Hai ‘người dơi’ trong giả thuyết nCoV lọt từ phòng thí nghiệm
Điền Tuấn Hoa và Thạch Chính Lệ, hai nhà khoa học nghiên cứu dơi Trung Quốc, được chú ý khi giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm nóng trở lại.
Trong video được cơ quan khoa học quốc gia và đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV công bố ngày 10/12/2019, các nhà nghiên cứu mặc trang phục bảo hộ từ đầu đến chân, trèo lên vách đá trong hang động, những chiếc đèn gắn trên đầu của họ phát ra ánh sáng màu xanh.
“Chúng tôi phải sống vài ngày trong hang”, Điền Tuấn Hoa, một trong những “thợ săn dơi”, nói trong video. “Không có tín hiệu điện thoại di động, không có nguồn tiếp tế. Thực sự đáng sợ”.
“Tôi có thể cảm nhận thấy nỗi sợ. Sợ lây nhiễm. Sợ bị lạc”, ông cho hay. “Nếu chúng tôi để hở da, da có thể thể dễ dàng tiếp xúc với phân dơi và chất bẩn, khá rủi ro”.
Nhà nghiên cứu Điền Tuấn Hoa thu thập mẫu dơi. Video: CCTV .
Video sau đó được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Đây là sản phẩm truyền thông chất lượng cao, được thiết kế để quảng bá nỗ lực nghiên cứu virus hàng đầu thế giới của Trung Quốc. Được phát sóng vào khoảng thời gian người dân Vũ Hán bắt đầu đến bệnh viện với các triệu chứng hô hấp bí ẩn, nó cũng cung cấp một cái nhìn hiếm có về điều kiện thực địa trước đại dịch.
Video ghi lại cảnh Điền và nhóm của ông từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Vũ Hán bắt dơi móng ngựa và dơi Pipistrelle trong hang động, đồng thời thu thập mẫu phân nhằm tìm kiếm các bệnh mới từ dơi và cơ sở để sản xuất vaccine mới. Mặc dù đã mặc đồ bảo hộ đầy đủ khi xử lý các lọ lấy mẫu, Điền nhấn mạnh cần phải thận trọng. “Lúc phát hiện các loại virus mới là lúc chúng tôi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất”, ông cho biết.
Video có lẽ còn đáng chú ý hơn vì những gì nó không tiết lộ. Không ai bên ngoài Trung Quốc biết các nhà nghiên cứu CDC Vũ Hán thu thập được kiến thức khoa học gì từ chuyến thám hiểm đó. Nhóm nghiên cứu không tiết lộ họ có tìm thấy virus nào không và nếu có thì là virus gì, ngay cả nơi chuyến thám hiểm diễn ra cũng không được công khai.
Theo báo cáo của WHO được công bố vào tháng ba, CDC Vũ Hán đã bác bỏ họ có bất kỳ hoạt động lưu trữ hoặc phòng thí nghiệm nào liên quan đến virus ở dơi trước khi bùng phát Covid-19, lập trường có vẻ không phù hợp với với lời kể của Điền rằng ông đã đến hàng chục hang dơi và nghiên cứu 300 loại vector virus.
Không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy mối liên hệ giữa nhóm của Điền hay nhóm chuyên gia về bệnh trên loài dơi tại Viện Virus học Vũ Hán với đại dịch Covid-19. Nhiều nhà khoa học cho rằng nCoV lây lan trong tự nhiên, truyền từ động vật sang người. Nhưng niềm tin đó phần lớn dựa trên nguồn gốc của các virus họ corona khác, chứ không phải những dữ liệu được biết đến về nCoV.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đạo các cơ quan tình báo Mỹ nỗ lực xác định nguồn gốc đại dịch, bao gồm việc liệu nó có bị rò rỉ “từ một tai nạn phòng thí nghiệm” hay không. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản bác rằng họ ủng hộ điều tra khoa học về câu hỏi này chứ không phải “cuộc điều tra do tình báo dẫn đầu có thể gây ra thế đối đầu”.
