịnh Hạ Long được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho UBND TP Hạ Long quản lý. Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP Hạ Long kiêm chức trưởng ban thì môi trường du lịch trên vịnh Hạ Long đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo đó, sau gần 2 năm ra quân, các lực lượng chức năng TP Hạ Long đã thu giữ, thiêu hủy hàng trăm tàu, thuyền chuyên bán hàng rong, lừa, ép khách trên các tàu du lịch phải mua hàng với giá "cắt cổ". Đã có những cuộc truy bắt như phim hành động, khi chủ tàu thuyền chống trả quyết liệt và kêu gọi hàng chục tàu khác lao vào giải cứu.
Ông Hồ Quang Huy cho biết, vì Quảng Ninh là địa phương đã và đang xây dựng hình ảnh, môi trường du lịch đẹp trong mắt du khách. Vì vậy việc người dân sử dụng tàu, thuyền bán hàng rong áp sát tàu du lịch, ép buộc khách du lịch mua hàng đã làm xấu hình ảnh đẹp về du lịch của Quảng Ninh. Do đó, trong thời gian tới, Hạ Long sẽ tiếp tục mạnh tay trong việc xử các trường hợp trên.
Theo infonet
Chợ cóc chiếm dụng đường đi vào trụ sở UBND xã Đức Thượng Thời gian gần đây, UBND huyện Hoài Đức đã quyết liệt ra quân lập lại kỷ cương trật tự văn minh đô thị dọc các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, trong đó có đường quốc lộ 32 đoạn đi qua địa bàn huyện. Hình ảnh chợ cóc nằm ở con đường độc đạo dẫn vào trụ sở UBND xã Đức Thượng gây...