Hai nút thắt không thể gỡ của cuộc khủng hoảng Ukraine
Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đã đến Nga để tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, những nút thắt vẫn khó cởi mở.
Dân chủ của Ukraine qua lời người lính
Kế hoạch tổng tấn công của Kiev đã khiến cuộc nội chiến Ukraine lên tới đỉnh điểm. Song song với các hành động leo thang bắn phá, Kiev cũng đồng loạt thực hiện nhiều hành động tổng động viên để có lực lượng quân sỹ dồi dào để theo đuổi cuộc chiến lâu dài.
Nhưng sự thật về chiến trường dường như đang được chính chính quyền Kiev giấu diếm những tân binh của họ. Tờ VZ của Nga đã có cuộc phỏng vấn với anh lính Andrian Volgin thuộc tiểu đoàn Donbass của Ukraine đang chiến đấu ở miền Đông thì Kiev đã giấu nhẹm mọi thông tin về thiệt hại.
“Trước cuộc chiến, với thông tin báo chí mà tôi biết được thì dường như chúng ta sắp hạ gục được chế độ độc tài và cuộc chiến có những dấu hiệu tốt đẹp. Nhưng cuối cùng tôi nhận được là báo chí đã bị o ép, và họ chỉ vẽ ra những bức tranh mà mọi người muốn thấy, chứ không phải sự thật.”
Anh lính này cho rằng: “Chúng tôi không một ai được tiếp cận với sự thật rằng 30, 40 người lính hi sinh một ngày, trong khi con số này được thống kê là 2 – 3 người/ngày. Chúng tôi chiến đấu cho sự trung thực của thông tin, tự do của nhân dân. Và mọi người đáng được biết những gì đang diễn ra.”
Cảnh chiến trường Debaltsevo sau một cuộc đụng độ giữa hai bên
Xét về tính thông tin, đây là kênh truyền thông của Nga và có thẻ là một trong những đòn tâm lý chiến trong chiến lược truyền thông của Moscow. Tuy nhiên, nhìn lại toàn bộ vụ việc, người ta đã thấy tân binh Ukraine tụ tập biểu tình trước cửa Bộ Nội vụ nước này, và hàng loạt đàn ông trốn nghĩa vụ và sống trong các trại tị nạn của Nga hay các nước láng giềng châu Âu.
Trong khi đó, Ukraine thông qua lệnh cho phép “bắn trực tiếp” khi sĩ quan cảm thấy người lính bất tuân thượng lệnh. Họ lên danh sách những người trốn nghĩa vụ vã có những kế hoạch “bắt lính” cho đủ quân số.
Video đang HOT
Người dân Ukraine đang nhận thấy mục đích để họ cầm súng trở nên mơ hồ, và câu hỏi đặt ra, họ chiến đấu cho lợi ích, cho dân chủ của họ, hay chiến đấu cho thêm một chế độ độc tài mới, chỉ chuyển từ thân Nga thành thân phương Tây.
Còn với ly khai Donbass, truyền thông Ukraine không nói, nhưng truyền thông Đức, Pháp đã nói thực tế về việc Donetsk và Lugansk đã mở rộng phạm vi kiểm soát so với trước khi cuộc tổng công kích hồi tháng 1/2015 nổ ra hàng trăm km vuông.
EU đang cố vớt vát sai lầm
Một thông tin đáng chú ý trong ngày 6/2/2015, lãnh đạo Đức, Pháp đã có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Nga. Từ sân bay, hai vị nguyên thủ là Hollande và Merkel đã đi thẳng đến Điện Kremlin để gặp ông Putin. Đây là cuộc gặp mặt đối mặt, không có tham gia của thành viên phái đoàn hay bất kỳ chuyên gia cố vấn nào.
Theo những thông tin trước đó, cả Pháp và Đức dã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Nga Putin về việc trao cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine lãnh thổ rộng hơn và quyền tự trị lớn hơn.
Tuy nhiên, trước khi đến với Nga, hai nhà lãnh đạo này đã qua Ukraine và làm công tác tư tưởng với chính quyền Kiev về việc cần phải chấm dứt nổ súng ngay lập tức, và chuẩn bị cho các lộ trình hòa bình nếu không muốn một thất bại toàn diện về cả chính trị và kinh tế.
Người dân Debaltsevo sơ tán khỏi khu vực chiến tranh, họ có thể được chuyển đến các trại tị nạn ở Nga
Có thể thấy rằng, Đức và Pháp đang đóng vai trò ngoại giao con thoi, khi tự mình phải đi đàm phán, đặt điều kiện với tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng. Dù hai nước có bác giải pháp của Tổng thống Nga, thì cái mà họ phải thừa nhận, đó là không thể tiếp tục chiến tranh và những người Donbass phải có quyền tự trị.
Đây được coi như bước khởi đầu cho quá trình thành lập Liên bang của Ukraine, thứ mà từ đầu cuộc nội chiến đến nay, phương Tây luôn bỏ ngoài tai và không bao giờ công nhận ly khai như một lực lượng đáng tôn trọng.
Có thể nhận thấy chính sách của châu Âu đã thay đổi. Thứ mà họ không muốn nhất vào lúc này là Nga cùng với ly khai đang thắng thế, và họ dựa vào thực tế chiến trường để áp đặt các điều kiện đàm phán. Nỗ lực của châu Âu vào thời điểm này chỉ nhằm vớt vát được chút đỉnh, họ chấp nhận thua thiệt và chịu nhịn một số điều kiện của Nga, nhưng không phải tất cả.