Giới chức Trung Quốc đã cho nhóm chuyên gia quốc tế của WHO tiếp cận thông tin hạn chế khi họ tới Vũ Hán điều tra nguồn gốc đại dịch hồi đầu năm. Các chuyên gia đến thăm chợ hải sản Hoa Nam liên quan đến các ca nhiễm nCoV đầu tiên, nhưng nó đã bị đóng cửa trong một năm và đã được dọn dẹp từ lâu. Chuyến thăm Viện Virus học Vũ Hán chỉ kéo dài ba giờ. Nhìn chung, họ phải tự hài lòng với dữ liệu phần lớn đã được các nhà khoa học Trung Quốc thu thập trước chuyến đi.
Các nhà điều tra Trung Quốc – WHO công bố báo cáo vào tháng ba, tập trung vào giả thuyết “virus truyền từ động vật sang người” và nói rằng giả thuyết virus bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán “rất khó xảy ra”. Nhóm chuyên gia còn đánh giá ý kiến cho rằng virus có thể đã được nhập khẩu vào Trung Quốc qua thực phẩm đông lạnh đáng được điều tra hơn. Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chỉ trích báo cáo này là “không đủ bao quát”, nói rằng vẫn cần điều tra thêm khả năng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm.
Một người khác cũng được chú ý là Thạch Chính Lệ , nhà nghiên cứu virus corona nổi tiếng được mệnh danh là “nữ người dơi” Trung Quốc. Bà đã xác định nhiều loại virus mới giống SARS trong những năm qua và đưa ra những cảnh báo về nguy cơ xảy ra đại dịch mới.
Phòng thí nghiệm của bà tại Viện Virus học Vũ Hán đã phát hiện và nghiên cứu những họ hàng gần nhất được biết đến của nCoV, mặc dù các nhà khoa học nhấn mạnh rằng cần nhiều thập kỷ tiến hóa tự nhiên để hai loại virus này “bắc cầu” với nhau.
Thạch Chính Lệ tại Viện Virus học Vũ Hán năm 2017. Ảnh: AFP .
Báo cáo của WHO cho biết bà Thạch đã nói với phái đoàn chuyên gia quốc tế rằng tất cả công việc thực địa đều được thực hiện với đầy đủ thiết bị bảo hộ, gồm khẩu trang N95, bộ đồ liền thân Tyvek, kính bảo hộ và găng tay. Nhưng trong một chương trình vào tháng 6/2018, Thạch nói rằng các nhân viên thực tế không làm vậy.
“Trong hầu hết trường hợp, chúng tôi mặc đồ bảo hộ đơn giản hơn, không sao cả”, bà nói và giải thích rằng hầu hết các bệnh ở dơi không thể lây nhiễm trực tiếp cho con người mà chỉ lây nhiễm qua động vật trung gian.
Để minh họa, bà chiếu cảnh nhóm của mình giăng lưới trong hang để bắt dơi và phân loại mẫu sau đó. Một số đeo khẩu trang phẫu thuật mỏng và găng tay cao su khi làm việc, trong khi những người khác không đeo khẩu trang và găng tay. “Chúng tôi sẽ tăng cường bảo hộ trong tình huống nào? Như khi có quá nhiều dơi trong hang và rất nhiều bụi khi bước vào”, bà nói.
Ngày 2/2/2020, sau khi Covid-19 bùng phát, Thạch đăng lên WeChat rằng bà “mang mạng mình ra thề” rằng phòng thí nghiệm của bà không liên quan đến đại dịch. Ba tháng sau, bà tiếp tục đăng bài bác bỏ tin đồn bà đã mang theo các hồ sơ tình báo, đào tẩu sang phương Tây.
Khi các câu hỏi về Viện Virus học Vũ Hán ngày càng gia tăng, Thạch viết một tuyên bố dài cho tạp chí Science vào tháng 7, nhấn mạnh rằng nCoV không thể nào xuất phát từ Viện Virus học Vũ Hán, vì đội ngũ của bà chưa từng gặp chủng này trong khi nghiên cứu và tất cả nhân viên đều âm tính với kháng thể nCoV. Thạch cho biết nhóm của bà “chưa từng tiếp xúc hoặc nghiên cứu loại virus này, cũng như không biết về sự tồn tại của nó” trước đại dịch.
Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng phòng thí nghiệm đã không thực hiện giải trình tự gene của tất cả mẫu họ có, vì những hạn chế về tài chính và nhân sự.
Những nghi ngờ về phòng thí nghiệm Vũ Hán tăng lên vào tháng một, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ có “lý do để tin” một số nhà nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán có các triệu chứng tương tự như Covid-19 vào mùa thu năm 2019. Wall Street Journal đưa tin vào tháng trước rằng ba nhà nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán đã bị ốm đến mức phải nhập viện với các triệu chứng “giống như Covid-19 hoặc cúm”. Giám đốc phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán sau đó gọi đây là “lời nói dối hoàn toàn”.
Trong khi đó, phòng thí nghiệm của CDC Vũ Hán ít được chú ý hơn. Báo cáo của nhóm chuyên gia WHO đề cập rằng ngày 2/12/2019, phòng thí nghiệm đã chuyển đến một địa điểm gần chợ Hoa Nam có liên quan đến các trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên. “Việc chuyển địa điểm có thể gây gián đoạn cho hoạt động của bất kỳ phòng thí nghiệm nào”, nhóm nghiên cứu viết. Tuy nhiên, phòng thí nghiệm không đề cập đến bất kỳ gián đoạn nào.
Điền là kỹ thuật trưởng bộ phận kiểm soát côn trùng của CDC Vũ Hán, nhưng ông nổi tiếng là một nhà thám hiểm, say mê khám phá loài dơi và côn trùng.
“Anh ấy thường đến những nơi người khác không thể tìm thấy để thu thập những mẫu mình cần”, đồng nghiệp Liu Jing cho biết trên truyền hình địa phương vào tháng 1/2020. “Anh ấy có thể nói khá tự tin rằng anh ấy thu được những thứ mà người khác không thể”.
Sử dụng lưới và bẫy, nhóm của Điền đã bắt được 155 con dơi ở Hồ Bắc và hàng trăm con ở các vùng khác trong một nghiên cứu năm 2013. Ông là thành viên của nhóm đã phát hiện ra 1.445 virus RNA mới ở động vật không xương sống, được công bố trên tạp chí Nature vào năm 2016.
CDC Vũ Hán từng tổ chức một cuộc họp nội bộ với tiêu đề “Học hỏi từ những thành tựu của Điền Tuấn Hoa”. “Không ai nhớ anh ấy đã leo lên bao nhiêu ngọn núi, đi qua bao nhiêu con sông, đã thám hiểm bao nhiêu hang dơi, đã cúi xuống bao nhiêu chuồng bò và chuồng lợn, đã đào bao nhiêu đống rác”, CDC viết. “Anh ấy yêu thích công việc đó”.
Điền cũng thừa nhận đôi khi có sự cố không an toàn. Năm 2017, Điền nói với tờ Wuhan Evening News rằng ông từng quên thiết bị bảo hộ cá nhân và bị nước tiểu dơi bắn vào người, khiến ông phải cách ly ở nhà trong hai tuần. Nhiều lần, máu dơi phun lên da khi ông cố gắng bắt chúng.
Ngày 3/2/2020, nhóm của Điền đăng một nghiên cứu lâm sàng sơ bộ về một bệnh nhân nhiễm nCoV ở Vũ Hán trên tạp chí Nature, trong đó chỉ ra dơi có thể là vật chủ.
Điền khá im ắng sau khi nCoV lây lan. Báo nhà nước Trung Quốc Health Times dẫn một nguồn tin giấu tên vào tháng 3/2020 cho biết Điền không nhiễm nCoV nhưng tinh thần rất kém vì những lời đồn đoán liệu ông có phải là bệnh nhân số 0 hay không. Tờ Health Times cho biết họ đã liên lạc với Điền qua điện thoại và ông từ chối trả lời câu hỏi. Điền đã không phát biểu công khai kể từ đó.
Việc này nêu bật thách thức các cuộc điều tra độc lập phải đối mặt: Nhiều người ở Vũ Hán có thể nắm giữ thông tin quan trọng đều im lặng, dù bị gây áp lực từ giới chức hay do lựa chọn cá nhân.
