Hai người bị ngộ độc nặng khi uống rượu ngâm củ ấu tàu
Sau khi uống rượu ngâm củ ấu tàu, hai bệnh nhân Đoàn Đình L. và Trần Ngọc T. (xã Tràng Đà – TP Tuyên Quang) xuất hiện tình trạng chân tay lạnh toát, vã mồ hôi, lơ mơ, da tái nhợt rồi nôn, hoa mắt chóng mặt… được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Bác sĩ Chuyên khoa II Đào Ngọc Việt, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, hai bệnh nhân đến viện trong tình trạng ngộ độc rượu nguy hiểm, huyết áp tụt, mạch nhanh nhỏ khó bắt, có cơn ngừng thở nguy hiểm.
Bệnh nhân ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu đang được theo dõi tại BV Đa khoa Tuyên Quang.
Ngay sau khi khai thác bệnh nhân uống rượu ngâm củ ấu tàu, các bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, dùng thuốc chống loạn nhịp, sốc điện cấp cứu, bù dịch, dùng thuốc vận mạch…
“Bệnh nhân ngộ độc sau uống rượu ngâm củ ấu tàu. Đến nay sau khi cấp cứu, hồi sức và điều trị tích cực, cả hai bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch”, BS Việt thông tin.
BS Việt cho biết, củ ấu tẩu (hay còn gọi là củ ấu tàu), là rễ củ của cây Ô đầu, được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A. Theo đông y, củ ấu tàu thường được dùng làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi. Tuy nhiên, trong thành phần của nó chứa aconitin là một chất rất độc nên uống phải rất nguy hiểm.
Video đang HOT
Củ ấu tàu rất độc, vì thế người dân không nên tùy tiện ngâm uống.
Trong trường hợp uống rượu ngâm củ ấu tàu hoặc bệnh nhân tự ý dùng thuốc có chứa aconitin… aconitin ngấm rất nhanh qua da và niêm mạc dạ dày, ruột để vào máu gây nên các triệu chứng: đầu tiên là các rối loạn cảm giác tại chỗ, cảm giác kiến bò ở lưỡi rồi mất hết cảm giác dẫn tới tê môi, lưỡi, họng và mặt, đôi khi gây cảm giác như đầu to ra; các chi cũng có thể mất cảm giác.
Ngoài ra, các triệu chứng khác thường gặp là người bệnh thấy lo sợ, khó chịu, buồn bã chân tay, tiếp theo là các rối loạn thần kinh thực vật: buồn nôn, nôn mửa, vã mồ hôi, chảy nước dãi, co giật thớ cơ, có thể ngất, hạ thân nhiệt. Rối loạn hô hấp: khó thở, nhịp thở chậm, tình trạng tăng tiết gây ứ đọng khí phế quản, ngừng thở. Rối loạn nhịp tim là triệu chứng hay gặp và thường nặng, có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách.
Bệnh nhân Đoàn Đình L. cho biết, bình rượu ấu tàu của gia đình đã được ngâm được hơn 1 năm, khi ăn sáng, đã cùng một người bạn lấy rượu củ ấu tàu ra uống. Sau khi uống được khoảng 15 phút bắt đầu cảm thấy tê lưỡi, nóng mặt, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, đau đầu dữ dội, đau bụng, tức ngực, khó thở nên được người nhà đưa đi cấp cứu.
Các bác sĩ khuyến cáo, vì củ ấu tàu rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng. Tuyệt đối không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách chế biến để loại bỏ độc tố. Tuyệt đối không được uống rượu ngâm củ ấu tàu, sẽ bị ngộ độc dẫn đến tử vong.
Các loại rượu ngâm ấu tàu dùng để xoa bóp phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.
Trong trường hợp có người ngộ độc ấu tàu cần nhanh chóng xử trí cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân bằng cách gây nôn ngay, sau đó nhanh chóng đưa tới bệnh viện (nơi có khả năng cấp cứu, chống độc hoặc trung tâm chống độc) để xử trí kịp thời điều trị. Tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà tự theo dõi và điều trị, bệnh nhân có thể tử vong nhanh do suy hô hấp hoặc loạn nhịp tim.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cảnh báo năm nào cơ quan này cũng nhận được báo cáo các ca ngộ độc, tử vong vì rượu ngâm. Người dân có xu hướng người dân lạm dụng các loại dược liệu không rõ nguồn gốc, không được chứng minh rõ ràng về công dụng. Thậm chí có ca ngộ độc rượu ngâm dược liệu, kết quả kiểm nghiệm còn phát hiện cả lá ngón lẫn trong dược liệu trôi nổi này.
