Hai người đột quỵ nhập viện trước khi Bạch Mai cách ly
Người đàn ông 40 tuổi, đột quỵ, được chuyển vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ 2 giờ trước khi có lệnh phong tỏa viện.
Ngày 28/3, bệnh nhân cấp cứu vào giờ thứ 4 kể từ khi có dấu hiệu đột quỵ, liệt nửa người, hôn mê, rối loạn ý thức, không nói được. Kết quả chụp CT phát hiện bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh trong bên trái và động mạch não bên trái.
“Đây là tổn thương lớn đối với não. Với những tổn thương lớn như thế này, bệnh nhân không được can thiệp kịp thời thì tỷ lệ tử vong rất cao, trường hợp còn sống cũng để lại di chứng rất nặng nề”, Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu, nói.
Bệnh nhân được các bác sĩ can thiệp kịp thời, dùng phương pháp luồn catheter vào nong chỗ tắc, dùng dụng cụ chuyên dụng lấy cục máu đông ra, tái thông mạch máu bị tắc.
Sau khi được can thiệp, bệnh nhân có tín hiệu phục hồi tương đối tốt, tình trạng liệt cải thiện dần, co được tay và nói trở lại.
Ngày 2/4, sau một tuần điều trị, bệnh nhân đã nói khá rõ và vận động được các động tác tinh vi hơn như cầm đũa, thìa…
Bác sĩ Chi (trái) hội chẩn một ca nặng ngay tại giường bệnh, ngày 2/4. Ảnh: Mai Thanh.
Video đang HOT
Bác sĩ Chi cho biết trước khi có lệnh phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân nặng ở tuyến dưới đã kịp thời được chuyển đến khoa Cấp cứu.
Một bệnh nhân khác cũng được chuyển đến A9 trước phong tỏa chỉ một giờ. Người này nhập viện trong tình trạng rất nặng, hôn mê sâu, xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình mạch não gây chảy máu vào khoang dưới nhện.
Các bác sĩ can thiệp bít túi phình vỡ. Bệnh nhân gặp biến cố là giãn não thất cấp và tăng áp lực động mạch sọ. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật để dẫn lưu não thất và bơm thuốc tiêu sợi huyết vào trong não thất để tiêu sợi huyết, điều trị tăng áp lực động mạch sọ. Đây là kỹ thuật khó, hiện nay ở Việt Nam chỉ ít cơ sở y tế triển khai được.
“Nếu chậm chỉ một giờ, bệnh viện phong tỏa, bệnh nhân không đến được Bạch Mai, không được phẫu thuật kịp thời thì sẽ phải chịu thiệt thòi rất lớn”, bác sĩ Chi nói.
Theo ông, dù Bạch Mai trong tình thế nào, với các bác sĩ, “về chuyên môn chúng tôi nghĩ không có giới hạn nào cả. Trong điều kiện nào thì người làm chuyên môn cũng đều nỗ lực để đạt kết quả cao nhất cho người bệnh”.
Hiện khoa Cấp cứu Bạch Mai điều trị 10 bệnh nhân nặng.
Trong cuộc họp trực tuyến với Bộ Y tế sáng 1/4, giới chức y tế thống nhất đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao của Bạch Mai sẽ tham gia hội chẩn từ xa với những ca bệnh khó.
“Nếu cơ sở y tế tuyến dưới không thể điều trị được bệnh nhân thì Bạch Mai sẵn sàng tiếp nhận theo đúng quy trình”, bác sĩ Chi nói.
Lê Nga – Chi Lê
Bệnh nhân đột quỵ não được cứu sống nhờ can thiệp sớm
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt một nửa người.
Bác sĩ xem phim chụp cho bệnh nhân N.V.T. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân N.V.T. (54 tuổi, ở Ninh Bình) nhập viện trong tình trạng liệt 1/2 người trái, được chẩn đoán ban đầu là tai biến mạch máu não.
Người nhà ông T. cho biết, ông có tiền sử bệnh lý hẹp van 2 lá, rung nhĩ, điều trị uống thuốc chống đông không thường xuyên. Trong ngày nhập viện, người bệnh đột ngột giảm ý thức và ngã xuống sàn nhà, được sơ cứu tại tuyến y tế cơ sở trước khi chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã chụp cắt lớp vi tính sọ não. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa bên phải. Ngay lập tức, người bệnh đã được can thiệp lấy huyết khối qua đường động mạch sau tai biến giờ thứ 6).
Chụp tắc động mạch não giữa đoạn M1 phải. Ảnh: BVCC
Sau can thiệp, bệnh nhân đã được cải thiện tình trạng liệt khá tốt và được tiếp tục điều trị nội khoa cũng như phục hồi chức năng sớm để hạn chế di chứng.
PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh ASEAN, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần Kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết: Đột quỵ nhồi máu não nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng tàn tật nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, là gắng nặng kinh tế cho gia đình người bệnh và toàn xã hội.
Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo: Nếu người bệnh có triệu chứng nghi ngờ đột quỵ não, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các di chứng nặng nề về sau.
Tái thông động mạch não giữa sau can thiệp lấy huyết khối. Ảnh: BVCC
Để nhận biết dấu hiện của đột quỵ, mọi người hãy nhớ tới 4 từ F.A.S.T - (Face): Gương mặt mất cân đối, hoặc méo xệ một bên miệng; (Arm): Kiểm tra tình trạng hiện yếu hoặc liệt tay, chân; (Speech): Ngôn ngữ bất thường; (Time): thời gian. Nếu xuất hiện các dấu hiệu trên, người bệnh cần khẩn trương gọi cấp cứu để các bác sĩ kịp thời can thiệp.
Theo viettimes
Bé 6 tuổi bị đột quỵ, cảnh báo căn bệnh không chừa người trẻ Bệnh nhi được đưa vào viện trong tình trạng liệt nửa người trái do đột quỵ não - căn bệnh rất hiếm gặp ở trẻ em. Trước đó, bệnh nhi Q. (6 tuổi) được đưa vào Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong tình trạng liệt nửa người trái, tay chân trái khó khăn trong cử động,...