Điền đã tiếp tục nghiên cứu của mình trong khi không xuất hiện trước công chúng. Một bài báo mà ông đồng tác giả vào tháng 8/2020 thảo luận về sự đa dạng di truyền ở bọ ve. Bài báo vào tháng 11/2020 tập trung vào các gene kháng thuốc kháng sinh ở cá. Ông đã không nói hoặc công bố thêm bất cứ điều gì về dơi.
Những thanh niên Trung Quốc mê 'nằm thẳng'
"Nằm thẳng" là từ thịnh hành nhất trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây, chỉ những thanh niên chọn cách thoát khỏi văn hóa làm việc không ngừng.
Bất bình đẳng ngày càng lớn, sinh hoạt phí ngày càng cao, thành đạt theo quan niệm truyền thống ngày càng xa vời, một bộ phận thanh niên Trung Quốc chọn cách làm ít việc nhất có thể, ngược với khát vọng cống hiến cật lực mà cha mẹ họ từng dạy dỗ.
"Tang ping" (nằm thẳng), nổi lên như một xu hướng mới nhất trên Internet để diễn tả nỗi vất vả tìm việc khi phải cạnh tranh với hàng nghìn ứng viên, sống vất vưởng những ngày dài và sau đó là trả giá thuê nhà cắt cổ tại những thành phố đất chật người đông ở Trung Quốc.
Một người đàn ông ngả lưng trong khu trưng bày ở một trung tâm thương mại Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone
Sau 4 tháng ròng rã tìm việc, Wang, 24 tuổi, nhận ra mình muốn "nằm thẳng" khi biết người bạn cùng lớp đại học được thừa hưởng công việc kinh doanh của gia đình.
"Gửi hồ sơ xin việc giống như mò kim đáy bể", Wang, một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, nói. "Ta bị xã hội đánh cho tơi tả, chỉ muốn một cuộc đời thoải mái hơn. Nằm thẳng không có nghĩa là chờ chết. Tôi vẫn làm việc, nhưng không cố sống cố chết vì công việc".
Thông qua mạng xã hội, giới trẻ Trung Quốc gần như tuần nào cũng tìm ra những thuật ngữ mới, ảnh chế mới, hay nhân vật phản anh hùng mới, để diễn đạt tâm trạng của chính mình.
Thuật ngữ "nằm thẳng" xuất hiện từ một bài đăng trên diễn đàn Tieba của Trung Quốc, sau khi một người ẩn danh viết rằng "nằm thẳng là hành động khôn ngoan bây giờ".
Một cuộc tranh luận về ý nghĩa của từ này thu hút hàng trăm triệu lượt truy cập trên Weibo, trong khi thuật ngữ này làm dấy lên chỉ trích từ giới học thuật và truyền thông nhà nước.
Với Lin, một nhân viên ngành nhân sự 24 tuổi, "nằm thẳng" đã nắm bắt đúng tâm trạng "một thanh niên không thể trở thành người chiến thắng, những người mua được xe, sắm được nhà, kết hôn và sinh con".
"Vì vậy, họ chọn cách hạ thấp mục tiêu, giảm khát vọng", cô nói thêm.
Những người khác lại ca ngợi khái niệm này là "ngộ ra mục tiêu vừa sức mình", trong khi vẫn có thời gian tận hưởng cuộc sống.
"Thật tuyệt vời nếu nhu cầu cơ bản vẫn đáp ứng được mà cuộc sống lại thoải mái hơn phải không?" Lucy Lu, 47 tuổi, làm nghề tự do, nói.
Năm ngoái, từ thông dụng trên mạng Internet Trung Quốc là "nội quyển", chỉ vòng xoáy áp lực cuộc sống từ việc làm ngày làm đêm không nghỉ, cạnh tranh vô nghĩa giữa đồng nghiệp nơi công sở, nổi lên qua hình ảnh một sinh viên đại học Thanh Hoa vừa đạp xe vừa dùng máy tính xách tay.