Ông Phong cũng bày tỏ, ông không hiểu nổi xu hướng của một bộ phận người dân, cứ nghe ai nói con vật gì, nội tạng động vật, loại cây cỏ nào có công dụng bổ dưỡng, hay bổ dương, trị bệnh là đem nguyên con, nguyên cây, nguyên củ thả vào rượu ngâm rồi uống, từ rắn, rết, bò cạp, bìm bịp, các loại cỏ cây hoa lá đến hoa thuốc phiện. Thậm chí cả những loại không hề có bằng chứng khoa học nhưng người dân vẫn nghĩ bổ và uống, không bổ ngang cũng bổ dọc.
“Điều này rất nguy hiểm, thực tế đã gây nên các ca tử vong vì rượu ngâm.Vì thế, người dân nên thận trọng, không nên ngâm rượu bừa bãi uống rất nguy hiểm”, ông Phong khuyến cáo.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Ngã vào vỉa ba toa, cháu bé bị hôn mê sâu
Chiều ngày 04/1/2019, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Chí L., 12 tuổi, trú tại tổ 9, P. Minh Xuân, TP Tuyên Quang nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, thở ngáp, có cơn ngừng thở, tim đập rời rạc, da tái nhợt...
Bệnh nhi đang được bác sĩ cấp cứu.
Bác sỹ CKII Đào Ngọc Việt, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết: Ngay khi nhập viện, bệnh nhi đã được cấp cứu hồi sinh tim phổi: Bóp bóng Oxy 100% qua ống nội khí quản, ép tim ngoài lồng ngực... Đồng thời, làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết ngay tại giường bệnh: Định nhóm máu, xét nghiệm công thức máu, siêu âm màng tim, siêu âm màng phổi, truyền máu, truyền dịch...Khoa Cấp cứu đã mời Giám đốc Bệnh viện và Bác sỹ phẫu thuật lồng ngực khoa Ngoại Tổng hợp của Bệnh viện để hội chẩn. Bệnh nhi được chẩn đoán sốc mất máu nặng, chấn thương ngực kín, gãy xương sườn, tràn dịch màng phổi phải. Bệnh nhân được quyết định chuyển khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức để mổ cấp cứu ngay.
Bác sỹ Vương Ngọc Chắt, khoa Ngoại Tổng hợp chia sẻ: Bệnh nhi Nguyễn Chí L. bị rách, đứt động mạch liên thùy trên và giữa phổi phải, ra máu thành tia, gây sốc mất máu nặng. Kíp mổ đã phẫu thuật khâu thắt động mạch bị rách, đứt để cầm máu, khâu phục hồi nhu mô phổi bị rách, khâu phục hồi thành ngực theo bình diện giải phẫu. Trong 2 tiếng phẫu thuật, kíp mổ vừa mổ, vừa hồi sức tích cực, dùng thuốc vận mạch và truyền 4 đơn vị máu cho bệnh nhi.
Qua tìm hiểu, gia đình bệnh nhi cho biết: bệnh nhi trên đường đi học đã tự ngã đập ngực vào vỉa ba toa, được người xung quanh phát hiện và liên hệ với gia đình để đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Đây là một ca tổn thương phức tạp, mất máu nặng, đã được các Bác sỹ, Điều dưỡng, Kỹ thuật viên của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu nhanh chóng, kịp thời và phẫu thuật thành công. Hiện tại, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân ổn định, tiếp tục được điều trị và theo dõi tại khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức của Bệnh viện.
Theo infonet
Ngộ độc rượu nguy hiểm thế nào? Trong những ngày nghỉ lễ dài, nguy cơ ngộ độc rượu tăng cao ở các buổi tiệc liên hoan, họp mặt gia đình. Nếu không kịp thời cứu chữa, rượu có thể gây bất tỉnh, thậm chí tử vong. Rượu là chất độc và có thể gây hậu quả chết người. Cơ thể bạn chỉ có thể xử lý một đơn vị rượu...