Theo Nhật báo phố Wall thì khi sang Nga, dù mang theo nhiều lộ trình hòa bình nhưng cả Đức và Pháp vẫn để ngỏ khả năng gia tăng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa để làm cây gậy đặt lên bàn đàm phá với Nga.
Hai yếu tố khiến cục diện chưa thể giải quyết
Chưa biết ba bên Nga, Đức, Pháp có thể đưa ra sự thống nhất nào hay không. Chỉ có điều, cục diện đang vướng mắc phải hai nút thắt mà xem ra một mình EU không thể cởi.
Thứ nhất, Nga vẫn kiên định quan điểm của mình trong cuộc khủng hoảng của Ukraine. Sự kiên định của Nga đang bất chấp mọi sức ép từ phía nước ngoài.
Hậu thuẫn cho các hành động đàm phán của Đức, Pháp, hay quan điểm theo đuổi mâu thuẫn của Mỹ, NATO vừa qua tuyên bố thành lập thêm 6 căn cứ sát đất Nga, thành lập binh đoàn phản ứng cực nhanh… NATO mong rằng với vòng vây siết chặt này họ có thể tạo thêm nhiều tác động đến tư tưởng của Điện Kremlin.
Đức, Pháp, Nga đang ngồi lại với nhau để thỏa thuận phân chia Ukraine
Nhưng thực tế, NATO lập căn cứ, Nga thề đáp trả thích đáng và tương tự. Điều này cho thấy Moscow sẵn sàng đối đầu về quân sự với NATO, bởi họ đang nắm đằng chuôi. Nga hiểu rằng NATO không phải đứa trẻ hung hăng mang vũ khí đến đánh nhau với Nga.
Thậm chí việc viện trợ vũ khí cho Ukraine vẫn chưa được NATO thông qua, và Liên hợp quốc vẫn chưa cho phép triển khai quân đến quốc gia Đông Âu này. Và quan trọng nhất, Ukraine cũng chưa phải lợi ích tối thượng khiến cả châu Âu phải hi sinh bằng cuộc chiến tranh khu vực, thậm chí là chiến tranh hạt nhân.
Ngoài ra, các lệnh trừng phạt mà Đức, Pháp còn bỏ ngỏ có quá thực sự đáng lo? Khi cả EU còn đang nhùng nhằng chia làm ba trường phái: gia tăng trừng phạt Nga, giữ nguyên, và gỡ bỏ. Thậm chí những trường phái giữ nguyên hoặc gỡ bỏ trừng phạt đang thắng thế. Bởi Moscow hiểu rõ giá trị của mình trong nền kinh tế châu Âu. Càng trừng phạt Nga, châu Âu chẳng khác gì đang tự trừng phạt chính mình.
Đó là lý do vì sao Moscow kiên định đối đầu với cả phương Tây. Thực tế thì họ đối đầu với EU là chính, Mỹ chỉ giỏi nhất khoản cổ vũ từ xa. Và châu Âu thực sự không phải là đối thủ của Nga trong hoàn cảnh chồng chất bất ổn như hiện tại.
Nút thắt thứ hai của vấn đề, đó là Mỹ chưa muốn buông xuôi. Đã nhiều lần chúng ta bàn đến việc Mỹ lợi dụng Ukraine như một lá bài để ngăn chặn, cô lập, và làm sụp đổ nước Nga với thể chế mới do ông Putin dựng lên.
Quan điểm này một lần nữa được thể hiện ở Chiến lược quốc gia mới của Mỹ vừa được công bố, và theo đó, Mỹ coi Nga là mối nguy đối với quốc gia này và các đồng minh.
Debaltsevo tan hoang sau các cuộc pháo kích
Trong chiến lược đó, Mỹ tuyên bố đặt cái gọi là “sự xâm lược của Nga” bên cạnh những mối nguy khác như chủ nghĩa cực đoan thái quá, mối đe doạ khủng bố, cuộc chiến tranh mạng, thay đổi khí hậu và bệnh dịch truyền nhiễm.
Theo tài liệu này, Mỹ sẽ giúp châu Âu trong vấn đề an ninh năng lượng và đa dạng hoá nguồn cung năng lượng. “Sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung khí đốt của Nga cũng như mong muốn sử dụng năng lượng phục vụ các mục đích chính trị là mối lo của Mỹ. Chúng ta phải thúc đẩy sự đa dạng của các loại nhiên liệu, nguồn nguyên liệu, đường ống dẫn cũng như khuyến khích các nguồn cung tại chỗ”.
Thực tế thì cả Mỹ và Nga đều nhất quán quan điểm của họ với vấn đề Ukraine và mọi quan điểm khác, chỉ có EU là người bị kẹt ở giữa và phải luôn xoay chuyển để cân bằng lợi ích, thiệt hại của mình giữa hai bên Nga, Mỹ. Cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này là một trò chơi địa chính trị mà cả EU đã sai lầm về chính sách.Vừa qua, Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố ở Ukraine: “Tổng thống Obama đang xem xét việc viện trợ vũ khí cho quân đội Ukraine nếu sau cuộc họp giữa Nga, Đức, Pháp ngày 6/2/2015 ông Putin không có thái độ tích cực.”
Đỗ Minh Tú
Theo_Báo Đất Việt