Hai năm Mỹ hồi sinh B-52 từ nghĩa địa
Mỹ mất gần hai năm để hồi sinh oanh tạc cơ B-52H số hiệu 60-034 nhằm thay thế một máy bay bị phá hủy trong tai nạn năm 2016.
Oanh tạc cơ B-52H số hiệu 60-034 mang biệt danh “Wise Guy” (Gã thông thái) hôm 14/12 thực hiện chuyến bay kéo dài 2,5 giờ gần căn cứ không quân Tinker, đánh dấu lần đầu chiếc B-52 này bay trong trạng thái thu càng kể từ khi được đưa vào niêm cất cách đây 12 năm. Đây là kết quả của quá trình hồi sinh ba giai đoạn được không quân Mỹ tiến hành trong gần hai năm qua.
Chiếc B-52H số hiệu 60-034 bay thử hôm 18/12. Video: Redhome Aviation .
Chiếc 60-034 được chế tạo từ năm 1960 và đưa tới nghĩa địa máy bay của Không đoàn Bảo dưỡng và Tái chế Hàng không (AMARG) số 309 tại căn cứ Davis Monthan, bang Arizona, để niêm cất vào năm 2008, sau khi hoạt động tổng cộng hơn 17.000 giờ.
Nó dự kiến bị rã xác để lấy linh kiện cho những oanh tạc cơ B-52H còn trong biên chế, nhưng không quân Mỹ quyết định hồi sinh 60-034 để thay thế một phi cơ cùng loại bị phá hủy khi cất cánh tại căn cứ Andersen hồi năm 2016. Đây là lần thứ hai không quân Mỹ thu hồi máy bay B-52 từ nghĩa địa để bảo đảm số lượng 76 oanh tạc cơ sẵn sàng chiến đấu theo yêu cầu của quốc hội.
Quá trình kiểm định cấu trúc thân bắt đầu từ tháng 12/2018, kết thúc 10 năm “đắp chiếu” tại nghĩa địa của chiếc B-52. Nhóm chuyên gia của nhà sản xuất Boeing và không quân Mỹ tiến hành những đánh giá về khả năng hồi sinh phi cơ. 13-20 binh sĩ tại AMARG sau đó phục hồi đặc tính kỹ thuật cơ bản để 60-034 có thể cất cánh và bay tới căn cứ không quân Barksdale ngày 14/5/2019, bước sang quá trình sửa chữa lớn.
“Có nhiều vết nứt ở càng đáp phía sau và phi cơ thiếu hai động cơ. Các ắc quy, ống dẫn và lốp cũng cần được thay thế”, đại tá Robert Burgess, người điều khiển chiếc B-52 từ nghĩa trang đến căn cứ Barkdale, cho hay.
Chiếc 60-034 hạ cánh xuống căn cứ Barksdale hồi tháng 5/2019. Ảnh: USAF .
Hệ thống thoát hiểm của máy bay cũng cần được đại tu, để tổ lái có thể rời máy bay một cách an toàn trong trường hợp khẩn cấp. “Mọi linh kiện để sửa chữa ghế phóng thoát hiểm đều được trút vào một cái xô dung tích 19 lít. Nó giống như chơi trò ghép hình”, thượng sĩ Greg Barnhill, thành viên nhóm phục chế chiếc B-52H, nói.
Sau khi hoàn tất sửa chữa sơ bộ, các kỹ thuật viên tiến hành hàng loạt thử nghiệm với động cơ, càng đáp, ống dẫn nhiên liệu và hệ thống thoát hiểm để chắc chắn chiếc B-52H có thể cất cánh. Chuyến bay đến căn cứ Barksdale được tiến hành bởi tổ lái ba người với tổng cộng hơn 10.000 giờ bay tích lũy trên dòng B-52. Họ bay ở độ cao nhỏ với tốc độ thấp và không thu càng trên toàn bộ hành trình dài hơn 1.600 km.
Giai đoạn hai kéo dài gần một năm kể từ khi máy bay hạ cánh an toàn xuống căn cứ Barksdale, với mục tiêu hồi phục khả năng vận hành cho phi cơ. Chiếc B-52H bay đến căn cứ không quân Tinker hôm 1/4/2020 để thực hiện đại tu lớn theo kế hoạch (PDM), giai đoạn cuối cùng trong quá trình hồi sinh phi cơ.
