Hai mục tiêu của Anh khi điều tàu sân bay đến châu Á
Chuyên gia nhận định chuyến thăm châu Á của tàu sân bay Anh là một phần kế hoạch gia tăng tiếp cận và triển khai các lực lượng tiền phương trong tương lai.
Tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth ngày 23/5 rời cảng Portsmouth, dẫn đầu nhóm tác chiến CSG 21 cho chuyến hải trình hơn 26.000 hải lý từ Địa Trung Hải đến Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương.
Sứ mệnh kéo dài 8 tháng và đi qua hơn 40 nước sẽ bao gồm nhiều hoạt động thể hiện cam kết bảo vệ tự do và trật tự hàng hải quốc tế, trong đó có Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace đã ví HMS Queen Elizabeth là “tàu chiến, tàu mẹ, tàu do thám giám sát” và phương tiện đưa quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm của nước Anh vươn xa.
“Đợt triển khai được thiết kế để phát tín hiệu Anh cam kết ủng hộ ổn định khu vực và tiếp tục là nước châu Âu tiếp cận mạnh mẽ nhất với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sau đợt triển khai này, Anh sẽ duy trì nguồn lực tập trung tại một cứ điểm tiền phương, có khả năng là Singapore, và Lực lượng Tác chiến Ven bờ (LSF) đóng ở Ấn Độ Dương”, tiến sĩ Alessio Patalano, phó giáo sư cấp cao về quân sự – an ninh Đông Á và phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King’s College London, trả lời VnExpress.
Máy bay thủy quân lục chiến Mỹ và không quân hoàng gia Anh trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth vào ngày 20/5. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh.
Theo chuyên gia, việc bổ sung hiện diện an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã được giới chức Anh đề cập công khai thời gian qua. Lộ trình được phát triển với hai trục song song: gia tăng tiếp cận và triển khai lực lượng tiền phương.
Ở trục thứ nhất, Anh tăng cường các hoạt động thể hiện mong muốn tham gia trên toàn khu vực với đồng minh, đối tác và cả đối thủ cạnh tranh. “Anh cam kết sẽ hành động nhiều hơn, hiệu quả hơn và xây dựng các mối quan hệ vững chắc hơn. Chúng ta sẽ thấy thêm các hoạt động diễn tập, viếng thăm và giao thiệp. Trên thực tế, Việt Nam là một đối tác quan trọng mà Anh đang rất muốn tiếp cận ở góc độ an ninh”, ông chia sẻ.
Trục thứ hai, triển khai lực lượng tiền phương ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đã được tuyên bố trong báo cáo về chính sách an ninh, quốc phòng, phát triển và đối ngoại “Nước Anh Toàn cầu giữa kỷ nguyên cạnh tranh” vào tháng 3. Ý tưởng được tái khẳng định bởi Tham mưu trưởng Hải quân Tony Radakin tại Hội thảo Quyền lực Biển do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức tuần qua. Anh sẽ triển khai hai tàu tuần tra xa bờ (OPV) đến cơ sở tiền phương ở Singapore, đồng nghĩa sẽ hoạt động ngay tại Biển Đông. LSF đóng ở Ấn Độ Dương bao gồm tàu chiến và biệt kích hoàng gia. Hải quân Anh dự kiến triển khai thêm khinh hạm thế hệ mới Type-31 đến khu vực.
“Mức hiện diện và tiếp cận trên toàn khu vực sẽ được gia tăng đáng kể. Qua đó, Anh đảm bảo được tính liên tục về số phương án huy động, nhằm mở rộng và củng cố những hoạt động mang ý nghĩa quan trọng với đồng minh cũng như đối tác trong khu vực”, chuyên gia phân tích.
