Hai ngày mưa lũ ở Bắc Bộ: 12 người thương vong, trên 3.500 nhà bị ngập, đổ
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết: Mưa lũ từ ngày 1/8 đến 19h ngày 2/8 tại các tỉnh Bắc Bộ đã làm 12 người thương vong.
Sáng nay, 3/8, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết: Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, mưa lũ từ ngày 1/8 đến 19h ngày 2/8 đã làm 6 người chết (Lai Châu 2 người, Lạng Sơn 2 người, Sơn La 1 người, Bắc Giang 1 người); 6 người bị thương (iện Biên 4 người, Lào Cai 2 người).
Mưa lũ cũng làm hơn 3.500 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập nước; 8776,2 ha lúa và 852 ha hoa màu bị ngập, thiệt hại; gần 11.600 gia súc, gia cầm bị chết; 10.871m kênh mương bị thiệt hại; 88 công trình thủy lợi nhỏ bị hư hỏng; đặc biệt là đoạn từ K56 900-K56 930 đê hữu Cầu thuộc địa phận xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, xảy ra sự cố sạt lở mái đê phía sông, vị trí sạt lở sát mép mặt đê, chiều sâu cung sạt từ 60-100cm, chiều dài cung sạt khoảng 30m. Về giao thông có nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng với tổng khối lượng lên tới 138.315 m3, 12 cầu tạm bị cuốn trôi…
TP. Uông Bí – Quảng Ninh bị ngập nặng. Ảnh:TTXVN
Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1257/CĐ-TTg ngày 2/8/2015 chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và các Bộ ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, lũ. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo các lực lượng quân đội hỗ trợ các tỉnh trong công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với mưa, lũ. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ và kịp thời thông báo tình hình mưa lũ đến Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố; đồng thời đôn đốc các tỉnh thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai.
Mực nước các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang hiện cao hơn mực nước cho phép quy định trong thời kỳ; lưu lượng về các hồ đã giảm tuy vẫn còn lớn hơn lưu lượng xả phát điện. Theo kết quả tính toán của các đơn vị tư vấn và nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong những ngày tới mực nước các hồ sẽ tiếp tục lên chậm. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp với các đơn vị tư vấn, căn cứ vào nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Văn phòng đã có Báo cáo số 62 ngày 3/8 báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai về phương án điều tiết các hồ chứa, trước mắt tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình tùy theo diễn biến thực tế sẽ có các quyết định phù hợp, kịp thời.
Video đang HOT
Lực lượng quân đội được huy động ứng cứu người dân ở Uông Bí – Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN
Hiện nay, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ và chủ động các biện pháp ứng phó theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai; triển khai biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, xử lý sự cố đê điều.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong ngày và đêm 3/8, ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng. Riêng khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng, Bắc Giang và Tây Bắc sẽ có tổng lượng mưa 50-100mm. Từ ngày 4/8, nhiều khả năng mưa ở Bắc Bộ sẽ giảm nhanh. Lũ trên sông Lục Nam tại Lục Nam dao động ở mức đỉnh và xuống chậm. Lũ trên các sông Thương, sông Cầu và sông Thao tiếp tục lên. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối; ngập lụt đô thị. Cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 2.
Theo Thanh Tuấn (TTXVN)
"Đồi nhân tạo" gây ra cảnh ngập lụt ở Quảng Ninh?
Chuyên gia khí tượng thủy văn cho rằng, tại Quảng Ninh có nhiều bãi thải đất, đá, than lớn tạo lên những "quả đồi nhân tạo"; chúng có độ kết dính kém, gặp mưa lớn rất dễ bị sạt lở. Khi sạt lở, đất, đá... đó chặn các dòng chảy dẫn đến ngập lụt kéo dài.
Những ngày qua tại Quảng Ninh xuất hiện mưa rất lớn, có nơi đo được trên 1.000mm, gây ra cảnh ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, tập trung chủ yếu ở các huyện và thành phố ven biển. Trận ngập lụt kinh hoàng này đã làm 17 người chết, nhiều người bị thương và hàng nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm trong "biển nước".
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh tìm kiếm 2 nạn nhân trong vụ sập nhà tại phường Bãi Cháy (ảnh: Tuấn Hợp)
Nhiều người thắc mắc, những vùng ngập úng của tỉnh Quảng Ninh như trên đã nói chủ yếu ở ven biển, lẽ ra khả năng thoát lũ ra biển rất thuận lợi, nhưng tại sao lại có tình trạng ngập lụt lâu đến như vậy. Để lý giải vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Bùi Minh Tăng - nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (hiện ông vẫn phối hợp với trung tâm này để thực hiện công việc dự báo khí tượng).
Tiến sỹ Bùi Minh Tăng trong một cuộc họp báo tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (ảnh: Nguyễn Dương)
Mấy ngày qua do mưa lớn, một số nơi ở Quảng Ninh đã xảy ra tình trạng ngập úng kéo dài. Nhiều người thắc mắc, khu vực này nằm gần biển thì khả năng thoát lũ rất nhanh. Vậy tại sao lại có tình trạng như vừa qua, thưa ông?