PDM được tiến hành sau 48 tháng vận hành với những chiếc B-52H thông thường. Máy bay gần như sẽ được tháo rời, từng bộ phận sẽ được kiểm tra và thay thế nếu có lỗi. Khi kết thúc PDM, phi cơ sẽ trải qua hàng loạt chuyến bay nghiệm thu và được gửi về đơn vị vận hành trong trạng thái gần như mới xuất xưởng.
Video được quay gần căn cứ Tinker tuần trước cho thấy chiếc 60-034 đã được khôi phục hoàn toàn và đang bay thử. Nếu đáp ứng các điều kiện vận hành, nó sẽ được sơn phủ và chuyển tới làm nhiệm vụ chiến đấu tại căn cứ Minot, khôi phục lại phi đội 76 chiếc B-52H của Mỹ.
Chiếc 60-034 bay thử hôm 18/12. Ảnh: Redhome Aviation .
Theo điều khoản Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) được Mỹ và Nga ký năm 2010, hai bên sẽ giới hạn số lượng hệ thống vũ khí hạt nhân trong biên chế mỗi nước. Mỹ quyết định duy trì tối đa 76 oanh tạc cơ B-52H và chỉ được tăng số lượng máy bay này nếu chấp nhận cắt giảm những vũ khí chiến lược khác như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III và Trident.
New START cũng cho phép hai nước duy trì số lượng lớn khí tài trong trạng thái niêm cất, nhằm thay thế những hệ thống bị hư hỏng do tai nạn. Không quân Mỹ có ít nhất 12 oanh tạc cơ B-52H được niêm cất trong trạng thái sẵn sàng cao nhất, có thể trở lại hoạt động ngay khi có yêu cầu.
Tiêm kích Nhật giám sát oanh tạc cơ Nga, Trung
Nhật điều tiêm kích F-15 giám sát oanh tạc cơ Tu-95MS Nga và H-6K Trung Quốc tuần tra chung trên vùng biển gần không phận.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 22/12 thông báo biên đội oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS và tiêm kích Su-35S đã tuần tra chung với 4 máy bay H-6K Trung Quốc suốt 10 tiếng trên không phận quốc tế ở biển Hoa Đông và biển Nhật Bản. Đây là lần thứ hai oanh tạc cơ Nga và Trung Quốc tuần tra chung từ tháng 7/2019 tới nay.
Chuyến tuần tra chung của oanh tạc cơ Nga, Trung Quốc hôm 22/12. Video: Bộ Quốc phòng Nga .
"Máy bay hai nước đều tuân thủ chặt chẽ luật pháp quốc tế. Hành động xâm phạm không phận nước khác đều không được chấp thuận. Cuộc diễn tập không nhằm vào một quốc gia nào, mà chỉ củng cố quan hệ đối tác Nga - Trung và mở rộng khả năng hiệp đồng giữa quân đội hai nước", thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga có đoạn viết.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã triển khai tiêm kích hạng nặng F-15 bám sát biên đội máy bay Nga và Trung Quốc, sau đó công bố ảnh chụp các phi cơ và đường bay của chúng. Máy bay các bên đều hành động chuyên nghiệp, không có hành động gây mất an toàn trên không.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 22/12 cũng điều động tiêm kích giám sát sau khi 19 máy bay Nga và Trung Quốc tiến vào vùng nhận diện phòng không của nước này.
Đường bay của oanh tạc cơ Nga, Trung Quốc hôm 22/12. Đồ họa: Bộ Quốc phòng Nhật Bản .
Quân đội Mỹ báo động, đề phòng Iran tập kích Quân đội Mỹ đang duy trì mức báo động cao tại Trung Đông, triển khai biên đội B-52H tuần tra nhằm đề phòng nguy cơ Iran tấn công. "Lầu Năm Góc đang giám sát chặt chẽ những dấu hiệu đáng lo ngại về hoạt động chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiềm tàng từ dân quân Iran tại Iraq. Quân đội Mỹ...