Patalano lưu ý Anh đang là nước có lực lượng quân sự nước ngoài hiện diện thường trực đông nhất ở Đông Nam Á, bao gồm căn cứ tại Brunei với khoảng 2.000 lính đặc nhiệm Gurkha và đơn vị hậu cần hải quân tại Singapore. Kể từ năm 2018, Anh cũng thường xuyên triển khai nhiều vũ khí, khí tài hải quân đến khu vực. Chuyến hải trình của HMS Queen Elizabeth là bước bồi đắp cho một tiến trình tăng cường hiện diện đã được khởi động trong hơn hai năm qua.
Video đang HOT
“Yếu tố thách thức là khả năng duy trì lực lượng, đặc biệt là những khí tài được triển khai tiền phương. Tuy nhiên, Anh đã có kinh nghiệm trong việc triển khai lực lượng tiền phương ở Trung Đông và đã trở lại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương từ năm 2018, chuẩn bị sẵn nền tảng nhằm đảm bảo nguồn lực duy trì lực lượng này”, chuyên gia nhận định.
F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ diễn tập phối hợp hoạt động với hải quân Anh trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth vào tháng 9/2020. Ảnh: USMC.
Giới quan sát có nhiều lo ngại về khả năng duy trì hiện diện tàu sân bay xa “sân nhà” của hải quân Anh. Theo Financial Times , giới chức quốc phòng Anh còn đang bí mật thảo luận ý tưởng gây tranh cãi – triển khai dài hạn tàu sân bay tại khu vực. Hải quân Anh đang chờ đưa vào biên chế tàu sân bay thứ hai là HMS Prince of Wales.
“Bạn có thể tạo ra hiện diện lâu dài ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương xoay quanh một trong các tàu sân bay, hợp sức cùng lực lượng đồng minh gồm Mỹ, Hàn Quốc và Australia. Chúng ta sẽ gặp áp lực về số lượng máy bay chiến đấu, nhưng không nhất thiết toàn bộ phi đoàn phải là máy bay Anh”, một quan chức quân đội Anh tiết lộ.
Curtis Scaparrotti, cựu chỉ huy lực lượng đồng minh NATO tại châu Âu, đánh giá việc Anh chuyển ưu tiên quốc phòng dần sang châu Á là diễn biến hữu ích cho cục diện hiện nay. Ông nhận định Trung Quốc sẽ không thể làm ngơ trước thực tế Anh đang tăng cường hiện diện, củng cố kinh nghiệm, đảm bảo tàu sân bay HMS Queen Elizabeth có thể hiệp đồng tác chiến và huy động khi cần.
“Băn khoăn duy nhất của tôi là liệu họ có thể duy trì điều này hay không”, Scaparrotti cho biết.
Tom Tugendhat, chủ tịch Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc của đảng Bảo thủ tại quốc hội Anh, đưa ra nhận định tương tự. Ông đánh giá chính sách “nghiêng” sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một ý tưởng đáng hoan nghênh “miễn là đảm bảo bền bỉ”. Tugendhat đồng thời c ảnh báo: “Nếu hoạt động này chỉ diễn ra một lần rồi thôi, nó không mang ý nghĩa nào cả. Đến nhanh rồi lại rút nhanh chỉ là một kiểu quảng bá nhược điểm”.
Tiến sĩ Patalano không hoàn toàn đồng tình với những quan điểm trên. Ông thừa nhận chuyến hải trình gián tiếp gửi thông điệp cảnh báo Trung Quốc rằng Anh quyết tâm bảo vệ những lợi ích cốt lõi quốc gia gồm tự do hàng hải và trật tự hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, quyết định điều động HMS Queen Elizabeth đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không nhằm gửi tín hiệu thù địch hay kiềm tỏa Trung Quốc, mà chủ yếu phô trương sức mạnh và gửi thông điệp hợp tác đến những nước đồng minh cùng đối tác trong khu vực.
Hai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales lần đầu di chuyển cùng nhau vào ngày 20/5. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh.
