Hai nguyên nhân chính khiến việc xét tuyển ĐH, CĐ rối loạn
Nếu Bộ GD – ĐT hạn chế mỗi thí sinh chỉ được phép chọn một ngành cho mỗi đợt xét tuyển như đã làm trước đây thì sẽ không gây ra rối loạn như hiện nay.
Càng đến những ngày cuối, đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vào đại học càng trở nên căng thẳng khi nhiều thí sinh đang chờ chốt điểm trúng tuyển để liệu đường rút HS hoặc chuyển nguyện vọng. Kỳ thi THPT quốc gia vừa kết thúc tốt đẹp, được dư luận đánh giá là nhẹ nhàng tại sao đến giai đoạn này lại trở nên rối rắm? Có hai nguyên nhân
Thứ nhất, Bộ GD&ĐT sử dụng sai từ “nguyện vọng”
Từ năm 2014 trở về trước, khi đăng ký dự thi ĐH thí sinh đã chọn 1 ngành (gọi là nguyện vọng 1 – NV1). Sau khi có kết quả thi các trường ĐH xét tuyển NV1 cho các thí sinh. Sau đó nếu có các ngành chưa đủ chỉ tiêu thì các trường xét tuyển đợt thứ 2. Trong đợt này thí sinh được chọn 1 ngành nữa gọi là NV2, vì vậy đợt xét tuyển này được gọi là đợt xét tuyển NV2.
Năm nay (2015) khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi thí sinh không được yêu cầu chọn ngành nào cả. Trong đợt xét tuyển này thí sinh được yêu cầu nộp hồ sơ ĐKXT, và thí sinh được phép chọn tối đa 4 ngành (gọi là NV) và phải xác định thứ tự ưu tiên nên gọi là NV1, NV2, NV3, NV4. Vì vậy xét về bản chất đây là “giai đoạn xét tuyển đợt 1″, nhưng do “quán tính” của cách gọi các kỳ thi trước Bộ gọi đợt xét tuyển này là “đợt xét tuyển NV1″ làm cho vấn đề đã khó hiểu lại càng khó hiểu hơn.
Thứ hai, Bộ không lường trước tác hại quá lớn của các nguyện vọng ảo đến tâm lý của thí sinh.
Thay vì mỗi hồ sơ ĐKXT chỉ được chọn 1 ngành Bộ lại cho phép mỗi thí sinh được chọn tối đa 4 ngành thay vì chỉ được chọn 1 ngành như trước đây. Tôi nghĩ rằng Bộ cho phép thí sinh được chọn 4 ngành là tin vào khả năng lọc ảo của phần mềm sử dụng giải thuật được đoạt giải Nobel. Bộ không ngờ rằng việc cho phép thí sinh được chọn 4 ngành đã gây tác hại ngay từ khi nộp hồ sơ chớ không chỉ tạo nên thí sinh trúng tuyển ảo khi hết hạn nộp hồ sơ và tiến hành xét tuyển.
Video đang HOT
Với quy định nêu trên các thí sinh điểm cao xuất hiện trong danh sách 4 ngành giống như chỉ có 1 Tề Thiên nhưng lại có thêm 3 Tề Thiên được hoá thân từ cái lông khỉ xuất hiện ở 4 nơi đẩy các thí sinh có điểm từ trung bình đến thấp làm cho cách thí sinh này hoang mang vì số thứ tự của họ xuống xa hơn chỉ tiêu. Càng ngày số lượng thí sinh điểm cao nộp đơn càng nhiều hơn nên sự rối loạn càng tăng mạnh hơn. Mấy ngày gần đây sự rối loạn này càng rõ hơn.
Nhiều trường ĐH chưa lường hết tác động này nên chưa chuẩn bị phương tiện CNTT hỗ trợ nên tôi cũng chưa biết rối loạn này sẽ đi đến đâu. Trường ĐH Cần Thơ chúng tôi đã nhận thấy sự tác hại của thí sinh ảo chỉ vài ngày đầu nhận hồ sơ nên chúng tôi đã xây dựng xong phần mềm lọc thí sinh ảo. Trong mấy ngày qua sự lọc ảo này đã phát huy tác dụng.
Ngoài ra cho phép thí sinh được chọn 4 ngành đã gây ra sự hiểu nhầm của thí sinh và phụ huynh làm cho họ không thể dựa vào stt của họ trong danh sách của ngành đăng ký. Trong đó sự hiểu nhầm có tác dụng gây rắc rối lớn nhất là các NV là ưu tiên xét tuyển, khi xét tuyển 1 ngành thì NV1 được ưu tiên xét tuyển trước, NV2 được xét tuyển sau.
Thực chất NV chỉ có tác dụng giúp trường ĐH chọn lại một ngành trúng tuyển khi thí sinh có thể trúng tuyển nhiều ngành chứ ưu tiên của NV không có tác dụng vào việc xét tuyển.
Nếu Bộ hạn chế mỗi thí sinh chỉ được phép chọn 1 ngành cho mỗi đợt xét tuyển như đã làm như trước đây thì sẽ không gây ra rối loạn như hiện nay.
Theo PGS – TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ (Báo Pháp luật TP.HCM)
Theo Dantri
Thấp thỏm vì điểm xét tuyển tăng từng ngày
Dù chưa vào cao điểm xét tuyển nhưng tình hình thí sinh rút hồ sơ sang trường khác khá nhộn nhịp.