Các vùng trọng điểm kinh tế của Quảng Ninh chủ yếu tập trung ở ven biển từ Móng Cái cho đến Bãi Cháy. Những vùng này địa hình rất phức tạp. Ở các vùng mỏ có rất nhiều điều khác thường, có các moong mỏ sâu, các bãi thải rất lớn, như là quả đồi nhân tạo. Quả đồi tự nhiên có độ kết dính bền vững, trong khi đồi nhân tạo do đào chỗ nọ đổ chỗ kia, độ kết dính rất yếu và gặp lượng mưa như thế, sạt lở là điều không thể tránh khỏi.
Có những moong nằm sâu dưới 50-60m so với mặt nước biển, có hàng chục mét là bùn và khi sạt lở, bùn, chất thải sẽ trộn lại, làm tắc hệ thống cống thoát, sông suối đổ ra biển. Vì vậy ngập ở đó kéo dài và gây thiệt hại nặng nề.
Được biết, trong đợt mưa lũ lần này, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã phát hiện sớm và đã đưa ra bản tin cảnh báo. Nhưng tại sao bà con nhân dân tỉnh Quảng Ninh có vẻ vẫn bị động trong vấn đề đối phó với sạt lở đất, lũ quét và bị thiệt hại nặng nề như vậy?
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã phát hiện ra hình thế gây mưa nguy hiểm từ ngày 21/7 và đã ra thông báo vào ngày 22/7. Đến chiều ngày 23/7, Bắc Bộ bắt đầu mưa. Chúng tôi trên này chỉ cảnh báo được vùng này có mưa lớn, chứ để chỉ ra cụ thể quả đồi, ngọn núi nào có nguy cơ sạt lở hoặc dòng sông, con suối nào có nguy cơ xảy ra lũ quét thì thực sự không làm được. Điều này chỉ có người dân địa phương nếu quan tâm, theo dõi và bằng kinh nghiệm mới biết được.
Nhưng lượng mưa rơi xuống cũng chỉ là điều kiện cần, chứ không phải là điều kiện đủ để xảy ra lũ quét và sạt lở đất. "Đủ" có nhiều thứ như phụ thuộc vào độ dốc, thảm thực vật, kết cấu đất đá vùng đó như thế nào nữa. Có những trận mưa chỉ 50-70mm cũng có thể xảy ra lũ quét, nhưng có những điểm mưa tới 200-300mm nhưng không làm sao, vì dòng nước không bị chặn nên không thể xảy ra lũ quét. Tôi lấy ví dụ, 1 con suối ở 1 xã nào đó dài khoảng 3-4km, bình thường không làm sao, nhưng bất ngờ có 1 cái cây nào đó đổ xuống, hoặc do con người chặt phá rừng dẫn đến cây đổ xuống, khi mưa xuống nó chặn dòng, sau đó dồn ứ lại và phá ra là nguy cơ xảy ra lũ quét ngay.
Trong phòng chống lũ quét, chính người dân ở địa phương đó mới biết nguy cơ của mình đến mức nào. Mỗi một địa phương cần thành lập 1 nhóm, khi người ta báo mưa thì nhóm này sẽ đi rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; chỗ nào tích nước rồi cần phá ra để khơi thông dòng chảy.
Trận mưa vừa qua có thể nói là trận mưa lớn lịch sử xảy ra ở tỉnh Quảng Ninh. Cá nhân ông đánh giá như nào về trận mưa này?
Có thể nói hình thế mưa đợt này là nguy hiểm. Nhưng rất may vùng thấp gây mưa lại nằm trọn trong Vịnh Bắc Bộ và phía tây chỉ "liếm" 1 chút vào ven biển Quảng Ninh. Chính vì vậy, Quảng Ninh phải hứng chịu chính đợt mưa này. Trong các ngày 26, 27,28/7, mưa tập trung ở các tỉnh ven biển của tỉnh Quảng Ninh. Lượng mưa đo được từ 500-800mm, có nơi trên 1.000mm, lượng mưa này đã vượt số liệu quan trắc lịch sử của cơ quan khí tượng Quảng Ninh từ trước đến nay.
Trong lịch sử chúng tôi thống kê có 2 trận mưa lớn, nhưng lượng mưa vẫn kém hơn nhiều so với đợt mưa này ở Quảng Ninh. Năm 1986, mưa lớn từ ngày 19-24/7, lượng mưa đo được là 300-600mm. Năm 1978, mưa lớn cũng kéo dài 3 ngày trong tháng 7 nhưng cũng chỉ đạt 200-300mm.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dương (Thực hiện)
Theo Dantri
Vùng núi phía Bắc tiếp tục đối mặt nguy cơ lũ quét và sạt lở đất Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo từ ngày 29/7 đến 3/8, ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng, có nơi mưa rất to. Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc. Các tỉnh miền núi phía...