Chuyên gia quân sự Đông Á nhận định trụ cột an ninh của Anh vẫn nằm tại Đại Tây Dương. Nhóm tác chiến tàu sân bay do vậy sẽ hoạt động chủ yếu phía tây nước Anh. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa hải quân Anh sẽ không tham gia những lực lượng đa quốc gia. Việc tàu sân bay Anh được huy động luân phiên thay thế tàu sân bay Mỹ tại khu vực cũng là một phương án đáng chú ý. Dù tàu sân bay không là một thành tố của lực lượng tiền phương, chính phủ Anh thời gian qua không loại bỏ khả năng cho tàu tham gia những sứ mệnh quốc tế ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm đảm bảo ổn định tại khu vực.
“Đợt triển khai tàu sân bay đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là ví dụ điển hình cho tham vọng xây dựng lực lượng hải quân có khả năng phối hợp và hoán đổi với đồng minh. Đội tàu sẽ bao gồm cả vũ khí và khí tài Mỹ, khinh hạm từ Hà Lan. Anh cũng đang thảo luận với các đối tác trong khu vực hỗ trợ thêm vũ khí, khí tài cùng nguồn lực quân sự dựa trên nhu cầu và khả năng đáp ứng”, ông lưu ý.
Patalano cho rằng Anh chỉ “nghiêng” về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chứ không “xoay trục” vì nguồn lực hạn chế và vẫn dành sự tập trung chủ lực cho Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa họ sẽ không dành ra nguồn lực, nhân lực và năng lực cho những khu vực trọng yếu khác. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chính là một trong những nơi Anh cần hiện diện nhất vì khu vực đang nắm giữ lợi ích ngày một to lớn và quan trọng, đồng thời còn nhiều ràng buộc hiệp ước an ninh và đối tác kinh tế lớn đối với Anh.
“Có thể nói, quyết định triển khai tàu sân bay là thông điệp khẳng định Anh đã tái sinh cho vị thế toàn cầu, thể hiện mong muốn muốn lực lượng của mình kết hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác, sẵn sàng chủ động và tiếp cận khu vực nào đang xuất hiện những vấn đề quốc tế quan trọng”, ông chia sẻ.
Báo Trung Quốc coi thường tàu sân bay Anh, Ấn
Tờ Global Times cho rằng Anh, Ấn Độ triển khai tàu sân bay đến gần Trung Quốc chỉ là "chiêu trò chính trị" vì chúng còn nhiều lỗi kỹ thuật.
"Các vùng biển quanh Trung Quốc sẽ sớm tràn ngập hàng không mẫu hạm nước ngoài với mục tiêu đối phó Bắc Kinh. Anh dự kiến triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay đến tây Thái Bình Dương sớm nhất vào đầu năm 2021, còn Ấn Độ đang xem xét phát triển tàu sân bay thứ ba", Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trong bài xã luận đăng tối 1/12.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hồi tháng 11 thông báo tàu sân bay HMS Queen Elizabeth năm sau sẽ dẫn dầu nhóm tác chiến hải quân Anh và đồng minh hiện diện ở Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Đông Á trong "đợt triển khai tham vọng nhất suốt 20 năm". Lực lượng này dự kiến diễn tập cùng hải quân Mỹ và Nhật Bản tại chuỗi đảo Nansei, tây nam Nhật Bản.
HMS Queen Elizabeth tiếp nhận phi đoàn F-35B Mỹ ngoài khơi Anh hồi tháng 9. Ảnh: US Navy .
Tư lệnh hải quân Ấn Độ Karambir Singh đang thúc đẩy chính phủ đầu tư dự án tàu sân bay thứ ba với lượng giãn nước 65.000 tấn và trang bị máy phóng điện từ (EMALS). Chiến hạm này sẽ bổ sung lực lượng cho tàu INS Vikradimatya trong biên chế và tàu sân bay nội địa INS Vikrant đang chạy thử, nhằm "đối phó kế hoạch phát triển hạm đội 6 hàng không mẫu hạm của Trung Quốc".