Sáng 10-8, khoảng 1.000 thí sinh (TS) xếp hàng dài chờ nộp và rút hồ sơ xét tuyển vào ĐH Công nghiệp TP.HCM. Nhiều TS cho biết sau nửa chặng đường xét tuyển vào trường này, TS đã cơ bản nắm được thứ hạng của mình trong bảng xếp hạng để quyết định tiếp tục tham gia cuộc đua xét tuyển hay rút hồ sơ chuyển sang trường khác.
"Thứ hạng của em mỗi ngày rớt cả trăm bậc"
TS Nguyễn Thanh Nhàn có điểm thi khá cao (19,25 điểm) so với các TS cùng xét tuyển vào ngành quản trị nhà hàng và kỹ thuật chế biến nhưng vẫn lo: "Em nhà ở Bình Phước, về TP.HCM từ hai ngày nay ở nhờ nhà bà con. Em quyết định thay đổi nguyện vọng sang ngành ngôn ngữ Anh vì hy vọng cao hơn".
Cũng tâm trạng bất an, TS Đặng Chí Cường cho biết: "Điểm thi của em là 18, nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành công nghệ kỹ thuật ô tô. Tuy nhiên, sau khi hai lần trường cập nhật dữ liệu thì điểm xét tuyển ngành này đẩy lên 18,75 nên em phải rút ra để nộp vào Trường ĐH Trần Đại Nghĩa". Cường cho hay số TS nộp vào ngành này có điểm dao động 19-20 điểm, trong khi chỉ tiêu là 450 nhưng đến thời điểm này số hồ sơ nộp vào đã gần đầy.
Tương tự, TS Lê Trọng Nghĩa cho biết điểm thi của em là 17,25, xét tuyển vào ngành kỹ thuật điện - điện tử. Chỉ tiêu của ngành này là 550, trong khi đó điểm của Nghĩa nằm trong tốp 600 nên tự động rút để tìm đường sang trường khác. "Gần như ngày nào em cũng vào website của trường để xem vị trí của mình nằm ở thứ hạng nào. Cứ mỗi lần kiểm tra thấy thứ hạng của mình tụt vài chục, thậm chí cả trăm bậc" - Nghĩa nói.
Thí sinh rút hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Công nghiệp sáng 10-8. Ảnh: P.ĐIỀN
Dự kiến điểm xét tuyển sẽ cao lên
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp TP.HCM, đánh giá: Cuộc đua xét tuyển vào trường đã lộ dần các thứ hạng khá rõ ràng. Theo ông Minh, ngay từ đầu tuần số TS rút hồ sơ khá đông. Tuy nhiên, một số ngành có chỉ tiêu khá cao như công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học đến thời điểm này vẫn chưa đủ chỉ tiêu. "Dự kiến những ngày tới sẽ có một lượng TS khá dồi dào từ ĐH Y Dược, ĐH Bách khoa có cùng nhóm ngành do thấy không an toàn sẽ đổ dồn về đây, sẽ đẩy điểm xét tuyển lên cao hơn do số TS này có điểm từ 20 trở lên" - ông Minh cho biết.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 5.300, tính đến ngày 10-8, trường đã nhận gần 4.000 hồ sơ xét tuyển. Dự kiến cuối tuần này số TS nộp vào sẽ tăng lên và bình quân mỗi ngày cũng có hàng chục TS rút hồ sơ do điểm thi thấp hơn các TS khác.
Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết đến nay số hồ sơ nộp vào trên 5.000, chưa phải là cao lắm, số hồ sơ nộp qua đường bưu điện cũng còn ít, có thể TS ở xa đang theo dõi thứ hạng điểm nên chưa vội nộp. "Dự kiến thời điểm gay cấn nộp hồ sơ xét tuyển diễn ra từ ngày 15 đến 17-8, lúc này mới thực sự diễn ra cuộc đua xét tuyển" - ông Thanh dự báo.
Theo ông Thanh, thông thường vào giai đoạn cuối cuộc đua xét tuyển nguyện vọng 1 sẽ có khoảng 3.000 TS có phổ điểm khá cao 20-23 từ các trường ĐH tốp trên như Bách khoa TP.HCM, Y Dược TP.HCM dịch chuyển sang ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Cũng trong giai đoạn nước rút này sẽ có hơn 1.000 hồ sơ nộp qua đường bưu điện đẩy cuộc đua xét tuyển lên cao trào gay gắt hơn.
Việc rút hồ sơ còn phiền hà
Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận có sự không công bằng với TS ở xa vì yêu cầu khi rút hồ sơ TS phải trực tiếp có mặt hoặc ủy quyền cho người khác, tuy nhiên không phải TS nào cũng có người thân để ủy quyền. Mặt khác, cách xét tuyển năm nay nói là cập nhật phần mềm, đăng ký trực tuyến nhưng đây vẫn là cách làm thủ công, chưa thuận lợi lắm cho TS. "Vì khi làm các thủ tục, TS phải có mặt chứ không phải chỉ cần ở xa kích hoạt qua tài khoản như chơi chứng khoán" - ông Thanh nói.
Theo Pháp luật TP.HCM
Đại học "bội thu", cao đẳng lo "ế" Biết điểm thi rồi mới nộp hồ sơ xét tuyển đã giúp thí sinh chủ động hơn trong việc chọn trường, và theo các chuyên gia giáo dục thì năm nay thí sinh có nhiều cơ hội đỗ đại học hơn. Tuy nhiên điều này cũng khiến việc "phân hóa" chất lượng thí sinh giữa các trường top trên, top dưới, giữa đại...