Bây giờ, nó là một phần của ngôn ngữ đời thường, bao phủ mọi tầng lớp của cuộc sống hiện đại, đặc biệt tại những thành phố lớn đầy cạnh tranh. Mức lương trung bình cho sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc là 1.000 USD/tháng, nhưng tiền thuê nhà ở Bắc Kinh có thể chiếm quá nửa.
Tâm trạng vỡ mộng được diễn tả bằng thuật ngữ "Tang" (tang tóc), nói về cảm giác thất bại tự ti của thế hệ 9x. Nó ngày càng phổ biến khi thế hệ trẻ cho rằng có rào cản vô hình ngăn họ nâng cao vị trí xã hội, theo K Cohen Tan, học giả tại Đại học Nottingham Ninh Ba, Trung Quốc.
Biểu tượng ban đầu của văn hóa Tang là hình ảnh chú ếch Pepe, nhân vật có đôi mắt u buồn. Tới tháng 4, một thành viên ban nhạc nam trong chương trình truyền hình thực tế trở thành biểu tượng mới của Tang.
Một người đàn ông ngồi trước áp phích ếch Pepe trong một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh hôm 29/5. Ảnh: AFP
Russian Vladislav Ivanov, thanh niên 27 tuổi người Nga, tình cờ tham gia chương trình truyền hình thực tế và và lọt vào vòng cuối đã cầu xin người hâm mộ đừng bỏ phiếu cho mình. Ivanov muốn rời chương trình nhưng không muốn vi phạm hợp đồng, nên anh đã cố tình trình diễn thật tệ, xin người hâm mộ "Đừng yêu quý tôi, sẽ không có kết quả nào đâu".
Nhưng hình ảnh mà Ivanov thể hiện trên truyền hình lại bộc lộ rất rõ cảm giác về một nô lệ làm việc, mang tới cho anh sự nổi tiếng và ủng hộ.
Học giả Tan nhận định tâm trạng bất ổn trong giới trẻ thành thị liên quan mật thiết tới việc tìm kiếm giá trị sống. "Sự khác biệt nằm ở chỗ một người có cảm thấy họ phù hợp với cách xã hội vận hành bằng cách tạo ra giá trị cho người khác hay không", ông nói.
"Nằm thẳng" dường như đi ngược lại với tôn chỉ về một xã hội năng động mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra, khi ông luôn kêu gọi "xắn tay áo lên làm việc chăm chỉ".
Hàm nghĩa của chủ nghĩa thất bại hay chủ nghĩa dễ bảo cũng mâu thuẫn với các giá trị thế hệ tại một đất nước mà những người lớn tuổi đã trải qua nghèo đói, hỗn loạn, luôn cố gắng để tiến thân trên nấc thang xã hội.
Khái niệm "nằm thẳng" là "thái độ cực kỳ vô trách nhiệm, không chỉ khiến cha mẹ thất vọng, mà còn khiến hàng trăm, hàng triệu người nộp thuế thất vọng", theo Li Fengliang, giáo sư đại học Thanh Hoa. Ông cho rằng người ta vẫn có thể nâng cao vị trí xã hội của mình thông qua cạnh tranh.
Một video chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy Bai Yansong, một người dẫn chương trình nổi tiếng Trung Quốc, đặt câu hỏi phải chăng thanh niên chỉ muốn "giá nhà thật thấp, việc làm luôn sẵn, không có áp lực".
"Khẳng định là không, đúng không?" ông nói.
Còn Xinhua, hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc, chỉ trích văn hóa "nằm thẳng" bằng video về một nhà khoa học "từ chối nằm thẳng" khi vẫn làm việc 12 giờ một ngày ở tuổi 86.
Trung Quốc soạn thư bác giả thuyết nCoV lọt từ phòng thí nghiệm Các nhà khoa học Trung Quốc trong và ngoài nước đang soạn thư gửi tạp chí Science để bác bỏ giả thuyết nCoV lọt từ phòng thí nghiệm. Global Times, tờ báo thuộc Peoples Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 31/5 cho biết các nhà dịch tễ học, chuyên gia khoa học nổi tiếng Trung Quốc đang...