"Các tàu sân bay Anh và Ấn Độ nhiều khả năng sẽ gặp vấn đề kỹ thuật, trong khi Trung Quốc đang sở hữu những tên lửa đạn đạo diệt hạm khiến tàu hàng không mẫu hạm Mỹ lo sợ. Điều này khiến các tàu sân bay Anh, Ấn Độ không có ảnh hưởng về mặt quân sự và chỉ là chiêu trò chính trị", bài viết có đoạn.
Chuyên gia quân sự Song Zhongping tại Hong Kong cho rằng HMS Queen Elizabeth chưa đạt khả năng chiến đấu đầy đủ, phi đoàn trên hạm cũng nó cũng chưa sẵn sàng làm nhiệm vụ.
HMS Queen Elizabeth là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử hải quân Anh, được đặt theo tên Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Tiêm kích Anh chưa triển khai làm nhiệm vụ trên tàu, số chiến đấu cơ F-35B trên tàu hiện nay thuộc biên chế Phi đoàn tiêm kích số 211 thủy quân lục chiến Mỹ. "Điều tàu sân bay chưa sẵn sàng chiến đấu đến tây Thái Bình Dương chỉ làm lộ những điểm yếu của nó", ông nhận xét.
Song cũng cho rằng Ấn Độ nên tập trung hoàn thành INS Vikrant, tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này, trước khi xem xét chế tạo chiếc thứ ba trong biên chế.
Chương trình đóng tàu INS Vikrant liên tục bị chậm kế hoạch và đội vốn. Quá trình thiết kế bắt đầu từ năm 1999, lễ khởi đóng diễn ra vào tháng 2/2009. Khung thân tàu rời xưởng cạn cuối năm 2011 và lễ hạ thủy được tổ chức sau đó gần hai năm. INS Vikrant dự kiến bắt đầu thử nghiệm trên biển từ tháng 1/2021 và có thể được bàn giao cho hải quân Ấn Độ vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2020. Dự án đã tiêu tốn gần 4 tỷ USD trong suốt 10 năm chế tạo.
"Ngành công nghiệp đóng tàu yếu kém của Ấn Độ khiến dự báo này mang tính lạc quan quá mức. Ngay cả khi được đưa vào biên chế, nó vẫn có thể đối mặt nhiều trục trặc kỹ thuật", Song nhận định.
INS Vikrant thử động cơ tại nhà máy hôm 30/11. Ảnh: Indian Navy .
Bài viết trên Global Times cho rằng Ấn Độ có thể phải dựa vào Mỹ để phát triển tàu sân bay thứ ba, trong đó ứng dụng nhiều công nghệ như lò phản ứng hạt nhân, EMALS và tiêm kích hạm. "Điều này chỉ khiến New Delhi ngày càng phụ thuộc Washington", Song nói thêm.
Các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo Anh và Ấn Độ cũng phải lo lắng về những hệ thống tên lửa đạn đạo diệt hạm, nhất là sau vụ thử hai quả đạn DF-21D và DF-26 nhằm vào mục tiêu di động trên Biển Đông để "răn đe tàu sân bay Mỹ". Tuy nhiên, họ cho rằng hai nước sẽ không định dùng tàu sân bay để đối đầu quân sự với Bắc Kinh.
"Họ chỉ muốn chứng tỏ sự hiện diện quân sự, năng lực tác chiến của các tàu sân bay không phải trọng tâm. Chúng có thể hỗ trợ hải quân Mỹ bằng cách tạo thành nhiều nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm, nhưng chủ lực vẫn sẽ là các tàu sân bay Mỹ", Song nhận xét.
Điều tàu sân bay đến Biển Đông, Anh thách thức Trung Quốc Anh thách thức tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc khi điều tàu sân bay tới Biển Đông, nhưng có thể gây căng thẳng ngoài ý muốn, theo chuyên gia. Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh hồi đầu tháng 5 rời cảng, chuẩn bị cho chuyến triển khai làm nhiệm vụ đầu tiên dài 28 tuần....